Ông là đạo diễn, NSƯT và cũng là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Nhà hát kịch Hà Nội. Với 40 tác phẩm sân khấu do ông đạo diễn đều toát lên phong cách riêng, nguyên Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội Hoàng Quân Tạo đã để lại dấu ấn với khán giả Thủ đô bằng tài năng và niềm đam mê, tâm huyết với nghệ thuật.
Mối tình đẹp của hai chiến sĩ cách mạng kiên trung
87 tuổi, mang trong mình bao vết thương để lại từ thời còn là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở Nhà tù Hỏa Lò nhưng nhìn ông, không ai nghĩ ông đã ở vào tuổi “Bát thập cổ lai hy”. Với dáng đi nhanh nhẹn, hoạt bát, ông vẫn thường xuyên cùng đồng đội tham gia các hoạt động xã hội. Duy chỉ có đôi mắt lúc nào cũng ướt mi và dường như trực rơi lệ mỗi khi nhớ về thời tuổi trẻ, mối tình đầu với cô nữ sinh đất Hà Thành Nguyễn Thị Điền (sau này là người vợ đã qua đời cách đây hơn 10 năm) của ông.
![]() |
Đạo diễn, NSƯT Hoàng Quân Tạo thăm lại nơi đã ông từng bị tra tấn, giam cầm. |
Ngày ấy, khoảng năm 1952, NSƯT Hoàng Quân Tạo mới 17 tuổi, còn nữ sinh trung học Nguyễn Thị Điền kém ông 3 tuổi. Cả hai đều sinh ra tại Hà Nội và lớn lên trong khu phố cổ của Thủ đô. Trong quá trình hoạt động cách mạng, họ đã nảy sinh tình cảm. Mối tình đầu đời trong trắng đã góp phần tạo nên động lực để hai chiến sĩ cách mạng vượt qua khó khăn, nguy hiểm luôn cận kề.
Kể về người vợ của mình, giọng ông nghẹn ngào: “Điền xem tôi như một chỗ dựa tinh thần, một bờ vai để tựa. Chính vì những tình cảm trong sáng đó, chúng tôi đã được đồng đội, bạn bè ủng hộ. Có lần đi bên nhau, tôi nói với Điền, khi nào đất nước hoàn toàn độc lập, chúng ta sẽ làm đám cưới và sinh con. Điền ngả đầu vào vai tôi thủ thỉ: Có anh bên cạnh, em hoàn toàn yên tâm. Cứ như thế, chúng tôi luôn bên nhau, hỗ trợ nhau trong công việc và cùng nhau rút kinh nghiệm trong công tác để hoạt động cách mạng được tốt hơn”.
Nhưng rồi những ngày tháng hạnh phúc đó của hai chiến sĩ cách mạng không được bao lâu. Tháng 6-1952, khoảng 7 giờ tối, Hà Nội đã lên đèn. Sau khi ăn cơm xong, chàng thanh niên Hoàng Quân Tạo phóng xe đạp sang nhà người yêu để nhận tài liệu của cơ sở cách mạng từ vùng tự do chuyển vào. Vừa đến cửa, định dừng xe thì bọn lính Pháp đã án ngữ khắp nhà. Linh tính sẽ gặp nguy hiểm, ông quay xe đi ra thì bất ngờ 2 tên lính Pháp xông tới giữ lại và bắt vào nhà. Một tên sĩ quan Pháp quát “Việt Minh hả, đến lấy tài liệu hả, chúng tao thu cả đây rồi”. Bọn chúng khám và lục soát khắp người, sau đó chúng đẩy cả hai ra xe. Cuộc sống ở nơi “địa ngục trần gian” của hai chiến sĩ cách mạng bắt đầu từ đây.
Không gục ngã trước quân thù
Khi vào Nhà tù Hỏa Lò, bọn chúng tách riêng đôi bạn trẻ. Với sức khỏe của chàng thanh niên 17 tuổi nhưng khi bị những trận “mưa” đòn tra tấn tàn bạo giáng xuống thân thể với biết bao lần ngất lịm, rồi lại tỉnh, chúng không khai thác được thông tin gì từ chiến sĩ này. Một tên lính Pháp quát “Tổ chức của mày có bao nhiêu người, mày giữ chức vụ gì, ai là lãnh đạo…”. Sau đó chúng tiếp tục dùng dùi cui quật mạnh vào đầu đến khi người chiến sĩ này ngất đi, chúng hắt nước vào mặt cho tỉnh lại. Trong suốt thời gian ở trong tù, ngày nào chúng cũng tra tấn từ 23 giờ đến 2 giờ sáng.
