Chính tại nơi đây, 32 nam, nữ dân công huyện Bình Chánh đã anh dũng hy sinh trong một “đêm trắng” đầy đau thương, khốc liệt. Đó là đêm 15-6-1968, cách đây gần nửa thế kỷ.
Đúng ngày giỗ các liệt sĩ dân công hỏa tuyến, theo chân anh Võ Văn Hùng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Vĩnh Lộc A (được tách ra từ xã Vĩnh Lộc), chúng tôi gặp bà Phan Thị Ôi (Bảy Ôi), năm nay 67 tuổi, ngụ tại ấp 3, thành viên Ban quản lý Khu di tích dân công hỏa tuyến, một trong những nhân chứng có mặt trong đêm định mệnh năm xưa. Bà Bảy kể: Ngày ấy cả vùng này đồng không mông quạnh. Cánh đồng có khu di tích hiện nay trước đây toàn là dứa dại, cỏ mọc um tùm. Xã Vĩnh Lộc thường xuyên bị địch truy càn nhằm làm lá chắn an toàn cho đầu não của chúng ở nội đô. Thực hiện chủ trương của Huyện ủy Bình Chánh, đầu năm 1968, Đoàn Dân công hỏa tuyến được thành lập, lực lượng từ 50 đến 60 người chủ yếu là các chị, em nữ thuốc ấp Tân Hòa 1, Tân Hòa 2 (xã Vĩnh Lộc) với nhiệm vụ phục vụ chiến đấu mỗi khi có chiến dịch cũng như có các trận đánh của bộ đội Tiểu đoàn 6 Bình Tân, bộ đội Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) ở các khu vực giáp ranh.
Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy xã Vĩnh Lộc mà trực tiếp là của đồng chí Phạm Văn Be (tức Tư Be) và đồng chí Phạm Văn Năm, chỉ trong nửa năm, đoàn dân công xã Vĩnh Lộc đã vượt qua cả ngàn ki-lô-mét đi, về với vô vàn khó khăn, gian khổ, nhưng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa thương binh từ vùng ven về dưới miệt vườn Bình Thủy, Đức Hòa (Long An) và tải đạn, chuyển lương ngược về Sài Gòn phục vụ cho chiến trường Tây Nam thành phố.
Thế rồi, như mọi lần, đêm 15-6-1968 (nhằm ngày 20-5 âm lịch), Đoàn Dân công của huyện gồm 55 người trên đường đưa thương binh về cứ, khi vừa đến bưng Láng Sấu thì bị hai trực thăng vũ trang địch phát hiện, rọi đèn pha sáng rực, rồi từ trên máy bay những khẩu trọng liên cứ thế bắn xối xả vào đội hình. Chỉ trong vòng chưa đầy một giờ bị máy bay địch oanh kích, Vĩnh Lộc đã mất đi 32 người con, trong đó có 25 nữ. Họ đều còn rất trẻ, tuổi đời trên dưới đôi mươi. Trong tay họ không có một tấc sắt, chỉ có chiếc khăn và trái tim rực lửa… Người dân Vĩnh Lộc xót xa gọi đó là “Đêm trắng” đau thương.
Trong số 23 người may mắn thoát chết đêm hôm đó, hiện nay chỉ còn lại 19 người, hầu hết đều mang thương tật, có người sau đêm tang tóc kinh hoàng ấy tâm trí bấn loạn, giờ đây có ai hỏi lại chuyện xưa thì hầu như chẳng nhớ được gì. Trong số đó, minh mẫn hơn cả là bà Ba Khởi. Gặp chúng tôi, bà Khởi kể: Ngày ấy tôi mới 24 tuổi. Khoảng gần 11 giờ đêm hôm đó, khi chúng tôi vừa tới đầu bưng Láng Sấu thì nghe có tiếng động cơ máy bay. Một lát sau đã thấy hai trực thăng địch lao tới. Linh tính cho hay có chuyện chẳng lành, nên mọi người làm ám hiệu cho nhau dừng lại ẩn nấp để nó bay qua rồi đi tiếp. Nhưng thật bất ngờ, nó vòng lại và hạ dần độ cao, nhả đạn. Giữa cánh đồng trống trơn, không còn cách nào, mạnh ai nấy chạy. Máy bay rượt theo, từng loạt đạn chát chúa, nhiều người ngã gục. Tôi nhanh chân chạy ngay vào trong một đìa nước xung quanh có mấy cây dứa dại. Hết ngụp xuống rồi lại ngoi lên dầm mình dưới vũng nước loang lổ máu đồng đội…
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày 17-4-2010, Chủ tịch nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho tập thể Đoàn Dân công hỏa tuyến huyện Bình Chánh. Nơi các dân công hy sinh, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng Đền tưởng niệm để tri ân công lao những liệt sĩ dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc anh hùng.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH – HỮU MẠO (ĐND)