Lập thế trận chốt chặn, linh hoạt tác chiến
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP
Nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng Lai Châu, phối hợp cùng các chiến trường Tây Nguyên, Thượng, Trung, Hạ Lào, thu hút, phân tán lực lượng cơ động chiến lược của địch, mở đầu cuộc tổng tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954, tháng 11-1953, Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở chiến dịch Lai Châu. Chiến dịch diễn ra từ 10 đến 20-12-1953, với sự xuất hiện các tình huống biến động nhanh thể hiện ta chủ động nắm bắt, kịp thời xác định phương án tác chiến, nhanh chóng lập thế trận chốt chặn, vận dụng linh hoạt các hình thức tác chiến để giành thắng lợi.
Trước hết, ta kịp thời chuyển phương án tác chiến từ đánh địch phòng ngự là chủ yếu sang đánh địch rút chạy. Phát hiện Đại đoàn 316 cơ động lên Lai Châu, địch liền mở cuộc hành quân Pôn-luých rút phần lớn lực lượng ở Lai Châu về Điện Biên Phủ để tránh bị tiêu diệt. Trước sự thay đổi mau lẹ của tình huống chiến dịch, Bộ Tổng tư lệnh giao cho Đại đoàn 316 ngăn chặn tiêu diệt địch rút chạy và tiến công giải phóng tỉnh Lai Châu, trong đó, tiêu diệt địch rút chạy là trọng tâm. Quán triệt nhiệm vụ được giao, Bộ tư lệnh Đại đoàn quyết định chuyển phương án tác chiến từ đánh địch phòng ngự là chủ yếu sang lập thế trận chốt chặn, chia cắt, đánh địch rút chạy. Tiểu đoàn 439 (Trung đoàn 98) hiệp đồng với bộ phận tiền trạm Tổng cục Hậu cần dùng xe cơ giới hành quân gấp, tiến công giải phóng thị xã Lai Châu. Tiểu đoàn 938 triển khai lực lượng bảo vệ Tuần Giáo, sẵn sàng đánh địch tập kích vào phía sau đội hình chiến dịch. Trung đoàn 174, Tiểu đoàn 215 và Trung đoàn bộ Trung đoàn 98 cùng với Đại đoàn bộ cơ động lực lượng chặn đánh và truy kích địch rút chạy.
Quân Pháp rút khỏi Lai Châu, co cụm về Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Điểm nổi bật của chiến dịch là ta tạo lập được thế trận chốt chặn vững chắc trên các hướng. Trên cơ sở trinh sát nắm vững địa bàn, đại đoàn đã chọn khu vực Mường Pồn – Bản Tấu làm khu vực chốt chặn, chia cắt địch. Bởi đây là khu vực có địa hình hiểm trở, thuận lợi cho việc bố trí lực lượng bí mật, lập thế trận chốt chặn liên hoàn, vững chắc và cũng bảo đảm đủ thời gian để quân ta cơ động đuổi kịp và vượt lên trước chặn địch. Hơn nữa, ở Bản Tấu ta đã có sẵn Tiểu đoàn 888 (Trung đoàn 176) đang bám nắm địch ở Điện Biên Phủ và sẵn sàng tác chiến nếu chúng thực hành ứng cứu, giải tỏa. Theo đó, Trung đoàn 174 lợi dụng địa hình, triển khai lực lượng ở khu vực Mường Muôn, Mường Pồn, sẵn sàng “đón địch” từ Lai Châu chạy về. Trung đoàn 98 xuống Pu San, tận dụng các điểm cao có giá trị chiến thuật án ngữ khu vực, chuẩn bị trận địa chốt chặn và sẵn sàng đánh địch chi viện, ứng cứu từ Điện Biên Phủ lên. Tiểu đoàn 888 (Trung đoàn 176) tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bám sát địch ở phía Him Lam – Bản Tấu và sẵn sàng hành động khi có lệnh. Như vậy, ta đã hình thành thế trận chốt chặn, chia cắt hai khối quân địch ở Lai Châu và Điện Biên Phủ.
Thành công lớn về nghệ thuật tác chiến của ta là vận dụng linh hoạt các thủ đoạn chiến đấu, giành thắng lợi. Cuộc hành quân Pôn-luých diễn ra theo trục đường độc đạo Lai Châu – Điện Biên Phủ. Khi đến Mường Pồn, bất ngờ bị ta đánh chặn quyết liệt và vây chặt, buộc địch phải co cụm chờ lực lượng từ Điện Biên Phủ lên giải tỏa. Dựa vào thế trận chốt chặn được tổ chức chặt chẽ, liên hoàn, bộ đội ta phục kích tiêu diệt quân cứu viện địch ở khu vực Bản Tấu, điểm cao 1.168 (ở Pu San), khiến số quân còn lại phải lui về Điện Biên Phủ. Trong khi đó, sau khi giải phóng thị xã Lai Châu, Tiểu đoàn 439 tiếp tục truy kích địch dọc theo trục đường Lai Châu – Điện Biên Phủ. Cùng lúc, các đơn vị của Đại đoàn 316 được lệnh truy kích địch trên tất cả các hướng. Với tinh thần “truy kích địch đến cùng”, bộ đội ta vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, như bao vây, chia cắt, vận động tiến công kết hợp với vừa đánh, vừa kêu gọi đầu hàng để truy kích, tiêu diệt và làm tan rã quân địch. Trải qua 11 ngày đêm (từ ngày 10 đến 20-12-1953) liên tục tiến công, truy kích trên đoạn đường dài 300km ở địa bàn rừng núi hiểm trở, Đại đoàn 316 đã tiêu diệt và làm tan rã hơn 20 đại đội địch, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, giải phóng phần lớn Lai Châu (trừ Điện Biên Phủ). Đây là thắng lợi mở đầu cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954, bước đầu làm thất bại âm mưu co cụm lực lượng của địch về Điện Biên Phủ.
Bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch là, ngay từ đầu ta đã chủ động nắm chắc tình hình; kịp thời chuyển phương án tác chiến từ đánh địch phòng ngự là chủ yếu sang đánh địch rút chạy là trọng tâm; lập thế trận chốt chặn, chia cắt giữa lực lượng địch rút chạy và lực lượng ứng chiến, cô lập, dồn địch lâm vào thế bị động, thực hành tiến công tiêu diệt địch ở Lai Châu. Đồng thời, ta chốt chặn các khu vực hiểm yếu, như Him Lam, Nà Tấu, Mường Pồn, Pu San, bảo đảm đánh chặn địch từ Lai Châu về, chặn địch từ Điện Biên lên. Bộ đội ta đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt các hình thức tác chiến, tiêu diệt từng bộ phận quân địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến dịch.
Nguồn : qdnd.vn