Đầu năm 1965, đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của chế độ Sài Gòn, đế quốc Mỹ quyết định đưa quân đội vào tham chiến ở chiến trường miền Nam, thay đổi chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bằng “chiến tranh cục bộ” nhằm cứu nguy cho quân ngụy, tìm diệt các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam. Đế quốc Mỹ vào xâm lược miền Nam đã đẩy cuộc chiến tranh lên một mức thang nguy hiểm, gây cho ta một số khó khăn. So sánh lực lượng Mỹ-ngụy đông hơn ta gấp nhiều lần, trang bị hiện đại, sức cơ động chiến đấu cao, âm mưu, thủ đoạn thâm độc, tàn bạo. Khu 5 trở thành nơi đầu tiên đụng đầu với quân đội Mỹ. Trên địa bàn chiến lược Khu 5 có cả 3 vùng chiến lược: Nông thôn đồng bằng, đô thị và rừng núi, quân Mỹ và sau đó là quân đồng minh, đã nhanh chóng triển khai lực lượng, thiết lập các căn cứ liên hợp hải, lục, không quân và hàng trăm căn cứ lớn, nhỏ hậu cần chiến lược: Căn cứ quân sự lớn ở Cam Ranh của Sư đoàn số 101 và lực lượng công binh; ở An Khê (Gia Lai) của Sư đoàn Kỵ binh không vận số 1; ở Plei-cu – La Sơn của Sư đoàn Bộ binh số 4; ở Quy Nhơn, Tuy Hòa của Sư đoàn Mãnh Hổ v.v.. Có thể nói, Khu 5 là địa bàn có đông lực lượng quân Mỹ và quân đồng minh nhất so với các nơi khác.
Đứng trước thử thách nghiêm trọng khi quân Mỹ đổ bộ vào tham chiến, “đánh Mỹ bằng cách nào?”, “vũ khí gì?”, “quy mô ra sao?”… Một số cán bộ, đảng viên và nhân dân có tư tưởng lo lắng, phân vân, đó là một thực tế khách quan, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải có tư duy sáng suốt để đánh giá, nhận định tình hình chính xác, đề ra các chủ trương, biện pháp kịp thời, đối phó thắng lợi với mọi tình huống.
Trước tình hình đó, Thường vụ Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 tổ chức Hội nghị cán bộ trung, cao cấp toàn quân khu bàn chuyên đề đánh Mỹ. Cuối tháng 3-1965, quân khu tổ chức hội nghị du kích chiến tranh để bàn kế hoạch xây dựng, củng cố dân quân du kích, xây dựng làng, xã chiến đấu, xây dựng “vành đai diệt Mỹ” và phát động phong trào thi đua giành danh hiệu: “Thiện xạ diệt Mỹ” sau đó đổi tên là “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Sau hội nghị này, nhiều địa phương có các căn cứ Mỹ đóng quân đã hình thành các “vành đai diệt Mỹ”. Các tỉnh ủy đã phát động tư tưởng toàn dân đánh Mỹ, xây dựng ý chí kiên cường trụ bám đánh địch, thực hiện 4 bám: “dân bám đất, bám xóm làng; cán bộ đảng viên bám dân; du kích bám địch; cấp trên bám cấp dưới”. Một phong trào thi đua sôi nổi “tìm Mỹ mà đánh” diễn ra trên khắp các địa phương Khu 5.
