Linh hoạt, sáng tạo kết hợp tổng tiến công và nổi dậy
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP
Trước thời cơ chiến lược cách mạng xuất hiện, tháng 12-1967, Bộ Chính trị ra nghị quyết, trong đó nêu rõ: Quyết tâm chuyển chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới-thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Tiếp đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (1-1968) thông qua nghị quyết Bộ Chính trị, khẳng định: Đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định.
Triển khai Nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh gấp rút hoàn chỉnh lần cuối phương án tổng công kích-tổng khởi nghĩa và xác định hướng chủ yếu của tổng tiến công chiến lược là đánh vào các thành phố, thị xã, thị trấn, trọng điểm là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, đánh thẳng vào các cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Hướng phối hợp chiến lược quan trọng là mở chiến dịch lớn ở Mặt trận Đường 9-Khe Sanh.
Quân giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu |
Nhằm nghi binh và tiêu diệt một phần sinh lực địch, ngày 20-1-1968, bộ đội ta nổ súng mở chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đánh vào tuyến phòng ngự vững chắc của địch trên Đường 9-Khe Sanh. Kết quả, ta đã giam chân một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động quân Mỹ ở Đường 9-Khe Sanh, thu hút sự chú ý của địch ở vùng giới tuyến, góp phần tạo yếu tố bất ngờ và điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta trên toàn miền Nam tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 theo dự định.
Trong khi phía Mỹ dồn tâm trí và lực lượng ra hướng Đường 9-Khe Sanh, thì đêm 29 rạng ngày 30-1-1968 (từ Giao thừa Tết Mậu Thân 1968), quân và dân các tỉnh ven biển miền Trung và Tây Nguyên đồng loạt tiến công vào các thành phố, thị xã, căn cứ quân sự, kho tàng, sân bay, sở chỉ huy… của địch, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Tiếp đó, cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở hầu khắp các tỉnh, thành phố lớn miền Nam. Ngay từ đầu, bộ binh, đặc công, pháo binh, biệt động của ta đã đánh mạnh, đánh trúng vào các mục tiêu trọng yếu của địch ở 4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, quân lỵ trên khắp miền Nam. Sài Gòn là trọng điểm thứ nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Tại đây, các đội đặc công, biệt động thành phố trang bị gọn nhẹ với cách đánh táo bạo, bất ngờ, rất hiểm hóc, đồng loạt tấn công vào nhiều mục tiêu quan trọng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong nội thành, như chiếm giữ một phần Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn ở cổng số 4 và số 5, Đài Phát thanh Sài Gòn, Sân bay Tân Sơn Nhất, đã làm rối loạn hậu phương của địch. Đặc biệt là ta đánh chiếm và làm chủ Tòa đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trong nhiều giờ, gây chấn động lớn trong giới cầm quyền Mỹ. Ở Huế, bộ đội chủ lực, đặc công, lực lượng vũ trang địa phương tiến công phối hợp với nhân dân nổi dậy ở nội đô, giành thắng lợi lớn, trong đó làm chủ cố đô Huế. Ở thành phố Đà Nẵng, khi 2 trung đoàn pháo 575 và 577 bắn phá các sân bay Đà Nẵng, Nước Mặn và lực lượng biệt động, tự vệ tiến công đánh chiếm một số mục tiêu ở nội thành, Trung đoàn 31 (thiếu), Tiểu đoàn Bộ binh 1 cùng một số đơn vị binh chủng và tự vệ địa phương tiến công một số vị trí địch trong thành phố, đánh vào Sở chỉ huy Quân đoàn 1 địch.
Cuộc tiến công chiến lược vào thành phố Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và các thành phố, thị xã, thị trấn, quận lỵ khác đã góp phần vào thắng lợi chung của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên toàn chiến trường miền Nam, làm đảo lộn và thay đổi thế bố trí chiến lược, buộc Mỹ phải từ bỏ chiến lược “tìm diệt” và “bình định” để chuyển sang chính sách “phi Mỹ hóa chiến tranh”.
Trong tình thế so sánh lực lượng, địch hơn ta gấp nhiều lần, ta khó có thể thực hiện đánh tiêu diệt chiến dịch, chiến lược đối với quân Mỹ và quân đội Sài Gòn, thì việc tìm ra cách đánh mới linh hoạt, sáng tạo, đánh thẳng vào tận các cơ quan đầu não quan trọng nhất của Mỹ-chính quyền Sài Gòn ở nhiều thành phố, thị xã, kết hợp với nổi dậy của quần chúng nhân dân, trọng điểm là các thành phố lớn, thể hiện bước phát triển về cách đánh của Quân đội ta. Ta đã sáng tạo vận dụng cách đánh của thế trận chiến tranh nhân dân trong thành phố, trong đó thực hiện đánh đồng loạt và linh hoạt các hình thức tác chiến, điển hình là tập kích để tiêu diệt địch.
Nét nổi bật của ta là đã thực hiện cách đánh đồng loạt trên khắp các chiến trường trong một thời điểm được quy định thống nhất. Để thực hiện được điều này, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ ta phải vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm để nắm tình hình địch, huấn luyện, tổ chức tiếp cận… sẵn sàng tới mức cao nhất để có thể nổ súng đồng loạt vào các mục tiêu của địch trên toàn miền đúng ngày giờ quy định. Trong thực hành tác chiến, bộ đội ta tiến công gần như vào tất cả các mục tiêu then chốt, hiểm yếu có giá trị quan trọng của địch cả về chiến dịch, chiến lược, vào các cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, từ địa phương đến Trung ương, trọng điểm là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, nơi mà địch cho là an toàn nhất, là “bất khả xâm phạm”, tạo nên thế đánh lợi hại, hiểm hóc, gây cho địch choáng váng, kinh ngạc. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm tiến hành chiến tranh xâm lược miền Nam, toàn bộ hệ thống phòng thủ nơi đô thị của Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn bị ta tiến công; hậu phương, hậu cứ của chúng trở thành chiến trường, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch kéo dài nhiều tuần.
Kinh nghiệm về vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được quân và dân ta tiếp tục kế thừa, phát triển sáng tạo lên bước mới, đặc biệt là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.