Cuộc “hội thảo” đặc biệt
NGUYỄN HỒNG (tổng hợp)
Lịch sử Bộ Tổng tham mưu đã ghi nhận một cuộc “hội thảo” đặc biệt làm rõ một định hướng mới trong công tác huấn luyện của Quân đội. Lúc sinh thời, Trung tướng, Phó giáo sư Nguyễn Đình Ước, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự đã có bài viết kể về “hội thảo” đặc biệt ấy.
Năm 1961, đồng chí Nguyễn Đình Ước được điều về làm làm Phó Tổng biên tập thứ nhất Tạp chí Quân đội nhân dân (nay là Tạp chí Quốc phòng toàn dân). Lúc này phong trào thi đua luyện quân lập công rất sôi nổi. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong toàn quân lúc này canh cánh băn khoăn: Các đơn vị đang huấn luyện cách đánh chính quy theo kinh nghiệm của quân đội Liên Xô, cán bộ của ta cũng đều là những người đi học ở Liên Xô về và chung một tâm sự “học bạn là quý, nhưng thực tế Việt Nam có đánh như vậy được không ?”.
Kiểm tra công tác huấn luyện ở Lữ đoàn Phòng không 673, Quân đoàn 2. |
Những suy nghĩ, trăn trở đó của toàn quân được phản ánh đến đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng. Chính Tổng tham mưu trưởng cũng chỉ đạo: “Cần phải nghiên cứu từ tình hình thực tế của Việt Nam để chúng ta có cách huấn luyện phù hợp”.
Đồng chí Nguyễn Đình Ước bèn đem điều này trao đổi với đồng chí Vũ Lăng, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự (Bộ Tổng tham mưu). Đồng chí Vũ Lăng nhất trí để hai cơ quan (Cục Khoa học Quân sự và Tạp chí Quân đội nhân dân) tổ chức một hội nghị nghiên cứu về cách đánh của ta. (Lúc đó chưa có từ hội thảo mà gọi là hội nghị).
Đồng chí Hoàng Văn Thái, Phó Tổng tham mưu trưởng và đồng chí Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị rất ủng hộ ý tưởng tổ chức hội nghị. Hai ông đã trực tiếp chỉ đạo và duyệt “kế hoạch hội nghị nghiên cứu” này. Trước hội nghị, đồng chí Văn Tiến Dũng hướng dẫn Tạp chí viết một bài phân tích quan điểm thực tiễn. Khi ban tổ chức hội nghị gửi công văn đến các quân khu, quân chủng, nhà trường, binh chủng trong toàn quân, mời chuẩn bị tham gia hội nghị thì các đơn vị đều đánh giá đây là hội nghị “gãi đúng chỗ ngứa”.
Tháng 8-1963, hội nghị diễn ra tại hội trường Bộ Tổng tham mưu, do đồng chí Hoàng Văn Thái chủ trì, đồng chí Vũ Lăng và Nguyễn Đình Ước giúp việc. Hội nghị có sự góp mặt của nhiều tướng lĩnh, chỉ huy cấp cao như: Lê Trọng Tấn, Hoàng Minh Thảo, Vương Thừa Vũ, Cao Văn Khánh, Hoàng Cầm, Vũ Yên, Hồng Sơn, Nguyễn An, Doãn Tuế…
Đồng chí Văn Tiến Dũng đến dự. Đồng chí Hoàng Văn Thái giới thiệu: “Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng đã có một bài viết đăng trên Tạp chí Quân đội nhân dân số mới nhất. Đây là bài viết quan trọng vì nó quán triệt đường lối quân sự của Đảng trong tình hình, nhiệm vụ mới, là bài có ý nghĩa sâu sắc trong chỉ đạo thực tế, đề nghị cán bộ các cấp, kể cả cơ quan của Bộ Quốc phòng, các nhà trường, quân khu, quân binh chủng, đơn vị trong toàn quân nghiên cứu và xem đây là tư tưởng chỉ đạo cho công tác huấn luyện quân sự và nghệ thuật tác chiến của toàn quân”.
