Tư duy chiến dịch của Đại tướng Lê Trọng Tấn
Trung tướng LÊ XUÂN LỰU
Đại tướng Lê Trọng Tấn là một vị tướng tài của Quân đội nhân dân Việt Nam, một cán bộ cao cấp có nhiều phẩm chất tốt đẹp, một người chỉ huy dày dạn trận mạc và có nhiều kinh nghiệm về chỉ huy chiến dịch.
Ở Đại tướng Lê Trọng Tấn có nhiều điều để nói, nhưng ở đây tôi chỉ đề cập tới một vấn đề mà nó đã để lại dấu ấn sâu sắc. Đó là trí tuệ, phẩm chất tư duy về chiến dịch. Cũng chỉ là đôi điều nhớ lại nên không tránh khỏi bỏ sót, hơn thế, có nhiều điều ở Đại tướng Lê Trọng Tấn mà tôi chưa nhận biết được.
Đối với bất cứ người chỉ huy chiến dịch nào trong thời gian chuẩn bị cũng như trong quá trình chiến dịch đều phải đánh giá đúng tình hình địch, địa hình, thời tiết, thời gian làm cơ sở cho việc xác định quyết tâm chiến dịch và xử trí các tình huống chiến dịch một cách chính xác.
Đồng chí Lê Trọng Tấn (ngoài cùng bên phải) tại Sở chỉ huy mặt trận Quảng Trị năm 1972. Ảnh tư liệu. |
Việc tìm hiểu địch của Đại tướng Lê Trọng Tấn cũng có những nét nổi bật riêng. Đại tướng coi việc tìm hiểu địch là yếu tố quan trọng hàng đầu và là nhiệm vụ trước tiên của người chỉ huy chiến dịch. Theo Đại tướng, có hiểu địch mới đánh được địch, mới có cơ sở để hạ quyết tâm, lựa chọn cách đánh. Cách đánh của ta bao giờ cũng liên quan đến cách bố trí phòng phủ và cách đối phó trong quá trình chiến dịch của địch.
Vì vậy, trong thời gian chuẩn bị chiến dịch, Đại tướng Lê Trọng Tấn đòi hỏi cao ở cán bộ chuẩn bị chiến trường, cơ quan tham mưu chiến lược, chiến dịch cung cấp đầy đủ thông tin về số lượng, chất lượng, tình trạng tinh thần, trang bị cung cấp, về bố trí phòng thủ của địch trên địa bàn chiến dịch, các lực lượng có liên quan, nhất là lực lượng dự bị chiến lược của địch có thể ứng cứu, đối phó với chiến dịch của ta.
Trên cơ sở những thông tin đó, tập trung nghiên cứu, đánh giá khả năng của địch, dự đoán thủ đoạn đối phó của chúng và cách thức thực hiện sự đối phó trong tổ chức phòng thủ và phản công lúc ta bị tấn công.
Việc nắm địch trong thời gian chuẩn bị chiến dịch là cơ sở cho việc hạ quyết tâm cơ bản lúc đầu và còn là cơ sở dự kiến xu thế phát triển của tình hình, đặt ra giả thiết giải quyết các tình huống có thể xảy ra trong quá trình triển khai chiến đấu. Trong quá trình chiến dịch, thông qua những thông tin về địch, Đại tướng Lê Trọng Tấn hướng tư duy của mình phân tích ý định, thủ đoạn của địch, xác định chúng sẽ làm những gì tiếp theo.
Trong việc nghiên cứu này, Đại tướng Lê Trọng Tấn thể hiện một năng lực trí tuệ, một phẩm chất tư duy nhạy bén. Trước không ít thông tin, bao gồm nhiều khía cạnh và những mặt khác nhau của tình huống đang diễn ra, có lúc có cả hành động nghi binh, lừa địch, Đại tướng đã tìm cách phân tích, tổng hợp, tách những sự kiện ra riêng lẻ; liên kết những sự kiện giống nhau; khái quát trừu tượng hóa để khám phá vấn đề bản chất của tình hình làm cơ sở cho việc xử trí tình huống phát triển có lợi cho ta. Trong việc tìm hiểu địch thì luôn tìm tòi, phát hiện mặt mạnh, lợi dụng khoét sâu mặt yếu của địch, tạo điều kiện có lợi cho ta.
