Tuổi 19, ông đã tham gia cách mạng, ba năm sau trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ người lính, từng bước trưởng thành trong chiến đấu, ông đã thành một vị tướng, cuộc đời gắn liền với trận mạc. Ông cùng đồng đội lập nên những chiến công vang dội. Ông là cán bộ quân sự tài năng, nhưng lại rất sâu sắc về công tác chính trị. Ông thẳng thắn, nghiêm khắc, nhưng lại rất rộng lượng và bao dung, đa cảm… Con người nhân hậu, văn võ song toàn ấy là Thượng tướng Nguyễn Chơn…
Trọn đời theo Đảng, theo cách mạng
Thượng tướng Nguyễn Chơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng LLVTND, Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, VII, Đại biểu Quốc hội khóa VIII đã về cõi vĩnh hằng, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong trái tim bao người…
Cách đây 5 năm, tôi may mắn được đến thăm và trò chuyện với Thượng tướng Nguyễn Chơn để viết về chuyến “vượt biển” đầu tiên của Đoàn tàu không số vào Tết Canh Tý-1960, mà ông là người được cấp trên giao nhiệm vụ đi đón con tàu đó. Thời điểm này sức khỏe của ông còn khá, nên tôi tranh thủ “tác nghiệp” hết công suất. Trò chuyện với ông, tôi càng hiểu hơn về cuộc đời cách mạng với những chiến công lẫy lừng của vị tướng anh hùng.
Nguyễn Chơn sinh năm 1927. Chưa đến tuổi thanh niên nhưng anh đã mơ ước trở thành người chiến sĩ. Khát khao cháy bỏng ấy của chàng trai trẻ giàu lòng yêu nước được toại nguyện. Ngày đi bộ đội, Chơn hứa với người mẹ thân yêu của mình: “Mẹ ơi! Con nguyện đánh tan quân bán nước và lũ giặc cướp nước để trả thù cho quê hương!”. Lời hứa với mẹ và buổi chia tay ngày ấy trên bến sông quê như một lời thề thiêng liêng theo suốt cuộc đời vị tướng. Bàn chân của chàng trai trẻ đã in dấu trên khắp các chiến trường, tạo nên bản lĩnh, vóc dáng của vị tướng tài ba trong suốt hơn nửa thế kỷ qua… Vào quân ngũ, Nguyễn Chơn được biên chế về Tiểu đoàn 19-Quảng Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Chơn đang kiểm tra phương án tác chiến của Trung đoàn 1, Sư đoàn 2. Ảnh: XUÂN QUANG. |
Tài năng quân sự và bản lĩnh chỉ huy của Nguyễn Chơn bộc lộ từ khi còn là cán bộ cấp cơ sở. Các trận đánh do ông chỉ huy luôn diễn ra mau lẹ, ít thương vong. Năm 1947, ở Đội cảm tử quân thuộc Tiểu đoàn 14 (Trung đoàn 803-Liên khu 5), Nguyễn Chơn cùng các chiến sĩ diệt gọn một Đại đội Âu Phi của quân Pháp tại đồn Thu Bồn. Hai năm sau, Nguyễn Chơn được kết nạp vào Đảng ở tuổi 22. Tháng 7 năm 1954, Nguyễn Chơn tập kết ra Bắc theo hiệp định Giơ-ne-vơ. Sau thời gian học tập, rèn luyện tại Trường Sĩ quan Lục quân, Nguyễn Chơn cùng 29 cán bộ trở về chiến trường Miền Nam. Về tới Khu 5, Nguyễn Chơn và các cán bộ chủ chốt được giao nhiệm vụ xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang của Quảng Nam.
Để đập tan ý đồ của đế quốc Mỹ và tay sai, Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2) cơ động vào Quảng Ngãi. Với khí thế tiến công mạnh mẽ, từ ngày 29 đến 31-5-1965, Trung đoàn 1 đã tiêu diệt 4 tiểu đoàn lính tinh nhuệ của ngụy, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn miền Tây Sơn Tịnh, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Nguyễn Chơn đã cùng đồng đội xung kích đánh trận Ba Gia lừng lẫy.
