Đêm cuối Xuân về khuya, trời Điện Biên vẫn còn lạnh giá. Nhà khách Lữ đoàn 82 Quân khu 2 đầy đủ chăn đệm ấm áp và yên tĩnh lạ thường mà sao tôi vẫn thao thức không ngủ. Tiếng nhạc hiệu “Giải phóng Điện Biên” và tiếng hát “Hò kéo pháo” vang lên trong chiếc đài bán dẫn vặn nhỏ âm lượng, đưa tôi về với những kỷ niệm sâu sắc, những ký ức không bao giờ quên về đơn vị với Điện Biên Phủ những ngày này 60 năm về trước.
Hình ảnh về một trung đoàn “Vệ quốc quân” ra đời ở Thành Nam trong cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sinh ra từ “cái nôi” của nhân dân ba tỉnh Hà-Nam-Ninh miền đông nam hữu ngạn sông Hồng, vùng đất mang khí thiêng sông núi, nơi đã từng chôn vùi mộng xâm lăng của bao kẻ thù xâm lược. Đó là Trung đoàn 34 Tất Thắng và cũng là Trung đoàn 45 Pháo binh cơ giới đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, một đơn vị để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, nhiều ấn tượng sâu sắc về những chiến tích hào hùng trong lịch sử chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, được Bác Hồ tặng danh hiệu “Trung đoàn Tất Thắng”.
![]() |
Bộ đội ta kéo pháo vào Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Hình ảnh Trung đoàn 45 gắn liền với hình ảnh Điện Biên Phủ 60 năm về trước, với huyền thoại “Tháo pháo xuôi bè”, với kỳ tích “Mở đường kéo pháo”, “Kéo pháo vào, kéo pháo ra”, với chiến công oanh liệt, bắn mở màn chiến dịch, thực hiện xuất sắc mệnh lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Đã bắn là phải bắn thật trúng, làm cho địch phải khiếp sợ pháo binh Việt Nam”, lập nên chiến công vang dội, góp phần cùng mặt trận tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp năm 1954.
Tuy nhiên, không thể viết lịch sử trung đoàn trong phạm vi bài viết này mà chỉ viết về những chiến tích lừng danh của trung đoàn đã được lịch sử ghi nhận trong chiến tranh giải phóng dân tộc từ “Điện Biên” đến “Sài Gòn” để minh chứng rằng, Chiến thắng Điện Biên, tinh thần và khí phách Điện Biên đã ngấm sâu vào máu xương của cán bộ, chiến sĩ trung đoàn, là cơ sở, là hành trang, là “bệ phóng” cho cán bộ, chiến sĩ trung đoàn vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, hy sinh để bước tiếp cùng đồng đội, cùng dân tộc, đi suốt cuộc trường chinh chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc cho đến hôm nay.
Trọng pháo ta ở Điện Biên Phủ
“Bí mật bất ngờ-Ẩn lặng như tờ-Đánh mạnh như sét”, đó là những khái quát nổi bật về trọng pháo của ta ở Điện Biên Phủ. Trung đoàn 34 Tất Thắng (đơn vị tiền thân của Trung đoàn Pháo binh 45) là một trong số những trung đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta được Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy chủ trương chọn xây dựng thành Trung đoàn pháo binh cơ giới đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau những ngày tháng khổ luyện chuyển binh chủng ở nước bạn, trung đoàn bí mật cơ động về nước, đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 45 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Lần đầu tiên quân đội ta có loại súng pháo cỡ lớn và đội ngũ cán bộ, chiến sĩ pháo binh có bản lĩnh và trình độ đảm nhiệm quản lý, sử dụng loại vũ khí hiện đại này vào trận.
Ngày 13-3-1954, quân ta mở đợt tấn công thứ nhất vào Điện Biên Phủ. Đại đoàn Công pháo 351 có nhiệm vụ chính là yểm trợ đắc lực cho bộ binh tiến công, kiềm chế pháo binh địch, tập kích hỏa lực vào sân bay, sở chỉ huy và các căn cứ hậu cần, kho tàng dự trữ của tập đoàn cứ điểm.
Trung đoàn Pháo binh 45 được giao nhiệm vụ bắn những phát đạn pháo đầu tiên phát lệnh mở màn chiến dịch lúc 13 giờ 10 phút ngày 13-3-1954, trực tiếp chi viện cho bộ binh tiến công tiêu diệt cứ điểm Him Lam-cửa ngõ thép của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đại đội 806 của trung đoàn có vinh dự lớn được nhận nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.
Đúng ra, ta định giữ bí mật hỏa lực pháo 105mm đến giờ nổ súng vào 17 giờ 5 phút ngày 13-3-1954, nhưng trưa hôm đó, quân Pháp cho bộ binh và xe tăng ra đánh vào vị trí xuất phát xung phong của bộ đội ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải trực tiếp ra lệnh cho pháo binh bắn phát đạn pháo 105mm vào Him Lam sớm hơn dự kiến và Đại đội 806 đã thực hiện bắn 20 phát đạn vào trung tâm đề kháng Him Lam. Trừ hai phát bắn thử kiểm tra pháo và hiệu chỉnh phần tử bắn, còn tất cả đều trúng mục tiêu, trúng hầm chỉ huy, tiêu diệt tên thiếu tá Pê-gô – Tiểu đoàn trưởng và Tiểu đoàn phó Pác-đi cùng 3 sĩ quan địch trong hầm, trúng đội hình đại đội lính lê dương cùng hai xe tăng địch đi lùng sục theo lệnh Đờ Ca-xtơ-ri, đang đánh vào trung tâm tuyến tập kết xuất phát tiến công của ta, làm chúng bất ngờ, hoảng sợ, quay đầu tháo chạy về Mường Thanh.
