Trong thời đại thông tin đa dạng và phong phú như hiện nay, nhiều cán bộ, giảng viên, học viên Trường Sĩ quan Chính trị (SQCT) luôn dành tình cảm sâu sắc với Báo Quân đội nhân dân (QĐND).
Vào một ngày cuối thu, chúng tôi về thăm Trường SQCT. Xe lăn bánh trên đại lộ Thăng Long thênh thang, kết nối trung tâm Thủ đô Hà Nội với vùng xứ Đoài thơ mộng. Xa xa, phía cuối con đường, dãy núi Ba Vì vẽ một nét lờ mờ màu xanh xám, tô điểm bằng những tầng mây lãng đãng trên cao. Ngồi cạnh bên, Thiếu tướng Nguyễn Bá Thông, Phó chính ủy Trường SQCT chia sẻ với chúng tôi: “Những ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân luôn có “chỗ đứng” quan trọng trong các hoạt động của nhà trường. “Chỗ đứng” ấy không chỉ thể hiện qua việc Báo QĐND được trưng bày ở những vị trí trang trọng, dễ tiếp cận trong thư viện, phòng Hồ Chí Minh, mà còn được tin tưởng lựa chọn như “món ăn tinh thần” của cán bộ, giảng viên, học viên đang học tập, công tác tại trường”.
Để hiểu thêm lời vị tướng vừa tâm sự, điểm đầu tiên mà chúng tôi lựa chọn là thư viện, nơi được ví là “trái tim tri thức” của nhà trường. Con đường dẫn vào thư viện nổi bật với những khóm hoa hồng bạch, hồng phấn tinh khôi. Màu sắc của cỏ cây như tô điểm thêm hình ảnh tươi trẻ, tràn đầy năng lượng của những học viên áo xanh, cầu vai đỏ đang rảo bước qua lại trên lối vào thư viện.
Việc đọc Báo Quân đội nhân dân luôn được duy trì nền nếp ở Trường Sĩ quan Chính trị. |
Theo chân các học viên đến phòng báo, tạp chí, chúng tôi bước vào không gian tri thức được sắp xếp gọn gàng. Bố trí xung quanh tường là những tủ trưng bày báo, tạp chí mới được phát hành. Theo quan sát của chúng tôi, trong số 150 đầu báo, tạp chí được trưng bày, những ấn phẩm Báo QĐND có mặt trên một kệ riêng ngay chính diện lối ra vào, nơi các học viên có thể tiếp cận dễ dàng. Phía cửa ra vào, Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Hường, nhân viên quản lý phòng báo, tạp chí đang bận rộn với việc hướng dẫn học viên sắp đặt đúng vị trí sau khi đọc báo. Gạt vội những giọt mồ hôi trên trán, chị Hường cẩn thận vuốt lại tờ Báo QĐND gọn gàng, đúng nếp. Theo chị Hường, dù đã có giờ đọc báo tại đơn vị nhưng khi lên thư viện, nhiều học viên vẫn lựa chọn đọc các ấn phẩm Báo QĐND và có những trao đổi sôi nổi về các tác phẩm đăng trên báo.
Ngay liền kề phòng báo, tạp chí là phòng đọc điện tử, internet. Tại đây có thể bảo đảm khoảng 50 máy tính truy cập mạng cùng lúc. Dù số lượng độc giả đông nhưng không khí trong căn phòng yên tĩnh, chỉ đủ nghe thấy tiếng “lách cách” phát ra từ bàn phím máy tính. Trong căn phòng, chúng tôi dành sự chú ý đến một bạn đọc đặc biệt, đó là Ty So Thea, học viên Campuchia khóa 7 đang theo học tại nhà trường. So Thea là học viên năm thứ 4, dù “vốn liếng” tiếng Việt đã khá thông thạo nhưng anh vẫn lựa chọn đọc Báo QĐND điện tử phiên bản tiếng Khmer. Với So Thea, tìm đọc những bài viết trên báo có lợi ích trong việc cập nhật thông tin đa dạng để vận dụng vào học tập, công tác của bản thân. Ngoài ra, anh còn nhắc đến chuyên mục yêu thích là “Quan hệ Việt Nam-Campuchia”. Đây cũng là chuyên mục anh thường xuyên chia sẻ với người thân ở quê nhà về tình đoàn kết, hữu nghị của hai quốc gia.
