Vận dụng kinh nghiệm từ trận đầu đánh thắng trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay
Ngày 2 và 5-8-1964, Hải quân nhân dân Việt Nam (HQNDVN) đã ra quân trận đầu, đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc của Hải quân Mỹ xâm phạm vùng biển Vịnh Bắc Bộ; đồng thời, phối hợp với quân và dân miền Bắc anh dũng chiến đấu, bắn rơi, bắn bị thương nhiều máy bay hiện đại, bắt sống phi công Mỹ. Chiến thắng trận đầu là một trong những chiến công oanh liệt đã đi vào lịch sử, trở thành niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ HQNDVN anh hùng và để lại nhiều bài học bổ ích cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay.
51 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa của trận đầu đánh thắng vẫn còn nguyên giá trị. Hình ảnh những con tàu phóng lôi nhỏ bé, dũng cảm vượt qua sóng gió, mưa bom, bão đạn, kiên quyết tiến công tàu địch, buộc chúng phải rút chạy. Những tấm gương kiên trung, ngoan cường, anh dũng hy sinh, quyết tâm chiến đấu bảo vệ vùng biển, vùng trời miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vẫn luôn in đậm trong tâm khảm mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân và nhân dân cả nước. Chiến thắng trận đầu của HQNDVN là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân tộc; là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều” của Đảng và dân tộc ta; là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, của trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam, được kế thừa và phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh. Đây là chiến thắng mở đầu, tạo niềm tin và tiền đề thuận lợi, thôi thúc, động viên khí thế tiến công của quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc leo thang chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Chuẩn đô đốc Phạm Hoài Nam (đứng giữa) kiểm tra công tác huấn luyện chiến đấu trên tàu ngầm 183-TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VĂN HƯNG. |
Chiến thắng trận đầu đã để lại cho chúng ta nhiều bài học vô cùng quý báu; trong đó, nổi bật là bài học về xây dựng bản lĩnh chính trị cho bộ đội và phát huy sức mạnh tổng hợp, nắm vững thời cơ, vận dụng cách đánh hợp lý, đạt hiệu quả cao. Công tác giáo dục chính trị-tư tưởng, quán triệt sâu sắc tình hình, nhiệm vụ, đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng ý chí quyết tâm dám đánh, quyết đánh, quyết thắng và biết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, mặc dù chúng được trang bị vũ khí, kỹ thuật hiện đại hơn ta nhiều lần. Ý chí quyết tâm đó đã trở thành bài học mang tính thời đại và là tài sản tinh thần vô giá của Bộ đội Hải quân anh hùng. Đây cũng là bài học về lãnh đạo, chỉ huy, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, đoàn kết, kỷ luật, hiệp đồng chặt chẽ và vận dụng sáng tạo phương pháp tác chiến trong chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông, biển và phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận và lực lượng toàn dân đánh giặc trong mỗi tập thể từng con tàu. Càng trong thử thách, khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh, thì bản lĩnh chính trị, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của người chiến sĩ HQNDVN càng được khẳng định và tỏa sáng. Chính từ trận đầu không cân sức đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ chiến đấu gan dạ, mưu trí, dũng cảm, kiên cường, nhất là đội ngũ thuyền trưởng và chính trị viên tàu, mặc dù bị thương nặng song vẫn giữ vững vị trí chỉ huy chiến đấu. Điều đó đã tạo niềm tin, chỗ dựa tinh thần vững chắc, thôi thúc, động viên, cổ vũ bộ đội, tạo sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi.
Thực tế chiến đấu ngày 2 và 5-8-1964 cho thấy, để các tàu chiến đấu giành thắng lợi, cùng với việc tổ chức phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa mọi cán bộ, chiến sĩ trong từng đơn vị, giữa các đơn vị, lực lượng với nhau, giữa cấp trên với cấp dưới và giữa các mặt, các lĩnh vực hoạt động, chúng ta còn phải làm tốt công tác tổ chức lãnh đạo, chỉ huy và điều hành chiến đấu. Muốn đạt hiệu quả cao trong chiến đấu phải bám sát tình hình, nắm vững về địch, phân tích, dự báo chính xác những gì có thể xảy ra, từ đó, tính toán các yếu tố để tiếp cận địch được nhanh nhất, bảo đảm bí mật, chiếm lĩnh vị trí có lợi để chớp thời cơ, táo bạo tiến công địch. Đồng thời phải biết phát huy cao nhất tính năng kỹ thuật, chiến thuật và các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật trên tàu để hạn chế thiệt hại khi hỏa lực từ tàu và máy bay địch tập kích.
Trong những ngày đầu tháng 8-1964, mọi hoạt động của tàu khu trục Ma-đốc Mỹ luôn bị ta bám sát. Để tiến công địch có hiệu quả, ta phải tính toán khu vực nào tác chiến có lợi cho ta, không có lợi cho địch. Do vậy, lựa chọn đúng thời cơ là rất quan trọng để bảo đảm vừa tiêu diệt được địch, vừa an toàn cho các lực lượng của ta. Đây cũng là bài học có giá trị thực tiễn cao và luôn mang tính thời sự cho Bộ đội Hải quân không chỉ hôm nay, mà còn trong tương lai.
Hiện nay và trong tương lai gần, tình hình thế giới, khu vực và biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; điều đó đặt ra cho Quân chủng Hải quân những yêu cầu mới, hết sức nặng nề và cấp bách trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo. Vì vậy, phải tiếp tục xây dựng HQNDVN vững mạnh toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; trong đó, tập trung xây dựng quân chủng thực sự vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng SSCĐ, bảo đảm cho quân chủng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Những bài học từ chiến thắng trận đầu năm 1964 đã và đang được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ HQNDVN nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh mới. Trọng tâm là việc nêu cao tinh thần cảnh giác, xây dựng niềm tin, ý chí, quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ và phát huy sức mạnh tổng hợp, nắm vững thời cơ, vận dụng cách đánh hợp lý, đạt hiệu quả cao trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân trên biển, sẵn sàng đánh bại mọi cuộc tiến công trên hướng biển của các thế lực thù địch.