![]() |
Đạo diễn, NSƯT Hoàng Quân Tạo tại phòng biệt giam đã mà thực dân Pháp đã từng gian cầm ông. |
“Thời gian đầu mới vào tù, chúng không khai thác được thông tin gì từ tôi nên sau đó bọn chúng áp dụng tra tấn bằng quay điện. Hình thức tra tấn này độc ác, dã man vô cùng. Chúng buộc dây điện vào đầu tôi và thân thể tôi, rồi sau mỗi lần hỏi cung không khai thác được gì, chúng bấm điện, người bị điện giật co dúm lại, đầu óc quay cuồng. Cứ thế, liên tục hàng tuần, hàng tháng, chúng sử dụng hình thức tra tấn này. Bọn chúng tra tấn đến khi nào cảm thấy mệt mới thôi. Mặc dù thực dân Pháp áp dụng mọi hình thức tra tấn nhưng vẫn không khai thác được thông tin gì mà còn nể phục tinh thần quả cảm của những chiến sĩ cộng sản”, ông Hoàng Quân Tạo kể.
Mọi sự tra tấn đối với chiến sĩ cách mạng Hoàng Quân Tạo đều không hề hấn gì nhưng khi chúng dùng thủ đoạn đê hèn, đưa nữ sinh Nguyễn Thị Điền vào buồng giam cho ông gặp thì ông thực sự bất ngờ. Nhìn thấy người yêu trong tư thế không mảnh vải che thân, đứng úp mặt vào tường, lòng ông đau quặn lại, trái tim như bị ai bóp nghẹn, ông thốt lên “Các ông định giở trò gì thế này?”. Lúc đó, một tên lính Pháp tiến lại gần và nói: “Chỉ cần mày dẫn chúng tao đến cơ sở cách mạng và chỉ tên hai chiến sĩ đang ẩn nấp thì sẽ mày sẽ được giảm nhẹ tội còn nếu không, bạn gái mày sẽ phải hầu hạ bọn lính ác ôn”.
Chiến sĩ Hoàng Quân Tạo không ngờ rằng, bọn chúng đã làm một việc thiếu nhân tính đối với một cô gái còn quá trẻ. “Tôi hét vào mặt thằng lính Pháp và nói rằng cô ấy không biết việc tôi làm, cô ấy không có tội gì”. Thằng lính Pháp thấy thế gầm lên, tát rất mạnh vào mặt tôi. Tôi loạng choạng, nó cầm thanh gỗ phang ngay vào giữa đỉnh đầu làm tôi ngất đi và không còn biết gì nữa”, đồng chí Hoàng Quân Tạo nhớ lại.
Đến sáng hôm sau, khi tỉnh lại, chiến sĩ này thấy mình đang được một người phụ nữ chăm sóc. Tay chị vừa xoa vết thương vừa lẩm nhẩm hát bài “Làng tôi” của nhạc sĩ Văn Cao. Mặc dù lúc này toàn thân ê ẩm, đầu đau buốt nhưng những câu hát của chị khiến ông liên tưởng đến tiếng hát ru của mẹ thời thơ ấu. Câu hát làm ông vơi đi phần nào nỗi đau thể xác.
“Mở to mắt nhìn người phụ nữ, tôi hỏi chị đây là đâu? Tại sao chị lại ở đây. Chị trả lời chị quê ở Hải Dương, trong lúc đang đi công tác thì bị thực dân Pháp bắt nhốt vào đây. Rồi chị khuyên tôi cố gắng và can đảm lên, rồi sẽ có ngày em gặp may mắn. Nói đến đó thì cánh cửa xà lim mở, bọn chúng đưa chị đi. Tôi gọi với theo hỏi chị tên gì nhưng chị không trả lời và chỉ nói một câu tạm biệt, chào em, hãy nhớ lời chị dặn. Sáng hôm sau, tôi hỏi chị tù nhân thì được biết người phụ nữ chăm sóc tôi đêm qua đã bị chúng mang đi thủ tiêu”, đồng chí Hoàng Quân Tạo kể.
