Người bắt sống phi công Mỹ đầu tiên trên miền Bắc
TRỊNH DŨNG
Chúng tôi hỏi thăm đường về nhà CCB Phạm Đình Giang ở tổ 58A, khu Trần Hưng Đạo, phường Cẩm Thạch, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh, người tham gia bắt sống phi công Mỹ An-vơ-rét trong sự kiện ngày 5-8-1964. Một bà cụ liền lành, phúc hậu dẫn chúng tôi qua một con hẻm nhỏ vào ngôi nhà cấp 4 nằm lọt thỏm giữa những dãy nhà cao tầng.
Câu chuyện đầy ắp những kỷ niệm bắt đầu sau cái bắt tay thật chặt và giọng chủ nhà hào hứng, nhưng nghèn nghẹn: Năm 1964, tôi 20 tuổi, là chiến sĩ hậu cần ở Đại đội 7, Tiểu đoàn 73, Quân khu Đông Bắc, đóng quân ở đảo Cô Tô. Đầu tháng 8-1964, chúng tôi được lệnh về Hồng Gai nhận quân nhu, quân lương cho đơn vị. Phương tiện chúng tôi đi là chiếc thuyền 2 buồm, trọng tải 6 tấn. Thuyền biên chế 3 người: Binh nhất Lê Văn Lộc, Binh nhì Lồ Dảo Quay (người Hoa) và tôi – Binh nhì Phạm Đình Giang. Trên chuyến thuyền này còn có Thượng sĩ Nguyễn Kim Bảo, nhân viên cơ yếu. Thượng sĩ Bảo là người đi nhờ phương tiện để thực hiện nhiệm vụ khác, tuy nhiên đồng chí là người nhiều tuổi, lại có quân hàm cao nhất, nên anh em thống nhất để đồng chí chỉ huy, xử lý các tình huống trên biển.
Vợ chồng CCB Phạm Đình Giang. |
Theo lời bác Giang, trong chuyến đi, bác được giao nhiệm vụ lái thuyền. Trưa 5-8-1964, sau khi nhận quân nhu, quân lương xong, thuyền rời Bãi Cháy để về Cô Tô. Trời hôm đó trong xanh, gió biển lồng lộng, nhưng khi trở về thuyền bị ngược gió, ngược sóng, lại chở nặng, dù đã kéo cả 2 buồm và ra sức chèo, nhưng thuyền đi rất chậm. Hơn 2 giờ chiều, thuyền đi ngang qua biển Hà Tu thì phát hiện nhiều tốp máy bay chiến đấu của Mỹ từ biển lao vào phía Hồng Gai, tiếp đó là những tiếng nổ lớn. Anh em trên thuyền nhận định: Hồng Gai đang bị giặc Mỹ đánh phá. Ngay lập tức, đồng chí Bảo lệnh cho chiến sĩ Giang chèo thuyền ghé vào chân núi quan sát. Lúc này, những tốp máy bay quần đảo trên bầu trời rồi bổ nhào về phía Hồng Gai thả bom rồi lại vụt bay ra biển. Chợt một chiếc máy bay trúng đạn bốc cháy, đâm nhào xuống biển cách thuyền của bác Giang khoảng 500m. Cùng lúc, một chiếc dù rơi cách thuyền khoảng 100m. Thấy vậy, bác Giang liền nói to: “Phi công nhảy dù rồi! Đồng chí Bảo lệnh cho đồng chí Lộc lái thuyền, còn tôi và đồng chí Quay tiến về phía mũi yểm trợ sẵn sàng bắt tù binh”.
Thuyền tiến sát đến chỗ tên phi công. Đồng chí Bảo giơ súng uy hiếp và hô: Giơ tay lên! Hàng thì sống!
