Cách mạng Tháng Tám thành công, sau hơn một tháng thì tiếng súng kháng chiến nổ ra ở Nam Bộ. Hơn một năm sau – ngày 19-12-1946, toàn dân tộc đứng lên, theo Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, bước vào một cuộc chiến khốc liệt, với súng, gươm, cuốc, thuổng, gậy tầm vông, bom ba càng…
Văn học sau một cuộc chuyển mình trong Cách mạng Tháng Tám cũng bước vào một giai đoạn mới, với nhân vật trung tâm là người lính – anh Vệ quốc quân, anh Bộ đội Cụ Hồ. Nhưng để có được một chân dung rõ nét và đa diện về người lính, những người viết còn phải trải một hành trình qua nhiều dò tìm vất vả, trong đó, những đóng góp sớm được khẳng định ở khu vực này lại chưa phải là của các cây bút chuyên nghiệp đã nổi tiếng trước 1945, mà là ở những người sớm tham gia vào đội ngũ cầm súng, hoặc trưởng thành trong phong trào viết văn bộ đội.
Có lẽ Trần Đăng là cây bút đầu tiên cho ta làm quen với anh bộ đội. Là người Thủ đô, Trần Đăng viết về anh bộ đội chưa từng biết Thủ đô, hoặc có biết Thủ đô, nhưng trở về trong tư thế xa lạ và phủ nhận hết thảy mọi ánh sáng phù hoa của đời sống thành thị. (Một lần tới Thủ đô, 1946).
Cũng Trần Đăng là người, trong quãng đời văn ngắn ngủi của mình, sớm ghi nhận được những nét dáng khác nhau của anh bộ đội đến từ nhiều nguồn. Sự tìm kiếm một chân dung thực về anh bộ đội ở Trần Đăng có lúc ráo riết như một sự săn đuổi. Đại đội trưởng P.N lăm lăm chuôi kiếm, vẻ mặt nghiêm lạnh, lẳng lặng mà nôn nóng, luôn tay nhìn đồng hồ, trong Trận Phố Ràng (1949) là hình ảnh có “nguyên mẫu” trong cuộc đời. Có thể tìm sự tương ứng của anh bộ đội đó trong truyện và ký của Trần Đăng với đồng đội của họ trong thơ, qua hình ảnh “đoàn quân Tây Tiến” “mắt trừng gửi mộng qua biên giới” của Quang Dũng, hoặc “những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng”, với “giày vạn dặm”, “bụi trường chinh” trong Ngày về của Chính Hữu. Thế nhưng, bên cạnh đại đội trưởng P.N, những binh nhất binh nhì trước trận đánh diễn ra còn cãi nhau châu chấu – cào cào con nào bằng đầu, con nào nhọn đầu, lại là hình ảnh hồn nhiên của một lớp thanh niên vào cách mạng ở tuổi đời còn non trẻ. Cũng những giờ khắc đó, ở cái bút ký có tên Một cuộc chuẩn bị (1949) khó quên câu chuyện ồn ào giữa đám lính, nơi một trạm nghỉ, vào đêm trước ngày ra trận: “Sàn dưới ồn ào chia nhau mấy tấm gỗ không biết vác ở đâu về, hai người ba tấm, ba người hai tấm, làm cho một anh liên lạc đại đội bộ ở trên, ngày trước làm nghề đóng áo ở Phòng ngứa mồm chõ xuống gọi: – Này! Một người thì phải sáu tấm, bốn dài hai ngắn nhớ, ngủ đi nhớ!”.
Có thể nghĩ những chi tiết này có mang màu sắc bi quan. Nhưng không thể nói là bi quan chủ nghĩa. Chàng sinh viên trường Luật Trần Đăng (tức Đặng Trần Thi) sớm mặc áo lính, hăng hái tham gia nhiều chiến dịch, bám sát các đơn vị chiến đấu, hăm hở sống, ghi chép, và ngã xuống quá sớm ở mảnh đất Đông Bắc ngang dọc vết giày đinh của thực dân Pháp và tàn quân Tưởng, đó là một tấm gương sống và viết rất đẹp. Trần Đăng không phải là người bi quan chủ nghĩa. Chỉ có thể cắt nghĩa hiện tượng trên ở một khuynh hướng tìm tòi. Vào những năm 1948-1949 của cuộc kháng chiến đang đi vào giai đoạn cầm cự, có lẽ Trần Đăng thuộc số người viết khao khát một chân dung thực về người lính, một bức tranh thực nói được cái đẹp bình thường, tự nhiên của đời sống chiến đấu. Và để cho đạt được cái lõi thật ấy, anh cần một bảng vẽ có nhiều màu. Anh không ngại đi tìm những hòa sắc lạ, những đường nét thô nhám, đôi khi đến mức gay gắt, cực đoan.
