Thời thế tạo ra anh hùng, nhưng anh hùng lại góp phần tạo ra thời thế. Đại tướng Lê Trọng Tấn là một trường hợp như vậy.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông gắn liền với những chiến công hiển hách và các bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhiều trận đánh quan trọng và chiến dịch mang tầm chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược như: Biên Giới (1950), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954), Đường 9-Nam Lào (1971), Trị Thiên (1972), Đà Nẵng (1975), Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975… đều in đậm dấu ấn của tướng Lê Trọng Tấn, đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Tướng Lê Trọng Tấn là một trong những tư lệnh chiến dịch, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng giỏi nhất của quân đội ta. Ông là một người chỉ huy dũng cảm và sáng tạo, mưu lược và quyết đoán, có ý thức trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật rất cao. Lê Trọng Tấn đã trở thành một trong những nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc trong các cuộc chiến tranh giải phóng và giữ nước của thời đại Hồ Chí Minh”. Ở ông, hội đủ các phẩm chất của một vị tướng theo lời dạy của Bác Hồ: Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung. Trong phạm vi bài viết này, chỉ xin được tiếp cận đức “Nhân” trong đạo làm tướng của ông, bởi chính đức “Nhân” đã giúp ông có được những tố chất trên của một vị tướng.
Trong các truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam mà Lê Trọng Tấn phấn đấu tu dưỡng đều lấy chữ “Nhân” làm gốc. Đức “Nhân” trong con người vị tướng tài ba này được biểu hiện qua những mối quan hệ chủ yếu: Với nhân dân, với bộ đội, với kẻ địch và với chính bản thân.
Đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh (ngồi hàng trước, thứ ba từ phải sang) vui mừng chiến thắng với cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2, tháng 5-1975. Ảnh tư liệu. |
Lê Trọng Tấn là một vị tướng thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc”, “Nhân thì yêu dân… Trọng nhân cũng tức là trọng dân”. Yếu tố nhân dân luôn luôn bám rễ sâu trong tư duy quân sự của ông. Trong nhiều trận đánh, chiến dịch mà ông chỉ huy, Lê Trọng Tấn thường xuyên nhắc nhở các đơn vị, động viên bộ đội thà mất đất chứ nhất quyết không để mất dân. Với ông, yếu tố chính trị quần chúng là chỗ dựa không thể thiếu trong bất kỳ hoạt động quân sự nào của quân đội cách mạng. Ông cũng là một vị tướng luôn thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải yêu mến nhân dân, tôn trọng nhân dân, kể cả dân nước bạn khi làm nhiệm vụ quốc tế. Phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu”. Trong Chiến dịch Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, chứng kiến cảnh nhân dân nước bạn, già, trẻ, lớn, bé… bồng bế nhau chạy giặc lánh nạn, Lê Trọng Tấn đã kiên quyết chỉ thị cho các đơn vị đẩy nhanh bước 2 của chiến dịch, dồn địch vào thế phải co cụm, nhanh chóng thu hồi những khu vực đã mất; bảo vệ dân, giúp họ quay trở lại bám bản làng. Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, để bảo vệ tính mạng và tài sản của đồng bào vùng biên trước các cuộc tiến công tàn sát và pháo kích dã man của quân Khơ-me đỏ, ông đã mạnh dạn đề nghị với Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương bàn bạc, trao đổi với bạn cho phép ta tạm đưa quân triển khai sâu vào đất Cam-pu-chia từ 5-10km để ngăn chặn địch đánh vào vùng biên của ta. Đề nghị đó của ông đã được hai bên chấp thuận. Nhờ quyết định táo bạo này mà nhân dân vùng biên giới Tây Nam của ta được yên ổn sinh sống, làm ăn.
Với bộ đội, đức “Nhân” trong đạo làm tướng của Lê Trọng Tấn được biểu hiện trên cơ sở bình đẳng về chính trị giữa cấp trên và cấp dưới; đặc biệt là sự đoàn kết, gắn bó, tôn trọng lẫn nhau giữa ông-trên cương vị tư lệnh và các chính ủy trong các trận đánh, các chiến dịch; ở tinh thần đoàn kết, thương yêu bộ đội, đồng cam cộng khổ, chia sẻ ngọt bùi với chiến sĩ, làm cho trên dưới một lòng. Tiếp xúc với rất nhiều đồng đội của ông-những người từng một thời có rất nhiều cái “cùng nhau” với ông, cũng như những chiến sĩ dưới quyền ông, hầu như chưa thấy ai nói những điều không tốt về ông.