Từ cuối năm 1970, Nguyễn Chơn là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2, được lệnh tiêu diệt và chặn đứng cuộc hành quân của Sư đoàn A-me-ri-cơn của Mỹ. Trận này, ông đã dùng chiến thuật “nghi binh nhử địch, phục kích theo thế chân vạc”, khiến quân địch hao tổn lực lượng hết sức nặng nề. Với những chiến công lừng lẫy, năm 1970, Nguyễn Chơn được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND. Năm 1972, Nguyễn Chơn chỉ huy Sư đoàn 2 hiệp đồng với Bộ tư lệnh Tây Nguyên mở Chiến dịch Bắc Tây Nguyên. Tố chất của một người chỉ huy tài ba đã giúp Nguyễn Chơn rút được kế hoạch tiêu diệt cụm địch trọng yếu Đắc Tô-Tân Cảnh từ 7 ngày xuống còn 24 giờ đồng hồ…
Thượng tướng Nguyễn Chơn là con người quyết đoán, nắm chắc thời cơ. Trận tiến công Tam Kỳ mùa xuân 1975. Thời điểm ấy, cấp trên đã phổ biến hướng tiến công vào Quảng Ngãi, nếu thời cơ xuất hiện thì tiến công mạnh vào đầu não địch để hoàn thành công cuộc giải phóng, trong đó Đà Nẵng là mục tiêu chính. Nguyễn Chơn vốn nhạy bén với tình hình, nên quyết tâm tiến về giải phóng Đà Nẵng. Sau khi thu hút lực lượng Sư đoàn 2 của địch về phía tây Tam Kỳ, ta đánh cho địch tơi tả. Biết được tình hình quân địch ở căn cứ Chu Lai hết pháo, Nguyễn Chơn cho quân thần tốc đánh chiếm Tam Kỳ. Sau đó, chỉ huy các trung đoàn hành quân theo trục đường 1 ra hướng Bắc. Nguyễn Chơn nhận định, địch đã hoang mang, dao động, biết tin quân ta tiến công như vũ bão thì sẽ càng mau rã ngũ. Thực tế đúng như vậy, khi Sư đoàn 2 do Nguyễn Chơn chỉ huy tiến ra Đà Nẵng, đánh thẳng vào Quân đoàn 1 thì Tư lệnh vùng 1 chiến thuật địch phải cuống cuồng bỏ chạy.
Bản lĩnh, tài năng của Thượng tướng Nguyễn Chơn đã được lịch sử ghi nhận. Trong lời tựa của cuốn tiểu thuyết sử thi “Vị chỉ huy huyền thoại” do NXB Quân đội nhân dân phát hành năm 2009 có đoạn viết: “Nguyễn Chơn chiến đấu và chiến thắng hàng trăm trận, mưu trí sáng tạo, dũng cảm, nắm chắc lực lượng ta, hiểu rõ tình hình địch, quyết đoán, luôn giành thế chủ động, dồn địch vào thế bị động. Bất ngờ, sắc sảo trong giải quyết hiệu quả những tình huống ngẫu nhiên mới nảy sinh… là những nét đặc sắc nhất trong cuộc đời chỉ huy trận mạc của Thượng tướng Nguyễn Chơn…”.