Bài viết của đồng chí Văn Tiến Dũng tập trung một số điểm chủ yếu sau:
Một là: Khẳng định “địch thế nào ta đánh thế ấy”. Thời điểm đó (1963), địch tiến hành “thiết xa vận”, “trực thăng vận”. Sức cơ động của địch hơn hẳn so với quân đội thực dân Pháp. Ta chưa dự kiến về “chiến tranh cục bộ” nhưng dự đoán trong tác chiến sẽ có sự can dự của quân Mỹ. Mà địch đã cố thủ thì theo điểm tựa lô cốt boongke chứ không phòng ngự kiểu “ba tuyến chiến hào”. Bài viết đã đặt ra vấn đề phải nghiên cứu kỹ quân địch ở chiến trường miền Nam, địa hình miền Nam để có cách đánh phù hợp.
Hai là: Khẳng định ta “có gì đánh nấy”. Phải xuất phát từ tình hình trang bị vũ khí của mình để huấn luyện và chiến đấu. Lúc đó, pháo binh là hỏa lực chủ yếu trong quân đội ta. Xe tăng đã có nhưng rất ít. Pháo cao xạ chủ yếu là 57 và 37 ly. Ngay cả pháo binh cũng chủ yếu loại 105 và 75 ly. Địa hình miền Nam sông rạch chẳng chịt, ở miền Bắc thì nhiều sông suối, đồng ruộng mà xe lội nước của ta rất ít, cơ số đạn các loại cũng hạn chế. Bởi vậy, huấn luyện phải xuất phát từ trang bị là một cơ sở quan trọng để tìm ra cách đánh. Phải huấn luyện làm sao để bộ đội sử dụng thành thạo những thứ có trong tay và phát huy được tác dụng của chúng với hiệu quả cao nhất. Chúng ta không thể có nhiều đạn để bắn theo kiểu “màn đạn tiến dần, tập trung lần lượt”, tạo thành lưới lửa để yểm hộ bộ binh tiến lên. Ta cũng không có “hàng đàn” xe tăng dàn hàng ngang tiến lên đè bẹp chướng ngại vật của địch mà vẫn phải dùng bộc phá. Hải quân ta lúc đó cũng chỉ có tàu cỡ nhỏ, số lượng không nhiều, chủ yếu là tàu tuần tiễu ven biển và tàu vận tải. Chúng ta cũng không thể có đội hình tiến công theo kiểu máy bay trên trời, dưới đất xe tăng dàn đội hình hành tiến.
Ba là: Khẳng định phương châm “đánh như thế nào thì huấn luyện như thế ấy”. Ta xây dựng quân đội theo hướng chính quy, hiện đại mà học chính quy có nghĩa là học một cách cơ bản, hệ thống, lý thuyết đầy đủ, hành động theo trình tự bài bản. Thực hiện điều này là tốt nhưng chỉ có như vậy sẽ rơi vào giáo điều, máy móc. Cơ bản, hệ thống, đồng thời phải ứng dụng vào thực tế. Đầu tư thời gian huấn luyện cũng như đầu tư yếu tố khác phải hài hòa, hợp lý, bởi riêng để đạt đến “cơ bản, hệ thống” cũng tốn rất nhiều thời gian.
Một vấn đề khác rất quan trọng mà bài viết đề cập là: Quân đội ta không chỉ ham “đánh lớn” mà phải biết vừa đánh lớn, vừa biết đánh nhỏ. Nhiều lúc phải đi từ “đánh nhỏ” lên “đánh lớn”.
Kết luận bài viết khẳng định: Chiến trường nước ta đòi hỏi chung là phải huấn luyện theo cách sát thực tế, huấn luyện sát với chiến trường.
Hội nghị hôm đó đã nhất trí với quan điểm tránh giáo điều, rập khuôn máy móc kinh nghiệm nước ngoài. Hồi đó, tuy chưa gọi là hội thảo, nhưng đây là một trong những cuộc hội thảo khoa học đầu tiên mà cơ quan tham mưu chiến lược tổ chức. Nó đã góp phần sáng tỏ một vấn đề quan trọng, mang tầm chiến lược. Từ hội thảo trở về, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đã hoàn toàn nhất trí về định hướng công tác huấn luyện; huy động được sức mạnh nội lực để thực hiện nhiệm vụ đặt ra trước mắt.
Những ý kiến trong hội thảo hôm đó được lựa chọn đăng trên Tạp chí Quân đội nhân dân đã được cán bộ, chiến sĩ toàn quân thích thú đón nhận. Trên Tạp chí, những bài viết theo lối ham trích dẫn kinh điển đã nhường chỗ cho những bài xuất phát từ thực tế sinh động. Cuộc hội thảo thành công cũng là một dấu ấn về sự phối hợp ăn ý giữa Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Chính trị trong những vấn đề quan trọng.
Nguồn : qdnd.vn