Bảo đảm chế độ cho các đối tượng chính sách

Đầu tháng 10, tham dự buổi đối thoại trực tiếp giữa các cơ quan chức năng và người được thụ hưởng chính sách, người có công với cách mạng tại quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), chúng tôi được chứng kiến sự cởi mở, thẳng thắn và chân tình. Hơn 60 ý kiến về vấn đề giải quyết các chế độ, chính sách, tồn đọng với thương binh, liệt sĩ; đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có dưới 20 năm công tác trong Quân đội đã phục viên, xuất ngũ… đều được lãnh đạo địa phương, các cơ quan chức năng giải đáp tường tận, thỏa đáng, tạo sự đồng thuận cao. Ông Triệu Văn Mách, khu vực Thới Bình 2, phường Thuận An tâm sự: “Tôi tham gia chiến trường Campuchia trong biên chế của Tiểu đoàn Tây Đô. Buổi đối thoại đã giúp tôi giải đáp được những vướng mắc về chế độ, chính sách được hưởng trong thời gian tham gia giúp bạn”.

Mô hình “Đối thoại về thực hiện công tác chính sách đối với người có công với cách mạng” được Bộ CHQS TP Cần Thơ thực hiện từ năm 2018 đến nay. Theo đó, hằng năm, Bộ CHQS thành phố tổ chức 2-3 cuộc đối thoại ở các địa phương. Từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã tổ chức được 3 cuộc đối thoại tại các quận Cái Răng, Ninh Kiều và Thốt Nốt, với sự tham dự của gần 200 người được thụ hưởng chính sách, người có công với cách mạng. “Đối thoại trực tiếp đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công tác chính sách của LLVT và các sở, ban, ngành Thành phố. Thông qua đối thoại đã giúp các cơ quan chức năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó những vướng mắc về chế độ, chính sách sẽ được tháo gỡ; đồng thời còn thể hiện tình cảm, trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với những người đã hy sinh, cống hiến cuộc đời mình cho đất nước”, Đại tá Trần Quốc Khởi, Phó chính ủy Bộ CHQS TP Cần Thơ cho biết.

Theo Thiếu tướng Hồ Minh Phương, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9, bằng tinh thần “Sâu sát, công bằng, dân chủ, kịp thời, đúng đối tượng”, thời gian qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chính sách ở các đơn vị trên địa bàn Quân khu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với Quân đội; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về mục đích, ý nghĩa kết quả thực hiện. Các đơn vị cũng đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp, cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ sát đúng, phù hợp với tình hình địa phương để triển khai thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể nắm chắc số lượng đối tượng, tình hình thực hiện các chế độ, chính sách ở từng địa phương. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay trên địa bàn Quân khu cơ bản đã giải quyết dứt điểm hồ sơ thương binh, liệt sĩ tồn đọng, nhất là thực hiện tốt các Quyết định 290, 142, 62, 49 của Thủ tướng Chính phủ. Có 187.311 đối tượng được hưởng chế độ, với số tiền chi trả hơn 610 tỷ đồng. Ngoài ra còn giải quyết hưởng chế độ trợ cấp thương binh cho 118 trường hợp; trợ cấp một lần và chế độ bệnh binh cho 444 trường hợp tham gia chiến trường Campuchia, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế bị bệnh cũ tái phát dẫn đến tâm thần…

Trọn nghĩa vẹn tình với người có công
Thiếu tướng Đoàn Thanh Xuân, Phó chính ủy Quân khu 9 trao quà tặng các thương binh tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

 

Qua trao đổi với Đại tá Huỳnh Ngọc Huệ, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang, chúng tôi được biết, với phương châm “Đi tận ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, các cấp trong toàn tỉnh đã thực hiện chặt chẽ việc rà soát, khảo sát, lập danh sách. Bên cạnh đó, ban CHQS cấp huyện, thành phố còn chỉ đạo các ban CHQS xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể hướng dẫn lập hồ sơ, tiếp nhận, thẩm định, xét duyệt theo đúng trình tự các bước. “Toàn tỉnh có hơn 132.000 đối tượng chính sách và người có công với cách mạng được ghi nhận, tôn vinh. Phần lớn các đối tượng được thụ hưởng không còn các giấy tờ có liên quan, lớn tuổi; nhiều trường hợp không nhớ rõ ngày, tháng, địa bàn tham gia… Tuy nhiên, qua nhiều đợt tổ chức chi trả, không có trường hợp nào của tỉnh trùng hưởng chế độ, chính sách”, Đại tá Huỳnh Ngọc Huệ nhấn mạnh.

