Đến với NTLS Liên Huyện Tân Trụ – Châu Thành – Long An. Lần này không phải đi xe ôm mà tôi may mắn gặp được đồng chí Thượng tá làm ở Bộ Công An (khu vực phía nam). Tình nguyện chở tôi đi, lòng khấp khởi sẽ gặp lại người quản trang Huỳnh Khiếu Phong – Anh là thương binh làm ở NTLS này từ những năm 2000. Nhưng đến nơi lại là 3 quản trang khác tiếp chúng tôi.
- Tôi hỏi: Anh Phong đâu?
- Thay mặt 3 người quản trang – anh Nguyễn Thành Trọng nói: Bác Phong mất cách đây 6 năm.
- Trời! Thế mà tôi không biết, tôi thẫn thờ nhớ lại người quản trang Phong, tuy mất một chân nhưng đi bằng nạng gỗ mà nhanh nhanh lắm. Anh Phong nhớ từng khu mộ, mỗi khu mộ có bao nhiêu liệt sỹ, anh không cần phải mở sổ – Chính vì có sự giúp đỡ của anh mà 2 lần trước tôi đã ghi chép xong gần 1000 liệt sỹ gửi thông tin về cả nước…..
Từ Hà Nội cháu Minh Châu gọi điện nhờ tôi xác minh lại LS Nguyễn Lương Châu, quê quán Sơn Đông – Hoài Đức – Hà Tây, tôi đi thẳng vào lô số 5, nhận ra LS Châu quê quán miền Bắc, hy sinh năm 1968, đơn vị KB. Vậy là đã trùng khớp theo giấy báo tử, tôi nhờ đồng chí Thượng tá an ninh chụp hình ngôi mộ rồi gửi zalo cho cháu Minh Châu, lại tiếp tục ghi chép 147 LS quê miền Bắc chỉ có tên 70 mộ và 77 mộ có họ tên nhưng chỉ đề miền Bắc.
Tới NTLS huyện Cần Đước xác định được gần 30 LS, NTLS Cần Giuộc gần 100 LS, NTLS Tp.Tân An 120 LS các liệt sĩ này trên bia mộ chỉ có tên.
Mục đích chuyến đi này là xác minh những môi ngộ chỉ có tên không quê quán. Tôi sẽ đánh máy chuyển về Hội gia đình LS Việt Nam để đăng.
Thời gian qua kênh thông tin của Hội HTGĐ LS VN đã có nhiều người xem – Tôi hỏi sao ông, bà, anh, chị, cháu biết tên tôi. Họ đều trả lời nhờ trang thông tin tri ân.
3h sáng hàng ngày như thường lệ tôi lại mở sổ ghi chép xem lại giấy báo tử các nơi gửi tới và thư tìm LS….Lá thư của bà Hà Thị Niệm đến nay đã 12 năm (2012-2024). Với nỗi niềm chua sót: Bố bà là Hà Văn Thàm, dân tộc Tày ở xóm Cốc Cai, Mai Long, Nguyên Bình vẫn chưa được cấp bằng Tổ Quốc Ghi Công. Nếu ai được đọc lá thư của bà sẽ không cầm được lòng thương từ lúc bố đi mới 2 tuổi nay đã 60 tuổi. Tôi gửi hình LS Hà Văn Kiên ở NTLS Dương Minh Châu và lá thư của bà đã được 2 tờ báo Quân đội nhân dân và Cựu chiến binh Việt Nam đăng tải. Gửi đến sở Thương Binh Xã Hội tỉnh Bắc Cạn và tỉnh Cao Bằng để xác minh đến nay vẫn chưa được giải quyết. Theo Ông Hà Thanh Tiệp làm ở văn phòng Uỷ Ban thị trấn Nguyên Bình – Cao Bằng, ông Tiệp cũng là người nhà của Bà Niệm kể rằng: “đây là câu chuyện đáng thương cho gia đình bà Niệm, bố đi bộ đội đóng quân ở Thái Nguyên 2 năm trước khi về phép để đi B. Khi về đến đầu xã nghe tin vợ ông có thêm đứa con gái nên ông đã quay lại đơn vị đổi tên Hà Văn Thàm thành Hà Văn Kiên thay cả tên xã, tên huyện của mình để vào Nam chiến đấu. Tôi hỏi ông Tiệp: “Bức thư được ông chắp bút theo lời kể của bà Niệm đã được chính quyền địa phương và các đoàn thể xác nhận lá thư ai oán liệu tôi đăng lên báo có được không?
- Được quá đi chứ, vì ông nội và mẹ của bà Niệm cũng đã mất từ lâu bây giờ chỉ mong đợi của bà Niệm là bố mình được công nhận là LS.
Bức thư tôi đã đánh máy theo đúng nguyên bản sẽ được đăng trong kỳ tới – nhưng có thể tạm gọi bức thư tìm bố của bà Niệm là bức thư xuyên qua 2 thế kỷ.
Lại lật mở hơn 100 bà mẹ VNAH mà tôi sưu tầm được – thành tích của các bà mẹ từ Bắc vào Nam từ miền trung lên Tây Nguyên ta mới thấy công lao các mẹ vô cùng to lớn mà đời sống giản dị chân thành: ngày 3/2/1967 nhà thơ Tố Hữu viết bài : “Chào xuân 67” đã được đài tiếng nói Việt Nam phát sóng…
Có ở đâu trên trái đất này
Người vẫn ngọt ngào qua muôn nỗi đắng cay
Việt Nam, ôi Tổ Quốc thương yêu!
Trong khổ đau người đẹp hơn nhiều
Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng
Nhẫn nại nuôi con suốt đời im lặng….
Thật vậy ở cái làng Nhân Lý nhỏ nhoi thời ấy người dân nghèo lắm nhất là những gia đình thiếu vắng người cha, người chồng là trụ cột: Gia đình bà Thức, bà Hoan, bà Nghinh, gia đình ông Se, đặc biệt là gia đình cụ Đào Thị Châu nghèo đến xác sơ (5 gia đình có chồng con bị giặc Pháp tàn sát – khi 5 Đảng viên chi bộ đang họp chúng ập đến bắt và giải ra đầu làng, đồng thời chúng kêu cả làng ra chứng kiến chúng bắn từng người một).
Những trang vàng chói lọi, bản anh hùng ca của dân tộc không chỉ viết bằng lòng quả cảm của những người con không tiếc máu xương cho độc lập, tự do mà phía sau đó còn được tiếp sức bởi sự hy sinh thầm lặng của các Bà mẹ VNAH, nơi tiền tuyến, nơi hậu phương không thể đong đếm được những nỗi đau phải gánh chịu, các mẹ là những tấm gương sáng ngời về đức hy sinh, sự sống quên mình hiến dâng cho dân tộc những người con anh hùng.
…. (Còn tiếp phần 3)
CCB- Hội HTGĐLSVN: ĐÀO THIỆN SÍNH – 0918793918