Bên cạnh nghiên cứu nắm địch, Đại tướng Lê Trọng Tấn còn quan tâm tìm hiểu ta một cách sâu sắc cả về quân số, trang bị, tinh thần chiến đấu, sức khỏe, khả năng, sở trường của cán bộ ta, trong đó đặc biệt chú ý đến phẩm chất chính trị, tinh thần và năng lực của chỉ huy, đội ngũ cán bộ cấp dưới để bồi dưỡng, động viên và sử dụng cho thích hợp.
Không chỉ nắm chắc chủ lực mà Đại tướng Lê Trọng Tấn quan tâm nắm lực lượng chính trị, quân sự địa phương để chỉ đạo, phối hợp thực hiện kết hợp tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công; đánh địch bằng ba mũi: Quân sự, chính trị, binh vận; đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ; đánh tập trung, đánh độc lập; đánh địch trên bộ, trên không, trên mặt nước; đánh địch trước mắt, sau lưng, hai bên sườn… nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân và thực hiện nghệ thuật chiến dịch của chiến tranh nhân dân.
Đại tướng rất quan tâm nghiên cứu và phân tích địa hình vì nó liên quan chặt chẽ đến việc sử dụng lực lượng của ta và của địch, nhất là nắm số lượng và chất lượng đường sá. Điều quan tâm của Đại tướng là phát hiện trở ngại của địa hình đối với ta để tìm cách khắc phục tạo thuận lợi cho ta và quyết định những biện pháp gây trở ngại cho địch.
Thắng lợi của chiến dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng trước hết là hai yếu tố: Chính trị, tinh thần và cách đánh. Hai yếu tố đó luôn luôn đi đôi với nhau, vì muốn có thắng lợi thì phải dám đánh và quyết đánh, đồng thời lại phải biết đánh và biết thắng.
Muốn có cách đánh hay trước hết phải biết đánh giá đúng tình hình cả địch, ta và địa hình. Nhưng đó cũng chỉ mới một mặt. Muốn có cách đánh hay còn phải có một trình độ kiến thức và kinh nghiệm. Cách đánh hay còn đòi hỏi ở người chỉ huy chiến dịch một năng lực trí tuệ có cả chiều rộng và chiều sâu, có tính linh hoạt và mềm dẻo để vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng quân sự, những nguyên tắc của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam vào chỉ huy chiến dịch. Cách đánh hay luôn luôn là cách đánh biết phát huy chỗ mạnh, khắc phục chỗ yếu của ta, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch.
Ở Đại tướng Lê Trọng Tấn, cả năng lực trí tuệ, phẩm chất tư duy đều mạnh. Là một cán bộ trưởng thành trong chiến tranh cách mạng, kiến thức được bồi dưỡng, kinh nghiệm được tích lũy, tư duy được rèn luyện và đạt tới độ chín.
Tư duy của Đại tướng Lê Trọng Tấn rất biện chứng. Trong hạ quyết tâm, xử trí tình huống luôn luôn lấy thực tiễn tình hình về địch, về ta, về địa hình, tư tưởng quân sự của Đảng ta để giải quyết cách đánh chiến dịch, chiến thuật.
Tư duy chiến dịch, chiến thuật của Đại tướng Lê Trọng Tấn đã tích hợp cả tư duy trực quan-hành động, tư duy hình tượng và tư duy trừu tượng – lô-gích. Nhờ vậy, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã có nhiều thành công trong chỉ huy các chiến dịch.
Nói vậy không phải trong hoàn cảnh nào, trường hợp nào, mọi việc cũng thuận lợi với đồng chí. Lúc tới công tác ở Học viện Quân sự cấp cao, trong một lần tâm sự, Đại tướng Lê Trọng Tấn nói với tôi: Trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972, sở dĩ không giữ được hoàn toàn thành quả đợt 1, vì lúc đó tư duy về chiến dịch phòng ngự chưa được khẳng định nên xử trí lúng túng.
Cũng cần nói thêm rằng, quá trình tư duy của người chỉ huy chiến dịch luôn luôn chịu sự tác động rất mạnh của ý chí, của cảm xúc. Ý chí luôn là một yếu tố quan trọng trong việc tích cực hóa tư duy. Không có ý chí mạnh, quyết tâm cao, nghị lực bền vững thì tư duy dễ trở nên hỗn loạn, kém hiệu quả.
Ở Đại tướng Lê Trọng Tấn thì ý chí chiến đấu rất kiên cường, nhiệt tình cách mạng cháy bỏng, nghị lực bền vững, nên tư duy luôn luôn ở trạng thái tích cực, sáng suốt, có sức sáng tạo và hiệu quả cao.