Tuy ngôn ngữ bất đồng, nhưng tên phi công Mỹ ngoan ngoãn giơ tay lên. Hai đồng chí Bảo và Giang dùng tay túm lưng áo tên phi công. Đồng chí Lộc, đồng chí Quay cùng kéo tên phi công lên thuyền. Kể đến đây, giọng bác Giang phấn chấn:
– Đưa tên phi công lên thuyền, chúng tôi bắt đầu tra hỏi. Đồng chí Bảo chỉ vào khẩu súng ngắn, ý hỏi súng của hắn ở đâu; tên phi công chỉ xuống nước (ý là súng đã rơi xuống nước). Tôi chỉ vào con dao găm của mình. Hắn chỉ vào cái túi ngang thắt lưng. Tôi thu được 1 con dao găm. Khám trong túi áo, chúng tôi thu được một chứng minh quân nhân, giở ra đúng là ảnh của hắn. Còn chữ ghi trên chứng minh sau chúng tôi mới biết, hắn là An-vơ-rét, sinh ngày 23-12-1937, người Mỹ, mang quân hàm trung úy”.
Các chiến sĩ tiếp tục lục soát trong các túi áo và phát hiện rất nhiều loại thuốc (chủ yếu là thuốc kháng sinh, thuốc chống sốt rét, chống muỗi, vắt…) và tìm thấy một thiết bị giống như cây bút Hồng Hà. Sau này tìm hiểu mới biết, thiết bị này có 2 tác dụng là chống cá mập và phát tín hiệu cấp cứu khi phi công bị nạn rơi xuống biển.
Để an toàn, các chiến sĩ trói tên phi công vào chân cột buồm và phủ một phần vải buồm lên người hắn. Sau đó, cho thuyền ghé vào chân núi để quan sát, nghe ngóng tình hình. Khoảng 15 phút sau, có 1 chiếc ca nô đi tới. Bác Giang kể tiếp: “Một số người trên ca nô sang thuyền chúng tôi để xem cho rõ mặt tên giặc lái rồi đề nghị, nếu về Hòn Gai, họ sẽ giúp kéo thuyền chúng tôi về. Chúng tôi từ chối vì phải về Cô Tô để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ”. 10 phút sau thì tàu Hải quân xuất hiện và cập mạn. Đồng chí Bảo liền nói: “Chúng tôi là bộ đội C7, D73, Quân khu Đông Bắc, đã bắt được tên phi công Mỹ nhảy dù xuống biển, xin bàn giao lại cho các đồng chí, nhờ các đồng chí về báo với cấp trên”.
Về đảo Cô Tô, chiến sĩ Giang và đồng đội báo cáo thủ trưởng đơn vị và cũng được biết, Quân khu điện ra khen ngợi 4 đồng chí đã dũng cảm bắt sống tên phi công Mỹ đầu tiên ở miền Bắc. Hai tuần sau, 4 đồng chí được quân khu khen thưởng. Cuối năm đó, các đồng chí Bảo và Lộc tiếp tục vào Nam chiến đấu, riêng đồng chí Giang ở lại với con thuyền làm nhiệm vụ thêm vài năm nữa, đến tháng 7-1968 thì về Trường Trung cấp Quân khí nhập học; ra trường về làm việc tại Xưởng 48 Hải quân. Do sức khỏe yếu, tháng 10-1983, đồng chí Giang nghỉ mất sức.
Câu chuyện và cuộc đời của CCB Phạm Đình Giang cứ lắng đọng trong tôi, bởi khi kể lại chiến công xưa, bác không đề cao bản thân mà rất từ tốn, khiêm nhường, xem việc tham gia bắt sống giặc lái An-vơ-rét cũng là một nhiệm vụ. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng chưa một lần bác đòi hỏi được đền đáp, luôn trân trọng cuộc sống, yêu những thành quả bằng chính khả năng lao động của mình. Có thể, nhiều người không biết về CCB Phạm Đình Giang tham gia bắt sống giặc lái năm xưa, nhưng họ biết và kính trọng một nông dân luôn cần cù chịu khó, thân thiện, gần gũi với bà con lối xóm.