Với Ty So Thea và nhiều học viên Việt Nam, để có được kỹ năng, phương pháp đọc Báo QĐND mang tính tích cực như vậy, một phần phải nhắc đến quá trình truyền thụ kinh nghiệm, đam mê thông qua giờ lên lớp của giáo viên. Thiếu tá Khuất Duy Tiến, giảng viên Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị là người trực tiếp lên lớp nội dung liên quan đến hoạt động thông báo chính trị-thời sự. Anh cho biết, để bài giảng sát với thực tiễn, anh thường lồng ghép sử dụng Báo QĐND làm nguồn tài liệu chính thức để học viên thực hành luyện tập. Anh Tiến cho rằng Báo QĐND không chỉ là cẩm nang thông tin thời sự, định hướng tư tưởng, chứa đựng nhiều thông tin, kiến thức về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại… phục vụ cho giảng dạy, mà còn cung cấp cho cán bộ, giáo viên phong cách sử dụng ngôn ngữ, hành văn chặt chẽ, linh hoạt.
Để chứng minh những gì mình vừa nói, Thiếu tá Khuất Duy Tiến giới thiệu với chúng tôi mô hình “Chi đoàn viết báo” của Chi đoàn cơ sở Khoa giáo viên từng được nhận bằng khen của thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm nay, mô hình “Chi đoàn viết báo” vừa tròn 10 tuổi. Nhiều hoạt động đã đi vào nền nếp, đặc biệt là trao đổi kinh nghiệm, phổ biến những tác phẩm hay được đăng tải trên Báo QĐND. Trong đó, việc lan tỏa thông tin, cách thức tổ chức viết bài cho chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” luôn được chi đoàn quan tâm chú trọng.
Rời Hòa Lạc, chúng tôi về với khu B Trường SQCT tại Bắc Ninh, nơi có điểm sáng hoạt động mô hình “Cặp báo thao trường” đang được nhân rộng tại Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8. Cùng với cờ, biển bảng cổ động, hình ảnh những học viên chia sẻ từng trang Báo QĐND trở nên quen thuộc trong giờ giải lao tại thao trường, bãi tập. Mô hình “Cặp báo thao trường” của Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 còn được phát huy, nhân rộng cả trong ngày nghỉ, giờ nghỉ. Qua trao đổi với Trung úy Lưu Trường Vũ, Chính trị viên phó Đại đội 22, Tiểu đoàn 8, chúng tôi được biết việc đọc Báo QĐND của đơn vị duy trì nền nếp nhưng cũng rất linh hoạt. Ngoài khung giờ cố định hằng ngày, Đại đội 22 còn tổ chức cho học viên mượn báo vào chiều thứ bảy và sáng chủ nhật.
Dưới hàng sấu già đứng tuổi, chúng tôi bắt gặp các học viên Đại đội 22 đang say sưa đọc Báo QĐND. Nhìn khung cảnh này, chúng tôi nhớ tới lời chia sẻ của Thiếu tướng Nguyễn Bá Thông, cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Trường SQCT luôn quý trọng, yêu mến Báo QĐND bởi tờ báo chiến sĩ đã góp phần nuôi dưỡng niềm tin, bản lĩnh chính trị, lập trường cách mạng và bồi đắp những giá trị chân-thiện-mỹ cho quân nhân. Không những vậy, đối với học viên nhà trường, việc đọc Báo QĐND còn góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị cho những SQCT tương lai.
(Theo QĐND)