Bộ đội ta đánh chiếm cầu Mường Thanh ngày 7-5-1954. Ảnh tư liệu. |
Dừng lại ở những năm 1948-1949 của văn học kháng chiến chống Pháp, cùng với ký của Trần Đăng, còn có Voi đi của Siêu Hải, Lưỡi mác xung kích, Thư nhà của Hồ Phương, và những trang ghi chép ngắn của không ít cây bút viết văn bộ đội. Đó là lực lượng viết hình thành cùng với kháng chiến, để bổ sung cho đội ngũ chuyên nghiệp còn khá mỏng, và khá đông trong họ còn đang bâng khuâng trong những bước nhận đường.
Sự xuất hiện của lớp người trẻ tuổi này hoàn toàn không ngẫu nhiên. Nó có cơ sở trong sự phát triển của phong trào văn nghệ bộ đội. Ở sự đua nở của báo tay, báo tường, thơ ca báng súng. Ở những trang nhật ký, sổ tay của các cây bút đội viên và cán bộ. Điều đáng kể là những giá trị mới mà nó mang lại. Một hơi văn mạnh. Sự chân thật, khỏe. Một vẻ đẹp hồn nhiên, lắm lúc tự nhiên. Các chi tiết sống lắm khi chưa kịp gọt giũa… Chính từ trong phong trào bộ đội viết, và viết về bộ đội này mà làm nảy nở những cây bút sau này sẽ là đội quân chủ lực của văn học mới chúng ta, mà số lớn rồi sẽ hội về trụ sở 4 Lý Nam Đế, và làm nên “phố nhà binh” ở trung tâm Hà Nội. Nhưng trước khi nói đến đội ngũ này, không được phép quên những người mang niềm khao khát viết mà chưa một lần xuất hiện. Họ đã ngã xuống quá sớm, khi những ước mơ còn chưa kịp hình thành.
Đây là những trang nhật ký ghi ngày 29-12-1948 của Phan Phú, Chính trị viên đại đội một đơn vị chủ lực, hy sinh trong trận Bản Trại, được lưu lại trong sổ tay của Tô Hoài:
… “Chúng tôi cùng một tiểu đội trở vào bản (làng) đi sục sạo từng nhà một. Mỗi khi bước vào một nhà, lại hơi rợn rợn, không biết địch để lại cái gì trong nhà: Một tên bị thương liều lĩnh, một vài quả lựu đạn nổ chậm… Trong mấy gian nhà vắng tanh, đồ đạc của chúng tôi vẫn còn bừa bãi: chăn chiếu, ba lô, quần áo, tỏ ra địch chưa kịp lấy một thứ gì cả đã vội phải rút lui. Ánh sáng vẫn chiếu tưng bừng qua kẽ lá, qua mái nhà. Con gà vừa đẻ xuống vẫn cục tác vang lừng. Tôi không lấy làm ngạc nhiên vì cảnh vật có vẻ thanh bình giữa trận ác liệt đang xảy ra… Tôi lại quay trở lại chỗ đại đội I vẫn đương đánh nhau với Pháp ở sườn đồi trước mặt.
(…)
Chiều hôm qua rời A.T lúc 5 giờ, đoàn quân lại kéo qua P.R theo bờ sông máng. Hai bên đường, trên những ruộng lúa chín vàng, mấy người thợ gặt gái trai đứng nhìn chúng mình. Chiều đẹp quá, êm ả như bất cứ chiều thu nào khác ở thôn quê. Xa xa, bên kia sông, một cứ điểm của Pháp hiện thành một khối vuông trắng xóa giữa các đỉnh đồi trọc. Người dân, những ruộng lúa vàng, cứ điểm địch, và người Vệ quốc quân, những hình ảnh ấy hiện ra cùng một lúc, bao hàm bao ý nghĩa” (Sổ tay viết văn; Nxb. Tác phẩm mới; 1977).
Và đây là ghi chép của Lê Nguyên – Đại đội trưởng Đại đội 156, Sư đoàn 308, hy sinh ngày 20-3-1949 – được giữ gìn cẩn thận trong ba lô của Trần Đăng:
“Kinh nghiệm trường đời cho biết rằng không nên giãi bày tâm sự mình lên trang giấy, nhưng từ khi vào bộ đội, mình có những xúc động ghê gớm thấy cần phải ghi lại… Trận B.T. mình dẫn bộ đội đánh thốc ngang vào… Tụi địch không biết gì cả. Đấy là lần đầu mình giữ một vai trò quan trọng trong một trận ác liệt… Đến sát đồn, mình thấy ba thằng lính Đức tóc lật ngược trước gió, đứng trên miệng hầm, bên đống lửa rừng rực, lia súng ra phía suối…”.
Một mẩu ghi khác có tên Đôi mắt: “Tiểu đội phó N.Đ.Thản có đôi mắt một mí như Nhật vậy. Trời, sao mình yêu đôi mắt hiền từ và đẹp như thế!
