Tập trung binh lực, hỏa lực tạo ưu thế trong các trận then chốt
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP
Thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 7-7-1950, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội ta mở Chiến dịch Biên giới, mang mật danh Chiến dịch “Lê Hồng Phong-2”, tiến công địch trên tuyến phòng thủ Đường số 4 thuộc hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần vùng biên giới Việt-Trung, khai thông đường nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa, củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc.
Trên địa bàn chiến dịch, địch tổ chức phòng thủ thành các cụm cứ điểm mạnh, trong đó phân ra hai khu Lạng Sơn và An Châu, cùng hai phân khu trực thuộc Cao Bằng và Thất Khê, với tổng số 11 tiểu đoàn, 9 đại đội bộ binh, 4 đại đội cơ giới, 4 đại đội công binh, 27 khẩu pháo và 8 máy bay.
Căn cứ vào thế phòng thủ và bố trí lực lượng phòng giữ của địch, sau khi nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình, Bộ chỉ huy chiến dịch đề nghị đánh Đông Khê, trận mở đầu cũng là trận then chốt chiến dịch và được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn y. Theo kế hoạch, ngày 16-9-1950, quân ta nổ súng tiến công Đông Khê, trận then chốt mở màn chiến dịch thắng lợi lớn. Tiếp đó, ta đánh các trận Cốc Xá, điểm cao 477, giành thắng lợi oanh liệt, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đánh dấu bước trưởng thành của Quân đội ta về nhiều mặt, trong đó nổi bật là nghệ thuật tập trung binh-hỏa lực, tạo ưu thế hơn hẳn địch và vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo trong các trận then chốt.
Giải phóng thị xã Cao Bằng trong Chiến dịch Biên giới 1950. Ảnh tư liệu |
Trong các trận đánh trên, tùy từng trận ta tổ chức và sử dụng binh lực, hỏa lực tạo ưu thế với quy mô và mức độ khác nhau. Để bảo đảm đánh thắng địch ở cụm cứ điểm Đông Khê, trận then chốt mở màn, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tập trung binh-hỏa lực chiếm ưu thế hơn hẳn địch, trong đó bộ binh ta 9, địch 1; pháo binh ta 6, địch 1. Ngoài ra, ta còn bố trí một trung đoàn cách Đông Khê 4km về phía nam và 2 trung đoàn triển khai trận địa phục kích đánh viện binh địch từ khu vực Pác Khoang đến Chốc Ngà. Thực tế, khi ta chuyển sang đánh Binh đoàn Lơ-pa-giơ ở khu vực Đông Khê, Thất Khê, thì Binh đoàn Sác-tông bỏ Cao Bằng rút về điểm cao 477, hòng hợp quân với Binh đoàn Lơ-pa-giơ ở Cốc Xá. Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tạm ngừng tiến công Thất Khê, nhanh chóng tổ chức lực lượng đánh trận then chốt thứ hai ở Cốc Xá. Trong trận này, ta đánh quân địch ngoài công sự, nên tập trung binh-hỏa lực thấp hơn nhiều so với trận Đông Khê, với tỷ lệ ta 1,67, địch 1, nhưng đủ sức đánh địch thắng lợi. Trong lúc ta đang tiến công Binh đoàn Lơ-pa-giơ ở Cốc Xá thì Binh đoàn Sác-tông rút chạy, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định nhanh chóng tập trung lực lượng đánh trận then chốt thứ ba, chặn địch ở khu vực điểm cao 477 (cách Đông Khê 8km về phía tây nam). Trong trận này, so sánh binh lực, hỏa lực giữa ta và địch, ta gấp 3,25 lần, nên giành thắng lợi.
Trận Đông Khê, ta tập trung binh-hỏa lực tạo ưu thế hơn hẳn địch, với hình thức tiến công, mở cửa đột phá mãnh liệt từ các hướng, bắc và đông bắc, tây và tây nam, đánh dồn dập vào cụm cứ điểm phòng ngự kiên cố của địch. Khi nổ súng, ta thực hiện vừa kiềm chế, vừa chia cắt, đột phá tiến công chính diện kết hợp với bên sườn đánh vào đội hình quân địch; vừa tiến công vừa củng cố, phát triển tiến công vào tung thâm, hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh và pháo binh, tạo thế tiến công chiến dịch, buộc địch phải rút quân khỏi Cao Bằng. Đến trận đánh Cốc Xá, bộ đội ta vận động tiến công Binh đoàn Lơ-pa-giơ vừa rút từ Đông Khê về phòng ngự ở Cốc Xá để chờ hội quân với Binh đoàn Sác-tông từ Cao Bằng rút xuống. Ta tổ chức tiến công, đập tan nhiều đợt phản kích của địch, thực hiện khép dần vòng vây; đồng thời sử dụng một mũi luồn sâu bất ngờ chiếm lĩnh đỉnh núi Cốc Xá, đánh xuống tới tấp, làm rối loạn đội hình quân địch, diệt và bắt nhiều tên; số địch còn lại hoảng sợ, rút chạy về điểm cao 477. Phát huy thắng lợi, trong trận then chốt thứ ba, quân ta vận động tiến công Binh đoàn Sác-tông khi chúng chạy về khu vực điểm cao 477 nhằm hội quân với lực lượng còn lại của Binh đoàn Lơ-pa-giơ từ Cốc Xá rút về, chờ quân ứng cứu từ Thất Khê lên. Ý định của địch chưa kịp thực hiện đã lập tức bị ta tiến công. Bằng tác chiến hiệp đồng chặt chẽ, khép dần vòng vây từ ba hướng và tổ chức lực lượng đón lõng ở thung lũng Bản Ca, bộ đội ta nhanh chóng tiến công tiêu diệt và bắt toàn bộ quân địch, góp phần quyết định vào thắng lợi của Chiến dịch Biên giới.
Thắng lợi của các trận then chốt Đông Khê, Cốc Xá và điểm cao 477 đã làm rung chuyển mạnh mẽ, tác động sâu sắc, khiến toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch trên Đường số 4 tan rã, buộc chúng phải rút chạy khỏi các khu vực: Thất Khê, Lộc Bình, Đình Lập, Na Sầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn và An Châu, góp phần kết thúc chiến dịch. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới có ý nghĩa chiến lược to lớn, tạo bước ngoặt quan trọng để quân và dân ta đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp phát triển lên bước mới.