Đến 17 giờ cùng ngày, quân ta mở trận tập kích mở màn chiến dịch. Pháo binh ta tập trung hỏa lực giáng đòn cấp tập, mãnh liệt, liên tục giội bão lửa xuống tập đoàn cứ điểm suốt gần hai tiếng đồng hồ, cả Him Lam và Mường Thanh rung chuyển trong tiếng nổ dồn dập của đạn pháo. Hầm hào, công sự sụp đổ, kho xăng bốc cháy, máy bay trên sân bay Mường Thanh nổ tung, các trận địa pháo ở khu trung tâm hoàn toàn tê liệt, 12 khẩu pháo cối bị hỏng. Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị trúng đạn, sở chỉ huy phân khu Bắc bị băm nát. Trung tá Gô-sê cùng một số sĩ quan tham mưu của phân khu Bắc tử trận… Như rắn mất đầu, phân khu Bắc và cụm cứ điểm Him Lam rơi vào hoảng loạn, dù ngoan cố chống đỡ kể cả Đờ Ca-xtơ-ri đưa quân phản kích cứu viện vẫn bị bộ binh ta tiêu diệt.
Địch rất bất ngờ trước sự xuất hiện và sức mạnh của pháo binh ta. Mới trận tập kích đầu tiên, pháo binh ta đã tiêu hao lực lượng của tên quan năm pháo binh Pi-rốt tới 6000 viên đạn đại bác, bằng 1/4 số đạn pháo của quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và đau hơn nữa là 12 khẩu pháo lớn của chúng ở Mường Thanh đã bị pháo binh ta quật cho tan nát… Không dễ gì bổ sung ngay được số lượng lớn đạn và pháo đã mất, cho nên chỉ sau 3 ngày mở màn chiến dịch, bất ngờ trước đòn phủ đầu hỏa lực mãnh liệt của pháo binh ta, Pi-rốt – Phó chỉ huy kiêm Tư lệnh pháo binh của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã cùng đường phải tự sát thảm hại.
Chiến thắng lớn Him Lam, Độc Lập, chiến thắng oanh liệt của đợt 1 Chiến dịch Điện Biên Phủ, đập tan cánh cửa phòng ngự kiên cố phía Bắc, đường chiến thắng tập đoàn cứ điểm đã mở. Trận mở màn thắng lợi làm nức lòng quân và dân Điện Biên, phấn khởi tin tưởng pháo binh, tin tưởng thắng lợi và đơn vị đầu tiên được trao cờ “Quyết chiến quyết thắng”, phần thưởng luân lưu cao quý của Hồ Chủ tịch kính yêu, chính là Đại đội 806 Trung đoàn Trọng pháo Tất Thắng -đơn vị bắn mở màn chiến dịch.
Trải qua 55 ngày đêm liên tục tiến công, dũng cảm kiên cường, mưu trí và sáng tạo, đánh độc lập, đánh hiệp đồng binh chủng, nhiều đòn đánh hiểm, đánh bất ngờ, bắn gián tiếp, bắn trực tiếp, đánh liên tục cả ngày lẫn đêm, dùng pháo bắn tỉa, bắn mục tiêu đơn lẻ, mục tiêu cố định và di động, dùng đạn ngòi nổ trên không bắn máy bay địch khi chúng thả quân nhảy dù trong đêm hoặc thả dù tiếp tế hậu cần, dùng đạn pháo địch đánh địch… Trung đoàn lập nên nhiều chiến công trên chiến trường Điện Biên Phủ, trong đó có những trận chiến quyết định ở các đồi A1, C1, góp phần cùng với toàn mặt trận đập tan tập đoàn cứ điểm, tướng Đờ Ca-xtơ-ri đầu hàng, Bộ Tham mưu và 16.000 sĩ quan binh lính Pháp bị tiêu diệt và bắt sống, làm nên Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, đem vinh quang đến cho Tổ quốc.
Sự thật, “mọi sự so sánh đều khập khiễng” nếu đem so sánh những trận chiến khốc liệt trên đồi A1, C1, E1 ở Điện Biên Phủ với những trận chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị… Song thực tế lịch sử phải thừa nhận rằng, trong kháng chiến chống Mỹ, khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh còn gấp nhiều lần so với thời kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên, đó là nói về góc độ chiến tranh, còn trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta đã phải trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ hy sinh khi Tổ quốc còn trong trứng nước, khi đất nước như “Ngàn cân treo sợi tóc”, khi chỉ có gậy gộc, giáo mác, tầm vông đánh quân xâm lược hiện đại. Thà hy sinh chứ không chịu mất nước, chúng ta đã vượt qua tất cả để đến “Điện Biên”, để có “chiến thắng Điện Biên”, thì có ở đâu, có “đối tượng” nào có thể so sánh được?
Vì vậy, để bổ sung cho “hành trang” từ Điện Biên Phủ đi vào cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung đoàn 45 đã nỗ lực khẩn trương rèn luyện trở thành quê hương của phong trào “Pháo thủ toàn năng” của lực lượng vũ trang nhân dân, đi đầu trong việc rèn luyện tổ chức chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu hướng tới nhiệm vụ chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Còn nữa)
Nguồn : qdnd.vn