Tháng 9-1940, tại Hội nghị đại biểu toàn Xứ tại xã Xuân Thới Đông (Hóc Môn, Gia Định), Xứ ủy đã quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền địch, giành lấy chính quyền cách mạng về tay nhân dân.
Để tổ chức chuẩn bị lực lượng vũ trang cách mạng, thực hiện sự chỉ đạo và phân công của xứ ủy, nhiều đảng viên và quần chúng tốt được bổ sung vào các đội tự vệ, du kích, xung kích. Từ các quận, tổng đến tận làng đều thành lập các đội du kích, xung kích, mở lớp huấn luyện quân sự, mua sắm vũ khí. Ở vị trí chiến lược, sát cạnh thành phố Sài Gòn và các tỉnh Gia Định, Tân An, các quận, tổng, làng của Chợ Lớn đều thành lập các đội vũ trang, tích cực học tập “chiến thuật du kích” chuẩn bị khởi nghĩa. Đặc biệt tổng Hưng Long Hạ (Chợ Lớn) đã thành lập được một đại đội du kích với hơn 100 đội viên. Ở Vũng Liêm và Tam Bình (Vĩnh Long) còn thành lập được một đội du kích nữ. Lực lượng du kích được tổ chức theo biểu “tam tam chế”, có đảng viên hoặc quần chúng tích cực chỉ huy. Đặc biệt, tỉnh Gia Định còn gấp rút tổ chức, huấn luyện một số đơn vị cảm tử sẵn sàng tham gia đánh chiếm những vị trí quan trọng trong thành phố theo sự chỉ đạo của Ban khởi nghĩa Xứ ủy…
Nhân dân Nam Bộ trong Khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11-1940. (Tranh vẽ, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử cách mạng Việt Nam). |
Ở nhiều xí nghiệp lớn như Ba Son, nhà máy đèn Chợ Quán, trường Bách nghệ… và nhiều đường phố đã có các đội tự vệ, các tiểu tổ du kích. Trang bị chủ yếu là dao, kiếm, búa, xà beng, phi tiêu, cưa cá mập, mủ cao su, bao bố, dây rừng… Các cơ sở sản xuất vũ khí, như: Móp Xanh (Tân An), Bà U (Mỹ Tho), chùa Thượng Đồng Hòa (Rạch Giá), hoạt động liên tục, kịp thời cung cấp vũ khí, trang bị cho lực lượng tham gia khởi nghĩa. Nhờ sự tin cậy và giáo dục của Đảng, của mặt trận, các tầng lớp quần chúng nhân dân yêu nước được đứng vào hàng ngũ của những người khởi nghĩa và trở thành những chiến sĩ chiến đấu ngoan cường.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ được Xứ ủy chuẩn bị và phát động theo sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Hội nghị Trung ương 6, chĩa mũi nhọn chủ yếu của cuộc đấu tranh vào đế quốc xâm lược để giành lấy chính quyền bằng khởi nghĩa vũ trang, thực hiện giải phóng dân tộc, lập nên một nhà nước theo chế độ dân chủ cộng hòa. Theo đúng mệnh lệnh của Xứ ủy, từ 0 giờ ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra đồng loạt tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong toàn miền: Gia Định, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Sa Đéc, Biên Hòa, Bạc Liêu, Tây Ninh. Đặc biệt, diễn ra rất quyết liệt ở Bà Điểm-Hóc Môn (Gia Định)-Cai Lậy-Châu Thành (Mỹ Tho), Vũng Liêm-Cái Ngang-Tam Bình (Vĩnh Long)
Với khẩu hiệu “Đánh đổ đế quốc Pháp, vua chúa bổn xứ và tất cả bọn tay sai của đế quốc phản bội dân tộc”, cuộc khởi nghĩa được đông đảo nhân dân, đặc biệt là nông dân hưởng ứng mạnh mẽ. Các đội du kích và quần chúng nhanh chóng đánh chiếm quận lỵ, đồn bốt. Các đội du kích và quần chúng ở các tổng, làng nổi dậy làm chủ các trụ sở, trấn áp tề tổng. Đường dây điện thoại, điện tín của địch trên nhiều tuyến bị cắt đứt hoặc phá hủy hoàn toàn… Với chủ trương đúng đắn và quyết tâm cao, khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra với khí thế mạnh mẽ, quy mô rộng lớn và có tính quần chúng rộng rãi (18 tỉnh/20 tỉnh). Bộ máy thống trị phản động ở nông thôn và cả một số vùng ven đô từ Biên Hòa đến Cà Mau bị phá vỡ từng mảng lớn. Hệ thống tề ở các tổng, làng hoàn toàn bị tan rã. Vùng giải phóng được mở rộng. Cờ đỏ sao vàng và cờ đỏ búa liềm được kéo lên ở những nơi chính quyền mới ra đời…
Đi đầu trong cả nước về thực hiện sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, khởi nghĩa Nam Kỳ đã giành được kết quả quan trọng, bước đầu phá được chính quyền của địch, xây dựng và bảo vệ được chính quyền cách mạng ở nhiều địa phương trong một thời gian nhất định. Trong quá trình thực hành khởi nghĩa, đã tổ chức được lực lượng và khởi đầu kết hợp giữa đấu tranh chính trị của quần chúng với đấu tranh quân sự, nhất là trong hình thức địch vận dụ hàng, phá hoại, cản trở giao thông, liên lạc… Trong các cuộc đấu tranh, du kích Nam Kỳ đã trở thành lực lượng nòng cốt trong khởi nghĩa vũ trang, đã phát huy được những hình thức tác chiến có hiệu quả. Sau khởi nghĩa, với nhãn quan chính trị sắc sảo, tầm nhìn sâu rộng, Đảng ta đã nhanh chóng lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời củng cố, xây dựng và phát triển du kích Nam Kỳ trở thành lực lượng nòng cốt cho quá trình đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân. Đội du kích Hóc Môn (Gia Định), Đội du kích Cần Giuộc (Chợ Lớn), Đội du kích Vũng Liêm (Vĩnh Long), Đội du kích Mỹ Tho, U Minh, Đồng Tháp Mười, Truông Mít (Tây Ninh)… trở thành quân du kích Nam Kỳ, một trong những lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của nhân dân ta.
Nguồn : qdnd.vn