Trách nhiệm tri ân

Những ngày gần đây, gia đình ông Nguyễn Văn Dễ, ngụ xã Hưng Phú, huyện Phước Long (Bạc Liêu) rất vui vì có nhiều bạn bè, hàng xóm đến thăm hỏi, sẻ chia, bởi ông vừa tìm được hài cốt của người anh ruột là liệt sĩ Nguyễn Văn Đực (hy sinh cách nay hơn 50 năm) tại huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Ông Nguyễn Văn Dễ chia sẻ: “Hai anh trai tôi hy sinh bao nhiêu năm mà tìm kiếm không gặp. Nay tìm được một anh, theo ước nguyện của gia đình thì mới được 50%, nhưng chúng tôi rất mừng. Tôi cảm ơn cán bộ, chiến sĩ Đội K92, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang rất nhiều vì đã không quản khó khăn, gian khổ để đưa anh trai tôi về với gia đình, quê hương”.

Còn bà Trương Thị Rớt (vợ của liệt sĩ Phạm Văn Bé) thấy nhẹ lòng khi bao năm chờ đợi, hài cốt của chồng bà đã được đưa về nghĩa trang an táng đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ vừa qua. Bà Rớt xúc động nói: “Bao nhiêu năm tìm kiếm, chờ đợi, tưởng rằng mãi mãi sẽ không tìm được hài cốt của ông nhà tôi, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đội K93, Bộ CHQS tỉnh An Giang đã nỗ lực đào tìm, giúp mẹ con tôi hoàn thành ước nguyện. Hôm nay, Đảng, Nhà nước tổ chức đưa hài cốt ông nhà tôi về đây, chúng tôi mang ơn lắm”.

Được người thân các liệt sĩ bày tỏ sự vui mừng, cảm ơn là vậy nhưng cán bộ, chiến sĩ các đội tìm kiếm, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ xem đó là nhiệm vụ, là việc phải làm nhằm tri ân những người có công với đất nước, là tình đồng chí, đồng đội. “Mặc dù việc tìm kiếm ngày càng khó khăn hơn, do nơi các anh, các chú nằm đa phần là rừng núi hiểm trở, theo thời gian, dấu tích để lại không còn, trong khi những người biết được thông tin thì cứ ngày một ít dần, nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đưa về nơi quê cha đất tổ. Chiến tranh đã lùi xa, còn biết bao nhiêu tấm lòng người mẹ, người cha, người vợ, người con đang mong mỏi trông chờ. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng hết sức trong việc tìm kiếm để đưa các liệt sĩ về với quê hương”, Thượng tá Phan Văn Hiệp, Đội trưởng Đội K90, Cục Chính trị Quân khu 9 bày tỏ.

Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, hằng năm, các đơn vị ở Quân khu 9 thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, vận động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp công sức, kinh phí để chăm lo vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh nặng. Từ năm 2012 đến nay, các đơn vị đã tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 278.000 lượt người với số tiền hơn 36 tỷ đồng; tặng 278 sổ tiết kiệm và hỗ trợ giống, vốn, công cụ sản xuất cho các đối tượng chính sách, trị giá 14,22 tỷ đồng; vận động đóng góp vào các quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo”, “Mái ấm công đoàn, nghĩa tình đồng đội” hơn 153 tỷ đồng; xây gần 3.700 “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”, “Nhà tình đồng đội”, “Nhà mái ấm công đoàn”, “Ngôi nhà 100 đồng” với tổng số tiền hơn 259,6 tỷ đồng tặng các đối tượng chính sách và cán bộ đang tại ngũ có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, hiện nay, các cơ quan, đơn vị LLVT Quân khu nhận phụng dưỡng 461 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đỡ đầu 37 con thương binh… “Những hoạt động thiết thực đó thể hiện trách nhiệm, tình cảm đồng chí, đồng đội; giáo dục, bồi đắp truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là thế hệ trẻ; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống người có công với cách mạng”, Đại tá Đặng Văn Thời, Trưởng phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 9 bày tỏ.

Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng các đơn vị ở Quân khu 9 đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt, bảo đảm cho mọi người có công lao cống hiến đều nhận được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo. “Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu sẽ chỉ đạo các đơn vị, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ thị, nghị quyết của các cấp để chăm lo tốt hơn nữa chế độ, chính sách đối với Quân đội và hoạt động đền ơn đáp nghĩa; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục; xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả; kịp thời biểu dương, khen thưởng và có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với những đồng chí và gia đình có thành tích xuất sắc trong thực hiện các phong trào; đồng thời kiện toàn cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành và làm nòng cốt thực hiện tốt hơn chế độ, chính sách đối với Quân đội và hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong tình hình mới”, Thiếu tướng Đoàn Thanh Xuân, Phó chính ủy Quân khu 9 khẳng định.

Bài và ảnh: QUANG ĐỨC – BÁO QĐND