Sử dụng lực lượng tăng – thiết giáp linh hoạt, sáng tạo
ĐINH THIỆN SINH
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nghệ thuật tác chiến của Bộ đội Tăng-Thiết giáp (TTG) đã hình thành và phát triển toàn diện cả về tổ chức xây dựng lực lượng và phương pháp tác chiến. Kế thừa nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc, Bộ đội TTG đã sử dụng lực lượng và vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả. Nhiều cách đánh hay, đánh hiểm, gây cho địch bất ngờ, thiệt hại lớn trên chiến trường cả ở quy mô cấp chiến thuật và chiến dịch.
Xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Đà Nẵng ngày 29-3-1975. Ảnh tư liệu |
Nét đặc trưng của nghệ thuật sử dụng lực lượng và cách đánh của Bộ đội TTG trong thời kỳ này là nghệ thuật sử dụng TTG tập trung trên hướng, khu vực chủ yếu, trận đánh then chốt, then chốt quyết định. Bộ đội TTG triển khai đánh tiêu diệt đi đôi với giữ gìn và phát triển lực lượng, lấy xe địch đánh địch, đánh có chuẩn bị, bảo đảm chắc thắng; bí mật, bất ngờ, mưu trí, sáng tạo; hiệp đồng chặt chẽ liên tục; chỉ huy kiên quyết, linh hoạt. Ngay trong trận mở đầu Tà Mây – Làng Vây, trong Chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh (năm 1968), ta đã sử dụng tập trung lực lượng Tiểu đoàn Xe tăng 198 tham gia đánh trận then chốt tiêu diệt gọn một tiểu đoàn địch phòng ngự trong công sự vững chắc. Tiếp đó, trong Chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào (năm 1971), với sự tham gia của 3 tiểu đoàn xe tăng, ta đã sử dụng xe tăng chi viện cho bộ binh tiến công địch trong mọi điều kiện thời tiết, kể cả ban ngày, ban đêm, giành được thắng lợi và kết thúc trận đánh nhanh gọn. Qua hai Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh và Đường 9-Nam Lào, nghệ thuật tác chiến của Bộ đội TTG đã hình thành và phát triển nhanh chóng. Nét tiêu biểu là ta đã tập trung lực lượng TTG mạnh, hiệp đồng cùng các lực lượng chiến dịch, tiến công đánh chiếm mục tiêu chủ yếu. Ta vận dụng thành công yếu tố bí mật, bất ngờ trong sử dụng lực lượng, trong chọn hướng và mục tiêu tiến công như trận tiến công cứ điểm Làng Vây. Ta tránh nơi địch mạnh, tìm nơi sơ hở, nơi hiểm yếu như trận đánh ở điểm cao 543. Cách đánh của Bộ đội TTG là bí mật cơ động tiếp cận mục tiêu, lợi dụng thế trận của bộ binh, vận dụng linh hoạt thủ đoạn chiến đấu, đột phá kết hợp với thọc sâu, dùng hỏa lực chi viện cho bộ binh và các lực lượng chiến đấu, dẫn dắt bộ binh xung phong đánh chiếm mục tiêu, bảo đảm tốc độ tiến công, gây cho địch bất ngờ và tan rã nhanh.
Kế thừa và phát huy kinh nghiệm ở các chiến dịch trước, trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, trên khắp các mặt trận: Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, việc sử dụng lực lượng và cách đánh của Bộ đội TTG đã từng bước hoàn thiện và phát triển lên một bước mới. Điểm nổi bật của nghệ thuật sử dụng TTG trong chiến dịch tiến công Quảng Trị năm 1972 là tập trung một số lượng lớn gồm hai trung đoàn và một đại đội TTG với 279 xe, đồng thời có lực lượng thích hợp trên các hướng khác như: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Trong các trận then chốt và then chốt quyết định ở khu vực Đông Hà, Ái Tử, Hải Lăng, Cửa Việt… ta đã sử dụng thành công lực lượng TTG với quy mô đại đội, tiểu đoàn TTG phối thuộc cho trung đoàn hoặc sư đoàn bộ binh tiến công địch trên hướng chủ yếu. TTG đã trở thành lực lượng đột kích mạnh, thọc sâu, vu hồi nhanh trong tiến công, là lực lượng phản kích, phản đột kích mạnh trong phòng ngự. Bộ đội TTG của ta đã tận dụng yếu tố bí mật, bất ngờ, sử dụng trên tất cả các hướng chiến dịch, cơ động từ xa đến, hành tiến tiến công, bỏ qua cứ điểm vòng ngoài, đánh thẳng vào mục tiêu chủ yếu trong tung thâm phòng ngự địch. Nhiều phân đội xe tăng đã vận dụng hình thức chiến thuật bắn ngắm trực tiếp (Quảng Trị, Đắc Tô-Tân Cảnh), sát thương lớn quân địch, tạo điều kiện cho bộ binh và xe tăng tiến công giành thắng lợi.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, nghệ thuật sử dụng TTG của ta đã phát triển tới đỉnh cao, thể hiện ở việc sử dụng tập trung với số lượng lớn, hơn 500 xe, chiếm gần 80% tổng số xe TTG trên toàn chiến trường, với nhiều chủng loại TTG, có cả xe thu được của địch. Riêng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã sử dụng 398 xe để đánh trận then chốt quyết định. Với sự tập trung cao độ, lực lượng TTG trên các hướng chiến dịch cùng bộ binh tiến công đánh chiếm lần lượt các mục tiêu, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Cùng nghệ thuật sử dụng lực lượng TTG, việc tổ chức đội hình tiến công cũng có bước phát triển phù hợp, hiệu quả. Cách đánh của Bộ đội TTG đã sáng tạo tận dụng thế trận, bảo đảm bí mật và vận dụng linh hoạt thủ đoạn đột phá kết hợp với thọc sâu, vu hồi, chia cắt, bao vây… Được đúc kết bằng trí tuệ và những đóng góp, hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ “binh chủng thép anh hùng”, nghệ thuật sử dụng lực lượng, cách đánh của Bộ đội TTG trong chiến tranh giải phóng cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, sát, đúng, hiệu quả trong quá trình huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nếu xảy ra.
Nguồn : qdnd.vn