Đối với dân tộc Việt Nam, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mục tiêu độc lập-tự do và thống nhất Tổ quốc luôn luôn là mục tiêu cao cả và thiêng liêng. Nó được biểu trưng trong câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn; nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Tất cả mọi âm mưu nhằm chia cắt đất nước là động vào nơi sâu thẳm nhất của tình cảm dân tộc. Khi chủ nghĩa đế quốc vẫn tiếp tục mưu đồ áp đặt ách thống trị và chia cắt lâu dài đất nước, khi nhân dân buộc phải cầm súng thì mọi người viết văn chân chính đều tự nguyện tìm đến súng và đến với các tuyến đầu. Thời điểm 1960, sau cuộc Đồng khởi vĩ đại của nhân dân miền Nam và sự ra đời Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là một thời điểm thiêng liêng như thế; thời điểm hình thành rất nhanh chóng một đội ngũ người viết ưu tú, gồm những người con miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương năm 1954, hoặc những người ở lại miền Nam trong tư cách những người yêu nước-kháng chiến. Tất cả đều sẵn sàng trở về chiến trường, trở lại với đội ngũ để trước hết làm một người lính “cùng xương thịt với nhân dân”; và sau đó, hoặc cùng lúc, làm một người viết- chiến sĩ, để ghi lại cuộc chiến đấu của nhân dân.
Đây là hiện tượng nằm trong truyền thống một dân tộc từ lịch sử xa xưa đã có câu: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Với đội ngũ người viết trong giai đoạn chống Mỹ, điều đáng lưu ý là tất cả họ đều đã có trải nghiệm trong 9 năm chống Pháp, và đã có hơn 5 năm góp sức xây dựng nền văn nghệ mới trên miền Bắc trong bối cảnh hòa bình. Từ trung tâm Việt Bắc và các vùng tự do Khu Bốn, Khu Ba, Khu Năm, Nam Bộ-hoạt động văn nghệ đã được đúc kết ở các giải thưởng như Giải thưởng văn nghệ 1950-1951 và 1954-1955 của Hội Văn nghệ Việt Nam; Giải thưởng Phạm Văn Đồng ở Liên khu Năm; Giải thưởng Cửu Long Giang ở Nam Bộ. Từ các giải thưởng trong kháng chiến chống Pháp và từ hoạt động sáng tác liên tục sau năm 1954, một đội ngũ tác giả-là sản phẩm của Cách mạng Tháng Tám và chế độ mới đã hình thành và nhanh chóng trưởng thành, trong đó có các tên tuổi rồi sẽ góp mặt làm nên đội quân chủ lực của văn học Giải phóng miền Nam, như Nguyễn Văn Bổng (Trần Hiếu Minh), Lê Khâm (Phan Tứ), Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành), Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi), Bùi Đức Ái (Anh Đức), Nguyễn Quang Sáng (Nguyễn Sáng), Trúc Hà (Nam Hà), Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Xuân Thiều (Nguyễn Thiều Nam), Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Hồ Phương, Hữu Mai (Trần Mai Nam)… trong văn xuôi; và Viễn Phương, Giang Nam, Thanh Hải, Thu Bồn, Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), Chim Trắng, Hoài Vũ, Nguyễn Khoa Điềm, Bùi Minh Quốc (Dương Hương Ly), Nguyễn Trọng Oánh (Nguyễn Thành Vân), Phạm Ngọc Cảnh (Vũ Ngàn Chi), Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Duy… trong thơ.
Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu. Ảnh: Đoàn Công Tính |
Trở lại chiến trường, tất cả mọi người viết đều đã sẵn sàng chuẩn bị cho mình tư cách người lính, người công dân, người cán bộ-để cùng sống, cùng chiến đấu, cùng đồng cam cộng khổ với nhân dân. Tất nhiên mục tiêu chính của họ là để viết; nhưng họ chỉ có thể viết, khi có hoàn cảnh; và phải tranh thủ triệt để mọi cơ hội để có hoàn cảnh viết.
