Ba anh em cùng làm đảo trưởng ở Trường Sa
Trong chuyến đi Trường Sa tháng 4 năm 2012, tôi may mắn được gặp cựu chiến binh Lê Văn Tấn quê ở Vĩnh Khang, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa trên tàu HQ 996. Ông ra Trường Sa lần này theo lời mời của chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ”- VTV 3, Đài Truyền hình Việt Nam. “Kỷ niệm nhớ nhất trong đời quân ngũ của tôi là 3 anh em cùng ở một đơn vị, cùng ra Trường Sa rồi kế nhau cùng làm đảo trưởng ở đây!” – Ông Tấn bồi hồi kể lại.
Tháng 12 năm 1970, chàng trai quê xứ Thanh lên đường nhập ngũ, ông được trên đưa về E675, Đoàn Lâm Đồng thuộc Bộ Tư lệnh Pháo binh chiến đấu ở mặt trận B3 Tây Nguyên. Sau đại thắng Mùa Xuân 1975, ông được chuyển về quân chủng Hải quân và làm nhiệm vụ ở đảo Sinh Tồn với chức vụ Phân đội trưởng hỏa lực của đảo. Lúc ấy, hỏa lực cả đảo chỉ có 2 khẩu pháo 85; 2 khẩu ĐKZ (một khẩu 75 ly và 1 khẩu 82 ly); 2 súng cối 82 ly. Đời sống bấy giờ không riêng gì ở Sinh Tồn mà tất cả các đảo ở Trường Sa cũng vậy, khó khăn, thiếu thốn trăm bề, thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, thiếu những cánh thư từ đất liền…Ngày ấy, lính ta trông mòn con mắt về đất liền mong có những chuyến tàu ra, mong mỏi nhất là những đoàn văn công ra đảo. Bởi thế, nên mới có chuyện thật như đùa, không ít chàng lính ta lấy “trộm” đồ lót của chị em văn công dấu đi, thỉnh thoảng bỏ ra ngắm một mình. Năm 1978, ông về Đảo Trường Sa lớn. Nhiệm vụ chính bấy giờ là huấn luyện, nâng cao kỹ chiến thuật và các phương án bảo vệ đảo. Ngoài giờ huấn luyện, ông lại cùng các đồng đội xuống biển lấy đá san hô “kê cao Tổ quốc” đắp xung quanh đảo. Những năm tháng ở Trường Sa ông có nhiều kỷ niệm, ấy là một lần ông dạo chơi bãi biển, thấy một quả dáng hình khác thường, có 4 cạnh giống hình vuông đang nhú mầm, ông đem về vùi xuống đất, ít lâu sau cây lớn ra hoa kết trái, lá cây giống là bàng trong đất liền nhưng dài hơn chút ít, anh em đặt tên gọi bàng vuông. Cùng về đảo Trường Sa với ông, có 3 người cùng đơn vị chiến đấu ở Tây Nguyên, đó là Võ Tiến Cai (quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh), Lê Minh Khả (quê ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng) và Vũ Như Hà (quê ở Gia Lâm, Hà Nội). Vũ Như Hà sau làm đảo trưởng Đảo Phan Vinh, còn Võ Tiến Cai làm đảo trưởng Trường Sa lớn, Lê Minh Khả làm đảo phó rồi lên đảo trưởng. Năm 1982, ông lên đảo trưởng. Ba anh em nối nhau làm đảo trưởng xây dựng đảo ngày càng vững mạnh, khắc phục mọi khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu, xứng đáng là cột mộc của Tổ quốc giữa Biển Đông. Năm 1985, Đảo Trường Sa lớn được tuyên dương Đơn vị anh hùng LLVT nhân dân, Điện ảnh Quân đội nhân dân có làm một phim tài liệu “Tổ quốc trên một vùng đảo nhỏ” mà nhân vật chính trong phim là ông.
Tháng 9 năm 1987, ông rời đảo về đất liền học tập tại Học viện Lục quân, sau đó về công tác tại Phòng Binh chủng, BTL Hải quân đến năm 1991, ông về nghỉ hưu sớm và đưa gia đình từ quê ra Hải Phòng sinh sống. Ông tham gia cấp ủy, công tác đoàn thể 20 năm, đến 2011 mới nghỉ hẳn.
Hôm ở đảo Trường Sa, ông rủ chúng tôi thăm cột cờ – bia chủ quyền mới, to đẹp, uy nghi với dòng chữ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM – ĐẢO TRƯỜNG SA sừng sững trên đảo. Ra đảo lần này, ông và các cựu chiến binh không khỏi bồi hồi xúc động. Ông bảo tôi: “Không thể tưởng tượng nổi sự thay da đổi thịt ở đây chú ạ. Nhớ lại cảnh cũ, người xưa tôi bâng khuâng lắm. Ba anh em chúng tôi thay nhau cùng làm đảo trưởng thì giờ đây 2 anh không còn nữa. Điều làm cho tôi rất vui và tự hào là các cháu ở đây – Những người đồng đội của chúng ta, họ hơn chúng tôi xưa về hiểu biết, không kém cha ông về bản lĩnh người lính. Tôi rất tin tưởng ở họ trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.”