Những con người bình dị, những vũ khí thô sơ góp phần làm nên chiến thắng
Thiếu tướng, PGS, TS BÙI THANH SƠN
Con người và vũ khí trang bị là hai yếu tố quan trọng, quyết định thắng lợi chiến tranh. Chiến thắng trong chiến dịch quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ năm 1954, không chỉ có trí tuệ, tài thao lược của những người lãnh đạo, chỉ huy, cùng sức mạnh đánh địch của các binh đoàn chủ lực được trang bị vũ khí hiện đại, mà còn có sự đóng góp to lớn của những con người bình dị, với những trang bị và vũ khí thô sơ, tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng kẻ thù.
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra khi quân và dân cả nước ta đang phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng vũ trang và nhân dân hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia, đẩy mạnh đánh địch trong Chiến cục Đông Xuân 1953-1954. Những người dân ở vùng địch tạm chiếm đã tiết kiệm từng cân gạo, bát muối, những cuộn băng và từng viên thuốc. Họ bí mật và khôn khéo để vượt qua sự theo dõi và kiểm soát ngặt nghèo của kẻ thù, gửi ra vùng tự do để chuyển lên chi viện cho Điện Biên Phủ. Nhiều thanh niên tình nguyện vào bộ đội, xin lên Điện Biên Phủ chiến đấu. Nhiều phụ nữ xung phong ra hỏa tuyến, đi dân công phục vụ chiến trường. Những lá thư từ hậu phương được gửi ra tiền tuyến động viên và cổ vũ bộ đội đánh giặc. Không chỉ động viên và chi viện cho tiền tuyến chiến đấu, nhiều người đã độc lập, hoặc phối hợp chặt chẽ với lực lượng du kích và bộ đội địa phương tiêu diệt quân thù. Họ sử dụng những vũ khí tự tạo hoặc sẵn có trong tay, như chông, mìn, cạm bẫy, cung nỏ, gậy gộc… để tiêu diệt địch. Mục đích giam chân giữ chặt quân Pháp, không cho chúng tăng viện lên Điện Biên Phủ, nhân dân còn sử dụng những công cụ sản xuất như cuốc, thuổng và xà beng để xây dựng công sự, trận địa phục vụ du kích và bộ đội đánh giặc; đào hào và lập chướng ngại để ngăn cản, làm chậm tốc độ cơ động và tiến công của quân Pháp. Nhiều công nhân đã phối hợp với du kích, bí mật cài mìn đánh sập các cầu cống, phá đường giao thông. Nhiều bu-lông ở tà-vẹt được nới lỏng, từng đoạn đường sắt được kê nghiêng, hoặc đặt mìn tự chế để lật đổ các đoàn tàu của địch, làm giảm khả năng vận chuyển và chi viện của quân Pháp. Trong các nhà ga, sân bay và bến cảng, những người công nhân khuân vác đã tìm mọi cách để trì hoãn, kéo dài thời gian, làm chậm những chuyến hàng của quân Pháp chi viện cho chiến trường… Tất cả từ người nông dân đến anh chị công nhân, từ cụ già đến em nhỏ… đều có chung mục tiêu: Làm suy yếu và làm giảm sức mạnh của quân Pháp, tạo điều kiện thuận lợi để quân dân Điện Biên Phủ chiến đấu.