![]() |
Ảnh tư liệu. |
“Vành đai diệt Mỹ” lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường Khu 5, tồn tại và phát huy vai trò to lớn trong suốt những năm Mỹ đưa quân vào trực tiếp tham chiến (1965-1972). Đây là một hiện tượng lịch sử độc đáo, là hình thức đánh giặc sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Lực lượng trên vành đai ban đầu chỉ có du kích, bộ đội địa phương huyện đã tiến hành bao vây áp sát các căn cứ lớn Đà Nẵng, Chu Lai, An Khê. Với quyết tâm cao “tìm Mỹ mà diệt”, du kích và tự vệ trên chiến trường Quân khu 5 đã tổ chức lực lượng rộng rãi (có sự tham gia đông đảo của phụ nữ và thiếu nhi) vừa hoạt động công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp, vừa đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị và binh địch vận, luôn trụ bám vững chắc trên địa bàn, chiến đấu dũng cảm, kiên cường, với nhiều cách đánh sáng tạo. Ở Đà Nẵng, một trong những chiến trường trọng điểm của cả nước, là nơi đổ bộ đầu tiên của quân viễn chinh Mỹ và xây dựng căn cứ liên hợp quân sự lớn để đánh phá phong trào cách mạng. Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, quân và dân các xã ngoại vi đã trụ bám đánh địch có hiệu quả, điển hình là các trận đánh của du kích Hòa Minh, Hòa Thọ, Hòa Hải, Hòa Lợi, Hòa Bình (Hòa Vang). Từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4-1965, quân, dân các địa phương trên bằng chiến thuật phục kích, với vũ khí tự tạo đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục lính Mỹ, làm cho địch hoang mang mỗi khi bước ra khỏi căn cứ, càn quét đánh phá vùng giải phóng. Ngày 15-5-1965, lão du kích Võ Ký (65 tuổi) sau khi cùng đồng đội diệt gần chục tên Mỹ đã dũng cảm trụ lại đợi máy bay địch đến lấy xác đồng bọn với 2 viên đạn súng trường bắn rơi 1 chiếc HU-1A. Thiếu niên dũng sĩ Đoàn Văn Luyện 14 tuổi (Bình Thạnh, Bình Sơn, Quảng Ngãi) một mình diệt 14 tên Mỹ bằng mìn và lựu đạn. Du kích Hòa Phước (Hòa Vang) lấy quả mít làm giả mìn đặt ở cua Đường số 1, chiếc xe GMC chở đầy lính Mỹ đang lao với tốc độ cao, quả mít văng ra đường tên lái xe hốt hoảng đánh tay lái tránh mìn, xe lật xuống ruộng, làm chết và bị thương 7 tên Mỹ. Đặc biệt, trận tập kích tiêu diệt gọn 1 đại đội Mỹ ở Núi Thành (Quảng Nam) đêm 26-5-1965 đã cổ vũ mạnh mẽ quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ của quân, dân toàn miền Nam…
Có thể nói, với ý chí và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ không gì lay chuyển nổi, quân và dân ta trên chiến trường Khu 5 đã không quản ngại bất kỳ một khó khăn gian khổ, hy sinh, chiến đấu đến cùng chống quân xâm lược mạnh hơn ta gấp bội. Nhiều trận đánh của du kích đã làm cho kẻ thù phải khiếp vía kinh hồn, giành những thắng lợi vẻ vang.
Trên địa bàn Quân khu 5, đi đôi với xây dựng làng, xã chiến đấu, xây dựng các tuyến chông, mìn, xây dựng các đơn vị dân quân du kích, bộ đội địa phương, ta còn cài cắm các tổ chức tự vệ mật ở các thôn xóm xung yếu, huy động lực lượng tiêu diệt quân Mỹ, Hàn Quốc, gây cho địch nhiều căng thẳng, lo âu, mất ăn mất ngủ. Tờ Thời báo Niu Yoóc (New York Times) số ra tháng 5-1965 đã viết: “Du kích Việt cộng, những người đánh nhau trong bóng tối đã trở thành những chuyên viên trong nghệ thuật dùng cạm bẫy, đã có tới 20% số lính Mỹ bị thương vong vì hầm chông. Tính riêng trong khu vực lính thủy đánh bộ, số vụ sập hầm chông tăng từ 3 vụ lên 8 vụ một ngày. Bất luận ở đâu, trong mỗi cuộc đi tuần tra, người lính nào cũng nghĩ rằng bước thêm một bước nữa có thể là bước đi cuối cùng của đời mình”.
Chiến tranh du kích trên địa bàn Quân khu 5 thực sự phát huy được hiệu quả trong tác chiến đánh địch tại chỗ, vừa có tác dụng kìm chế chân địch, khiến cho địch bị động lúng túng, vừa tạo điều kiện cho các lực lượng đánh tiêu diệt, tiêu hao sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch. Đó chính là sự kế thừa và phát huy truyền thống nghệ thuật quân sự đặc sắc của dân tộc “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu chống mạnh”, lấy ý chí thông minh, sáng tạo để chiến thắng kẻ thù có quân đông, vũ khí trang bị hiện đại.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những kinh nghiệm chiến đấu của du kích tự vệ trên chiến trường Khu 5 (1965-1972) vẫn còn nguyên giá trị. Trong tình hình mới, nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh, bảo vệ Tổ quốc đã trở nên cấp thiết và đặt ra nhiều vấn đề mới. Vận dụng và phát huy sáng tạo những kinh nghiệm chiến đấu của dân quân tự vệ trên chiến trường Khu 5 vào xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh rộng khắp, vững chắc trên địa bàn quân khu góp phần ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.