Đến Lộc Ninh, ra cửa khẩu Bình Phước (cửa khẩu Hoa Lư) đi thêm 400 mét là đến đất bạn. Đó là cửa khẩu Arrivat – Huyện Snuol – tỉnh Karatiê. Tôi vào thăm tượng đài chiến thắng – một dấu son của quân đội nhân dân Việt Nam (trong tháng 03/1971 ta đã đánh bại cuộc hành quân “toàn thắng” do tướng Đỗ Cao Trí – quân lực Việt Nam cộng hòa cầm đầu). Ta đã tiêu diệt tại đây 11 tiểu đoàn với 800 quân lính, 16 xe tăng thiết giáp, 40 khẩu pháo – 54 xe vận tải, 11 xe chỉ huy, thu được rất nhiều quân tư trang, vũ khí đạn dược. Số còn lại sống sót hoảng sợ bỏ chạy vào rừng cao su chuồn về Việt Nam.
Cũng chính nơi đây là xã Chong Th Nu nằm trên quốc lộ 13, quân đội nhân dân Việt Nam đã xây dựng huấn luyện giúp bạn được 15 tiểu đoàn, vũ trang cách mạng giải phóng Campuchia (thời điểm từ tháng 3 đến tháng 11 năm 1978). Vẫn đi trên quốc lộ 13 gặp quốc lộ 7 rẽ trái là về Kong Pong Cham, đi thẳng là tới thị xã Karatiê nơi đây có tượng đài liệt sỹ tri ân người lính Việt Nam và Campuchia (thời kỳ đánh Pon Pol). Đi tiếp 125 km là tới đại bản doanh tiền phương quân khu 5 đóng ở đây. Nay đã được 2 nước xây dựng tượng đài chiến thắng quân tình nguyện Việt Nam với diện tích rộng 5000 m2 để tưởng nhớ đến anh hùng LS Việt Nam đã hy sinh cho đất nước này. Tiền phương quân khu 5 ở đây có quân y viện K21 trong 10 năm (1979-1989) với hơn chục ngàn chiến sỹ bị thương, sốt rét được cứu chữa song cũng có hàng ngàn chiến sỹ bị thương nặng sốt rét cao đã vĩnh viễn nằm lại đây. Máu xương các anh đã làm xanh lại ruộng đồng, núi rừng của vùng Đông Bắc.
Vào trung tâm thành phố StungTreng ra phía bờ sông ta lại gặp 1 tượng đài LS của những người lính 2 nước đã hy sinh ở bến phà xưa (cách tượng đài 150m). Một câu chuyện về sự hy sinh của đơn vị thông tin vượt sông vào đêm 31/05/1971. Khi ra đến giữa sông, gặp lốc xoáy, con đò đã bị lật 19 đồng chí đã hy sinh. Trong đó có đồng chí Vũ Văn Mô, Nguyễn Văn Tư quê Ninh Giang, Hải Dương – đồng chí đại đội trưởng Huỳnh Trung quê Bến Tre cùng 16 đồng chí đã trôi theo dòng nước sau 3 ngày đơn vị dò tìm nhưng không thấy một ai. Duy nhất còn đc Vũ Bá Nhiếp, quê quán Thạch Khôi, Gia Lộc, Hải Dương còn sống là nhờ vận may đc Nhiếp cầm được một cái can 20 lít đựng dầu và số dầu trong can còn rất ít. Trở thành phao cứu sinh. Đc Nhiếp đã vật lộn với sóng nước trôi dài 20 km tới bờ sông Dàm Bang được người dân chài vớt lên đưa vào bờ trong tư thế khỏa thân, người tím tái. Năm nay anh Nhiếp bước vào tuổi 82. Thay phà và thuyền xưa kia, nay là chiếc cầu đồ sộ dài hơn 500m do Trung Quốc xây dựng. Từ đây lên cửa khẩu Siêm Pang là biên giới Lào 70km. Vẫn đi trên QL 13 đã có tới 25km chiều dài được các nhà đầu tư Việt Nam sang thuê đất trồng chuối, cam, nuôi bò, nuôi trâu. 70km với hơn 100 con suối ngày xưa chúng tôi đi là những chiếc cầu tre, gỗ bắc qua, nhiều đoạn sông không có cầu phải bơi vượt. Rừng dầu rái, bàng lăng ngày xưa che chở cho những đoàn quân giờ này không còn nữa – dấu tích chỉ còn thỉnh thoảng những vạt le thưa. Máu xương của chiến sỹ Việt Nam đổ xuống vùng đất này qua 3 thời kỳ là không nhỏ. Những kỷ niệm xưa trên đất này với 6 huyện và thị xã Thala, Siêm Pọt, Tiengteng, Sê rê pốc và thị xã Strung Treng. Quân đội Việt Nam nhiều khi qua sông qua suối về mùa mưa đã được nhân dân cho mượn thuyền để vượt. Những dấn ấn con đò độc mộc đã hiện về.
Con thuyền độc mộc chèo khua
Em ngồi cầm lái để đưa qua dòng
Sê kong đạn xới bom rung
Nhiều lần cứ tưởng vỡ tung con thuyền
Những lần như thế sao quên
Dáng em, thuyền nhỏ khắc tim nhiều người
Anh đi trăm suối, ngàn đồi
Má hồng thuyền mộc sáng ngời tình em….
Tượng đài chiến thắng tọa lạc tại km 03 TP. Stung treng, nơi đây là đại bản doanh tiền phương quân khu 5 (thời kỳ 1979-1989).
Ngày giải phóng thị xã StungTreng (03/01//1979) Đoàn quân chúng tôi tiến vào Thị xã, lúc này người dân còn rất ít, may mắn tôi gặp được Xmay, Chăn Tho, Bun Hộ và gia đình ông Khăm Phàn. Họ nhận ra tôi, còn tôi không biết họ là ai. Bởi họ gầy quá, quần áo rách quá, già quá. Họ ôm lấy tôi thét lên sung sướng. Thế rồi đêm ấy bài thơ “trở lại Tung Treng” ra đời. Đến ngày 21/3/1979, những người còn sống sót từ các nơi đổ về đã tới hàng ngìn người. Một cuộc gặp mặt với quân tình nguyện Việt Nam (cán bộ chiến sỹ quân khu 5). Chứa chan tình cảm, sâu nặng đến nao lòng. Tôi đã đọc bài thơ để góp vào niềm vui chung:
Tưởng đâu ly biệt vùng này
Nhiều năm tôi lại về đây với mình
Vẫn dòng sông, vẫn dừa xanh
Vẫn hàng xoài rợp đất mình Tung Treng
Khổ nhiều nên dễ thân quen
Đau thương em lại đứng lên làm người
Việt Nam, anh đến đây rồi
Đón anh là đón bầu trời tự do
Ngày 16/08/2023 – Đào Thiện Sính.