Hồi ức về những ngày quy tập hài cốt liệt sĩ trên đất Lào
Ngô Trí Minh
Trong cuộc đời quân ngũ, ai cũng có những kỷ niệm, dù buồn hay vui, dù sung sướng hạnh phúc hay đau khổ, gian nan vất vả thì nó cũng nằm trong hành trang của người lính, tạo cho họ một ấn tượng khó phai mờ, có khi nó còn gắn bó theo suốt cuộc đời của mỗi người. Tôi đã trải qua hơn 20 năm quân ngũ, ký ức tôi luôn đầy ắp những kỷ niệm. Mỗi khi có dịp kỷ niệm lại ùa về, nhiều lắm, nhớ lắm, sâu sắc lắm, không thể kể hết ra được. Nhân Tết Độc lập, tôi lại nhớ về kỷ niệm những ngày tháng đi tìm đồng đội trên đất bạn Lào.
Đầu tháng 11 năm 1995 tôi được điều về Đoàn quy tập tỉnh Nghệ An. Với cương vị là tiểu đội trưởng, lúc đầu tôi cũng rất mơ hồ về nhiệm vụ đơn vị. Được sự giáo dục, giao nhiệm vụ của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, chúng tôi quán triệt sâu sắc nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập và cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào đưa về nước.
Biên chế của Đoàn gồm 68 cán bộ, chiến sĩ. Đoàn trưởng là Trung tá Hồ Trọng Bình, Đoàn phó chính trị là Thiếu tá Nguyễn Văn Hải, Đoàn phó quân sự là Đại uý Nguyễn Văn Thức.
Đầu tháng 11 năm 1995, đơn vị quán triệt chuẩn bị mọi mặt cho thực hiện nhiệm vụ quy tập tại nước Bạn Lào. Do làm tốt công tác tư tưởng nên ai cũng phấn chấn. Mọi người ở đoàn đều trải qua ít nhất là một lần quy tập, riêng tôi đây là lần đầu tiên, lại là tiểu đội trưởng nên càng trăn trở, thao thức.
Cùng đi với đoàn có cán bộ của Bộ chỉ huy Quân sự Nghệ An và một thượng tá thuộc Tổng Cục Kỷ thuật đề nghị đi cùng để cất bốc liệt sỹ là em trai hy sinh trên đất bạn. 6 xe ô tô ( 2 xe U-oát, 2 xe Zin- 130, 2 xe Gát- 66) chở người, quân tư trang, vũ khí trang bị, cơ sở vật chất hậu cần, kỷ thuật bảo đảm lên đường. Đơn vị hành quân từ phường Hà Huy Tập- Thành phố Vinh theo quốc lộ 1A, ra Ngã 3 Diễn Châu, dọc theo quốc lộ 7A qua cửa khẩu Nậm Cắn- Kỳ Sơn, sang đất Bạn.
Ngày ấy quốc lộ 7A còn hẹp, xấu và rất khó đi, 2 ngày chúng tôi mới đến được thị xã Pônxavẳn, tỉnh Xiêng Khoảng. Vào mùa khô, khí hậu ở Lào rất khắc nghiệt, có những vùng ngày nắng cháy da, đêm xuống lại lạnh buốt thấu xương:
Nước bạn Lào mùa khô da phể,
Ngày nắng cháy lưng, đêm buốt xương da.
Sau khi hiệp đồng với Bộ CHQS tỉnh Xiêng Khoảng và các cơ quan liên quan, Bạn cử 1 trung đội tăng cường gồm 28 người với đầy đủ vũ khí đi cùng để bảo vệ đơn vị (lúc này địa bàn Xiêng Khoảng đang có phỉ hoạt động). Có 2 cán bộ của tỉnh đội Xiêng Khoảng dẫn đường và phối hợp làm công tác vận động quần chúng.
Chúng tôi đi qua nhiều bản, mường, địa hình cực kỳ phức tạp, đường sá rất khó đi, càng vào sâu nhiều nơi phải đi theo phương vị, chỉ có Gát 66 có tời mới đi được. Có những địa bàn phải vạch lối băng rừng đi bộ mấy km. Nhiều nơi còn sót lại những quả đạn Cối, B41, M79 sáng loáng gây cảm giác rợn người.
Các địa bàn đơn vị quy tập là Thẩm- Nậm Xiêm, Phu Vả Xay, Hín Tạng, Bản Ban, Luông Pha Đeng…, Nghĩa trang trong chiến tranh, việc chôn cất liệt sĩ rất sơ sài, thiếu bản đồ, không chính xác, bom đạn, cây cối, thời gian làm mất dấu… có nơi một vài mộ, có nơi 15- 20 mộ, có mộ dưới gốc cây to, có mộ nằm giữa lòng đường xe ô tô chạy, phần lớn nghĩa trang nằm sâu trong rừng vắng hoang vu, có mộ sâu 1,5- 2m, có mộ cạn, thậm chí có nghĩa trang bị bom đạn cày xới tung, hài cốt liệt sĩ rơi vãi, có liệt sĩ trong miệng còn nguyên một đầu đạn M79… những cảnh tượng đó làm ai nấy trong chúng tôi đều vô cùng xúc động, nhiều đồng chí đã khóc.