Bao người đã hy sinh khi chưa kịp viết; hoặc chỉ mới viết được ít như Nguyễn Mỹ, Nguyễn Trọng Định, Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong…
Thế nhưng, điều thật đáng được xem là kỳ diệu, đó là: Dẫu cuộc chiến đấu rất khốc liệt, và dẫu với thời gian không dài lắm, số lớn các nhà văn vào chiến trường đều viết được ngay và viết nhanh, viết hay trên hiện thực nóng bỏng và in rất đậm các dấu ấn thời sự. Điều này được cắt nghĩa bởi chính hiện thực lớn lao của đời sống dân tộc. Và bởi cái ý thức thường trực có trong tất cả mọi người viết là phải ghi cho được sự thật đó, với tư cách là người trong cuộc.
Đó là Người mẹ cầm súng (1965) và Ở xã Trung Nghĩa (1965)… của Nguyễn Thi. Là Về làng (1965), Gia đình má Bảy (1968), Mẫn và tôi (1972) của Phan Tứ. Là Sống như Anh (1965) của Trần Đình Vân. Là Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc, Rừng xà nu (1969), Đất Quảng (1971) của Nguyễn Trung Thành. Là Bức thư làng Mực (1968) của Nguyễn Chí Trung. Là Gió vịnh Cam Ranh (1969) của Nam Hà. Là Cửu Long cuộn sóng (1965), Rừng U Minh (1970) của Trần Hiếu Minh. Là Bức thư Cà Mau (1965), Hòn Đất (1966), Đứa con của đất (1976) của Anh Đức. Là Chiếc lược ngà (1968), Bông cẩm thạch (1969), Chiếc áo thằng hình rơm (1975) của Nguyễn Sáng.
Là Đêm tháp Mười (1972), Chuyện xã tôi (1976) của Lê Văn Thảo. Là Người tị nạn (1973) của Lê Vĩnh Hòa. Là Mùa nấm tràm (1970) của Đinh Quang Nhã. Là Mầm sống (1970), Rừng lá đỏ (1972) của Triệu Bôn. Là Người sông Hương (1970), Dòng sông phẳng lặng (1974-1977) của Tô Nhuận Vỹ.
Là Tháng Tám ngày mai (1962), Quê hương (1965) của Giang Nam. Là Những đồng chí trung kiên (1962) của Thanh Hải. Là Bài ca chim Chơ-rao (1962), Tre xanh (1969), Mặt đất không quên (1970), Quê hương mặt trời vàng (1975) của Thu Bồn.
Là Nguyễn Văn Trỗi (1968), Hoa dừa (1971) của Lê Anh Xuân. Là Mắt sáng học trò (1970), Nhớ lời di chúc (1972) của Viễn Phương. Là Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ (1971) của Dương Hương Ly. Là Đất ngoại ô (1973), Mặt đường khát vọng (1974) của Nguyễn Khoa Điềm. Là Đêm Quảng Trị (1972) của Vũ Ngàn Chi. Là Mùa nước nổi (1972), Đêm châu thổ (1976) của Diệp Minh Tuyền. Là Khẩu súng hành quân (1970) của Liên Nam. Là Mảnh đất yêu thương (1978) của Văn Công.
Có được thành tựu như trên bởi tất cả đội ngũ viết đều đã được chuẩn bị một cách chu đáo cho hành trình nghề nghiệp của mình. Trước hết, đó là lòng yêu nước-một lòng yêu nước có truyền thống sâu xa trong lịch sử, và được kết tinh trong Cách mạng Tháng Tám và đưa lên một tầm cao mới trong Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 17-7-1966: “Không có gì quý hơn Độc lập -Tự do”. Một lòng yêu nước gắn với ý chí quyết tâm không trở lại thân phận nô lệ, dẫu dưới bất cứ hình thức nào. Một lòng yêu nước gắn với những thành quả cụ thể của Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp đang có nguy cơ bị kẻ thù xóa sổ trên nửa nước phía Nam. Một lòng yêu nước gắn với viễn cảnh là chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng bước đầu với biết bao khát khao và ước vọng trên miền Bắc…
*
* *
Từ 1975 mà nhìn ngược trở lại thì thấy không có vùng đất nào của miền Nam-tiền tuyến lớn, nơi đâu cũng chịu những thử thách cao nhất trong đối mặt với kẻ thù, mà không có mặt trên trang viết của một hoặc mấy thế hệ người viết đã bắt đầu cuộc hành quân trở lại vị trí chiến đấu, hoặc trở về chiến trường của mình ngay từ sau 1954.
