Kết hợp giữa nổi dậy với tiến công trong chiến dịch Hồ Chí Minh
VŨ BÌNH TUYỂN
Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn nhất trong chiến tranh giải phóng. Cùng với hoạt động tác chiến của các binh đoàn chủ lực còn có sự đồng loạt nổi dậy giành chính quyền của quần chúng nhân dân. Sự kết hợp giữa nổi dậy với tiến công, tiến công với nổi dậy đã phát huy cao nhất sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân, kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập (Ảnh tư liệu) |
Sau một tháng mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mạnh mẽ trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã giành được thắng lợi lớn làm cho so sánh lực lượng giữa ta và địch đã có sự chuyển biến hoàn toàn có lợi cho ta. Trước thời cơ chiến lược, Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam và chiến dịch Sài Gòn – Gia Định được mang tên “chiến dịch Hồ Chí Minh” (14-4-1975). Đúng 17 giờ ngày 26-4-1975, tiếng súng tiến công vào Sài Gòn của quân ta rền vang từ các hướng. Quân chủ lực từ 5 hướng có nhiệm vụ tiến vào đánh chiếm 5 mục tiêu quan trọng nhất đó là: Bộ tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tư lệnh Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát và dinh Độc Lập. Cùng với các mũi tiến công như vũ bão của quân chủ lực tiêu diệt lực lượng phòng thủ vòng ngoài của địch thì lực lượng quần chúng nhân dân địa phương, du kích, biệt động, đặc công vùng ven Sài Gòn- Gia Định và nội thành đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 27-4, Quân đoàn 1 từ hướng Bắc tiến công giải phóng đường số 13; Quân đoàn 2 tiến công trên hướng Đông và Đông Nam đánh chiếm thị xã Bà Rịa và đánh chiếm cầu Sài Gòn; Quân đoàn 3 tiến công trên hướng Tây Bắc, cắt đứt đường số 22 và đường số 1, chặn không cho sư đoàn 25 quân đội Việt Nam cộng hòa về Đồng Dù; Quân đoàn 4 tiến công trên hướng Đông, đánh căn cứ Trảng Bom, Bầu Cá; Đoàn 232 tiến công trên hướng Tây Nam, Sư đoàn 5 cắt hoàn toàn đường số 4 từ Bến Lức đến Tân An. Phối hợp chặt chẽ cùng những đòn tiến công của quân giải phóng, quần chúng nhân dân ở Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Chánh, Gò Vấp, Tân Bình… đã nổi dậy diệt ác, phá rã bộ máy chính quyền kìm kẹp của địch ở hầu hết các ấp, truy lùng ác ôn chờ thời cơ để nhanh chóng khởi nghĩa giành chính quyền.
Trước sức mạnh tiến công như vũ bão của quân và dân ta cùng với trận đánh của không quân vào sân bay Tân Sơn Nhất làm cho quân địch tại Sài Gòn thêm hoảng loạn. Hệ thống chính quyền của địch ở cơ sở rệu rã, đây là thời cơ cho quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Ở ngoại thành, nông dân nô nức vùng lên đấu tranh trực diện với bọn tề xã đòi giải tán phòng vệ dân sự và giành chính quyền ở các xã và huyện. Cờ giải phóng được cắm khắp nơi đã cổ vũ quần chúng trong các xã vùng lên đập tan chính quyền địch ở địa phương.
Với tinh thần “một ngày bằng hai mươi năm”, đến ngày 29-4, cả năm cánh quân của ta đã khép chặt vòng vây đến nội đô Sài Gòn – Gia Định. Trong khi lực lượng chủ lực của ta đang tiến công căn cứ Đồng Dù, chính quyền địch ở các xã đang hoang mang lo sợ thì quần chúng nhân dân ở Tân Thạnh Đông, Trung An, Phú Hòa Đông, Tân Thông Hội, Phước Vĩnh An, Phước Hiệp, Phước Thạnh… được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang địa phương đã nổi dậy đánh chiếm các trụ sở tề, truy lùng ác ôn, giải tán phòng vệ dân sự. Chiều ngày 29, tại Củ Chi lực lượng vũ trang địa phương kết hợp với quần chúng các xã xung quanh thị trấn giải phóng xong huyện lỵ. Dưới sự chỉ đạo của cán bộ cơ sở và được lực lượng vũ trang tại chỗ hỗ trợ, nhân dân đã tự giải phóng các huyện lỵ như: Bình Chánh, Cần Giờ… công nhân các xí nghiệp Vimitêch, Vinatêchcô… nổi dậy chiếm xưởng, giữ gìn máy móc, kho bãi không cho địch phá hoại. Thành đoàn Sài Gòn – Gia Định đã tổ chức 5 điểm hướng dẫn nhân dân khởi nghĩa: Bàn Cờ, Phú Nhuận, Quận 4, Bình Hưng Hòa và Tân Sơn Nhì (Tân Bình).
