Đại tá Nguyễn Bội Giong có nhiều kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình. Nay đã bước sang tuổi 94, dù sức khỏe không cho phép ông đi lại nhiều như trước, nhưng thỉnh thoảng Đại tá Nguyễn Bội Giong vẫn sang thăm phu nhân và các con của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở ngôi nhà số 19, phố Hoàng Diệu, Hà Nội. Ông nói: Đại tướng dù bận bịu việc quân không có nhiều thời gian gần gũi gia đình, người thân nhưng ông lại có cách thể hiện rất riêng. Nhất là trong các dịp Tết đến, xuân về.
Tháng 2-1948, sau tổng kết chiến dịch Việt Bắc-Thu đông năm 1947, rời Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Bội Giong về công tác tại Văn phòng Tổng Chính ủy và được phân công làm Bí thư phục vụ bên cạnh Đại tướng. “Lúc đó, Tết vừa mới qua nhưng dư âm vẫn còn. Mọi người trong văn phòng dù bận bịu nhưng vẫn dành thời gian đi thăm hỏi, chúc nhau năm mới nhiều chiến thắng. Nghe họ kể về anh Văn và sự quan tâm đến cán bộ, chiến sĩ như người nhà của anh, tôi chỉ mong sao Tết năm tới đến thật nhanh để được cùng đón Tết với anh”, ông kể.
Đại tá Nguyễn Bội Giong (giữa) cùng đồng đội đến thăm gia đình Đại tướng dịp Tết Mậu Tuất 2018. |
Thời gian này, bằng con đường bí mật, tổ chức đã bố trí đưa thân mẫu của Đại tướng là bà Nguyễn Thị Kiên và Võ Hồng Anh (con của Đại tướng với người vợ đầu là bà Nguyễn Thị Quang Thái) rời Quảng Bình lên Chiến khu Việt Bắc. Phải mất gần 6 tháng chờ đợi, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới đoàn tụ tại Định Hóa, Thái Nguyên và được bố trí sinh hoạt tại vị trí cách Sở chỉ huy Bộ Tổng tư lệnh một mỏm đồi. Hằng ngày, Đại tướng cùng các đồng chí trong cơ quan dù đi đâu cũng đều phải qua khu vực này rồi mới rẽ về các hướng. Ngày nào cũng vậy, con gái Hồng Anh, lúc này hơn mười tuổi đều ngồi trên mỏm đồi hướng về phía trước chờ vó ngựa của cha về. Những hôm không có việc ở cơ quan, Đại tướng đều dừng lại đón con gái cùng về. Khi bận việc, phải về thẳng cơ quan ông lại dặn Bí thư Nguyễn Bội Giong: Giong ơi, tạt về nhà thấy Hồng Anh thì dỗ hộ cái nhé, vì Hồng Anh nó “sensible” (đa cảm) lắm! Tình huống như vậy xảy ra khá thường xuyên, nên Bí thư Nguyễn Bội Giong cũng dần quen. Ông kể: Tôi đến dỗ dành, có hôm thì Hồng Anh theo về nhà, có hôm nhất định ngồi đó không đi. Phu nhân Bích Hà sốt ruột cũng ra ngồi an ủi hàng giờ đồng hồ rồi hai mẹ con mới cùng trở về. Thỉnh thoảng, tôi đành phải cho Hồng Anh ngồi lên ngựa đưa sang bên kia đồi. Và chỉ cần nhìn thoáng thấy bóng cha, cô liền bảo tôi quay ngựa… Đây cũng là một trong những lý do khiến Bí thư Nguyễn Bội Giong và gia đình Đại tướng gần gũi hơn. Đến bây giờ các con của Đại tướng vẫn gọi ông là chú Giong như những ngày ấy.
