Buôn Ma Thuột – trận then chốt mở màn Chiến dịch Tây Nguyên
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, tháng 1-1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp quán triệt và quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Căn cứ vào đặc điểm địa hình và thế bố trí của địch, Bộ tư lệnh chiến dịch xác định Buôn Ma Thuột (nam Tây Nguyên) là trận then chốt đầu tiên của chiến dịch.
Buôn Ma Thuột là một thị xã lớn, thủ phủ của tỉnh Đắc Lắc và cũng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Tây Nguyên. Lực lượng địch có Trung đoàn Bộ binh 53 (thiếu), Sở chỉ huy Sư đoàn 23 và các đơn vị trực thuộc, 3 tiểu đoàn và một số đơn vị bảo an, Sở chỉ huy Liên đoàn biệt động quân 21, cơ quan hành chính và Ban chỉ huy Tiểu đoàn Đắc Lắc, hậu cứ Thiết đoàn 8 và các Trung đoàn 44, 45, 1 tiểu đoàn xe thiết giáp, 1 tiểu đoàn pháo binh, cùng lực lượng dân vệ, cảnh sát của chính quyền Sài Gòn (khoảng 8.400 quân); bố trí phòng ngự thành 3 tuyến, hướng chính là Tây Bắc, trong đó khu phòng ngự then chốt là Sở chỉ huy Sư đoàn 23.
Các đơn vị bộ binh của ta có sự yểm trợ của xe tăng tiến công Buôn Ma Thuột. Ảnh tư liệu. |
Trận đánh Buôn Ma Thuột được chuẩn bị chu đáo và diễn ra từ ngày 10 đến 11-3-1975. Thắng lợi của trận đánh mang ý nghĩa chiến lược, thể hiện trình độ về nghệ thuật chọn mục tiêu, nghi binh, tạo thế, tổ chức sử dụng lực lượng và vận dụng cách đánh hiệp đồng binh chủng phát triển tiến công để giành thắng lợi trong Chiến dịch Tây Nguyên.
Tổ chức đánh trận Buôn Ma Thuột, ta khéo nghi binh, tạo thế chia cắt để đánh địch. Địa bàn Quân khu 2 và Quân đoàn 2 của địch tập trung đại bộ phận chủ lực cho Tây Nguyên, biến nơi đây thành tuyến phòng thủ chiến lược thứ nhất, còn các tỉnh ven biển Khu 5 là tuyến phòng thủ chiến lược thứ hai, có thể hỗ trợ cho nhau. Trên Tây Nguyên, địch lợi dụng địa hình chia cắt để tổ chức phòng ngự ở từng vị trí. Vì thế, để bảo đảm đánh chắc thắng trong trận then chốt mở đầu, Bộ tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm “trói địch ở Buôn Ma Thuột mà đánh”. Theo kế đó, trước hết, ta nhử địch về hướng Kon Tum, Plei-cu, rồi hãm chúng ở đó khiến địch ở Buôn Ma Thuột sơ hở, tạo thuận lợi cho ta vừa bí mật nghi binh, vừa cơ động lực lượng, hình thành thế trận chia cắt, vây hãm rồi tiến công địch. Trong việc lập thế trận đánh trận Buôn Ma Thuột, ta thực hiện tốt việc chia cắt địch cả về chiến lược và chiến dịch. Về chiến lược, ta sử dụng lực lượng từ 1 trung đoàn đến 1 sư đoàn (thiếu) đánh cắt đường số 19 và đường số 21, không cho địch ở tuyến ven biển Khu 5 lên chi viện cho Tây Nguyên và ngăn chặn địch ở Tây Nguyên rút chạy bằng đường bộ xuống đồng bằng Khu 5. Về chiến dịch, ta sử dụng 1 sư đoàn đánh cắt đường số 14 không cho quân địch ở bắc Tây Nguyên chi viện cho nam Tây Nguyên, từng bước cô lập địch ở Buôn Ma Thuột. Thực hiện chia cắt như vậy, ta loại trừ được khả năng địch chi viện bằng đường bộ, chúng chỉ có thể chi viện bằng đường không và mức độ không lớn. Nhờ đó, ta có thể tập trung lực lượng tiến đánh Buôn Ma Thuột.
Trong trận đánh này, do việc nghi binh, tạo thế trận giỏi, buộc địch phải phân tán lực lượng thành hai khối ở bắc và nam Tây Nguyên, nên ta có điều kiện tập trung lực lượng áp đảo địch ở Buôn Ma Thuột. So sánh lực lượng giữa ta và địch, về bộ binh: 4,5/1, pháo binh: 5/1, xe tăng: 5,5/1. Về sử dụng lực lượng, ta dùng 1 sư đoàn bộ binh được tăng cường lực lượng và binh khí kỹ thuật tổ chức 5 mũi tiến công từ ba hướng, bao vây chặt quân địch, thực hiện chia cắt triệt để về chiến thuật; đồng thời sử dụng 1 sư đoàn bộ binh (thiếu) làm lực lượng dự bị, 1 sư đoàn bộ binh đánh chia cắt giữa Buôn Ma Thuột và Plei-cu, sẵn sàng chi viện cho các nơi khác.
Trận Buôn Ma Thuột là một trong những trận then chốt ta đã phát huy hiệu quả sức mạnh chiến đấu hiệp đồng binh chủng. Thắng lợi của trận Buôn Ma Thuột đánh dấu bước phát triển mới về chọn đúng mục tiêu, khéo nghi binh, tạo thế chia cắt, sử dụng lực lượng phù hợp và vận dụng linh hoạt, sáng tạo cách đánh hiệp đồng binh chủng vào một thị xã ở địa hình rừng núi. Đây cũng là trận đánh thể hiện những nét đặc sắc về nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định mở màn Chiến dịch Tây Nguyên. Chiến thắng Buôn Ma Thuột có ý nghĩa to lớn, làm đảo lộn thế trận phòng ngự của địch ở Tây Nguyên, buộc chúng phải rút bỏ Kon Tum và Plei-cu, tạo điều kiện cho ta phát triển tiến công giải phóng toàn bộ Tây Nguyên và một số tỉnh ở duyên hải Trung Bộ, mở ra bước ngoặt quyết định cho quân và dân ta phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.