Tưởng nhớ những người anh hùng của Hải đội Hoàng Sa
Năm nay là chẵn 200 năm (1816-2016), Cai đội Phạm Quang Ảnh vâng lệnh vua Gia Long thực hiện chuyến đi Hoàng Sa “xem xét đo đạc thủy trình” cuối cùng của ông; 4 lần năm Bính Thân: Bính Thân-1836, Bính Thân-1896, Bính Thân-1956, Bính Thân-2016 để có tròn 3 vòng hoa giáp (60 năm x 3 = 180 năm) kể từ lần đầu tiên Chánh đội trưởng Thủy quân suất đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật thực thi nhiệm vụ là người đầu tiên được vua Minh Mạng cử đi cắm mốc chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Hai ông là người thuộc dòng họ Phạm Quang và Phạm Văn ở xã An Vĩnh, đảo Lý Sơn.
Nhiều tài liệu đã nói các chúa Nguyễn thành lập Hải đội Hoàng Sa từ cách đây khoảng 400 năm, chưa xác định chính xác vào năm nào, có thể là vào đời Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1634) hoặc chậm nhất là đời Nguyễn Phúc Lan (1635-1648). Khi thành lập Hải đội Hoàng Sa, triều đình đã định rõ nơi huy động người vào đội, chức năng nhiệm vụ của đôi, trong quá trình hoạt động có chút thay đổi cho phù hợp. Đây là hình thức đội dân binh.
Khi mới thành lập, Hải đội Hoàng Sa chỉ có 70 người của làng An Vĩnh, An Hải ở đất liền và làng An Vĩnh, An Hải trên đảo Lý Sơn. Từ khi làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn được tách ra khỏi làng An Vĩnh trong vùng cửa biển Sa Kỳ vào năm Gia Long thứ 3 (1804) thì phiên chế chính thức của Hải đội Hoàng Sa chủ yếu là người Lý Sơn, không chỉ của làng An Vĩnh, mà còn của làng An Hải. Sau khi thành lập thêm đội Quế Hương, đội Bắc Hải cũng do Hải đội Hoàng Sa kiêm quản, các binh phu có thêm người Bình Định, Bình Thuận, Thừa Thiên (Tứ Chính, Bình Cố, Cảnh Dương).
Các nguồn tư liệu từ lịch sử và điền dã cho thấy khá rõ về chức năng nhiệm vụ của Hải đội Hoàng Sa và về sau là Thủy quân Hoàng Sa. Đây là tổ chức dân binh nên Hải đội Hoàng Sa có nhiệm vụ vừa khai thác tài nguyên, vừa canh giữ, tuần phòng vùng biển đảo. Vì sớm ý thức nguồn tài nguyên vô tận trên Biển Đông nên triều Nguyễn đã tổ chức canh phòng, bảo vệ và dần khẳng định cương vực lãnh thổ mở rộng bao gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những hòn đảo khác.
Thời kỳ đầu, Hải đội Hoàng Sa chỉ có chức năng đi tìm kiếm sản vật, hải vật, cả những thứ tìm thấy từ những xác tàu bị đắm, vàng bạc, đồ đồng, đồ thiếc, từng bước xác lập chủ quyền, bằng cách đo đạc, vẽ bản đồ các hòn đảo. Hằng năm, cứ vào tháng hai hoặc tháng ba, Hải đội Hoàng Sa nhận lệnh của triều đình, giong buồm trên những chiếc thuyền câu ra khơi và đến tháng tám âm lịch là trở về nộp cho triều đình các hải vật, sản vật cùng những thứ họ đánh bắt và thu lượm được trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng biển khác như Côn Lôn, Hà Tiên…
Đầu nhà Nguyễn, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông được nhân dân ta đặc biệt coi trọng. Lúc này nhiệm vụ thiêng liêng là đi đo đạc thủy trình, dựng miếu trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vẽ bản đồ, cắm mốc, dựng bia chủ quyền, không chỉ là nhiệm vụ của đội dân binh Hoàng Sa (kiêm Bắc Hải), mà còn là nhiệm vụ chính của các thủy quân, các viên giám thành được biệt phái từ kinh thành Huế, đặc biệt vào các năm 1803, 1815, 1816, 1834, 1835, 1836… gắn liền với tên tuổi các Cai đội Võ Văn Khiết, Võ Văn Phú, Phạm Quang Ảnh, Trương Phúc Sĩ, Phạm Văn Nguyên, Phạm Hữu Nhật, Phạm Văn Biên, Phạm Văn Sanh… mà hầu hết họ là người sinh ra trên đảo Lý Sơn.
Đặc biệt, năm 1815, 1816, Phạm Quang Ảnh nhận Chỉ thị vua Gia Long mang đội quân đi “xem xét, đo đạc thủy trình” tức là thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Từ đó đến năm nay là tròn 200 năm, ông không trở về. Vua Gia Long đã đích thân ra đảo Lý Sơn làm lễ chiêu hồn cho ông cùng các đội viên của ông, họ hàng và dân làng đã lập mộ chiêu hồn cho ông cùng 24 tử sĩ.
Năm 1815, 1816, Phạm Văn Nguyên vâng mệnh vua Minh Mạng “đem lính và phu thuyền Quảng Ngãi chở vật liệu ra Hoàng Sa dựng miếu thờ”.
Trong các bộ chính sử nhắc nhiều đến Chánh đội trưởng Thủy quân suất đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật và ghi rất rõ về công lao to lớn của ông trong việc xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.
Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 165 chép rằng, từ năm Minh Mạng thứ 17 (Bính Thân-1836), Bộ Công tấu vua hằng năm cho cử người ra Hoàng Sa cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ. Vua Minh Mạng y lời tâu, phê trong bản tấu của Bộ Công rằng: Sai Chánh đội trưởng thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi. Chuẩn cho mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, dày một tấc làm cột mốc…, trên mặt bài khắc chữ: “Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh ra Hoàng Sa, xem xét, đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ…”.
Vua Minh Mệnh cũng ra chỉ dụ: “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu”, có nghĩa là “Đối với lãnh hải nước ta thì Hoàng Sa là cực kỳ quan trọng”. Phạm Hữu Nhật vinh dự là người đầu tiên được chọn phụng mệnh vua đi khẳng định chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa, ngay sau lời châu phê ấy. Không biết ông đã đi bao nhiêu chuyến, chỉ biết rằng, 18 năm sau, năm 1854, ông đi mà không trở về… Gia đình và họ tộc đã an táng ông bằng một nấm mộ chiêu hồn không có hài cốt (tức mộ gió) tại thôn Đông, làng An Vĩnh.
Chúng ta tự hào về những hùng binh Hoàng Sa đã xả thân vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, trong đó có những người họ Phạm trên đảo Lý Sơn. Vào dịp Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hằng năm, cũng như các dòng họ ở Lý Sơn, tộc họ Phạm Văn, Phạm Quang cúng tế các ông như những vị tiền hiền bên cạnh việc tưởng nhớ các vị tham gia Hải đội Hoàng Sa đã hy sinh vì đất nước.
Phạm Thị Thúy Lan
(Nguồn: Báo Biên phòng)