Trận B.T. lúc ấy mình chưa cho lệnh bắn. Hắn sướng quá bắn luôn một tràng thompson, thế là lũ giặc bắn như mưa… Thản bị bắn xuyên óc, chết ngồi dựa lưng vào vách đá. Hôm sau địch chạy hết, mình vào chôn cất cho Thản.
Đã có bao nhiêu đôi mắt như đôi mắt của N.Đ.Thản đã nhắm ở chiến trường mà không người vuốt xuống” (Dân quân Việt Bắc, số 18; 15-5-1949).
Cả Phan Phú và Lê Nguyên đều hy sinh ở Bản Trại, Lạng Sơn. Cả hai cùng viết về những cảm xúc từ đời lính, về những tình huống căng thẳng, và cả những mất mát, hy sinh trong chiến tranh. Điều đáng nói ở đây là một dạng văn theo khuynh hướng mới, chứ không phải văn chương theo khuôn sáo cũ, thường thấy có ở những người mới học viết. Cái chất văn là kết quả của một năng khiếu quan sát tinh tế, tỉ mỉ, kết hợp với một mạch ngầm cảm xúc chân thành.
Từ những trang ghi và nhật ký trên, có thể giải thích sự hào hứng đón nhận, đến mức vồ vập của giới chuyên nghiệp như Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, đối với lực lượng văn nghệ bộ đội. Cũng có thể giải thích cả cái động tác muốn “quăng bút đi không viết nữa” ở Trần Đăng, như được nói đến trong một bài viết của Nguyễn Huy Tưởng (Văn nghệ; số Xuân 1950). “Quăng bút” để biểu thị sự bực dọc và bất mãn đối với bản thân mình. Cái khao khát hướng tới một cách thể hiện mới, sao cho văn xuôi áp sát được vào hiện thực, Trần Đăng đã bắt gặp được ở văn thơ bộ đội như Voi đi của Siêu Hải, Thư nhà của Hồ Phương, nhật ký của Phan Phú, Lê Nguyên một kiểu mẫu mà mình đang khao khát săn tìm.
Thực ra nói Phan Phú hoặc Lê Nguyên, chỉ là nói một trong số rất nhiều cái tên, chưa kịp trở thành bút danh. Các sáng tác trong phong trào bộ đội viết này có lúc đã được tuyển chọn trong một tập văn có tên Vệ quốc quân viết, như một bó hoa tươi. Một tập văn từng gây nhiều hứng thú và xúc động cho bạn đọc, và sớm nhận được sự chào đón nồng nhiệt của Nam Cao: “Những người viết cũng như những nhân vật họ tả đều là những con người hành động. Họ hy sinh và đoàn kết, chiến đấu và kỷ luật. Tâm lý họ không phiền phức, rắc rối. Họ giản dị và thiết thực, không viển vông, vơ vẩn…”. Để từ nhận xét đó, Nam Cao đi tới sự khẳng định về bản chất cuộc sống mới: “Người anh hùng đã thành thường thấy trong thời kháng chiến này, chính người bạc nhược mới là người hiếm thấy” (Đọc cuốn “Vệ quốc quân viết”; Tạp chí Cứu quốc; số 19; tháng 4-1949).
Đó là một tập văn đã được chọn tuyển, được in. Còn vô số trang văn khác, trên khắp các báo tay, báo tường. Đến với các đơn vị bộ đội, chăm chú quan sát, đọc, ghi chép, không ít nhà văn đã phải ngạc nhiên vì cái chất mới của người lính mà nó mang lại, để góp vào việc nhận diện gương mặt mới của dân tộc. Tân Sắc “đọc bích báo Tết bộ đội”: “Trong tất cả những bích báo Tết năm ngoái của các đơn vị bộ đội mà tôi được đọc, tịnh không có cái “buồn nhớ nhà” của người lính. Những người Binh Nhì, Binh Bét, Vệ Hiếng, Vệ Còm chúng ta tuy có nhắc tới nhà cửa ở xa, nhưng là nhắc với một giọng vui nghịch ngợm, hay là với một sự so sánh ngộ nghĩnh, so sánh cái Tết “mẹ đĩ” với cái Tết “làng Vệ”. Để đi đến một nhận định rõ ràng rằng cái Tết “làng Vệ” bao giờ cũng vui hơn, ý vị hơn cái Tết “mẹ đĩ”. Phải chăng người lính của chúng ta một khi quen sống cuộc đời bộ đội rồi, cảm thấy rõ ràng gia đình bộ đội là nguồn an ủi dịu dàng, là sự nâng đỡ lành mạnh, là nơi phát huy những tình thương đằm thắm, chân thật, tình yêu đời, yêu nước, yêu bạn, đẹp đẽ, cao hơn trong gia đình thực của mình nhiều” (Vệ quốc quân; số 35; Xuân Kỷ Sửu; 1949).