Là một vị tướng có mặt chinh chiến ở hầu khắp các chiến trường nóng bỏng và ác liệt, trong điều kiện cực kỳ khó khăn, thiếu thốn, ông thường xuyên quan tâm, nhắc nhở cơ quan hậu cần, chỉ huy các đơn vị chú ý chăm lo đời sống cho bộ đội; chăm lo bồi dưỡng cán bộ, thương yêu, quý trọng họ. Đặc biệt, ông là người rất biết lắng nghe phản biện, kể cả những phản biện nghịch nhĩ. Ông là nhà cầm quân biết trọng dụng và luôn tôn trọng những người có đức, tài. Ông đã quy tụ được nhiều tên tuổi-những danh tướng như: Nguyễn Hữu An, Vũ Lăng, Nam Long, Hoàng Cầm, Lê Thùy, Hoàng Đan… những người đều đã đảm đương những cương vị quan trọng của quân đội ta.
Lê Trọng Tấn là một vị tướng cương trực, thẳng thắn, sống có tình nghĩa, thủy chung, trước sau như một; thương yêu bộ đội hết mực, cho dù người đó giữ cương vị to hay bé; quân hàm cao hay thấp. Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, khi còn làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1), mỗi dịp cuối tuần về Hà Nội thăm vợ con, chứng kiến cảnh chen chúc tàu xe vất vả, bao giờ ông cũng cho một số anh em kết hợp đi nhờ xe của mình. Mùa hè năm 1980, trong một lần xuống Quân khu 3 công tác, Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn đã dùng ngay chiếc xe của mình cho một trợ lý về Thái Bình đưa vợ lên Viện 108 cấp cứu kịp thời, cứu được mạng sống cho người vợ của cấp dưới…
Lê Trọng Tấn là một nhà chỉ huy quân sự nhân hậu và trung thực. Ông là một trong số không nhiều người thực hiện được cái điều “thắng không tranh công, thua không đổ lỗi”. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, khi rút kinh nghiệm về một trận đánh không thành công mà đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã yêu cầu kiểm điểm một cách nghiêm túc và quy trách nhiệm cụ thể, mặc dù không phải là người chỉ huy trực tiếp trận đánh đó, nhưng tướng Lê Trọng Tấn đã thẳng thắn trả lời Thủ tướng: “Thưa anh, trách nhiệm thuộc về tôi-Tổng Tham mưu trưởng”. Trong công việc, Lê Trọng Tấn cũng là một người có cá tính. Trong Chiến dịch Biên Giới 1950, lần đầu tiên, bộ đội ta được sử dụng điện thoại hữu tuyến, đúng vào lúc Lê Trọng Tấn đang chỉ huy bao vây cánh quân của Sác-tông thì điện thoại bị mất liên lạc. Không kìm nổi sự nóng giận, ông đã quát ầm lên rồi vung tay định đập cái tổ hợp vào tảng đá trong hầm. Tuy nhiên, ông đã kịp trấn tĩnh lại rồi nhẹ nhàng đặt úp nó xuống, bởi như ông bộc bạch sau đó: “Ta còn nghèo, đập cái tổ hợp thì lấy gì mà làm việc”.
Đối với kẻ địch, quán triệt tư tưởng “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” của các bậc tiền nhân, Lê Trọng Tấn không những là một vị tướng biết đánh thắng địch bằng quân sự, mà còn biết đánh thắng địch bằng nhân nghĩa, biết khoan dung đối với kẻ địch đã đầu hàng. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 312 do ông chỉ huy vinh dự được đánh trận mở màn, tiến công cụm cứ điểm Him Lam. Trận đánh đó kết thúc, thương vong của địch rất lớn, tử thương nằm la liệt khắp trận địa. Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn đã đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho được viết thư “mời” Bộ Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm cử người ra nhận tử thương. Đề nghị táo bạo đó được chấp nhận. Phía Pháp đã cho người ra nhận tử thương. Việc làm này thể hiện tinh thần nhân đạo và trên thực tế, nó đã gây nên hiệu ứng về tâm lý cho quân Pháp tại Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chỉ có những người như Lê Trọng Tấn mới dám nghĩ ra và có những đề nghị táo bạo trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng như vậy.
Với chính mình, Lê Trọng Tấn là người biết coi trọng nhân hòa và rất khiêm nhường. Đức khiêm nhường và đức hy sinh hòa quyện làm một trong con người ông. Ngay từ khi tham gia hoạt động cách mạng, đi theo con đường binh nghiệp, Lê Trọng Tấn không hề nghĩ rằng mình sẽ làm tướng, cho dù ông đã lên đến cấp Đại tướng. Ông thuộc “tuýp” người làm tướng để đánh giặc, chứ không phải đánh giặc để làm tướng.
Có thể nói, tướng Lê Trọng Tấn đã sống và cống hiến rất đẹp. Cái đẹp ở đây không chỉ thuần túy là ở những chiến công, những tấm huân chương lấp lánh, những danh hiệu; ở quân hàm Đại tướng; ở những chức tước Tư lệnh, Phó tư lệnh hay Tổng Tham mưu trưởng. Ông sống đẹp vì ông là một con người hết lòng vì công việc, tận tụy hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; được nhiều người mến yêu và tin cậy.