Mẹ Phạm Thị Trinh (còn có tên là mẹ Lân) sinh ngày 8-3-1914 tại xã An Phú, một vùng quê bên dòng sông Trà thuộc huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Mẹ Trinh vào Đảng năm 1930, cho đến nay, mẹ là một trong những đảng viên hiếm hoi còn sống với 87 tuổi Đảng.
Tiểu sử mẹ Trinh còn có sự đặc biệt, anh trai của mẹ, Trung tướng Phạm Kiệt, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên là Chỉ huy trưởng Đội du kích Ba Tơ (1945). Còn chồng bà, ông Nguyễn Chánh lại là người lãnh đạo Đội du kích Ba Tơ. Ông Nguyễn Chánh về sau còn là Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ (Bộ Quốc phòng), rồi Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông mất năm 1957, khi mới 43 tuổi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết về ông: “Anh qua đời, quân đội mất đi một vị tướng tài năng, tôi mất đi một người bạn chí thiết”.
Mẹ Trinh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng. Lớn lên giữa lúc phong trào yêu nước và cách mạng đang dâng cao, mang sẵn trong mình nhiệt huyết của cha anh và quê hương Quảng Ngãi, năm 16 tuổi bà đã tham gia hoạt động cách mạng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Người con gái sông Trà ấy trở thành người đảng viên ưu tú của Đảng, người cầm cờ chỉ huy cuộc biểu tình của hàng nghìn đồng bào Sơn Tịnh trong cao trào cách mạng 1930-1931. Khi phong trào bị đàn áp, bị thực dân Pháp truy nã, bà vẫn tìm mọi cách để hoạt động và duy trì ngọn lửa phong trào cách mạng trên quê hương mình. Hai lần bị thực dân Pháp cầm tù (năm 1931 và 1941), bất chấp mọi cực hình tra tấn dã man của chính quyền thực dân và tay sai, bà giữ trọn khí tiết của người cộng sản. Hơn thế nữa, bà cùng các đồng chí của mình biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Trong giai đoạn này, với những khó khăn chồng chất tưởng như không thể vượt qua, tình nhà nghĩa nước mang nặng hai vai, nhưng mẹ Trinh đã hoàn thành tốt cả việc nước do Đảng giao và làm tròn nghĩa vụ của người vợ, người mẹ trung hậu đảm đang.
Tháng 11-1954, mẹ Phạm Thị Trinh cùng chồng ra Bắc tập kết. Bà làm Ủy viên Đảng đoàn, Thường trực phụ vận Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam. Bà viết tác phẩm hồi ký “Những chặng đường của người mẹ”, kể về cuộc đời đấu tranh gian khổ, anh dũng của chính mình. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét: “Tôi đã đọc bản thảo của cuốn “Những chặng đường của Người Mẹ”. Đây là hồi ký của một người chiến sĩ cộng sản từ ngày ấu thơ đến tuổi trưởng thành không ngừng hoạt động vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trong những hoàn cảnh biết bao gian khổ mà thế hệ trẻ ngày nay không hề biết tới. Vì lẽ đó, cuốn hồi ký này là những bài học có giá trị đối với mọi người, nhất là tuổi trẻ”. Còn bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó chủ tịch nước thì viết: “Cuộc đời hoạt động của bà Phạm Thị Trinh là một tấm gương sáng về lòng trung thành với cách mạng, lòng tận tụy với công việc, tinh thần khắc phục khó khăn, không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác”.
Không chỉ là một nhà cách mạng lão thành, mẹ Phạm Thị Trinh còn là một nhà thơ. Bà đã sáng tác hàng trăm bài thơ với nhiều thể loại, đã được tuyển chọn đăng trong Tuyển tập văn học Việt Nam số 35, được bạn đọc đánh giá cao. Thơ với mẹ Trinh là phương tiện hoạt động cách mạng, phương tiện đấu tranh chống kẻ thù, đồng thời là nơi để ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tình đồng chí, tình vợ chồng, tình mẹ con… Và ngay trong những bài về tình yêu đôi lứa, người đọc vẫn cảm nhận được “chất cách mạng” trong thơ của mẹ. Như: “Nỗi nhớ chúng tôi có cả hai người/Em ở đầu sông mong thuyền ngược gió/Sóng phủ trắng thuyền có anh trong đó/Chiều nào cũng đợi thuyền lên/Anh ở cuối sông, ngọn nước xuôi dòng/Uống ngụm nước có lời thơ trong lá/Anh vẫn mong con thuyền xuôi gió/Có con người cùng xuôi với thuyền con”.
Mùa xuân năm 2010, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh diễn ra một cuộc hội thảo với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nhiều nhà khoa học đến dự hội thảo đều rất xúc động khi nghe tham luận của mẹ Phạm Thị Trinh. Gọi là tham luận, nhưng mẹ đọc bài thơ mẹ viết nhân dịp được trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng (lúc đó, toàn Đảng có 3 người được trao huy hiệu cao quý này): “Huy hiệu Đảng trao thật quý mừng/Tám mươi tuổi Đảng nhớ ngày xuân/Bao lần tra tấn ta bền vững/Mấy bận giao tranh địch hãi hùng/Bẽ mặt toàn quyền khi đấu lý/Đau đầu tuần vũ lúc khai cung/Gần trăm tuổi hạc càng vui thú/Góp giữ giang sơn những chặng đường”.
Ngay sau khi nghe “tham luận” đặc biệt đó, tôi hẹn mẹ một buổi phỏng vấn. Cả buổi, mẹ rất minh mẫn ôn lại tôi nghe chặng đường tu dưỡng, phấn đấu và tranh đấu của một đảng viên cộng sản vào Đảng từ năm 1930. Mẹ nói: “Con à, người đảng viên khác người thường ở chỗ nào? Khác ở trái tim biết rung động trước nỗi đau của người lao động, biết thương những phận người yếm thế trong xã hội. Khi nước nhà còn chìm trong xích xiềng nô lệ, còn mất độc lập tự do, thì người đảng viên có trái tim rực lửa, sẵn sàng xung trận. Thời bình, người đảng viên phải có trái tim biết yêu thương, biết chia sẻ với nhân dân lao động cần lao, vì vậy phải biết đấu tranh chống tham ô, hủ hóa. Mẹ già rồi, nhưng mẹ vẫn cố gắng tham gia sinh hoạt chi bộ, để góp phần xây dựng Đảng ở tổ chức nhỏ nhất nhưng là hạt nhân của Đảng”.
Tôi không biết nói gì với mẹ! Xuân nào gặp mẹ, tôi cũng chỉ biết thưa rằng: “Thưa mẹ, trái tim chúng con vẫn luôn hướng về mẹ, để không bao giờ quên, không bao giờ hổ thẹn vì mình là thế hệ tiếp nối mẹ”.
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG HẢI (Nguồn QĐND)