Tổ chức phòng ngự “cụm chốt liên hoàn”
NGUYỄN KHÁNH ĐIỆP
Cuối năm 1972, sau khi bộ đội ta rút khỏi thị xã Quảng Trị, Tích Tường-Như Lệ trở thành vị trí tiền tiêu của ta trên hướng tây. Để chuẩn bị cho giai đoạn chiến đấu tiếp theo, trong khi các đơn vị hành quân về đứng chân ở khu tứ giác Nam Bến Hải, Bộ tư lệnh Mặt trận và Sư đoàn 308 giao cho Trung đoàn 36 ở lại xây dựng trận địa phòng ngự, chốt giữ địa bàn Tích Tường, Như Lệ, Tân Mỹ, Đá Đứng, cửa ngõ đi lên vùng địa bàn quan trọng miền Tây thị xã Quảng Trị.
Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, bởi đơn vị phải chiến đấu phòng ngự trên một dải đất ven sông vừa hẹp vừa thấp; trong khi địch có lợi thế về địa hình tiến công từ trên cao xuống, có chính diện rộng, chiều sâu để triển khai binh khí kỹ thuật, đồng thời có hỏa lực phi pháo và xe tăng-thiết giáp mạnh. Không lùi bước trước khó khăn, sau khi nhận nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban chỉ huy Trung đoàn 36 đã hạ quyết tâm “bằng mọi giá, lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ đã được giao phó”. Căn cứ vào thủ đoạn của địch, Trung đoàn 36 đã đề ra phương án chiến đấu phòng ngự “cụm chốt liên hoàn” để chốt giữ Tích Tường-Như Lệ.
Chiến sĩ Trung đoàn 36 trong chiến đấu phòng ngự tại Quảng Trị năm 1972. Ảnh tư liệu. |
Theo phương án phòng ngự này, toàn đơn vị đã hình thành hệ thống trận địa chốt liên hoàn với nhau. Mỗi tiểu đoàn tổ chức thành một cụm chốt. Mỗi trận địa đều có chốt chính, chốt phụ, trận địa phục kích đánh địch từ xa. Mỗi cụm chốt có một lực lượng sẵn sàng cơ động tiến công đánh địch ở vòng ngoài. Toàn bộ hệ thống các cụm chốt liên hoàn của trung đoàn đều có hỏa lực pháo binh nhiều cấp sẵn sàng chi viện. Phương châm tác chiến của trung đoàn đề ra là tích cực, chủ động đánh địch từ xa để bảo vệ trận địa. Vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật tập kích, phục kích địch trong phòng ngự. Chú trọng tập kích địch bằng hỏa lực và bằng tiến công nhỏ, lẻ để phá trước các cuộc tiến công của chúng vào trận địa của ta. Vừa đánh tiêu hao địch, vừa củng cố lực lượng ta…
Với chiến thuật “cụm chốt liên hoàn” cùng ý chí quyết tâm chiến đấu cao của cán bộ, chiến sĩ, “cụm chốt liên hoàn” Tích Tường-Như Lệ của Trung đoàn 36 đã đứng vững trước các cuộc tiến công của địch. Trong hơn hai tháng (từ ngày 15-9 đến 26-11-1972) được tăng cường thêm Tiểu đoàn 4 gồm 50 tay súng của Trung đoàn 88 và sự phối hợp chiến đấu của các đơn vị thuộc Sư đoàn 312 đánh ở phía tây, Trung đoàn 36 đã liên tục chiến đấu, đánh lui gần 40 đợt tiến công của hai lữ đoàn dù địch.
Các đơn vị của Trung đoàn 36 đã đánh nhiều trận xuất sắc, tiêu diệt nhiều quân địch, bảo vệ được lực lượng và địa bàn được giao. Nổi bật là cụm chốt của Đại đội 10, Tiểu đoàn 3 trên khu đồi Cây Dừa (đông nam Tích Tường). Trong vòng nửa tháng (từ ngày 19-9 đến 5-10), địch đã dùng hai tiểu đoàn dù thay nhau tổ chức tới 13 trận đánh (có ngày tới 2, 3 trận) vào trận địa của đại đội. Song, với cách đánh luôn luôn biến hóa, lúc phục kích từ xa, lúc phản kích tạt sườn, xây dựng trận địa nhiều tầng và được hỏa lực các cấp phối hợp chi viện kịp thời, cụm chốt đã cùng với pháo binh của ta tiêu diệt được 260 tên, giữ vững trận địa.
Bằng tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường và hình thức chiến thuật phòng ngự “cụm chốt liên hoàn”, biến hóa, hiệu quả, Trung đoàn 36 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chốt giữ bàn đạp Tích Tường-Như Lệ. Sau hơn hai tháng làm nhiệm vụ, Trung đoàn 36 đã tiêu diệt 800 tên địch, thu hàng trăm súng các loại. Chiến công của trung đoàn giành được không dừng ở thành tích đó mà ý nghĩa to lớn hơn là việc trung đoàn đã xây dựng và thực hiện thành công cách đánh phòng ngự “cụm chốt liên hoàn”.
Nguồn : qdnd.vn