Ảnh minh họa
Thời gian các liệt sĩ hy sinh từ khoảng 1962- 1985, nhiều mộ chỉ còn ít cốt nhưng cũng có những mộ còn tươi nguyên phải hoả táng. Mặc dù lực lượng đào, cất bốc chủ yếu là thanh niên tuổi đời mười chín, đôi mươi nhưng chúng tôi làm việc cần mẫn, cẩn thận như những người cao tuổi cát táng ở quê nhà. Mồ hôi đầm đìa, tay chân phồng rộp, bỏng, rát cũng mặc, không một lời kêu ca phàn nàn. Ai nấy đều cẩn thận, tỷ mỉ tìm kiếm, nhặt nhạnh, gom góp, sắp xếp cố gắng hạn chế những sai sót, như đang cất bốc cho những người ruột thịt, đồng chí đồng đội của mình. Với mong muốn bù đắp những hy sinh, mất mát, thiệt thòi của liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ.
Một thuận lợi rất lớn là đi đến đâu chúng tôi cũng được chính quyền, LLVT và nhân dân địa phương hết lòng giúp đỡ, tổ chức đón tiếp và tiễn đưa long trọng, chân tình, chu đáo như trên chính quê hương của mình. Điều đó càng tô thắm thêm tình đoàn kết đặc biệt thuỷ chung gắn bó giữa 2 nước:
Việt, Lào hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.
Trong thời gian này, bố tôi đã gửi thư cho tôi, trong thư có đoạn:
“…Ở tận bên Lào con có biết?
Việc con làm quan trọng thế nào chăng?
Mấy tháng qua con gom cốt nhặt xương
Quy tập mộ người xả thân vì nước
Việc nghĩa, việc tình, việc nhân, việc đức.
Hãy công phu, thận trọng nghe con!
Xác nào là xác không hồn?
“Xương dâu, đầu gáo”, tục còn đến nay!
Cũng là số phận không may.
Chắc thân nhân họ bấy chầy tái tê!…”
Hoàn thành nhiệm vụ, các bạn Lào tổ chức lễ tiễn đưa long trọng, chúng tôi lại hối hả chuẩn bị mọi mặt để lên đường mang theo hài cốt của các liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh sau bao nhiêu năm xa cách về với đất mẹ Việt Nam. Điều đau đáu trong lòng tôi từ ngày làm nhiệm vụ quy tập đến nay là việc tìm kiếm, cất bốc chưa mang tính chuyên nghiệp, còn có thể sai, sót bộ phận và nguy hiểm nhất là sót mộ. Trong số hơn 180 hài cốt đợt này chưa đến một nửa liệt sĩ có thông tin. Thông tin cũng rất sơ sài hoặc khó xác định, còn phần lớn là chưa xác định được tên, tuổi, đơn vị, quê quán… chưa thể đưa về được với người thân.
Thời gian qua Đảng, Nhà nước đã có sự quan tâm đặc biệt, các ban ngành có nhiều sáng kiến đổi mới nội dung, phương pháp và cách thức để tìm kiếm, cất bốc và lưu trữ. Song những việc đó hình như vẫn đang còn ít ỏi so với những hy sinh, cống hiến của liệt sĩ cũng như tâm tư nguyện vọng của thân nhân các lịêt sĩ.
Cần có những đề tài nghiên cứu khoa học để làm ra các chất hoá học thử phản ứng và công cụ hỗ trợ để khoan thăm dò… tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm và cất bốc được nhanh chóng, đầy đủ, đỡ tốn công sức và chính xác nhất. Cần có hồ sơ lưu trữ thật đầy đủ, chi tiết về những điều cần biết, đã biết về thông tin lịêt sĩ để tiện tra cứu, bổ sung, xét nghiệm, xác đinh, hoàn thiện, trả lại tên tuổi cho các liệt sĩ. Tạo điều kiện để gia đình, người thân của liệt sĩ được biết, được đón hài cốt liệt sĩ về hương khói.
Qua những tháng ngày ở Đoàn quy tập, tôi được nghe kể nhiều câu chuyện về linh hồn liệt sĩ, trong đó những chuyện ngoài sức tưởng tượng nhưng lại xảy ra trong thực tiễn. Như chuyện mua vé cho liệt sĩ qua phà: Ngày trước chưa làm cầu Đô Lương nên phải qua lại bằng phà, đoàn xe chở liệt sĩ về đến chân phà thì dừng lại mua vé cho người và phương tiện, mua xong lên xe nổ máy, cứ vào số là xe lại chết máy không tiến lên được, đã kiểm tra kỹ, kỷ thuật bảo không có vấn đề gì, mấy lượt như vậy mọi người đang hoang mang thì có một bác nông dân hỏi: Các anh chở chi trên xe rứa? Nếu chở liệt sĩ thì phải mua vé cho liệt sĩ, liệt sĩ cũng có linh hồn đó, bán tín bán nghi nhưng Đoàn trưởng cũng làm theo. Lạ thay khi mua vé cho tất cả các liệt sĩ xong thì lên xe nổ máy là khởi hành luôn. Và còn nhiều chuyện khác nữa…
Cứ mỗi dịp lễ, tết tâm trạng tôi lại bồi hồi xúc động, lại nhớ về những ngày tháng quy tập, nhớ về các liệt sĩ. Thắp nén hương thơm lên mộ liệt sĩ, trong lòng lại đau đáu câu hỏi: Còn bao nhiêu liệt sĩ chưa được quy tập, còn bao nhiêu trường hợp chưa xác định được nhân thân và thân nhân chưa tìm được?
Tết Độc lập 2015.
Ngô Trí Minh
Ban CHQS Diễn Châu- Nghệ An
Email: ngotriminh@gmail.com
ĐT: 0979478555