tôi muốn viết về điều đó nhân dịp này, 43 năm về trước, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy 1975 giải phóng đất nước.
Hà Nội ngày 14/10/1974. Kính gửi Vụ điều động cán bộ B thuộc Ban thống nhất Trung ương. Tôi Nguyễn Mậu tức Nguyễn Ba Đông Tỉnh ủy viên Quảng Nam cán bộ B hoạt động tại Quảng Nam được ra Bắc chữa bệnh nay chuẩn bị vào lại chiến trường. Tôi xin yêu cầu một việc như sau. Tôi có một con trai duy nhất là Nguyễn Trọng Anh, 21 tuổi. Ra Bắc năm 1963. Mẹ cháu đã hy sinh trong chiến trường. Nay cháu đã học hết lớp 8 tại trường Học sinh miền Nam Vĩnh Phú. Nhân vào lại chiến trường, thấy cháu có sức khỏe có nguyện vọng cùng vào Nam tham gia chiến đấu với bố nên tôi viết đơn này xin yêu cầu quí Vụ giải quyết. Tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc xin cho con tôi đi công tác B. (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. Hồ sơ số 2412)
Ủy Ban thống nhất TƯ Ngày 3/12/1974. Kính gửi Ban giám hiệu ĐHTH đồng kính gửi Bộ ĐH và TH chuyên nghiệp. Theo yêu cầu của đồng chí Cao Phong (tức đc Cao Hoài Sại) cha của cháu Cao Hoài Chính hiện đang công tác B. Đề nghị Ban giám hiệu cho phép cháu Cao Hoài Chính đang học Dự bị trường ĐHTH được thôi học trở vào Nam công tác… (Hồ sơ số 2412. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III)
UB Thống nhất TƯ Hà Nội ngày 6/12/1972 Kính gửi Ban tổ chức Thành ủy Hải Phòng, Ban TCTW đã đồng ý theo đề nghị của đồng chí Dương Công Nhạn trước là cán bộ Sơ Bưu điện Hải Phòng nay công tác tại ban tuyên huấn miền Nam ra Bắc công tác mật xin cho con trai là Dương Công Bích học sinh trường miền Nam Vĩnh Phú cùng vào chiến trường B với đồng chí Nhạn. (Hồ sơ 2412)
Ủy ban (UB) Thống nhất TƯ Hà Nội ngày 12/12/1974. Kính gửi Đồng chí Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa. Theo yêu cầu của gia đình cháu Nguyễn Văn Trung 23 tuổi hiện đang học năm thứ 3 Khoa Điện ĐHBK và đã được UB Thống nhất tán đồng. Đề nghị Ban Giám hiệu trường Bách khoa xét và ra quyết định cho cháu Trung thôi học để trở về miền Nam công tác.
Tôi Nguyễn Thị Định. Phó tư lệnh Quân GPMNVN. Tôi là người thay mặt gia đình đồng ý với nguyện vọng của cháu Trung được về miền Nam tham gia chiến đấu để rèn luyện. Sau này có điều kiện cháu tiếp tục theo học cũng không muộn. Đề nghị các anh ở Ban Thống nhất xét và giúp sớm để cháu Trung về Nam cùng chuyến với tôi luôn. Hoặc cháu cùng về với đồng chí Gấm, Tư lệnh Quân khu, Khu ủy miền Trung Nam Bộ cùng đơn vị với ba cháu Trung lúc còn sinh tiền. (Hồ sơ số 2412. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III)
Trong hồ sơ số 2412 còn lưu các công văn, thư từ của Ban Thống nhất TƯ, Ban tổ chức TƯ đề ngày 27/9/1972 về việc xin, điều động 6 học sinh trường miền Nam Vĩnh Phú về Nam công tác. Đó là Đặng Ngọc Minh (quê Long An); Lê Văn Phương (Sài Gòn); Võ Văn Hòa (Long Châu Sa) Nguyễn Hậu Thạnh (Tân An); Nguyễn Chí Hiếu; Huỳnh Minh Tuấn. Trong số đó Lê Văn Phương, sinh 1950 cháu nội cụ Lê Văn Huấn, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Mặt trận dân tộc GPMNVN. Cụ Huấn đã có thư xin cho cháu nội mình vô Nam công tác. Huỳnh Minh Tuấn sinh năm 1954 con trai Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Cụ Phát đã có hai đơn xin cho con trai vào chiến trường B.
Do khuôn khổ bài báo, chúng tôi xin lỗi bạn đọc vì đã không trích nguyên văn các lá đơn tình nguyện xin vô Nam của những đoàn viên thanh niên Trường học sinh miền Nam (HSMN) Vĩnh Phú. Nhưng tất thảy đều toát lên ý chí căm thù giặc Mỹ, muốn được trả thù nhà, nợ nước.
