Chúng ta đều biết rằng, chỉ những người nằm xuống mới được dựng bia mộ. Thế nhưng, chiến tranh lại có rất nhiều điều bất ngờ mà nếu không được mắt thấy tai nghe, thật khó để tin đó là sự thật. Và câu chuyện của các liệt sĩ Đại đội 94, Sư đoàn 5, Quân khu 7 (C94F5QK7) một lần nữa chứng minh điều đó.
Chuyện của người thu dung liệt sĩ
“Nếu bạn có dịp tới nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang, nhớ ghé khu S- đó là nơi các đồng đội tôi đang yên nghỉ, họ chính là những chiến sĩ của C94F5QK7, hy sinh ngày 9/4/1975 tại Lộ 4 Long An”, Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Xuân Diện đưa cho tôi tập ảnh chụp những phần mộ của đồng đội, đôi tay ông run run, có một nỗi đau chùng xuống, thấm sâu, không thể diễn tả thành lời.
(CCB Nguyễn Xuân Diện và những bức ảnh ông chụp tại NTLS tỉnh Tiền Giang)
Tôi từng gặp rất nhiều người trở về sau cuộc chiến, nhưng cuộc gặp gỡ với CCB Nguyễn Xuân Diện hôm ấy thực sự rất ám ảm. Đó không chỉ là câu chuyện của những ngày tháng gần giải phóng mà còn là những ký ức khó phai mờ của một người làm công tác thu dung liệt sĩ.
Chậm rãi lật từng bức ảnh, CCB Nguyễn Xuân Diện kể về đồng đội của mình và thời khắc lịch sử khi đơn vị ông nhận nhiệm vụ chốt chặn Quốc lộ 4 để địch không thể chi viện Sài Gòn.
Sáng ngày 9/4/1975, sau tiếng súng mở màn chiến dịch, C94 tiến lên chặn Lộ 4- điểm gần cầu Tân Hương. Chỉ vài giờ sau, xe ô tô các loại bị chặn dài hàng cây số. Để thông đường, VNCH điều xe tăng và Bộ binh từ Long An đánh xuống, đồng thời điều máy bay từ Cần Giuộc lên hỗ trợ.
Trận quyết chiến mở màn diễn ra vô cùng ác liệt, phía VNCH tìm mọi cách đánh Quân giải phóng khỏi vị trí chốt chặn nhưng các chiến sĩ của chúng ta vẫn kiên quyết giữ vững trận địa. Đã có xe tăng của địch bốc cháy, nhiều lính Bộ binh VNCH bỏ mạng nhưng C94 cũng tổn thất nặng nề nên phải xin chi viện.
Khi đơn vị tiếp viện tới thì tất cả tan hoang, mọi người bước vào hầm công vụ và phát hiện 15 thi thể đồng đội. Theo danh sách tham gia đánh Lộ 4 thì thiếu 1 người. Trong thời khắc bị tấn công tứ phía, không thể có thời gian an táng đồng đội nên mọi người đành rút chốt hầm công vụ để các anh yên nghỉ tại chỗ, rồi tiếp tục chiến đấu.
Ngày hôm sau, lính VNCH quay lại, đào các hầm lên, bêu xác 15 chiến sĩ ở Lộ 4 để các nhà báo quốc tế chụp ảnh, nhằm tố cáo chúng ta vi phạm hiệp định Paris. Tối 10/4, du kích và người dân địa phương đã cùng nhau lấy trộm được thi hài các liệt sĩ, sau đó an táng chung trong một phần mộ.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, công tác tử sĩ của Sư đoàn 5 rất được quan tâm. Chính vì vậy, đơn vị đã tổ chức khai quật ngôi mộ tập thể của 15 liệt sĩ và đắp riêng cho mỗi đồng chí một mộ phần. Lúc bấy giờ, dù thân thể của nhiều liệt sĩ không còn vẹn nguyên, dù chẳng ai còn giấy tờ nhưng căn cứ theo trí nhớ của đồng đội, mỗi phần mộ được khắc 1 cái tên với đầy đủ thông tin về quê quán, đơn vị và ngày hy sinh. “Xác suất tên trên bia trùng với người nằm dưới mộ không cao nhưng chúng tôi không muốn đồng đội mình bị mất danh tính””- CCB Nguyễn Xuân Diện nói trong sự xót xa.
CCB Nguyễn Xuân Diện cho biết thêm, theo danh sách có 16 đồng chí hy sinh nên khi làm mộ, các đồng chí đã đắp thêm một phần mộ cho đúng theo hồ sơ đơn vị lưu trữ.
Sau này, khi phân chia lại địa giới, phần đất an táng các liệt sĩ được chia về cho tỉnh Tiền Giang nên khi tổ chức quy tập, các liệt sĩ được đưa về an táng tại NTLS xã Tân Hương, huyện Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đợt quy tập thứ hai di chuyển về NTLS tỉnh Tiền Giang.
