Tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận linh hoạt tác chiến
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP
Cách đây 70 năm, ngày 23-10-1945, quân và dân Nha Trang-Khánh Hòa đã chủ động nổ súng tiến công địch, mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Nam Trung Bộ. Cuộc chiến đấu trên mặt trận Nha Trang-Khánh Hòa thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp bộ Đảng, chính quyền, chỉ huy quân sự địa phương, trong đó nổi bật là tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận và vận dụng linh hoạt các hình thức tác chiến.
Sớm dự đoán được thủ đoạn của thực dân Pháp sau khi đánh chiếm Nam Bộ sẽ tiến đánh thị xã Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, sau đó mở rộng chiến tranh ra Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước, Tỉnh ủy, UBND và Ủy ban Quân sự tỉnh Khánh Hòa khẩn trương tổ chức lực lượng, triển khai thế trận để đánh địch.
Căn cứ vào so sánh lực lượng địch, ta và tình hình cụ thể của Nha Trang, tỉnh chủ trương sử dụng lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương phối hợp với các chi đội Nam tiến tác chiến. Theo đó, tỉnh chỉ đạo di chuyển đại bộ phận cơ quan tỉnh và thị xã Nha Trang lên Thành Diên Khánh, Vĩnh Xương. Trong thị xã, ta tổ chức hai chi đội của Khánh Hòa, đại đội tự vệ Nha Trang và các trung đội tự vệ ở phường, xã gấp rút luyện tập quân sự, bổ sung vũ khí, sẵn sàng chiến đấu. Chi đội Lê Trung Đình Nam tiến trang bị pháo 75mm được bố trí ở đồi La Sơn trong thị xã. Các chi đội Nam tiến của Nghệ An, Hà Tĩnh, Thuận Hóa (Thừa Thiên), Chi đội Bắc Bắc (sau có Chi đội Thu Sơn từ miền Bắc vào, Chi đội Nam Long từ Mặt trận Sài Gòn ra) bố trí áp sát các vị trí địch trong nội thị và ngoại vi Nha Trang.
Đồng bào Nam Bộ rào, ngăn sông đánh giặc. Ảnh tư liệu |
Nhằm đối phó với đối tượng tác chiến mạnh hơn, ta chủ động triển khai thế trận bao vây thị xã Nha Trang gồm hai tuyến chiến đấu: Tuyến thứ nhất trong nội thị gồm hầm hào, chiến lũy dựng lên trên các đường phố, áp sát từng vị trí, từng điểm đóng quân của địch. Tuyến thứ hai ở ngoại thị bố trí ven theo bờ sông Cái, dọc đường sắt, các điểm cao vây quanh phía bắc, tây bắc thị xã. Quá trình chiến đấu, ta xây dựng thêm các phòng tuyến bờ bắc sông Cái, Chợ Mới-Bờ-rơ-ten, Phú Vinh, Cây Đa-Quán Giếng, Cống Bav-Cầu Lùng. Trên các phòng tuyến đó, ta bố trí từng bộ phận lực lượng phù hợp, sẵn sàng đánh địch.
Trong khi quân và dân ta đang gấp rút chuẩn bị mọi mặt thì địch tăng cường các hoạt động khiêu khích, đánh chiếm một số vị trí quan trọng ở Nha Trang, đẩy nguy cơ xung đột quân sự lớn do chúng gây ra càng đến gần. Với tinh thần chủ động ngăn chặn trước hành động gây hấn quân sự của địch, 3 giờ ngày 23-10-1945, quân và dân ta ở Nha Trang chủ động mở cuộc tiến công đồng loạt vào các vị trí quân địch trong thị xã. Nhiều trận chiến đấu ác liệt đã diễn ra ở nhà ga, nhà đèn, sở thuốc, xóm Mới, Bình Tân…, gây bất ngờ lớn cho địch, buộc chúng lúng túng, bị động đối phó và chịu một số thiệt hại. Trong khi đó, các đội công an và tự vệ mật tổ chức các trận tập kích nhỏ, dùng lựu đạn tự chế, dao găm, mã tấu phục kích binh lính địch tuần tra; phá kho súng, kho lương thực của địch.
Những ngày cuối năm 1945, đầu năm 1946, quân ta tiếp tục đánh địch ở nhiều nơi như: Tập kích sở chỉ huy địch ở khách sạn Bô Ri-va-giơ, dùng thuốc nổ đánh chìm tàu địch trên sông Xóm Bóng, sử dụng pháo 75mm bắn chiến hạm Ri-sơ-li-ơ ở bến Cầu Đá… Bằng cách đánh mưu trí, dũng cảm, kiên quyết đánh địch, giữ vững thế bao vây trong thị xã, đồng thời luồn sâu, đánh hiểm trong lòng địch, quân ta đã tiêu hao một phần lực lượng và phương tiện chiến tranh của chúng. Trước tình hình địch chiếm ưu thế về quân số, vũ khí trang bị, ngày 1-2-1946, Ban chỉ huy Mặt trận Nha Trang quyết định rút phần lớn lực lượng ra vùng căn cứ để bảo toàn lực lượng, còn một bộ phận nhỏ ở lại, tiếp tục chiến đấu trong lòng địch.
Cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở Nha Trang hồi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1946) thực sự là một cuộc hội quân của cả nước. Tham gia chiến đấu không chỉ có LLVT và nhân dân địa phương, mà còn có hàng chục chi đội Nam tiến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào. Lần đầu tiên trên địa bàn một thị xã và vùng ven thị xã, LLVT ta tiến hành đợt hoạt động tác chiến kéo dài 101 ngày đêm (23-10-1945 đến 1-2-1946), gồm những trận đánh tập kích, phục kích, bao vây, chống địch tiến công và phản kích có sự liên kết với nhau ở mức độ nhất định. Đợt hoạt động tác chiến này đã xuất hiện những yếu tố đầu tiên của chiến dịch và nghệ thuật chiến dịch sau này.
Nguồn : qdnd.vn