… Cháu luôn muốn mình trực tiếp cầm súng đánh Mỹ ngay trên quê hương mình. Trong thời đại này các cháu không được đánh Mỹ thì có lẽ một ngày mai đây chẳng còn phần Mỹ để cho các cháu và những người như các cháu đánh.
Chúng cháu muốn chuộc lại lỗi lẫm như trong thời gian ở Trường HSMN còn nghịch ngợm, bỏ học đi chơi, đánh nhau… (Đơn của Lê Văn Phương)…
Người trong cuộc
Theo thỏa thuận giữa chính phủ hai nước Việt – Trung, năm 1967 tại Quế Lâm, Trung Quốc sẽ xây dựng cho Việt Nam hai khu trường (Trường HSMN, Trường Nhi đồng miền Nam, Trường dân tộc miền Nam và Trường Văn hóa quân đội- Trường Nguyễn Văn Trỗi) đủ để 4.500 học sinh và giáo viên, công nhân viên học tập sinh hoạt. Nhưng với biến động năm 1968 của cuộc Cách mạng Văn hóa mà Trung Quốc gọi là vũ đấu, cộng với vụ xích mích dẫn đến ẩu đả ngày 12/7/1968 giữa HS khu Năm và Nam Bộ, rất nhiều HSMN phải trở về nước một cách gấp gáp. Chừng như có sự quá tải giữa Bộ Giáo dục với các cơ quan có trách nhiệm những về địa điểm trường sở, cơ sở vật chất, bộ máy nuôi dạy, lực lượng giáo viên, chế độ cung cấp nên khi đó có hiện trạng xé lẻ phân tán khối HSMN theo tiêu chí vùng miền. Trong hoàn cảnh đó Trường HSMN Vĩnh Phú được thành lập trong đó có Trường cấp II+ III HSMN Vĩnh Phú (sau đây gọi tắt là Trường HSMN Vĩnh Phú) mà cuốn sách Trường học sinh miền Nam Vĩnh Yên Vĩnh Phú ( 1968-1972) (NBX Văn hóa Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh) viết riêng về trường này.
“Nếu nói đời sống có ba hình thức: sự Nổi loạn, sự Vật lộn, và sự Phục tùng, thì tinh thần tự do ở HSMN không chịu Phục tùng nhưng sức bền tâm lý cũng giúp họ không Nổi loạn”.
Cao Tự Thanh nhấn mạnh
Tác giả cuốn sách Cao Văn Dũng (Cao Tự Thanh) vốn là bạn đồng môn Hán Nôm – Văn Ngữ khóa 17 với tôi. Một Cao Tự Thanh uyên thâm Hán Nôm từng được thụ giáo với các đấng Phan Võ, Cao Xuân Huy, Nguyễn Đình Thảng. Một Cao Tự Thanh sáng danh nhà nghiên cứu độc lập có trên 100 cuốn sách, công trình khoa học nổi danh. Một Cao Tự Thanh nhà Trung Quốc học với hơn 40 đầu sách. Một dịch giả uy tín các tác phẩm của Kim Dung, Lương Vũ Sinh, Cổ Long, Vương Độ Lư… như Anh hùng xạ điêu, Lộc đỉnh ký, Huyết anh vũ, Ngoạ hổ tàng long… Nhưng Cao Tự Thanh lần này lấy của tôi một đêm trắng chẳng phải công trình nghiên cứu hay dịch thuật nào khác mà là cuốn sách vừa nói trên cứ ngỡ như một thứ tay trái? Sau ngẫm kỹ hóa ra cuốn này cũng nằm trong cung cách lớp lang cùng phương pháp làm sách nghiên cứu trước nay của Cao tiên sinh. Đã đành người nghiên cứu hay làm sách thì phải có tâm có tầm mới bắt mắt người đọc, nhưng yếu tố để bắt mắt hóa ra đơn giản. Cao Tự Thanh chính là một trong số HSMN nhiều năm tại Trường HSMN Vĩnh Phú!
Lần này chẳng đặng đừng khi vớ được sách Cao tiên sinh tặng cũng bởi như cuốn trước viết cách nay hai năm cũng của Cao Văn Dũng chủ biên Học sinh miền Nam tư liệu, kỷ niệm. Nếu như cuốn 1 như một bức tranh toàn cảnh thì ở cuốn 2 này ống kính Cao Tự Thanh đã tự điều chỉnh, tự Zoom đặc tả để có nhiều nhận định, chi tiết làm điểm nhấn để minh họa sinh động cho quan điểm độc đáo mà Cao tiên sinh đưa ra. Rằng cộng đồng HSMN như một lát cắt của sử. Mà có tới hai mảng sử, một từ góc độ chính trị, một phương diện xã hội.
