Trọn đời tận tâm, tận lực với sự nghiệp “Trồng người”
Trần Chi
Nhà giáo Lê Thị Băng Hải sinh ngày 15 tháng 08 năm 1930, trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Tháng 9 năm 1945, khi mới qua tuổi 15, Lê Thị Băng Hải đã trốn gia đình lên thị xã Phú Thọ xung phong gia nhập Giải phóng quân. Khi được hỏi vì sao chưa đến tuổi trưởng thành đã xung phong nhập ngũ, người thiếu nữ ấy đã khẳng khái trả lời : “Kẻ thù có đợi tôi đến tuổi mới thực hiện dã tâm xâm lược nước ta đâu?”
Trong những ngày kháng chiến gian khổ, đội viên Giải phóng quân Lê Thị Băng Hải tham gia công tác quân lương, lo chuẩn bị lương thảo cung cấp cho bộ đội chiến đấu.
Cuối năm 1953, bà Lê Thị Băng Hải được cử đi học trường Trung cấp Sư phạm tại Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), để chuẩn bị cho công cuộc tái thiết nước nhà sau chiến tranh.
Kháng chiến thành công, bà công tác trong ngành giáo dục. Ngày 1 tháng 3 năm 1960, nhà giáo Lê Thị Băng Hải đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.
Trong cuộc đời mình, nhà giáo Lê Thị Băng Hải đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau: Hiệu trưởng Trường cấp II Sơn Tây, Hiệu phó Trường cấp III Quốc Oai, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường cấp III Thạch Thất, Phó Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo Hà Sơn Bình, Chủ nhiệm Ủy Ban chăm sóc thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hà Tây …
Cho dù ở cương vị công tác nào, nhà giáo Lê Thị Băng Hải vẫn luôn xác định mình là giáo viên thì phải là người gương mẫu nghiêm túc trong công việc. Bà luôn nêu cao tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Người dân Thạch Thất không bao giờ quên hình ảnh cô giáo Hiệu trưởng cấp III đầu tiên xắn quần lội ruộng, gặt lúa cùng bà con nông dân ở các xã Hương Ngải, Phú Kim, Lại Thượng…
Nhiều thế hệ học sinh Thạch Thất không thể quên hình ảnh cô Hiệu trưởng Lê Thị Băng Hải tối tối lại xách đèn bão đến thăm chỗ ở và học tập của học sinh tại nơi sơ tán.
Vác tre, chẻ lạt, trát vách, đào hầm cùng học sinh; Ở đâu, việc gì cũng thấy có mặt cô giáo – Hiệu trưởng Lê Thị Băng Hải.
Bà thường xuyên dạy học sinh phải cố gắng học tập và luôn giữ lòng trung thực. Khẩu hiệu hành động bà nêu ra cho học sinh là : “Thà bị điểm 2, quyết không sai về thái độ”.
Năm 1969, nhà giáo Lê Thị Băng Hải được bổ nhiệm làm phó ty giáo dục Hà Tây. Mặc dù ở cương vị mới, nhà giáo vẫn luôn quan tâm tới công tác của các nhà trường và từng bước học tập phấn đấu của học sinh.
Những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt, nhiều lớp học sinh đã lên đường ra trận. Có người học sinh – chiến sĩ trên đường chiến dịch, chỉ còn một tờ giấy trắng cuối cùng, anh đã chia đôi tờ giấy, một nửa viết thư về cho mẹ còn nửa kia viết thư thăm cô giáo Lê Thị Băng Hải.
Nhận thư, nước mắt nhà giáo Lê Thị Băng Hải nhạt nhòa trước tấm chân tình của người học trò. Những dòng chữ chứa chan tình cảm của người học trò ấy đã nhòe đi vì nước mắt, khi nhà giáo được tin anh đã dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc.
Trong điều kiện cả nước có chiến tranh, khó khăn, thiếu thốn, nhưng nhà giáo Lê Thị Băng Hải vẫn luôn phấn đấu giỏi việc nước đảm việc nhà. Bà đã một mình đảm đang nuôi dạy những người con khôn lớn, trưởng thành. Noi gương bà, các con cháu của bà đều đã trở thành giáo viên, tham gia trực tiếp trên mặt trân giáo dục.
Nhiều học sinh của bà đã và đang là cán bộ cấp cao, nắm giữ những cương vị quan trọng của Đảng và nhà nước. Rất nhiều học sinh đã trở thành giáo sư, tiến sĩ khoa học, có người trong số họ đã được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND, anh hùng lao động. Họ là các ông : Khuất Hữu Sơn – Nguyên ủy viên trung ương Đảng khóa 9, Bí thư tỉnh ủy Hà Tây, Phí Thái Bình – Nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Đỗ Thức – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nguyễn Văn Thực – Anh hùng LLVTND… Sau khi nghỉ hưu, nhà giáo Lê Thị Băng Hải vẫn luôn quan tâm tới sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Bà thường xuyên trích từ phần lương hưu ít ỏi của mình để giúp đỡ các em học sinh nghèo vượt khó. Bà đã động viên và góp phần tích cực vào việc thành lập quỹ khuyến học dành cho các học sinh nghèo khó ở Thạch Thất – Nơi bà là hiệu trưởng trường cấp III đầu tiên.
Với những công lao đóng góp của mình, nhà giáo Lê Thị Băng Hải đã được tặng thường:
– Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng
– Huy chương chiến thắng hạng nhì (chống Pháp)
– Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất.
– Huy hiệu Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam.
– Huy hiệu Vì sự nghiệp chăm sóc thiếu niên nhi đồng Việt nam
– Huy hiệu Vì sự tiến bộ của Phụ Nữ và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Phần thưởng lớn lao nhất đối với nhà giáo Lê Thị Băng Hải là tình cảm yêu thương, kính trọng của lớp lớp cán bộ, giáo viên và học sinh đã dành cho bà.
Trong những ngày nhà giáo Lê Thị Băng Hải lâm bệnh, con cháu, người thân, bạn bè và nhiều lớp học trò luôn quây quần bên bà để chăm sóc và hy vọng bà khỏi bệnh.
Vì tuổi cao, sức kiệt, nhà giáo Lê Thị Băng Hải đã vĩnh viễn ra đi ngày 1 tháng 11 năm 2013, hưởng thọ 84 tuổi.
Cả một đời tận tụy, tâm huyết với nghề, nhà giáo Lê Thị Băng Hải đã để lại cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học sinh một tấm lòng yêu thương trìu mến, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất bao dung và một tấm gương phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục đào tạo.
Nhà giáo Lê Thị Băng Hải ( khoác túi đen, đứng giữa) với cựu GV, HS cấp III Thạch Thất