“Duyên nợ” với Tiểu đoàn đánh trận Núi Thành
Những ngày này, tại tỉnh Quảng Nam, các hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Núi Thành (26-5-1965/26-5-2015) diễn ra rất tưng bừng, tôi lại nghĩ và nhớ đến hành trình mình đã viết về Tiểu đoàn 70, đơn vị trực tiếp chiến đấu trong trận đánh Núi Thành năm xưa.
Có một điều thú vị là trong các lần gặp mặt truyền thống cựu chiến binh (CCB) Tiểu đoàn 70 (Bộ CHQS Quảng Nam), tôi đều được ban liên lạc mời dự, có chú còn yêu mến gọi tôi là thành viên dự bị của Tiểu đoàn. Duyên may để tôi thân thiết với các CCB Tiểu đoàn bắt nguồn từ một cuốn sử…
Năm 2010, kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Núi Thành. Tôi đọc cuốn sử về chiến thắng Núi Thành và không thỏa mãn khi thấy chỉ có đôi dòng về dũng sĩ Trần Ngọc Ảnh, người đã lấy quả lựu đạn chày đập tên Mỹ to lớn cứu Đại đội trưởng Võ Thành Năm trong đêm 25-5 rạng sáng ngày 26 ấy. Người CCB ấy hiện giờ ở đâu? Sau đó, qua Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng, tôi tìm đến đường Dương Đình Nghệ, quận Sơn Trà. Câu chuyện “Người dũng sĩ Núi Thành năm xưa” đã miêu tả tỉ mỉ bối cảnh và thời điểm hành động dũng cảm của Trần Ngọc Ảnh. Ông nhớ lại: “Tôi và hai chiến sĩ được cử đi trinh sát 3 đêm liền. Địch chủ yếu ở công sự, đào nông ven các mỏm đồi, riêng ban chỉ huy địch đóng ở mỏm đồi 50 có cả điện đài. Đó là 0 giờ 30 phút ngày 26-5-1965. Tôi ném quả thủ pháo đầu tiên nặng cỡ một cân vào công sự phát hỏa trận đánh. Địch đang ngủ say nên hoàn toàn bất ngờ. Với mục tiêu là chiếm nhanh nhất sở chỉ huy địch, nên tôi băng lên phía trước, vừa đi vừa đánh dọn đường. Bỗng tôi nghe một tiếng động mạnh phía sau. Quay lại thì thấy một tên Mỹ cao to đang vật lộn với Đại đội trưởng Võ Thành Năm để giành khẩu súng ngắn trên tay anh. Khi đó nếu ném lựu đạn hay bắn đều rất nguy hiểm cho đồng đội. Tôi khựng lại trong tích tắc, rồi cũng rất nhanh lao đến, dùng quả lựu đạn nện vào đầu tên Mỹ, nó choáng váng, ngã lăn ra. Anh Năm ngay lập tức thoát ra”. Ông Ảnh không nghĩ rằng, chính hành động kịp thời ấy đã cứu đại đội trưởng của mình và giúp cho trận đánh diễn ra “đúng kế hoạch”.
Các CCB Tiểu đoàn 70 trở lại Núi Thành. |
Từ cuộc gặp gỡ với ông Ảnh, tôi có thêm bài viết “Người tù binh đặc biệt” về những năm tháng ông làm quản giáo ở chiến trường Cam-pu-chia và đã cảm hóa được một tù binh là đại đội trưởng Pôn-pốt làm “tay trong” cho ta. Bài được đăng trong tập sách “Dưới cánh rừng thốt nốt” do nhà xuất bản QĐND ấn hành năm 2011. Ông nói, các bài báo của tôi góp phần làm “nặng” hồ sơ để ông được tuyên dương Anh hùng LLVT năm 2012.