Một mảnh rời của sử
Tôi may mắn được dự buổi Cao Tự Thanh gặp gỡ giao lưu ở Tạp chí Tia Sáng về đề tài HSMN. Đăng đàn trước đông đảo độc giả là một Cao tiên sinh hàn lâm, kỹ lưỡng đến tận bờ sát góc.
Cao nói nhiều đến hoàn cảnh Việt Nam bị chia cắt giai đoạn 1954-1975, khoảng 32 nghìn thanh thiếu niên miền Nam được đưa ra đào tạo ở miền Bắc. Được nuôi dạy toàn diện hoàn toàn bằng kinh phí nhà nước trong môi trường nội trú. Có thời điểm cứ 6,3 HSMN thì có một người lo việc nuôi dạy – một tỷ lệ rất cao trong hoàn cảnh kinh tế và giáo dục của miền Bắc lúc đó.
Nhưng cũng có thời điểm, bộ máy nuôi dạy HSMN quá tải do phải tiếp nhận một lượng học sinh ồ ạt, đến nỗi Bộ Giáo dục phải chính thức đề nghị xin tạm hoãn việc đưa học sinh trong Nam ra trong một thời gian. Đó là vào đầu năm 1974, khi đội ngũ cán bộ quản trị và đời sống bị nhìn nhận là yếu cả về tinh thần trách nhiệm, đạo đức, nghiệp vụ nuôi dưỡng.
Cao Tự Thanh đặc biệt nhấn mạnh đặc điểm tâm lý và số phận của nhiều HSMN sau khi đất nước thống nhất – không chỉ gian nan trong cuộc trở về với gia đình, ngoài xã hội, họ cũng không trở thành những người mà họ được dự kiến phải trở thành bởi cách thức sử dụng cán bộ vẫn theo lối cũ kỹ, đòi hỏi “có thời gian thử thách”…
Điều bất ngờ là tôi đã bắt gặp trong cuốn sách viết riêng về Trường HSMN Vĩnh Phú này những điểm hấp dẫn người nghe buổi ấy ở Tạp chí Tia Sáng. Và đoạn trích trong đầu bài báo này chỉ là phần nhỏ trong mảng Kỷ niệm mà Cao Văn Dũng đã dày công sưu tầm, ghi chép. Tôi muốn nói đó là phần hùng. Còn phần bi thì người đọc có thể dễ dàng tìm thấy trong cuốn sách những khoảng thời gian chuệnh choạng lạc lối trong số những ĐVTN xung phong vô chiến trường. Họ từng bỏ học, ăn cắp đánh nhau. Có người vi phạm kỷ luật tới mức nhà trường phải gửi trả về người thân ngoài Bắc (vì bố mẹ trong Nam), hoặc gửi vào Trường Thanh niên lao động (một hình thức của trại cải tạo). Và chiến trường đã cải hóa họ.
Rất phong phú sinh động những câu chuyện về nghĩa cử đùm bọc cưu mang của cộng đồng Tập kết, bà con miền Bắc với HSMN. Tính cách mạnh đặc thù riêng có Nam bộ. Thú vị những chuyện như bà Mai Khanh vợ đồng chí Phạm Hùng má nuôi của Minh Chánh. Chuyện bắt trộm vịt, dân tha cho ở Bình Xuyên… Nhưng Cao Tự Thanh chừng như còn bỏ lửng hoặc lãng quên không hiếm những chuyện sau 1975, hoàn cảnh nhiều HSMN rơi vào bi kịch bởi không thể hòa hợp được với gia đình lẫn cộng đồng?
Vùng đất Vĩnh Phú từ Bình Xuyên tới Vĩnh Yên Tam Đảo với các địa danh Kếu, Dốc Láp, Đầm Vạc, Núc Hạ… dường như đã ám vào tâm trí của cái tuổi hoa niên, tuổi đẹp nhất của đời người. Và nó đã đeo bám suốt cả cuộc đời họ, những HSMN. Như một lát cắt, như những mảnh rời của sử, cuốnTrường học sinh miền Nam Vĩnh Yên Vĩnh Phú (1968-1972) của Cao Văn Dũng và cộng sự đã làm sinh sắc thêm phần phương diện xã hội một giai đoạn lịch sử bi hùng của nước nhà.