Với Thanh Hải, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Minh Châu, Phạm Ngọc Cảnh, Xuân Thiều, Hồ Phương, Nguyễn Khải, Hữu Mai, Nguyễn Quang Hà, Trần Phương Trà… ở chiến trường Trị Thiên, Đường 9-Nam Lào.
Với Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Dương Hương Ly, Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong… ở chiến trường Liên khu Năm và Tây Nguyên.
Với Giang Nam, Nam Hà, Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Trọng Oánh, Triệu Bôn… ở Khu Sáu và Đông Nam Bộ.
Với Lý Văn Sâm, Trần Hiếu Minh, Nguyễn Thi, Anh Đức, Nguyễn Sáng, Lê Văn Thảo, Trang Thế Hy, Thủy Thủ, Lê Vĩnh Hòa, Lê Anh Xuân, Chim Trắng, Hoài Vũ, Đinh Quang Nhã, Võ Trần Nhã… ở chiến trường vùng ven Sài Gòn và Nam Bộ…
Tất cả những tên tuổi trên đều đã viết trên một nhận thức mới, một nhận thức sâu sắc về bộ mặt mới của kẻ thù và với một niềm căm thù lớn.
Cùng với nhận thức mới về kẻ thù là một tình yêu nước, gắn với tình yêu quê hương cụ thể-là nơi cắt rốn chôn rau; nhưng không phải chỉ nơi cắt rốn chôn rau mới được hiểu là quê hương, nói như Dương Hương Ly:
Tôi trở về đất mẹ Quảng Nam tôi
Dẫu chẳng nơi đây cất tiếng chào đời.
hoặc Thu Bồn:
Tôi không khóc nhưng vẫn trào nước mắt
Con đã về đây với mẹ Quê hương.
Hai trường hợp làm xúc động đến nao lòng tất cả chúng ta, đó là Dương Thị Xuân Quý-người phụ nữ mảnh mai đã gửi lại con gái hai tuổi ở lại miền Bắc, để theo chồng là Dương Hương Ly vào chiến trường Khu Năm. Người phụ nữ chưa đầy tuổi 30 không chỉ đã vượt được tất cả mọi thử thách đặt ra cho mọi người lính vào chiến trường: Làm rẫy, gùi gạo, chống càn, vượt mọi hiểm nguy, chống chọi với biết bao cơn sốt rét rừng… mà còn vượt được cả cái thử thách lớn nhất đặt ra cho người phụ nữ là phải xa con-đứa con chỉ mới hai tuổi.
Và người thứ hai là Nguyễn Ngọc Tấn, quê ở miền Bắc, nhưng cuộc đi này với ông lại như một cuộc trở về quê hương; bởi suốt 9 năm chống Pháp, ông hoạt động ở chiến trường Nam Bộ, và đã để lại một cô con gái mới sinh vào năm tập kết ra Bắc mà ông chưa từng biết mặt.
Trở lên tôi chỉ nêu hai trường hợp trong số rất nhiều gương mặt tiêu biểu của văn học Giải phóng miền Nam-mà bất cứ một tên tuổi nào, là Giang Nam hoặc Thanh Hải, là Nguyên Ngọc hoặc Phan Tứ, là Lê Anh Xuân hoặc Dương Hương Ly, là Nguyễn Khoa Điềm hoặc Tô Nhuận Vỹ, là Anh Đức hoặc Nguyễn Sáng, là Viễn Phương hoặc Lê Văn Thảo… ai ai cũng có cả một kho kỷ niệm quý báu của riêng mình để góp vào pho sử chung của nhân dân, của đất nước.
Có dịp đi sâu vào từng trường hợp cụ thể mới hiểu được tận cùng chân lý “Không có gì quý hơn Độc lập-Tự do” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát cho cuộc chiến đấu lần thứ hai này của dân tộc trong nửa sau thế kỷ XX. Một khái quát khắc họa thật tuyệt vời chân dung tinh thần chung của dân tộc, và cũng đúng với chân dung riêng của mỗi người, vào những tháng năm cả “đất nước có một tâm hồn, có chung khuôn mặt” (Chế Lan Viên).
*
* *
Văn học Giải phóng miền Nam 1960-1975 đã để lại những tên sách xứng đáng trong 15 năm tồn tại của nó. Nhưng không phải chỉ có những tên sách-đó còn là một đội ngũ. Và với đội ngũ, đó còn là một kiểu người viết. Một kiểu người viết biết cách sống và viết trên chiến trường; biết cách ứng xử sao cho xứng đáng với nhân dân và Tổ quốc trong những thử thách cao nhất của lịch sử.