CCB Nguyễn Xuân Diện và tác giả
Rất nhiều lần, CCB Nguyễn Xuân Diện quay lại chiến trường xưa, tìm kiếm nhân chứng và phần mộ của đồng đội. Khi biết các liệt sĩ được đưa về NTLS tỉnh Tiền Giang, ông đã tới đây và hứa sẽ đi tìm người thân đón các anh trở về. Để có thông tin đầy đủ của đồng đội, ông quay lại đơn vị cũ đề nghị cung cấp danh sách 16 liệt sĩ hy sinh ngày 9/4/1975.
Lần theo danh sách tìm đến từng địa phương, các gia đình khi có thông tin con em mình, ai cũng xúc động. Gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Hải ở Hà Nội đã vào Tiền Giang đón ông về. “Khi tổ chức lễ truy điệu cho liệt sĩ, tôi nhìn giấy báo tử chỉ ghi mấy dòng “hy sinh ở mặt trận phía Nam”, tôi hiểu vì sao bao năm qua gia đình anh Hải đã đi tìm kiếm khắp nơi mà không có kết quả”- CCB Nguyễn Xuân Diện cầm bức ảnh chính ông chụp phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Hải, xúc động nghẹn ngào.
Hành trình của ông vẫn sẽ tiếp tục bởi trong bản danh sách 16 liệt sĩ, có nhiều người chưa tìm được thân nhân. Đặc biệt, có một người tên Nguyễn Văn Niềng quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa. “Đơn vị C94 của chúng tôi chỉ có đồng chí Nguyễn Văn Miên quê Thanh Hóa chứ không có ai tên Nguyễn Văn Niềng. Vì vậy, căn cứ vào năm sinh, quê quán có thể nhận định, phần mộ mang tên Nguyễn Văn Niềng tại NTLS tỉnh Tiền Giang chính là của đồng chí Nguyễn Văn Miên, bởi theo tôi biết thì thời điểm ấy, anh Miên cũng đã được báo tử và đơn vị về làm lễ truy điệu tại quê nhà”-CCB Nguyễn Xuân Diện kể lại.
“Có một tấm bia mộ dành cho tôi ở Tiền Giang”
CCB Nguyễn Văn Miên đón tôi trong căn nhà nhỏ ở xã Hoằng Long, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Cách đó không xa là nhà của bố mẹ ông – nơi từng nhận giấy báo tử và được địa phương tổ chức lễ truy điệu vào năm 1976. Nhớ lại chuyện này, ông tâm sự, lúc nhận giấy báo tử, bố mẹ đau khổ tận cùng. Thế nhưng, sau đó không lâu, cả nhà bàng hoàng khi thấy ông trở về. Chính chị gái của ông còn tưởng “hồn ma em trai quay về”.
CCB Nguyễn Văn Miên- C94F5QK7
CCB Nguyễn Văn Miên kể rằng, ông không bao giờ quên được khoảnh khắc nhà mình nghịt đông người, ai cũng hỏi những năm qua đi đâu, vì sao chiến tranh kết thúc một thời gian giờ mới về, hàng xóm bao người đã về từ lâu… Biết ông bị thương nặng, phải điều trị suốt thời gian đằng đẵng, không ai hỏi nữa. Dù vậy, với chính quyền địa phương lại không đơn giản. Việc một “liệt sĩ… trở về” khiến họ thực sự hoang mang, không biết phải ứng xử thế nào cho hợp lẽ, giấy báo tử phải làm sao, còn chế độ của bố mẹ liệt sĩ nữa…
– “Lúc đó, bác nghĩ gì?” – Tôi hỏi.
CCB Nguyễn Văn Miên khẽ đáp: “Tôi cũng không biết phải giải thích thế nào. Việc một người đã hy sinh, đã báo tử rồi đột ngột xuất hiện thì ai dám tin, nên ai cũng lúng túng. Thế nhưng, khi bình tĩnh lại, tôi đã bảo các đồng chí gửi văn bản lên các cơ quan chức năng để xác minh tư tưởng chính trị của tôi. Cuối cùng mọi chuyện cũng ổn. …”
Có một điều đến giờ CCB Nguyễn Văn Miên vẫn luôn ghi nhận, dù các văn bản giấy tờ đã được thu lại nhưng chế độ đã cấp cho ông đều không bị truy thu lại. Đó chính là sự nhân văn của Đảng ta. Giây phút ấy, tôi thấy gương mặt ông thoáng nở nụ cười, nụ cười hiếm hoi suốt cuộc trò chuyện hôm ấy.
Phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Niềng và các đồng đội tại NTLS tỉnh Tiền Giang
Khi tôi hỏi về phần mộ mang tên Nguyễn Văn Niềng, ông khẳng định, đó chắc chắn là phần mộ… của mình! Việc nhầm lẫn tên trong chiến tranh cũng rất bình thường. Có thể do các chiến sĩ thu dung không nhớ chính xác tên ông nên đọc thành Niên hoặc Niền, người miền trong lại đọc thành Niềng. Cũng có thể, người ghi chép thông tin liệt sĩ của đơn vị đã ghi nhầm nên mới có tên ấy. Về thời khắc lịch sử của gần 50 năm trước ở Long An, ông Miên bồi hồi: “Trận đánh chủ yếu là Quân giải phóng và VNCH nhưng rất ác liệt. Sau đó tôi bị thương nặng và không biết gì nữa, tỉnh lại thì thấy đang ở Bệnh viện Quân khu 8. Nghe các bác sĩ kể lại, tôi được du kích địa phương cứu và đưa ra ngoài, còn các đồng đội đều hy sinh..” Nói đến đây, mắt ông đỏ hoe, dường như thời khắc lịch sử đau thương ấy một lần nữa quay về. Tôi ngồi bên cạnh, không dám thở mạnh, chỉ sợ chạm vào miền ký ức thiêng liêng của người lính.
Chiến tranh, dẫu đã đi qua gần nửa thế kỷ, Bắc-Nam sum họp một nhà, những người lính từ hai bên chiến tuyến đã bỏ qua hận thù mà sao mỗi khi nhắc lại, vẫn khiến ta đau đớn nhiều đến thế. CCB Nguyễn Văn Miên vẫn nhớ, khi nhận nhiệm vụ, không ai mang theo tư trang gì, khi hy sinh còn nằm chung trong một ngôi mộ, mấy tuần sau mới tách riêng, lúc này hài cốt đã phân hủy nên rất khó để biết chính xác tên của từng người, vì vậy đã có nhiều sự nhầm lẫn xảy ra.
Và nước mắt vẫn rơi…
Ông Nguyễn Văn Vinh – em trai liệt sĩ Nguyễn Văn Thắng ở Hải Hậu, Nam Định tìm gặp tôi trong một buổi chiều Hà Nội mưa xối xả. Cơn mưa như báo hiệu một “điềm” không vui cho hành trình phía sau. Ông Vinh lặn lội từ Nam Định lên Hà Nội để nhờ tôi tác động tới Cục Người Có công (NCC), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) để có thể lấy mẫu phẩm của 15 hài cốt liệt sĩ C94F5 ở NTLS tỉnh Tiền Giang, đối chiếu thông tin cho anh trai của mình.
Ông Nguyễn Văn Vinh (ngoài cùng bên phải) cùng người thân tới nhà CCB Nguyễn Văn Miên
Theo trích lục quân nhân do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nam Định cung cấp, liệt sĩ Nguyễn Văn Thắng thuộc C94F5QK7, hy sinh ngày 9/4/1975 tại Lộ 4 Long An. Chính vì vậy, ông Vinh đã nhiều lần vào khu vực Lộ 4 Long An để tìm hài cốt anh trai nhưng không thể tìm được. Ông tâm sự, mẹ ông đã gần trăm tuổi, sức khỏe yếu nhưng khi xem trích lục quân nhân, biết con trai hy sinh ở Lộ 4 Long An, bà khỏe lên nhiều, tinh thần thoải mái, mỗi ngày bà ngồi ở bậc cửa chờ con trai về. Ông nhớ nhiều hôm đi làm về, mẹ lại hỏi: Bao giờ đi đón anh? Mỗi khi nghe câu ấy, ông không cầm được nước mắt, hứa sẽ tìm bằng được anh trai đưa về với mẹ. Chính vì vậy, có lần ông thuê hẳn máy xúc lật tung khu vực Lộ 4 năm xưa để tìm hài cốt anh trai nhưng không có kết quả. Và trong hành trình đi tìm anh ở Long An, ông may mắn gặp CCB Nguyễn Văn Miên khi người lính già quay lại chiến trường xưa để cảm ơn những người đã cứu mình. Từ CCB Nguyễn Văn Miên, ông Vinh biết được phần mộ anh trai ông đã được quy tập về NTLS tỉnh Tiền Giang.
