Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng khi được gợi chuyện xưa, ánh mắt cụ Vượn như sáng lên và cứ thế câu chuyện về cuộc đời cụ được “lật lại” như mở từng trang sách. Lúc nhỏ, do nhà nghèo nên cô bé Vượn đi ở nhờ nhà ông Lê Quang Trường, ở xã Hoằng Tiến. Năm 1943, khi 19 tuổi, đang ở nhà ông Trường thì cô gái Chu Thị Vượn được cán bộ cách mạng đến bắt liên lạc, xây dựng cơ sở. Các đồng chí: Tố Hữu, Đinh Trương Lân, Lê Thế Sơn… thường xuyên lui tới động viên, giác ngộ cô tham gia cách mạng. Vào khoảng tháng ba năm 1944, cơ quan in ấn của Đảng bộ tỉnh từ huyện Hậu Lộc được chuyển về nhà ông Lê Quang Trường để in Báo “Đuổi giặc nước”. Bấy giờ, vì khỏe khoắn, nhanh nhẹn nên cô Vượn được phân công làm giao thông tự vệ.

Ngày ấy, đường liên lạc chủ yếu kết nối về các địa điểm: Hậu Lộc, Nga Sơn, Quảng Xương, thị trấn Bút Sơn và thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa). Tham gia tổ giao thông, ngoài Chu Thị Vượn còn có hai anh em ruột là Trần Viết Tục, Trần Viết Mão; hai chị em ruột là Lê Thị Yến, Lê Thị Tuyết (cháu ông Trường) và các đồng chí Nguyễn Văn Lựng, Nguyễn Văn Lãy, ở làng Đô Du; Lê Bá Tường, Cao Văn Xây ở xóm Chợ Vực….
Theo lời cụ Vượn, những ngày đi làm nhiệm vụ thường đi hai người đến một cơ sở do các đồng chí Đinh Trương Lân, hoặc ông Lê Quang Trường phân công và không ai được biết ai làm gì, ở đâu, chỉ làm việc theo lệnh để bảo đảm tính “tuyệt mật”. Riêng Chu Thị Vượn thường đi với anh Trần Viết Mão đến phiên chợ lớn ở các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn. Ngày có phiên chợ, hai người đều dậy sớm, quang gánh và hàng hóa đã chuẩn bị sẵn từ mấy hôm trước. Hàng gánh theo gồm khoai lang khô, bông, hoặc cau khô-là những vật nhẹ dễ gánh, đường dài đi đỡ mệt. Tài liệu được bỏ xuống đáy thúng có đệm cói đậy kín hoặc bỏ vào lá chuối khô cuốn kỹ hai ba lớp. Họ xuất phát vào một giờ nhất định để đánh lạc hướng bọn lính Tây và mật thám. Những hôm trời mưa, do cơ sở đã hẹn trước nên Chu Thị Vượn vẫn phải “đội mưa” đi giao tài liệu. Lúc này, tài liệu được ngụy trang, bó lại như một chiếc giò có nhiều lớp lá và lạt giang buộc chặt, bỏ vào gánh, gánh đi cùng một số hàng cần thiết.
Mật hiệu giao tài liệu lúc bấy giờ thường là “gương”, “lược”. Gánh hàng tới một địa điểm đã được báo trước ở chợ, Chu Thị Vượn ngồi xuống lấy gương ra soi, nếu có người thấy mà dùng lược chải đầu thì đó là mật hiệu và hai bên giao nhận hàng cho nhau. Cũng có trường hợp mật hiệu được trao bằng lời. Khi đến những địa điểm định sẵn, có người đi qua đi lại, chúng tôi thường hỏi: Ở đây có “Cây giao” không? Có người trả lời: Không có “Cây giao” mà chỉ có “Cây thông” thôi! Thì đó là tín hiệu giao “hàng”. Hàng vẫn để nguyên trong gánh giao và nhận luôn “gánh hàng” mới đã giấu giấy, mực in… đem về. Các quang, gánh, thúng, mủng đều được làm giống nhau từ trước do các cán bộ cách mạng ở từng cơ sở chuẩn bị theo một kiểu nhất định. “Chúng tôi thường đi về trong ngày. Nếu đường xa thì nửa đêm mới tới nhà, hoàn thành nhiệm vụ, ai cũng rất vui”-cụ Vượn kể.
Nhớ về kỷ niệm trong những lần đi giao tài liệu, cụ Vượn tâm sự: “Một lần đi qua đò Cồn Đình đến Hậu Lộc giao tài liệu, tôi và anh Mão vừa bước xuống đò thì gặp một tên lính Tây. Tôi định quay trở lại nhưng sợ bị lộ. Lúc này, đồng chí Mão bấm tay ra hiệu để cho tên lính Tây lên ngồi ở mũi thuyền, hai anh em ngồi ở đuôi thuyền, một số bà con ngồi ở giữa. Nếu tên lính kiểm tra thì sẽ quẳng luôn “gánh hàng” xuống sông để phi tang. Nhưng rất may hôm đó, tên lính không kiểm tra, sang bên kia đò cả hai mới thở phào”.
Cuối năm 1944, có cơ sở cách mạng trong tỉnh bị vỡ, bọn địch truy tìm các chiến sĩ cách mạng làm náo động cả một vùng ven biển Hoằng Hóa. Ông Trường bị địch bắt. Đồng chí Tố Hữu và Đinh Trương Lân kịp thời chuyển đi nơi khác. Cơ quan in Báo “Đuổi giặc nước” cũng ngừng hoạt động. Trước Tết Âm lịch Ất Dậu (đầu năm 1945) ông Trường được ra tù. Lúc này, đồng chí Đinh Trương Lân trở về Chợ Vực gây dựng lại cơ sở. Cô gái trẻ Chu Thị Vượn cùng các đồng chí trong tổ giao thông lại được các cán bộ giáo dục tham gia tổ Tự vệ cứu quốc, làm nhiệm vụ rải truyền đơn Việt Minh và đi nhận tài liệu, sách báo từ các cơ sở ở đò Đại, đò Vàng, đò Cồn Đình-nơi giáp ranh giữa huyện Hoằng Hóa và các huyện: Quảng Xương, Thiệu Hóa, Hậu Lộc…
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Chu Thị Vượn được phân công cùng một số tự vệ lên Hàm Rồng nhận thuốc diêm đưa về Hậu Lộc làm thuốc súng, rồi chuyển súng đạn từ Hậu Lộc về cơ sở cách mạng nhà ông Trường để chuẩn bị khởi nghĩa. Cách mạng Tháng Tám thành công, năm 1949, cô gái trẻ Chu Thị Vượn trở về nhà bố mẹ đẻ, xây dựng gia đình riêng ở làng Đô Du và tiếp tục tham gia công tác phụ nữ ở địa phương.
Giờ đây, ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng mỗi khi có dịp gần gũi cháu con, cụ Chu Thị Vượn thường kể về những năm tháng hoạt động cách mạng, nhất là đi giao tài liệu mật, xem đó như một cách “truyền lửa” cho thế hệ hôm nay.
Bài và ảnh: DUY THÀNH (QĐND)