Thầm lặng nữ quân giới
LÊ THIẾT HÙNG
Tôi may mắn có nhiều năm được công tác ở ngành Công nghiệp Quốc phòng (CNQP-trước đây được gọi là ngành Quân giới), nên cũng phần nào hiểu về công việc, cuộc sống, nỗi niềm của những người âm thầm làm ra vũ khí, trang bị phục vụ quân đội.
Nữ quân giới trước đây hay nữ lính thợ CNQP ngày nay chỉ là cách gọi giản dị, mang tính biểu tượng về những nữ cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng… đang công tác trong một ngành đặc thù (nghiên cứu, chế thử, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị); ngành Quân giới-CNQP cũng gắn liền với sự ra đời, xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của đất nước trong suốt 70 năm qua.
Có dịp tới công tác tại “các Z” của Tổng cục CNQP, tôi nhận ra một tố chất rất riêng của những lao động nữ, đó là sự lặng lẽ, kín đáo và kiệm lời. Gần 20 năm trước, khi lần đầu tiên đến Phân xưởng sản xuất thuốc gợi nổ (nay là Xí nghiệp 2) của Nhà máy Z121, tôi đã không thể nào “bắt nhời” được với một nữ công nhân trẻ. Đơn giản là cô đang trong giờ sản xuất và công việc ấy đòi hỏi sự tập trung, chuẩn xác đến cao độ. Đặc thù nghề nghiệp đã rèn cho đội ngũ nữ lính thợ một đức tính vô cùng cần thiết, đó là sự điềm tĩnh và cẩn trọng. Khẩu trang bịt kín miệng, động tác làm việc chuẩn xác, chắc chắn, họ âm thầm bên cỗ máy, bên các thiết bị, phương tiện chuyên dùng. Thấy chúng tôi, những nữ lính thợ không lạ lẫm ghé nhìn, liếc mắt quan sát hay ngượng ngùng giấu mặt đi nơi khác. Họ mải mê, cần mẫn với công việc được “truyền đời” từ bao gian khó, nhọc nhằn thời chiến tranh…
Tôi nhớ, trong chuyến công tác lên Nhà máy Z131 cách đây hơn một năm, Đại tá Hoàng Hữu Mùi, nguyên Giám đốc nhà máy, tâm sự: “Phái nữ hiện đang có mặt ở hầu hết các công đoạn sản xuất. Chị em làm việc rất tận tâm, trách nhiệm và hơn hẳn nam giới ở sự khéo léo, cẩn trọng. Chỉ có điều, họ có vẻ ngại tiếp xúc, trò chuyện…”.
Minh họa: QUANG CƯỜNG. |
Cái nơi vốn nổi tiếng kiệm lời ấy chính là Xí nghiệp Tổng lắp vũ khí. Buổi sáng hôm ấy, tôi được Thiếu tá Giang Thị Thu Hiền, Chủ nhiệm Chính trị Nhà máy Z131 dẫn xuống thăm các phân xưởng sản xuất. Không gian nơi đây thực sự giống như một công sở hành chính. Cây xanh rất nhiều, đường bê tông sạch bong, không khí làm việc khá yên ả. Thiếu tá Hiền vừa dẫn chúng tôi đi vừa giới thiệu: Xí nghiệp có tỷ lệ nữ nhiều hơn nam giới, chuyên tổng lắp các loại sản phẩm quân sự, tham gia sửa chữa một số loại đạn, đồng thời sản xuất mồi nổ mạnh MN-31, một mặt hàng kinh tế đang là thế mạnh của nhà máy. Tính chất công việc rất phức tạp bởi sự nguy hiểm, độc hại.
Đến Phân xưởng A5, chúng tôi gặp những nữ công nhân mặc sắc xanh áo thợ, khẩu trang bịt kín miệng, đang mải mê làm việc. Đây là phân xưởng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân năm 1994. Ít ai biết rằng, cái không gian tưởng như yên ả, thanh bình này vẫn tiềm ẩn những rủi ro, nguy hiểm khó lường. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã có những nữ lính thợ hy sinh khi đang sản xuất vũ khí. Tôi gặp một nhân chứng quan trọng chứng kiến giờ phút bi thương ấy. Đó là bà Nguyễn Thị Đàm, 75 tuổi, nữ quân giới một thời.