Với văn học Giải phóng, ta có một minh chứng thuyết phục nhất cho mối quan hệ giữa người viết và nhân dân, nhà văn và cuộc sống; cho sự gắn bó tuyệt đối giữa ý thức công dân và trách nhiệm nghề nghiệp. Nếu thiếu một kiểu người viết như thế, thiếu một lớp nhà văn như thế (gồm nhiều thế hệ) thì chắc hẳn sẽ không bao giờ có bức tranh hùng vĩ một thời ta đã sống, nó đã góp phần cổ vũ dân tộc và còn tiếp tục cổ vũ cho những ai còn phải đấu tranh cho quyền sống của dân tộc.
Cố nhiên không phải là khó khăn trong việc chỉ ra những đặc trưng cũng như những mặt mạnh và yếu của một nền văn học sinh ra trên các dấu vết nóng bỏng của thời sự và trước các áp lực khủng khiếp của hoàn cảnh. Nếu cái động tác cơ bản của người viết trong 15 năm trên chiến trường (và rộng ra trong suốt 30 năm chiến tranh chống hai đế quốc) là vừa cầm súng vừa cầm bút, thì cái hoàn cảnh cơ bản để họ hành nghề là diễn ra trên đường hành quân, bên bếp lửa rừng hoặc ngọn đèn dầu, giữa hai loạt bom, giữa hai tầm đại bác, phút im lặng giữa hai trận đánh, hai cuộc chống càn, giữa hai trận sốt rét và những cơn đói triền miên. Tôi muốn nói sự ra đời của số lớn tác phẩm là ở các tình huống đó, không ai không trải qua trong từng phần hoặc trong suốt cả 15 năm sống và viết ở chiến trường.
Và bên người viết còn là người đọc. Nếu hiểu văn thơ phải là vũ khí, là nguồn sức mạnh, là điểm tựa cho con người trong mọi khó khăn, hiểm nguy thì không ai là người viết lại không ý thức được rõ điều người đọc mong muốn ở họ là gì, và rộng ra, người đọc là ai? Phải chăng đó là những người mẹ đã tiễn nốt đứa con trai cuối cùng lên đường; là người vợ đã xa chồng trong 9 năm lại tiếp tục một cuộc chia ly mới không hẹn được ngày đoàn tụ. Trong hàng vạn, hàng chục vạn người hy sinh, lời nhắn gửi về phía sau cho hậu phương phải là lời của người sống, và niềm khao khát của họ là trở về, trong một chữ đợi-như trong Đợi anh về của nhà văn Nga C.Xi-mô-nốp. Tôn trọng sự thật, người viết không được tô vẽ, không được tuyên truyền một chủ nghĩa lạc quan giá rẻ, nhưng người viết nào cũng phải có trách nhiệm không được làm nản chí tất cả những ai đang trên đường ra trận, đang giáp mặt với quân thù, và tất cả những ai đang chờ đợi.
Đánh giá cao, rất cao giá trị phục vụ của văn học Giải phóng trong 15 năm tồn tại của nó, cố nhiên chúng ta không dễ dãi trong cách nghĩ cho rằng tất cả những gì đã được viết ra đều có thể còn lại trong tầm đón nhận của người đọc. Thời gian đã và vẫn còn tiếp tục một cuộc sàng lọc lớn để chỉ giữ lại những gì thật sự giá trị-giá trị nhân văn và giá trị nghệ thuật. Nhưng thời gian cũng đòi hỏi ta có một cái nhìn lịch sử, nhằm giúp ta hiểu, trong những hoàn cảnh cụ thể như hoàn cảnh chiến tranh, một đòi hỏi cao hơn những gì thực tiễn không cho phép, là không phải lẽ. Và như vậy, xét trên những gì ta đã có, văn học Giải phóng miền Nam đã làm xong nhiệm vụ lịch sử của nó, trước các yêu cầu vừa nghiêm khắc, vừa độ lượng của công chúng, không chỉ của một thời trong toàn cảnh văn học Việt Nam thời đại chống Mỹ.
Nguồn : qdnd.vn