Ở buổi đầu một nền văn học đang trên những bước dò tìm, sự phát triển của phong trào bộ đội viết, hay nói rộng hơn, của phong trào quần chúng viết để hưởng ứng khẩu hiệu “Kháng chiến hóa văn hóa và Văn hóa hóa kháng chiến”, quả có một tác động tích cực rõ rệt. Nó giúp cho sự nhận diện gương mặt con người thời đại, như thu hoạch của Tân Sắc, Nam Cao đã kể trên. Nó còn giúp cho sự xác định “con đường đi” chung của “văn nghệ thời đại”, như nhận xét của Nguyễn Đình Thi: “Sức hấp dẫn… đối với tôi thật đặc biệt, tuy đó mới là những lời bập bẹ chưa thành hình… Một nghệ thuật còn ròng ròng sự sống, một nghệ thuật chân đứng vững trên mặt đất tưới đẫm mồ hôi và khét tiếng súng, một cái đẹp khỏe, không khéo léo phấn son, mà mộc mạc, tươi như vừa mới nẩy lên từ một bàn tay hóa công nào, một nghệ thuật vui sống, vui chiến đấu, vui làm lụng, đó là con đường của văn thơ anh binh nhì đã bước lên. Đó cũng là con đường đi của tất cả văn nghệ thời đại” (Vài ý nghĩ về văn nghệ mới trong bộ đội; Tạp chí Văn nghệ; số 11-12; tháng 4 và 5-1949).
*
* *
Sau 1950, khi cuộc kháng chiến từ giai đoạn cầm cự, đang chuyển sang giai đoạn chuẩn bị tổng phản công, bức tranh kháng chiến, với nhân vật trung tâm là người lính, sẽ dần dần đậm nét hơn theo sự trưởng thành của lực lượng viết, từ trong phong trào viết của bộ đội, với các tên tuổi dần dần trở nên quen thuộc, và thỏa được niềm mong đợi của các cây bút đàn anh, như Minh Lộc, Nguyễn Khắc Thứ, Hữu Mai, Hồ Phương, Vũ Cao, Tú Nam, Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc… Cùng với sự mở rộng diện phản ánh: Các vùng nông thôn tự do và địch hậu; các vùng giáp ranh, xen cài ta và địch; miền núi Việt Bắc, Tây Bắc và Tây Nguyên; vùng mỏ và vùng ven đô thị… thế giới nhân vật văn xuôi dần dần trở nên đông đúc. Từ nhân vật trung tâm là người lính, sẽ mở rộng ra nhiều tầng lớp khác trong quan hệ với người lính, để đem lại cho công chúng hình ảnh một cuộc kháng chiến toàn dân, một cuộc chiến tranh nhân dân. Đưa nhân vật vào các tình huống căng thẳng, đối mặt với kẻ thù, trước và sau các trận đánh, ngay trong các trận càn; hoặc cho nhân vật bộc lộ mình trong những hoàn cảnh bình thường của sinh hoạt làm ăn, của đời sống tản cư, của quan hệ vợ chồng, bè bạn… hướng khai thác của người viết, nhìn chung là nhằm nêu cho được lòng yêu nước và sự gắn bó giữa dân và nước; là chí căm thù và quyết tâm kháng chiến, là tình đồng bào, đồng chí, quan hệ quân dân… Phương hướng khám phá các phẩm chất mới nảy nở từ cách mạng, và được hun đúc trong kháng chiến, trở thành một sự theo đuổi tự nhiên và vững chắc khi người viết thật sự sống với sự sống của nhân dân, của công-nông-binh, của người lính; nói cách khác từ kết quả của “cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt”. Và những mùa màng đầu tiên của văn học kháng chiến sẽ đến với chúng ta trong hai Giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam gối liền nhau – Giải thưởng 1951-1952 và Giải thưởng 1954-1955, với những tác phẩm có giá trị tạo nền móng cho một giai đoạn văn học mới được mở ra sau 1945, nối dài cho đến 1975 – kết thúc 30 năm chiến tranh giữ nước vĩ đại, kể từ Xung kích, Bên đường 12, Chuyện biên giới, Ký sự Cao Lạng, Vùng mỏ, Con trâu, Truyện Tây Bắc, Đất nước đứng lên, Người người lớp lớp… cho đến Trước giờ nổ súng, Một chuyện chép ở bệnh viện, Hoa hướng dương, rồi Sống mãi với Thủ đô và Cao điểm cuối cùng – hai cuốn tiểu thuyết làm gắn nối tiếng súng trong ba ngày mở đầu Toàn quốc kháng chiến ở Thủ đô đến khối bộc phá làm nổ tung đồi A1 – “cao điểm cuối cùng” của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ.