Theo chân Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô
Đại tá NGUYỄN KHẮC TIẾP
Hình như tôi có duyên với Đại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Kể từ ngày Đại đoàn 308-Quân Tiên Phong được thành lập ngày 28-8-1949, tôi luôn có mặt ở đơn vị “anh cả” này, lúc ở chiến trường hay khi về hậu phương. Cho đến ngày kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, tôi lại được Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân phân công theo chân Đại đoàn 308 về giải phóng thủ đô Hà Nội.
Trước khi lên đường đến nơi Đại đoàn 308 đóng quân, tôi đã nộp cho tòa soạn đăng bài báo “Hà Nội, Thủ đô vinh quang của chúng ta” giới thiệu về lịch sử, về những phố phường hoa lệ của đất kinh kỳ mà quân dân ta đã 8 năm xa cách để đánh giặc xâm lăng. Tiếp đó, báo đăng bài “Hướng về Hà Nội” do tôi viết phản ánh quang cảnh các đơn vị Quân Tiên Phong náo nức chuẩn bị cho “ngày về” tiếp quản đô thành. Rồi đến trung tuần tháng 9-1954, tôi nhận “lệnh” của tòa báo là ngày 17-9-1954 phải có mặt ở Đền Hùng (Phú Thọ) để cùng với đoàn cán bộ Đại đoàn 308 nhận một “nhiệm vụ đặc biệt”. Dù chưa biết đường đi lối lại từ Thái Nguyên tới vùng đất Tổ, nhưng với chiếc xe đạp cà tàng “chân đạp, miệng hỏi” tôi cũng tới được thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, tỉnh Phú Thọ.
Hiện diện ở đất Tổ đúng ngày quy định, tôi nhận thấy vùng Phong Châu, đế đô của nước Văn Lang ta hàng nghìn năm trước, vốn rất tĩnh mịch bỗng xáo động hẳn lên vì xuất hiện hàng trăm anh Bộ đội Cụ Hồ và có cả vài chiếc xe ô tô nữa. Bà con tò mò hỏi thì chỉ được trả lời là bộ đội đến đây để diễn tập quân sự. Các cán bộ, dân quân địa phương được huy động tới canh gác bảo vệ khu vực không biết gì hơn. Sự việc được giữ bí mật đến mức ngay đoàn cán bộ 308 được đơn vị cử đến làm “nhiệm vụ đặc biệt” cũng không biết trước việc Bác Hồ kính yêu về thăm Đền Hùng và gặp gỡ họ để giao nhiệm vụ mới.
Ngày 18-9-1954, Bác mặc bộ quần áo phin nâu giản dị, chân đi dép cao su, đầu đội mũ cát, với chiếc khăn to quàng cổ che lấp bộ râu, cùng đi với đồng chí Thanh Quảng ở Văn phòng Bộ Quốc phòng và đồng chí Tống Xuân Đài, Cục Bảo vệ. Đến đền Giếng thì gặp ông Hoàng Văn Tửu, một người dân địa phương, chào hỏi. Bác Hồ đáp lại: “Tôi là khách từ phương xa đến hành hương, thăm đền các Vua Hùng”. Hai cán bộ địa phương được phân công dẫn Bác Hồ thăm Khu di tích lịch sử Phong Châu là anh Hoàng Công Tính, Chủ tịch UBND xã Hy Cương và anh Trần Văn Chấp, Phó công an xã. Sau bao năm bôn ba xuất dương đi tìm đường cứu nước và sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, bây giờ Bác Hồ mới có dịp đi thăm nơi cội nguồn của dân tộc. Từ đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, Bác ngắm nhìn rất lâu ngã ba sông Bạch Hạc, nơi hợp lưu của ba con sông Thao, sông Lô, sông Đà từng vang danh những chiến công của quân đội ta trên chiến trường Việt Bắc. Tại đất Phong Châu cổ kính, qua thăm các Đền Thượng, Đền Trung, Đền Giếng thờ Vua Hùng, Bác chăm chú đọc các bức hoành phi, câu đối chữ Nho nhắc nhở con dân nước Việt ghi xương khắc cốt những tư tưởng lớn: Uống nước phải nhớ nguồn/ Non sông quý báu hơn vàng bạc/ Các con cháu phải giữ gìn Tổ quốc muôn đời của nước Nam ta… Bác nghỉ qua đêm tại Đền Giếng trên một chiếc giường gấp, bên cạnh một chiến sĩ bảo vệ thân thiết.
Khoảng 9 giờ sáng 19-9-1954, Bác đã xuất hiện ở Đền Giếng gặp các cán bộ Đại đoàn 308, những con người dày dạn chinh chiến đã lập công xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác ngồi ở bậc cửa gian bên phải đền, anh em cán bộ chúng tôi chia nhau ngồi xung quanh, từ hành lang gian đền cạnh gian Bác ngồi đến suốt 7 bậc thềm và tràn cả ra khắp sân đền. Ai cũng bàng hoàng vì bất ngờ được vinh dự gặp Bác tại đất Tổ thiêng liêng. Tuy tiết trời đã chuyển sang thu, gió se lạnh, nhưng Bác tỏ ra khỏe mạnh, da dẻ hồng hào. Đưa mắt nhìn anh em chúng tôi quây quần ngồi chật sân Đền Giếng, Bác nhẹ nhàng nói: “Các cháu có mệt không? Đã ăn uống gì chưa?”. Rồi chỉ tay lên núi phía Đền Thượng, Bác hỏi tiếp:
– Các cháu có biết đây là nơi nào không?
– Thưa Bác, đây là Đền Hùng ạ.
Bác vui vẻ gật đầu:
– Đúng! Đền thờ các Vua Hùng, tổ tiên của chúng ta. Bác cháu ta gặp nhau ở đây tuy tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Nơi đây, các Vua Hùng đã khai lập ra nước ta. Bác cháu ta là những người đang khôi phục đất nước. Công ơn của các Vua Hùng rất lớn, đã “huy động cả bốn mươi thế kỷ” cùng quân dân ta ra trận chống xâm lăng. Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.
Nhân dân phất cờ, reo mừng chào đón Đại đoàn Quân Tiên phong tiến về tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Tư liệu |
Trong khung cảnh trang nghiêm của vùng cổ tích lịch sử, lời nói tâm huyết của Bác khiến anh em chúng tôi rất thấm thía, khắc sâu tâm trí. Khi giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, Bác nói với giọng tha thiết: “Qua nhiều thời đại đấu tranh, ông cha chúng ta, nhân dân ta đã đổ bao xương máu mới giữ được Thủ đô. Tiếp tục truyền thống anh dũng đó, tám, chín năm nay bác cháu ta đã kiên quyết chiến đấu để có thắng lợi trở về Hà Nội bây giờ. Vì thế các cháu được Trung ương Đảng và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự rất lớn. Bác nêu rõ thủ đô Hà Nội không phải là một đô thị bé nhỏ, mà là trung tâm chỉ đạo khắp nơi. Tiếp thu Hà Nội tốt hay xấu ảnh hưởng đến việc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc. Các cháu chỉ có nhiệm vụ, chỉ có quyền làm cho việc tiếp thu tốt, không được làm cho việc tiếp thu xấu”. Chúng tôi nhớ lại thời kháng chiến mỗi khi ra trận Bác cũng đều dặn “các cháu chỉ được thắng không được thua” nên hôm nay nghe Bác nói rất hiền hậu nhưng chúng tôi coi đó như mệnh lệnh tác chiến.
Bác còn nói về âm mưu địch và cuộc đấu tranh của nhân dân Hà Nội cũng như ở các vùng địch đang chuẩn bị rút; về sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với nhiệm vụ lần này của Đại đoàn 308. Bác vui vẻ thông báo: Đồng bào Hà Nội mong nhớ các cháu từ ngày các cháu ra đi, đồng bào đang may cờ đỏ sao vàng chờ đón hoan hô các cháu trở về. Các cháu về là tiêu biểu cho Quân đội nhân dân ta chiến thắng trong 9 năm kháng chiến. Các cháu hãy làm sao cho xứng đáng với vinh quang đó, với trách nhiệm đó, bộ đội phải bảo vệ thành phố, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Chính phủ và bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân… Bác cũng cảnh báo: Khi vào tiếp quản Thủ đô, các cháu hết sức đề phòng những âm mưu mà kẻ thù của hòa bình sẽ dùng để phá hoại hàng ngũ chúng ta. Và Bác ân cần dặn dò: Trước bom đạn gang thép của quân thù, Bác yên tâm tin các cháu chiến thắng. Trong chiến dịch hòa bình này, trước những viên đạn bọc đường của kẻ thù như tiền tài, rượu ngon, gái đẹp… Bác lo cho các cháu. Nếu không nêu cao phẩm chất cách mạng của quân đội thì các cháu có thể bị sa ngã. Cán bộ phải sống gương mẫu, bộ đội phải kỷ luật nghiêm minh. Nếu ai cũng giữ vững lập trường cách mạng và làm đúng chính sách thì không sợ một kẻ thù nào cả… Quân đội ta không được vì hòa bình mà lơi tay súng. Còn đế quốc ở miền Nam, còn đế quốc trên thế giới thì còn phải xây dựng quân đội mạnh mẽ.