Rạng sáng ngày 30-4-1975, năm cánh quân của ta đã đồng loạt mở cuộc tổng công kích vào nội đô, không quân, pháo binh của ta nã đạn xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Ở ngoại thành, quần chúng nhân dân kết hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ tự nổi dậy giành chính quyền ở 90% ấp, 2/3 số xã trước khi bộ đội tiến vào. Nhân dân huyện Hóc Môn nổi dậy chiếm lĩnh trại Bùi Như Lưỡng (Bộ chỉ huy trung tâm huấn luyện Quang Trung), tiếp quản và bảo quản kho xăng, kho lương thực, hướng dẫn bộ đội đánh chiếm Nhà đèn Chợ Quán. Ở Thủ Đức, nhân dân kết hợp với lực lượng vũ trang xông vào chiếm dinh quận và ngọn cờ giải phóng đã tung bay trên dinh quận trưởng. Tự vệ công nhân nhiều cơ sở đã phối hợp với lực lượng đặc công, biệt động thành đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố, cùng nhân dân nổi dậy giành chính quyền, phá kìm, gỡ đồn bót, chiếm giữ nhiều tòa hành chính của Chính quyền Sài Gòn. Các đội tự vệ công nhân còn tham gia công tác binh vận góp phần làm tan rã hàng chục ngàn binh lính, công chức chế độ Sài Gòn. Trong nội thành, một bộ phận trong lực lượng phong trào chính trị đô thị đã nổi dậy kết hợp với quân cách mạng đánh chiếm các mục tiêu và căn cứ trong nội đô. Hầu hết nhân dân trong nội thành đã nổi dậy phá thế kìm kẹp, gỡ đồn bót, chiếm giữ tòa hành chính ở các quận, các công sở, các cơ sở kinh tế. Công nhân, học sinh, sinh viên, trí thức xuống đường vận động nhân dân treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, hỗ trợ truy quét vây bắt bọn ác ôn còn lẩn trốn trong thành phố. Ở quận 5, nhiều bà con đã xông vào tước súng bọn phòng vệ dân sự bót và tập trung đồng bào chiếm lĩnh các phường An Đông, Chợ Quán, Trang Tử… Đến trưa ngày 30-4, hầu hết nhân dân các quận, huyện đã vùng lên giành chính quyền trước khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
Cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Thắng lợi của chiến dịch đã minh chứng cho sự phát triển của nghệ thuật kết hợp giữa tiến công với nổi dậy, nổi dậy với tiến công để đánh bại và làm tan rã toàn bộ lực lượng địch, kết thúc chiến tranh. Sự kết hợp giữa tiến công quân sự của bộ đội chủ lực với nổi dậy của quần chúng nhân dân được thực hiện hết sức chặt chẽ, hiệu quả trong suốt chiến dịch. Trên cơ sở những đòn tiến công rất mạnh mẽ của quân chủ lực, đánh thẳng vào các trung tâm đầu não của địch, gây cho chúng hoang mang tột độ đã tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy lực lượng chính trị của quần chúng nổi dậy, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch ở địa phương, cơ sở để giành quyền làm chủ. Tương tự như vậy, sự nổi dậy mạnh mẽ của lực lượng quần chúng trên nhiều địa bàn từ nông thôn đến thành thị, với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt đã tạo thuận lợi cho bộ đội chủ lực cả về thế và lực để từ đó nhanh chóng đập tan sự kháng cự của địch. Sự kết hợp giữa tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng là một nét độc đáo về nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đã làm cho chiến dịch giành thắng lợi trong thời gian nhanh nhất, triệt để nhất và giữ được Sài Gòn còn nguyên vẹn khi kết thúc chiến tranh.
Thời gian đã lùi xa 40 năm, nhưng bài học về kết hợp giữa nổi dậy với tiến công, tiến công với nổi dậy trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn mãi là bài học vô giá để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vận dụng vào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.