Ông Vinh lập tức đến NTLS tỉnh Tiền Giang viếng anh trai. Tuy nhiên, trong số 15 liệt sĩ ở đó, chỉ có một phần mộ mang tên Lê Văn Thắng quê ở Hà Nam Ninh, ngoài ra không có thêm thông tin gì. Cũng qua người đồng đội cũ của anh trai, ông biết về hoàn cảnh hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Văn Thắng và sự sai sót trong quá trình lưu hồ sơ nên ở đơn vị và tại nghĩa trang đều là Lê Văn Thắng. Sau đó, ông Vinh đã làm việc với Sở LĐTB&XH tỉnh Tiền Giang, đề nghị điều chỉnh bia mộ để đón anh trai về. Tuy nhiên, chính CCB Nguyễn Văn Miên khuyên anh nên giám định ADN để tìm đúng phần mộ anh trai. Do bia mộ liệt sĩ sai họ với anh trai nên ông Vinh đã liên hệ Sư đoàn 5 đề nghị xác minh thông tin để có cơ sở xin giám định ADN.
Khi nhận kết quả giám định từ Cục NCC, ông vô cùng ngỡ ngàng, đau khổ, bởi hài cốt liệt sĩ Lê Văn Thắng không phải của anh trai mình. Ông Vinh trăn trở, ngoài phần mộ liệt sĩ Lê Văn Thắng đã giám định thì hài cốt anh trai ông là một trong 14 ngôi mộ còn lại. Tuy nhiên, Cục NCC chỉ đồng ý cho ông lấy toàn bộ mẫu để đối chiếu khi tìm đủ các thân nhân, hoặc ít nhất được 2/3 số thân nhân theo danh sách. Để công việc có thể thuận lợi, ông đã liên hệ tôi nhờ hỗ trợ tìm kiếm các thân nhân còn lại.
Chuyện chưa bao giờ được kể
Tôi lần giở từng bức ảnh các liệt sĩ, đối chiếu với hồ sơ ông Nguyễn Văn Vinh cug cấp rồi quyết định vào NTLS tỉnh Tiền Giang để xác minh. Tôi cũng liên hệ F5QK7 đề nghị cung cấp danh sách liệt sĩ hy sinh ngày 9/4/1975 tại Lộ 4, Long An, kết quả hoàn toàn khớp với thông tin CCB Nguyễn Xuân Diện và CCB Nguyễn Văn Miên cung cấp. Cũng từ bản danh sách ấy, tôi đã tìm được 9 thân nhân liệt sĩ, trong đó có ba gia đình cất bốc và đưa liệt sĩ về an táng tại quê nhà.
Liệt sĩ Lê Văn Thắng theo hồ sơ quê Hà Nam Ninh nhưng khi liên hệ cả ba tỉnh: Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định (thuộc Hà Nam Ninh cũ), không có liệt sĩ nào trùng dữ liệu. Đặc biệt, trong danh sách có liệt sĩ Nguyễn Doãn Công và Lê Văn Tát ở Bắc Thái nhưng khi liên hệ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Cạn và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên (thuộc Bắc Thái cũ), đều không có thông tin gì. Có thể, do các ông thuộc đơn vị phối thuộc cùng đánh Lộ 4 Long An nên Sư đoàn 5 không có hồ sơ chính xác.
Theo quy định, 9 gia đình thì có thể tổ chức lấy mẫu của 15 phần mộ tại NTLS tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, ba gia đình đã đón liệt sĩ về quê từ chối cấp mẫu. Đối với các thân nhân, bất kỳ liệt sĩ nào trong 15 liệt sĩ hy sinh ngày 9/4/1975 đều là người thân, các anh đã về với gia đình, yên nghỉ tại NTLS quê nhà, dù chính xác hay không, chẳng còn quan trọng nữa. Nếu có thời gian, họ vẫn tới NTLS tỉnh Tiền Giang, đặt nén nhang thơm cho người nằm lại.
Khi tôi liên hệ với ông Nguyễn Văn Vinh, ông bùi ngùi chia sẻ rằng mẹ ông đã không chờ được ngày đưa con trai trở về, bà ra đi trong sự day dứt và nhung nhớ. Trước khi về bên kia thế giới, bà vẫn dặn dò ông: “Cố gắng tìm anh, đưa anh về với mẹ…”
Vâng, “về với mẹ”- về với vòng tay yêu thương, về với sự chở che, về với vòng nôi trưa hè mẹ ru à ơi thuở nào, sẽ chẳng có ngày ấy nữa. Ông Vinh biết, với tình hình hiện tại, việc xác định đúng phần mộ anh trai là rất khó. Dù đề án 515 vẫn đang được chỉ đạo thực hiện rất sát sao nhưng các cơ sở giám định ADN hiện nay quá tải, nếu tổ chức lấy mẫu cũng chiếu kịp không đối, mà mẫu phẩm để lâu thì giám định không hiệu quả.
Theo dấu những tập hồ sơ của các liệt sĩ vẫn đang thực hiện dang dở, mỗi khi đọc đến hồ sơ của C94F5QK7, tôi bật khóc. Tôi nợ các thân nhân một lời xin lỗi bởi vì đã không thể trả lại tên cho các bác như lời hứa lúc đầu!
Bài, ảnh: Tiểu Linh