Khi kết thúc buổi nói chuyện, Bác nhấn mạnh: “Chính phủ đã đề ra 10 điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên công tác khi vào thành phố mới giải phóng, Bác mong bộ đội nghiêm chỉnh chấp hành, phải làm gương mẫu đúng đắn. Được không?”. Chúng tôi đồng thanh hứa với Bác: “Chúng cháu quyết tâm làm đúng lời Bác dạy!”. Bác Hồ vui vẻ trao cho Đại đoàn 308 bốn mươi chiếc huy chương để thưởng cho những cán bộ, chiến sĩ xuất sắc trong nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội.
Tất cả cán bộ có mặt nghe Bác nói chuyện ở Đền Giếng đều đứng dậy hoan hỉ xúm quanh Bác kính yêu và chúc Bác luôn luôn mạnh khỏe, sống lâu. Bác cười hồn hậu: “Muốn Bác mạnh khỏe, sống lâu hãy làm đúng lời Bác dặn”. Chúng tôi được nhìn Bác kỹ hơn và vô cùng xúc động thấy mái tóc Bác đã bạc nhiều, những nếp nhăn trên trán Bác cũng hằn sâu thêm. Anh em khẽ bảo nhau: Bác của chúng ta đã suốt đời hy sinh, đấu tranh vì nhân dân, vì cách mạng, chúng ta nguyện đền đáp công ơn của Bác, cố gắng xứng đáng là cháu Bác mà trước mắt phải quyết tâm làm tròn nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô yêu quý của Tổ quốc để Bác được vui lòng. Chúng tôi vỗ tay ran ran chào tiễn Bác ra về. Bác nhanh nhẹn đi theo con đường tắt từ Đền Giếng xuống ngã ba đường cái rồi lên chiếc xe ô tô chờ sẵn ở đó. Lúc đấy, việc Bác tới Đền Hùng không còn bí mật nữa. Nhân dân địa phương và khách vãng lai ùa nhau chạy đến, bà con đang làm dưới ruộng chạy lên, các em thiếu nhi ở đâu cũng tỏa ra xúm xít quanh xe ô tô, reo hò: “Bác Hồ! Đúng Bác Hồ rồi!”. Tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm!” vang lên…
Tôi vui sướng trở về tòa soạn viết nhanh bài tường thuật với nhan đề “Chúng cháu nguyện cố gắng xứng đáng là cháu Bác” (Báo QĐND đăng ngày 7-10-1954). Báo chưa kịp ra, tôi đã lại lên đường đuổi theo Đại đoàn Quân Tiên Phong đang áp sát Hà Nội, chia thành ba cánh quân chuẩn bị nhập thành. Ngày 9-10-1954, tôi bám sát cánh quân thứ nhất của Trung đoàn Thủ Đô qua Ô Cầu Giấy, đường chợ Bưởi… vào tiếp quản Phủ toàn quyền, thành Hà Nội, Nhà máy điện, Nhà máy nước Yên Phụ. Đêm hôm đó tôi ngủ tại Nhà máy điện. Nói là ngủ nhưng làm sao mà ngủ được trong không khí tưng bừng của “ngày về” khải hoàn đúng như lời hẹn ước của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô 8 năm về trước. Tôi tranh thủ hỏi chuyện anh chị em công nhân, lấy tài liệu đến tận khuya đêm 9-10 rồi tức tốc viết bài “Gặp gỡ công nhân”, kể lại chuyện các anh chị em “nhà điện” đã kiên cường, khôn khéo giữ vững ánh sáng cho Thủ đô, thắng được âm mưu kẻ địch muốn làm cho Hà Nội giải phóng chìm ngập trong bóng tối.
Ngày 10-10-1954 là ngày hội lớn của Hà Nội đón mừng “đại quân” của Đại đoàn 308-Quân Tiên Phong chính thức tiến vào giải phóng Thủ đô. Tôi vào Thành lấy lại chiếc xe đạp cà tàng không phanh, không chắn bùn đã gửi một xe hậu cần đi sau, nhảy lên phóng ra trung tâm thành phố, đạp một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên tháp Rùa, tôi sung sướng tự nhủ: Ôi! Hà Nội hôm nay sao đẹp thế! Tôi dắt cái xe đạp cổ lỗ hòa vào dòng người đang đứng chật ních các hè phố, nét mặt hân hoan, tay vẫy cờ, ôm hoa tặng những con người yêu quý của Thủ đô, những anh Bộ đội Cụ Hồ chiến thắng trở về.