Bà Đàm hiện đang sống cùng chồng tại một căn hộ cách nhà máy khoảng 2km. Bà và chồng là ông Vũ Thế Nhiếp, công tác tại Nhà máy Z131 từ những ngày đầu thành lập, cách đây gần 50 năm. Nhắc tới những tháng năm đời thợ, có lúc khuôn mặt bà tươi vui, chộn rộn, lúc lại trầm lắng, ngậm ngùi…
– Tôi được sống đến ngày hôm nay có lẽ cũng nhờ sự may mắn-bà Nguyễn Thị Đàm nhớ lại-Ngày đó, chúng tôi đang tổng lắp lựu đạn cầu để kịp chuyển vào Nam cho các đơn vị chiến đấu. Tôi nhớ, lần thoát chết thứ nhất là vào một ngày hè oi ả. Hôm ấy, Tổ Tổng lắp vũ khí đã hết giờ làm việc nhưng cô Sớ, người cùng tổ với tôi bảo: “Chị cứ về trước đi, em ở lại làm thêm mấy quả nữa rồi sẽ về sau”. Thật không ngờ, khi tôi vừa rời khỏi phân xưởng chừng 2 phút thì nghe thấy một tiếng nổ lớn… Tôi đã không bao giờ còn được làm việc với Sớ nữa…
Bà Đàm lấy tay lau mắt. Khi nỗi xúc động lắng xuống, bà chậm rãi kể tiếp với tôi rằng cho đến bây giờ, cũng không hiểu sao mình lại may mắn sống sót đến hai lần. Đó là vào năm 1970. Hôm ấy, con trai út bị ốm, bà được mọi người động viên về trước. Thời gian cũng chỉ tính bằng vài chục cái “tích tắc”. Lại là một tiếng nổ oan nghiệt! Cô Út, người bạn thân thiết nhất của bà đã vĩnh viễn nằm lại với mảnh đất Phổ Yên (Thái Nguyên), nơi đặt xưởng máy đầu tiên.
– Bây giờ, mỗi khi nhà máy tổ chức gặp mặt truyền thống, tôi rất ngại vào tham dự. Nhìn thấy mọi người hạnh ngộ, vui vẻ, tôi lại ngậm ngùi thương các bạn gái một thời quân giới. Cô Sớ, cô Út hồi ấy còn trẻ lắm… – giọng bà xa xăm.
Cũng giống như bà Nguyễn Thị Đàm, bà Phùng Thị Toan là một trong những người công tác tại Nhà máy Z131 từ những ngày đầu. Bà kể rằng, ngày ấy trên công trường xây dựng nhà máy, chủ yếu chỉ có nữ, cả thảy có tới gần 300 người. Bà Toan sinh năm 1946, ở xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, sau khi nghỉ hưu cùng gia đình sống tại phường Bãi Bông, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên trong “làng quân giới” gần nhà máy. Ngôi nhà mà bà đang ở được xây dựng khá khang trang, trong nhà ngoài tranh, ảnh còn treo rất nhiều bằng khen, giấy khen, huân, huy chương…
– Gần cả đời tôi đã gắn bó với nơi này-bà Toan bộc bạch-Ngày nhà máy mới chỉ là một công trường xây dựng, chúng tôi làm việc hăng hái lắm, chỉ thích xả sức mình ra để làm việc. Chẳng hạn, chỉ tiêu trên giao mỗi ngày lấy 25 cây sặt một người, nhưng chúng tôi toàn vác 35 cây. Rừng xưa vắt nhiều lắm, sờ đâu cũng thấy vắt, vắt còn leo lên đầu, lên tai. Có bữa, chúng tôi vượt núi đi mua rau cho đơn vị, mang theo nắm cơm. Đến khi lấy cơm ra ăn, tuy còn âm ấm nhưng vắt đã bám đầy. Vậy mà vẫn phải gạt vắt ra mà ăn. Trời mưa, rét mướt thế nào cũng quyết làm hết mình. Nhiều chị em người nhỏ lắm, cao có một mét bốn sáu, bốn bảy mà vẫn lên rừng, chặt sặt, chặt gỗ vác về, làm kèo, làm cột, dựng lán, làm nhà xưởng…
Một ký ức đau thương của thời đánh Mỹ mà bà Phùng Thị Toan không bao giờ quên là chứng kiến sự hy sinh của đồng đội. Đó là vào ngày 20-11-1967, Nhà máy Z131 bắt đầu thành lập Đảng bộ. Hôm trước ngày đại hội Đảng bộ diễn ra, máy bay Mỹ ào tới ném bom. Bà Toan lúc ấy đã là Chủ tịch Hội đồng quân nhân, được phân công ra khu nhà bếp kiểm tra công tác hậu cần phục vụ đại hội. Khi bà xuống đến nơi, gặp chị Hồi ở bộ phận cấp dưỡng, chị báo cáo: “Em đã ra tiểu đoàn tiếp phẩm, người ta chưa lấy được thực phẩm, chỉ lấy trước được 20 cân đậu thôi”. Bà toan bảo: “Ừ, thế em vào sổ sách, tình hình như thế nào tối chị lại ra kiểm tra. Bây giờ chị đến chỗ mấy người cắt rạ, xem công việc ra sao. Mình phải làm xong gianh để chống rét cho bộ đội”. Vậy mà, khi bà vừa đi khỏi khu vực nhà ăn chưa xa, máy bay Mỹ ào qua, tiếng bom nổ ùng oàng, mảnh bom bay vèo vèo. Bà tức tốc quay trở lại nhà bếp thì chứng kiến một cảnh tượng đau lòng, chị Hồi người bê bết máu, dính rất nhiều mảnh bom bi và đã hy sinh…
Đó cũng là liệt sĩ đầu tiên của Nhà máy Z131.