Nhớ lại khoảng thời gian phục vụ Đại tướng, Đại tá Nguyễn Bội Giong khẳng định, dù bận việc quân, nhưng dịp Tết, Đại tướng luôn dành thời gian vào đêm 30 Tết cùng ăn bữa cơm năm mới hoặc trò chuyện với anh em trong Văn phòng Tổng chính ủy và cơ quan của Bộ Tổng tham mưu. “Những đêm Giao thừa như vậy thi thoảng có cả gia đình Đại tướng cùng vui với anh em. Hôm ấy, ai cũng được bày tỏ tâm tư nguyện vọng. Chúng tôi đều còn trẻ cả, chưa vợ con nên chủ yếu đề nghị được trực tiếp đi đánh trận thôi…”, ông kể. Lần nào cũng vậy, Đại tướng đều căn dặn bộ đội đón Tết nhưng phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, đề phòng địch thừa dịp ta đón Tết cổ truyền bất ngờ tấn công. Bản thân Đại tướng Võ Nguyễn Giáp cũng không nghỉ, ông đi thị sát các nơi và yêu cầu cơ quan tham mưu, trực tiếp là đồng chí Hoàng Văn Thái phải thường xuyên báo cáo tình hình địch-ta để kịp thời có phương án tác chiến. Bí thư Bội Giong nhớ lại: Những ngày Tết, không khí vẫn vui vẻ, đồng bào các dân tộc đến chúc Tết bộ đội vui lắm. Nhưng vui mà không quên nhiệm vụ. Bản thân tôi, cho đến ngày về tiếp Thủ đô, đêm Tết nào cũng trực bên cạnh đài thông tin. Thỉnh thoảng anh Hoàng Văn Thái lại ghé sang hỏi “Giong ơi có gì không, anh Văn điện hỏi”. Thế mới biết, các thủ trưởng có nghỉ Tết đâu!
Cuối năm 1954, Đại tá Nguyễn Bội Giong theo Đại đoàn quân Tiên phong về tiếp quản Thủ đô trước. Nơi ở và làm việc của ông ngay trong “thành”. Gia đình Đại tướng sau đó cũng rời ATK về sống tại số nhà 19, phố Hoàng Diệu, nên mặc dù không trực tiếp làm việc bên cạnh Đại tướng nhưng ông vẫn thường xuyên đến nhà như hồi còn ở chiến khu. “Biết tôi chưa có vợ nên hầu như năm nào cũng vậy, hoặc trực tiếp hoặc chuyển lời qua chiến sĩ liên lạc tôi được mời sang ăn Tết cùng gia đình Đại tướng. Thường khoảng chiều 28 Tết, chị Hà trực tiếp cùng vài người trong nhà tổ chức gói bánh chưng. Đôi khi Đại tướng về đúng lúc đó, ông ngồi cùng trò chuyện, xem mọi người gói bánh và giải quyết công việc nhanh. Sáng Mồng Một Tết, anh em cơ quan và bạn bè thân cận đến nhà chúc Tết, trên tay người thì hộp bánh, hộp mứt, gói ô mai… Giữa phòng khách nhà Đại tướng đã đặt sẵn chiếc bàn to, ai mang gì để lên đó và mọi người cùng thưởng thức. Chúng tôi hồi ấy vẫn nói vui với nhau là “góp Tết”…”, Đại tá Nguyễn Bội Giong vui vẻ kể.
Đến bây giờ, những người xưa cũ hầu hết đã khuất bóng, Tết nay cũng đã có nhiều đổi khác, nhưng trong tâm tưởng của Đại tá Nguyễn Bội Giong, hồi ức về những ngày làm việc bên Đại tướng, cùng chiến đấu, chiến thắng và vui xuân, đón Tết mãi mãi là ký ức không phai mờ. Và ngôi nhà số 19 Hoàng Diệu, vẫn là điểm đến của Đại tá Nguyễn Bội Giong mỗi dịp Tết đến, xuân về…
Bài và ảnh: BÍCH TRANG (QĐND)