Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn Bộ binh 5 nằm trong đội hình chiến đấu của Đoàn 232, có nhiệm vụ đánh chiếm các cơ sở địch tại Long An, chốt chặn, chia cắt chiến lược Đường số 4 (nay là Quốc lộ 1A) không cho địch ở Sài Gòn-Gia Định rút về Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như chặn địch từ miền Tây Nam Bộ lên tiếp cứu. Sư đoàn 5 gồm ba Trung đoàn 1, 2 và 3, các tiểu đoàn trực thuộc và được tăng cường lực lượng pháo binh với pháo 105mm, xe tăng lội nước PT-85, PT-76.
Từ tháng 4-1975, Sư đoàn 5 nhận lệnh từ Bộ tư lệnh Đoàn 232, tổ chức thành hai mũi tiến công đánh vào Thủ Thừa và thị xã Tân An (Long An), làm chủ đoạn Đường số 4 khu vực Bến Lức-Tân An-ngã ba Trung Lương, chiếm giữ hai cầu Tân An và Bến Lức, chia cắt chiến lược trên hướng Tây Nam, hỗ trợ cho các lực lượng khác tiến công Sài Gòn-Gia Định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ba trung đoàn của sư đoàn đã vượt quãng đường gần 100km từ Đồng Tháp Mười đến khu vực tập kết, áp sát các mục tiêu và Đường số 4. Bộ phận hỏa lực pháo binh và xe tăng di chuyển khó khăn hơn. Lúc này, sư đoàn có hai khẩu pháo 105mm, để đưa đến vị trí tập kết, đơn vị đã tháo pháo ra từng bộ phận, cùng với nhân dân khiêng bộ, rồi để lên xuồng vượt hàng chục cây số đường sình lầy, kênh rạch đến vị trí tập kết ở Thủ Thừa. Do không đánh giá đúng khả năng chịu tải của xuồng, nên vài lần đầu, khi đưa các bộ phận của pháo lên xuồng, thì xuồng bị chìm đắm. Rút kinh nghiệm, bộ đội ta cho ghép 2-3 xuồng với nhau rồi đặt pháo lên mới di chuyển được. Riêng xe tăng thì đơn vị chọn được bốn xe lội nước PT-85, cơ động từ khu vực biên giới xuôi theo sông Vàm Cỏ về nơi tập kết theo phương pháp đêm đi, ngày nghỉ.
Thiếu tướng Vũ Văn Thược. Ảnh: HỒNG GIANG |
Ngày 26-4-1975, Sư đoàn 5 mở đầu chiến dịch bằng đòn đánh chia cắt Đường số 4 tại bốn điểm Rạch Chanh, ngã ba Nhị Thành, ấp Bình Yên, Phú Mỹ và áp sát thị xã Tân An, chi khu Thủ Thừa. Địch tăng cường thêm 4 tiểu đoàn kháng cự, giằng co với ta ở Nam Đường số 4. Đến ngày 27-4, Sư đoàn đã cắt hẳn Đường số 4 tại hai đoạn từ Bắc Tân An đến Bến Lức và từ Nam Tân An đến Tân Hiệp (Tiền Giang). Rạng sáng 28-4, địch tập trung lực lượng mạnh, phản kích ác liệt từ Bến Lức đến Tân Hiệp. Các mũi tiến công của ta chiến đấu kiên cường, đánh lùi các đợt phản công của địch. Trận địa pháo của ta liên tục bắn áp chế các trận địa pháo địch ở Thủ Thừa, Tân An. Đêm 29-4, sư đoàn lệnh các đơn vị tiến công, chiếm các mục tiêu đã được phân công. Lực lượng quần chúng cũng nổi dậy với tinh thần xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện.
Đến 9 giờ sáng 30-4-1975, Sư đoàn 5 đã làm chủ Đường số 4 từ Bến Lức đến Tân Hiệp. Sư đoàn 22 Quân đội Sài Gòn cùng các đoàn biệt động quân của địch tan rã. Đoàn xe địch tháo chạy bị ùn tắc dài hàng cây số. Ở Tân An, 2 tiểu đoàn biệt động của địch kéo cờ trắng đầu hàng. Trưa 30-4-1975, cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng Long An. Ngay sau khi đánh chiếm các mục tiêu, các đơn vị nhanh chóng phối hợp LLVT địa phương thành lập chính quyền cách mạng, ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn.
(Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Vũ Văn Thược, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4 kể)