Những vết thương do những trận tra tấn của địch bị nhiễm trùng, có chỗ bị hoại tử khiến sức khỏe của ông suy kiệt. Tuy nhiên, khi nghĩ đến hình ảnh người yêu và người phụ nữ ông chưa kịp biết tên mà ông coi như chị gái đã chăm sóc mình như tiếp thêm sức mạnh để ông chiến đấu với quân thù.
Bị tra tấn suốt hơn 1 năm, bọn chúng không khai thác được thông tin gì từ chị Nguyễn Thị Điền nên chúng thả ra. Trước khi ra tù, chị gửi lại bức thư cho người yêu, trong đó có đoạn: “Anh Tạo ơi, khi anh đọc những lời máu thịt này em gửi anh thì cũng là lúc chúng ta xa nhau, em không còn được nhìn thấy khuôn mặt đôn hậu mà kiên nghị của anh…Em ước mơ sẽ được làm vợ anh trọn đời…”.
Đọc những dòng tâm sự của người yêu, nước mắt người chiến sĩ cộng sản Hoàng Quân Tạo trào dâng niềm xúc động, thương người bạn gái nhỏ bé đã phải chịu nỗi đau quá lớn. Càng thương người yêu bao nhiêu thì ông càng căm thù quân xâm lược bấy nhiêu. Ra tù, nữ sinh Nguyễn Thị Điền vẫn ngày ngày vào tiếp tế thực phẩm cho người yêu. Mối tình của họ dẫu có chịu nhiều đau thương nhưng ngày càng bền chặt. Ở trong tù, chiến sĩ Hoàng Quân Tạo đã làm thơ gửi tặng bạn gái, trong đó có câu thơ mà đến giờ ông vẫn không thể quên:“Em Điền yêu quý, dù có xa xôi cách biệt mù khơi/Đừng quên em nhé/ Mai kia sóng lặng yên trời/Đò xưa bến cũ thỏa lời ước xưa.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 được ký kết, Hoàng Quân Tạo là một trong những chiến sĩ được thả cuối cùng ở Nhà tù Hỏa Lò.
Có lẽ không có niềm vui nào lớn hơn là được đoàn tụ với gia đình, người yêu. Đám cưới của hai chiến sĩ cách mạng được tổ chức ấm cúng. Sau đó họ sinh được hai người con, một trai, một gái. Những tưởng cuộc sống của hai vợ chồng như vậy đã vẹn toàn sau những tháng ngày trong lao tù khổ cực, nhưng thật đau lòng khi chiến sĩ Hoàng Quân Tạo biết tin mình sau khi sinh xong 2 con, ông không còn khả năng của người đàn ông bởi di chứng từ những trận đòn tra tấn của quân thù. Vợ ông cũng vậy, sau khi sinh con thì sức khỏe bà suy giảm nhiều. Mỗi khi trái gió, trở trời, những cơn đau đầu hành hạ bà liên tục mà không rõ nguyên nhân. Sau đó, bà bị tai biến nằm liệt giường suốt 10 năm liền và không thể nói được nữa. Bà qua đời và chỉ đến khi bốc mộ, ông mới biết xương sọ của vợ bị rạn nứt vì những đợt tra tấn của quân địch. Có lẽ đây là nguyên nhân của những cơn đau đầu hành hạ người vợ thân yêu của mình suốt bao năm qua.
Chiến tranh đã qua đi, Nhà tù Hòa Lò giờ đã trở thành nơi đi-về thường xuyên của các chiến sĩ cách mạng đã từng bị giam cầm. Từng phòng giam, những dụng cụ tra tấn của thực dân Pháp vẫn còn nguyên vẹn.
Là một thành viên trong Ban liên lạc các chiến sĩ yêu nước, cách mạng bị địch bắt tù đày Nhà tù Hỏa Lò, NSƯT Hoàng Quân Tạo vẫn thường xuyên cùng đồng đội đến đây để thắp nén tâm nhang tại Đài tưởng niệm, tưởng nhớ các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN (QĐND)