Nghe bà Phùng Thị Toan kể, tôi bỗng liên tưởng tới những số phận phụ nữ khác từng công tác trong ngành Quân giới-CNQP. Không chỉ có thời chiến tranh, mà ngay cả khi đất nước đã hòa bình, hạnh phúc đã trở lại với mái ấm mỗi gia đình Việt Nam, thì tại một số nhà máy quốc phòng, rủi ro, mất mát, hy sinh có lúc vẫn xảy ra. Đó là bà Ngô Thị Tâm, ở Nhà máy Z121, bị thương trong khi làm nhiệm vụ sản xuất hàng quốc phòng, đã vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng. Đó là 13 nữ lính thợ đã tử nạn trong quá trình sản xuất mặt hàng hóa nổ… Hoàn cảnh của sự mất mát, hy sinh cho dù có khác nhau, nhưng niềm đau thì chỉ có một!
Thế nhưng, không bi lụy, thoái chí, bỏ cuộc, những phụ nữ quân giới vẫn vươn lên, giấu lòng, nén đau thương vượt qua số phận để “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Họ lặng lẽ sống, thầm lặng làm việc, giấu đi nỗi niềm riêng, giấu đi cả nỗi đau về thể xác mỗi khi đêm hàn, nắng quái…
Có những nữ quân giới không trực tiếp sản xuất làm ra vũ khí, nhưng vẫn để lại cho đời những ấn tượng không phai. Ở Nhà máy Z121, không ai không nhớ tới Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Mai, nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng. Năm 1971, sau khi lấy chồng, bà về nhà máy làm nghề cô nuôi dạy trẻ. Hồi đó, đúng thời kỳ giặc Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, việc “giữ trẻ” hết sức vất vả. Bà đã thực sự là người mẹ thứ hai, quan tâm, chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ, giúp bố mẹ các cháu yên tâm sản xuất. Vì mẹ bận vào ca, rất nhiều cháu đang trong thời kỳ sơ sinh được “bú tí” bằng chính dòng sữa của bà… Có lẽ, từ tấm lòng yêu trẻ như con đẻ của mình nên nhiều cháu vẫn hồn nhiên gọi bà một cách thân thương: “Mẹ Mai”! Yêu nghề đến mức, mỗi khi có cán bộ nhà máy về xuôi công tác, bà rất hay xin đi “nhờ xe”, rồi tới các trường mầm non nổi tiếng ở Hà Nội để học múa, học hát, về dạy cho cô và cháu ở trường mình… Sau này, Trường Mầm non Hoa Hồng Nhà máy Z121 là trường mầm non đầu tiên của Tổng cục CNQP được công nhận chuẩn quốc gia. Góp phần vào thành công ấy có sự đóng góp lặng thầm của bà Nguyễn Thị Ngọc Mai.
Đất nước đang sôi động trong công cuộc đổi mới, hội nhập. Ngành Quân giới trước kia-CNQP ngày nay, cũng đang từng bước phát triển, nhiều dây chuyền mới được đầu tư, thay thế sức lực con người; nhiều sản phẩm quốc phòng và kinh tế đã làm nức lòng nhân dân cả nước. Thế nhưng, trong mỗi phân xưởng sản xuất, trong mỗi giờ vào ca, trong những ngày mưa sa, nắng lửa… đều hiển hiện những nữ công nhân miệt mài bên máy, bám ca. Sự thầm lặng của họ đã góp phần làm ra vũ khí, trang bị phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân đội; tích hợp công sức, trí tuệ để tạo ra những “tiếng nổ hòa bình” trên các công trình, bãi tập, bừng lên trong đêm pháo hoa rực rỡ trên nhiều khung trời đất nước khi Tết đến, Xuân về…
Hà Nội tháng 9-2015
Nguồn : qdnd.vn