Trọn tình, trọn nghĩa với đồng đội, với nhân dân
Trong lần đến thăm Thượng tướng Nguyễn Chơn, tôi thực sự ấn tượng bởi nội dung câu đối trang trọng treo tại phòng khách: “Trai trẻ lẫy lừng nơi trận mạc. Tuổi già đúc kết trí cầm quân”. Giờ ông mất, đọc tiểu sử và những trang sách, bài thơ viết về ông, ngẫm nghĩ lại đôi câu đối, tôi càng hiểu vì sao mọi người lại tôn trọng, tiếc thương ông đến vậy. Dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, từ lúc là người chiến sĩ cho tới khi thành vị tướng, Nguyễn Chơn đều là tấm gương mẫu mực về lối sống cũng như phương pháp, tác phong công tác. Ông thường nói “dụng nhân như dụng mộc”, cán bộ chiến sĩ còn khiếm khuyết thì phải nghiêm khắc nhắc nhở, phê bình, nhưng phải trên cơ sở tạo điều kiện để họ phấn đấu, tiến bộ, chứ không phải phê bình theo lối chì chiết, trù dập. Muốn vậy, người cán bộ, chỉ huy phải gương mẫu để cho chiến sĩ noi theo. Vì thế, ngay cả trong thời kỳ chiến trường Khu 5 gian khổ, ác liệt, khó khăn là vậy, nhưng 100% cán bộ, chiến sĩ đều thể hiện quyết tâm chiến đấu và chiến thắng… Từ tháng 8-1987, Trung tướng Nguyễn Chơn được bổ nhiệm làm Phó tổng Tham mưu trưởng phụ trách tác chiến, sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng BQP. Ông là người trực tiếp đi khảo sát Trường Sa và các tuyến đảo gần bờ, tham mưu với Chính phủ, Bộ Quốc phòng về xây dựng chiến lược phòng thủ Biển Đông; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược, công trình phòng thủ dọc tuyến biên giới, biển đảo, thể hiện tầm nhìn chiến lược về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, tận nghĩa với đồng đội, thế nên, biết tin Thượng tướng Nguyễn Chơn về cõi vĩnh hằng, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào tỏ lòng tiếc thương vô hạn.
“Nghe tin Thượng tướng Nguyễn Chơn mất, tôi không cầm được nước mắt. Vậy là anh đã đi về cõi vĩnh hằng! Cách đây chưa lâu, tôi còn được đồng đội thông báo là anh đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sức khỏe có dấu hiệu tiến triển, vậy mà…”. Đại tá Nguyễn Đình Ngật (nguyên Chánh văn phòng Bộ tư lệnh Quân khu 5-người có thời gian gắn bó với Thượng tướng Nguyễn Chơn) mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những lời tâm sự đầy cảm động, chân thành như thế. Theo Đại tá Nguyễn Đình Ngật, Thượng tướng Nguyễn Chơn là một tài năng quân sự thiên bẩm và trái tim quả cảm bởi ông khởi đầu ít học lý thuyết quân sự mà giỏi thực hành, đánh trận gan lỳ và đầy sáng tạo, bất ngờ.
Đại tá Nguyễn Đức Chuyển, Anh hùng LLVTND, nguyên Phó trưởng phòng Quân báo Quân khu 5 rưng rưng xúc động: “Thượng tướng Nguyễn Chơn là nhà quân sự tài ba, là vị chỉ huy yêu thương cấp dưới như ruột thịt.”.
Trung tướng Nguyễn Long Cáng-Tư lệnh Quân khu 5 cảm động khi nói về người thầy, người anh của mình: “Dẫu biết rằng, ở tuổi 89, lại mấy năm nằm trên giường bệnh, nên việc Thượng tướng Nguyễn Chơn về với tổ tiên có thể dự báo được từ trước, thế nhưng, điều này đến vẫn là nỗi đau với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên mảnh đất Quảng Nam-Đà Nẵng. Hình ảnh một vị tướng uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam đã in đậm trong trái tim của mỗi con người… Trong lĩnh vực chỉ huy quân sự, bài học luôn tạo thế chủ động để đánh địch và tư duy về nghệ thuật quân sự của Thượng tướng Nguyễn Chơn luôn được các đơn vị trong quân khu học tập, ứng dụng trong huấn luyện SSCĐ và chiến đấu…”.
Bây giờ thì “Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung” đã ngừng bay. Như bóng cây Kơ-nia bám rễ sâu vào lòng đất đỏ Ba-zan, vững vàng trước bão tố, trong những năm tháng gắn bó với chiến trường “Liên khu 5”, Thượng tướng Nguyễn Chơn cùng các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các cấp và cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ đã biết dựa vào dân, kiên cường trụ vững trên địa bàn chiến lược, trọng điểm; chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang tại chỗ, phát triển thế trận chiến tranh nhân dân.
Cầm súng đánh giặc từ rất sớm, trưởng thành từ phong trào cách mạng địa phương, phát triển lên tới cấp bậc thượng tướng. Những gì ông và đồng đội đã cống hiến, tất cả cũng chỉ vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân…
Nguồn : qdnd.vn