Cũng tình cờ, tôi biết trong kho tư liệu bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Quân khu 5 đang lưu giữ lá cờ gốc của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam tặng Tiểu đoàn 70 với dòng chữ “Núi Thành oanh liệt, quyết chiến lập công”. Đây là quà tặng dành cho Tiểu đoàn sau chiến công ngày 26-5-1965, tiêu diệt gọn Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 9, Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ; khẳng định với thế giới là Việt Nam dám đánh Mỹ và đánh thắng Mỹ. Lá cờ này đã bị cháy sém nhiều chỗ và thủng do nhiều vết đạn. Sau khi bài viết “Hành trình lá cờ trận Núi Thành” của tôi ra đời, cuộc hội ngộ của các CCB Tiểu đoàn xung quanh lá cờ đã diễn ra thật cảm động. Tại đây, trước những người đồng đội, CCB Nguyễn Văn Tá mắt đẫm lệ kể lại trận ném bom ác liệt của kẻ thù làm cháy sém chiếc cờ trong ba lô; về đồng đội của ông thà hy sinh chứ không để bị mất đi lá cờ thiêng. Sau này anh Tá còn kể tôi nghe về “Kỷ niệm mối tình đầu” của mình với một cô y tá Tiểu đoàn. Bài được đăng trên nguyệt san Sự kiện và nhân chứng của Báo Quân đội nhân dân. Tôi còn gắn bó với các CCB và đoàn làm phim khi trở lại mỏm đồi 50. Một ngày từ sáng sớm đến tối mịt trở lại chiến trường xưa, thăm làng quê Kỳ Thạnh, nơi Tiểu đoàn ra đời, lội núi ròng rã, sống cùng ký ức của các CCB, tôi tiếp tục có: “Trở lại Núi Thành” trên báo Quân đội nhân dân với những bức ảnh thật sống động.
Tôi không nghĩ các bài báo tôi viết về CCB Trần Ngọc Ảnh và Tiểu đoàn 70 lại có sức lan tỏa nhiều đến thế. Năm 2012, Quân khu 5 tổ chức tập huấn chiến dịch cho hơn 300 cán bộ chủ trì. Chiến lệ Núi Thành được Ban tổ chức chọn lựa đầu tiên để lớp tham quan, học tập. Tôi một mặt vừa giới thiệu cho các anh trong ban tổ chức tìm nhà CCB Trần Ngọc Ảnh, mặt khác liên hệ với Bộ Tham mưu Quân khu 5 để đoàn của Đài PTTH Quảng Nam vào tác nghiệp, bổ sung nguồn tư liệu hấp dẫn này cho bộ phim về Núi Thành. Hôm đó, trước hàng trăm sĩ quan cao cấp, giữa ngọn đồi lộng gió, CCB Trần Ngọc Ảnh như được tiếp lửa, kể lại trận đánh thật chi tiết và hùng hồn. Mọi người thêm cảm phục người dũng sĩ và các thế hệ đi trước đã làm nên một Núi Thành lừng lẫy. Nó cũng là tư liệu sống động để tôi viết “Nóng từ sa bàn” được đăng ngay sau đó.
Các CCB bên lá cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Namtặng cho Tiểu đoàn. |
Rồi một hôm, các CCB cho tôi xem cuốn “Vượt sông” viết về Tiểu đoàn 70. Tôi dừng rất lâu trước trang sách viết về Đại đội trưởng Đại đội 2 Lê Công Minh dũng cảm và tài hoa. Tôi tìm đến nhà Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ). Người anh trai tuổi trên 80 đã rơm rớm nước mắt và giọng lạc đi khi kể cho tôi nghe về ba người em trai đã hy sinh của mình. Ông nói rằng, đã 50 năm trôi qua, ông chưa một ngày nào vơi thương nhớ các em. Bài báo của tôi “Nhà có ba người đi B” trên nguyệt san Sự kiện và nhân chứng càng làm cho ông tự hào về gia đình mình, tạo thêm nguồn vui sống của tuổi già. Từ bài báo, ông coi tôi như con cháu ruột thịt và giúp tôi rất nhiều trong cung cấp tư liệu để viết các bài về chiến tranh…
Cũng từ đó, trong các lần gặp mặt truyền thống CCB Tiểu đoàn 70 (Bộ CHQS Quảng Nam), tôi đều được ban liên lạc mời cho bằng được. Các CCB Tiểu đoàn 70 nói rằng, những bài báo của tôi là nguồn động viên rất lớn đối với họ. Có người thắc mắc vì sao tôi lại gắn bó với họ đến thế dù không hề có người thân trong đội hình đơn vị. Tôi đã thưa với các CCB rằng, quá khứ hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước là nguồn tư liệu hấp dẫn mà nhà báo chúng tôi phải có trách nhiệm tuyên truyền thật sâu rộng để góp phần giáo dục thế hệ trẻ.
Bài và ảnh: HỒNG VÂN