Đoàn ngựa thồ vận chuyển quân lương, vũ khí phục vụ bộ đội ta chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ.Ảnh tư liệu |
Ở vùng tự do, các cấp bộ Đảng, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương đã lãnh đạo, động viên thanh niên lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Hướng dẫn người dân hăng hái sản xuất, thi đua tiết kiệm, tích cực chi viện lương thực, thực phẩm cho chiến trường. Trong các công binh xưởng, những người thợ đã lao động không kể ngày đêm, cố gắng sản xuất thật nhiều vũ khí và trang bị, cung cấp, bảo đảm cho mặt trận. Hàng vạn người dân với những đôi quang gánh, chiếc xe đạp, con trâu và con ngựa thồ,… tham gia vận chuyển hàng hóa ra mặt trận. Trên các tuyến đường, ở các bến phà và các trọng điểm giao thông, dân công, thanh niên xung phong đã cùng bộ đội công binh kiên cường đánh địch, liên tục bám trụ, đảm bảo cho mạch máu giao thông luôn thông suốt. Các chiến sĩ an ninh đã bí mật bám dân, bám địa bàn, kịp thời phát hiện và ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại, cũng như xâm nhập và cài cắm gián điệp, biệt kích của kẻ thù; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm bí mật và an toàn mọi hoạt động của các lực lượng…
Ngoài mặt trận, cán bộ, chiến sĩ ta đã sử dụng những chiếc xẻng, cuốc, bao tải, cây rừng… xây dựng công sự, trận địa để bảo vệ lực lượng và vũ khí, phương tiện của mình; lập nên thế trận có lợi, phát huy sức mạnh các loại hỏa lực tiêu diệt địch. Bộ đội quân y đã tổ chức những trạm quân y dã chiến, xây dựng các hầm phẫu, sử dụng ánh sáng của những chiếc đèn xe đạp để phẫu thuật và cứu chữa thương binh, bệnh binh. Lực lượng vận tải sử dụng những chiếc gùi để đưa vũ khí, đạn dược ra mặt trận; dùng những chiếc võng và đòn tre quen thuộc để vận chuyển thương binh. Chiến sĩ nuôi quân đào bếp Hoàng Cầm để nấu ăn, bảo đảm cơm chín và nước sôi phục vụ bộ đội chiến đấu. Nhiều người còn tranh thủ thời gian, tận dụng lúc địch không đánh phá, đi kiếm rau rừng, bắt cua, cá để nuôi dưỡng thương binh và chăm sóc sức khỏe cho bộ đội đánh giặc.
Trong chiến đấu, bộ đội ta đã sử dụng xẻng, cuốc đào hàng trăm ki-lô-mét hào giao thông để cơ động lực lượng, xây dựng hàng nghìn ụ súng và hầm trú ẩn để hạn chế sức mạnh hỏa lực không quân và pháo binh địch. Bảo vệ và phát huy sức mạnh của các lực lượng, phương tiện chiến đấu của ta, tạo ra thế có lợi đánh địch. Trong từng trận đánh, bộ đội ta đã khéo sử dụng những chiếc mũ, cán xẻng, thanh gỗ để tạo ra những tiếng động giống như đào hào, bước chạy; sử dụng những cây gỗ sơn đen để tạo ra những trận địa giả nghi binh, thu hút hỏa lực địch, tạo thuận lợi cho đồng đội tiến công tiêu diệt chúng. Cán bộ, chiến sĩ ta đã khéo sử dụng những cành cây, bụi cỏ, những mảnh dù thu được của địch để ngụy trang, bí mật luồn sâu vào các mục tiêu, tiêu diệt sinh lực, phá hủy vũ khí, phương tiện tác chiến của quân thù…
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, một số tờ báo của phương Tây đã đưa ra bình luận: “Chỉ với chiếc xẻng và cái cuốc cầm tay, quân đội Việt Minh đã đào hàng trăm ki-lô-mét đường hào để chiến đấu và bao vây quân Pháp. Họ không chỉ bảo vệ được mình, mà còn làm giảm đáng kể sức mạnh hỏa lực của xe tăng, không quân và pháo binh của đối phương”. Sức mạnh to lớn của những con người bình dị, những trang bị và vũ khí thô sơ đánh địch trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng minh rõ: Đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân và phương thức tác chiến, kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy của Đảng ta là rất đúng đắn và vô cùng sáng tạo. Đường lối và phương thức đó đã kế thừa, có phát triển nghệ thuật quân sự truyền thống: Cả nước là binh, toàn dân đánh giặc của dân tộc ta và tiếp thu tinh hoa nghệ thuật quân sự của thế giới. Chiến tranh du kích của ta là phải bám dân, bám địa bàn mà chiến đấu, vừa sản xuất vừa đánh giặc. Đường lối và phương thức tiến hành chiến tranh của Đảng ta còn làm sáng rõ quan điểm chỉ đạo đánh giặc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp, cứu nước…
Những bài học thành công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ rất cần được tiếp tục nghiên cứu và vận dụng sáng tạo vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ đất nước ở thời kỳ mới.
Nguồn : qdnd.vn