Nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần vùng biên giới Việt-Trung, mở rộng Căn cứ địa Việt Bắc, khai thông quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, ngày 7-7-1950, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội ta mở Chiến dịch Biên Giới (mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong 2). Chiến dịch được chuẩn bị chu đáo và diễn ra từ ngày 16-9 đến 14-10-1950. Đây là cuộc đấu trí, đấu lực căng thẳng, quyết liệt giữa ta và địch, trong đó với ta nổi bật là nghệ thuật chỉ đạo chọn mục tiêu và tập trung “đánh điểm, diệt viện”.
Sau khi nghiên cứu, phân tích, đánh giá địch bố trí lực lượng và tổ chức phòng thủ trên địa bàn chiến dịch, Bộ chỉ huy chiến dịch xác định phương châm tác chiến của ta là “đánh điểm, diệt viện”. Lần đầu tiên “đánh điểm, diệt viện” được sử dụng trong kế hoạch tác chiến chiến dịch. Để thực hiện mục tiêu chủ yếu là đánh tiêu diệt lớn quân địch ngoài công sự, vấn đề đặt ra là phải chọn đúng điểm đánh ở đâu để khi bị đánh, bị bao vây cô lập, địch nhất định phải điều quân đến ứng cứu, giải vây đúng thời điểm ta đã chọn để nhanh chóng diệt địch giành thắng lợi.
Tù binh Pháp bị bắt trong Chiến dịch Biên Giới. Ảnh tư liệu |
Trên cơ sở phân tích tình hình lực lượng và thế phòng thủ của địch, Bộ Chỉ huy chiến dịch xây dựng phương án tác chiến đánh Đông Khê để mở màn chiến dịch. Chọn Đông Khê làm mục tiêu trận mở đầu, cũng là trận then chốt mở màn chiến dịch là một quyết định sáng suốt, táo bạo của ta, bởi Đông Khê là mắt xích quan trọng nối liền với thị xã Cao Bằng (cách thị xã 45km về phía bắc) và với thị trấn Thất Khê (cách thị trấn 25km về phía nam). Nếu mất Đông Khê, tuyến phòng thủ Đường số 4 sẽ bị chia cắt, thị xã Cao Bằng trở nên cô lập, buộc địch phải đưa quân đến ứng cứu Đông Khê, hoặc đón quân từ Cao Bằng rút về hỗ trợ. Như vậy, việc ta chọn Đông Khê, nơi địch “tương đối yếu, nhưng lại hiểm yếu”, vừa bảo đảm đánh chắc thắng trận mở đầu, vừa tạo điều kiện thuận lợi để đánh quân cứu viện, kéo hẳn địch ra khỏi công sự để tiêu diệt.
Sau thời gian chuẩn bị, 6 giờ ngày 16-9-1950, quân ta nổ súng tiến công Đông Khê, đến sáng 18-9-1950, quân địch rút chạy, ta làm chủ trận địa. Thắng lợi của trận Đông Khê đánh đấu bước tiến bộ mới về chiến thuật đánh công sự vững chắc, một đòn đã đánh rất trúng, điểm đúng huyệt trọng yếu của địch, tạo điều kiện cho Bộ Chỉ huy chiến dịch thực hiện ý định diệt viện binh địch như đã đề ra. Cụm cứ điểm Đông Khê, một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ Đường số 4 của địch bị đập tan, phân khu Thất Khê bị ta uy hiếp và phân khu Cao Bằng hoàn toàn bị cô lập. Trước tình hình đó, ngày 18-9-1950, tướng Các-păng-chi-ê, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương quyết định rút Binh đoàn Sác-tông (3 tiểu đoàn) khỏi Cao Bằng; đồng thời huy động Binh đoàn Lơ-pa-giơ (khoảng 4 tiểu đoàn) mở cuộc hành quân từ Thất Khê lên nhằm chiếm lại Đông Khê.
Trong quá trình chiến dịch, ta đã bố trí một trung đoàn cách Đông Khê 4km về phía nam và 2 trung đoàn triển khai trận địa phục kích đánh viện binh địch từ khu vực Pác Khoang đến Cốc Ngà. Chiều 5-10-1950, dọc đường hành quân bị quân ta đánh chặn, không đủ khả năng chiếm lại Đông Khê, Binh đoàn Lơ-pa-giơ chuyển về khu vực núi Cốc Xá (cách Đông Khê 6km về phía tây nam) định tổ chức phòng ngự chờ hội quân với Binh đoàn Sác-tông từ Cao Bằng rút về. Theo dõi chặt chẽ và nắm chắc được ý đồ của địch, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định tạm ngừng tiến công Thất Khê, nhanh chóng tổ chức lực lượng bao vây, chốt chặn, không cho địch từ Cốc Xá chạy về khu vực Điểm cao 477 (cách Đông Khê 8km về phía tây nam) cố thủ. Theo kế hoạch, 17 giờ ngày 5-8-1950, Trung đoàn 36, Tiểu đoàn 11 (Đại đoàn 308) và Tiểu đoàn 154 (Trung đoàn 209) tiến công khép chặt vòng vây; đánh tan nhiều đợt phản kích của địch. Đến 6 giờ ngày 7-10, ta làm chủ trận địa và ngày 8-10 chuyển sang truy kích diệt nhiều địch, số còn lại chạy sang Điểm cao 477.
Trong khi đó, ngày 7-10-1950, các tiểu đoàn 18, 23, 29 (Đại đoàn 308), 130, 166 (Trung đoàn 209) vận động tiến công Binh đoàn Sác-tông khi chúng chạy về Điểm cao 477 nhằm hội quân với lực lượng còn lại của Binh đoàn Lơ-pa-giơ từ Cốc Xá rút về, cùng chờ quân từ Thất Khê lên ứng cứu. Nắm bắt thời cơ, không cho địch thực hiện ý đồ đó, quân ta tiến công, khép chặt vòng vây từ ba hướng và tổ chức lực lượng đánh chặn ở Bản Ca, tiêu diệt và bắt toàn bộ quân địch.
Thắng lợi của trận đánh điểm-Đông Khê, mở màn chiến dịch, tiếp đó là hai trận diệt viện-Cốc Xá và Điểm cao 477, cũng là ba trận then chốt đã làm rung chuyển mạnh mẽ, khiến toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch trên Đường số 4 tan rã, góp phần kết thúc chiến dịch. Thắng lợi lớn của Chiến dịch Biên Giới đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta trong tổ chức và thực hành chiến dịch, trong đó “đánh điểm, diệt viện” trở thành một mẫu mực, đạt hiệu quả rất cao về cách đánh.