
Sang đất bạn hơn 10km, chúng tôi được dừng lại ăn trưa tại chỗ. Mỗi người có một chiếc bánh mì đã khô cứng và ít nước trong bi đông cá nhân đã vơi cạn do nắng nóng. Cánh lính trẻ chúng tôi ào xuống tranh thủ tìm chỗ rửa mặt, phát hiện ra một hố sâu có ít nước giữa đám cỏ lau um tùm. Đứa nào cũng muốn xuống trước nên cả đám bị trượt xuống gần đáy hố. Một cảnh tượng kinh hoàng làm chúng tôi đứng như trời trồng, những mảng đất cát bung theo vệt giầy trượt xuống lộ ra nhiều xương, thịt người chưa tan hết. Chúng tôi thét lên, vụt chạy khỏi miệng hố. Cảnh tượng về đất nước Campuchia với tôi ban đầu là như thế!
Tôi còn nhớ, cái đêm nhóm chúng tôi nằm ở Kiri Vong (Túc Mía) để sáng hôm sau đi tiếp. Xung quanh các đơn vị và cơ quan chính trị sư đoàn đã rút về phía cảng Kampong Thom. Đêm vắng lặng đến không ngờ. Chúng tôi phân công nhau cảnh giới. Một đồng đội tên là An, quê ở Ninh Bình, ngồi trong công sự cá nhân trong tay thủ một quả lựu đạn mỏ vịt với 2 băng đạn AK. An bảo, 2 băng đạn “tặng” lính Pol Pot và quả lựu đạn sẽ dành riêng cho mình. Thế mà đêm ấy, lính Pol Pot mò đến thật, đến cũng nhanh và rút cũng nhanh. Chúng đến để tìm lương thực, thực phẩm.
Thực ra, khi bọn chúng tới, chúng tôi không phải không biết, nhưng chưa rõ tình hình địch thế nào nên chưa nổ súng. Sáng hôm sau, cả đoàn xe hành quân về phía cảng Kampong Thom. Qua ngã ba Kampong Trach, chúng tôi có một đêm ngủ “để đời”. Ấy là lúc nhá nhem tối, chúng tôi tìm được căn nhà 2 tầng bỏ hoang ngay ngã ba đường. Bên cạnh đó có một cánh đồng trồng bí ngô. Đã mấy tuần không có ngọn rau nào vào bụng, thế là chúng tôi đánh liều vào “xin” một ít nấu với mì ăn liền bằng ăng gô rồi lăn ra ngủ vì cả tuần nằm võng. Sáng dậy, mấy anh em bị lũ rệp cắn khắp người. Chưa hết, chúng tôi ra cái ao nhỏ múc nước rửa mặt, nhìn những vết máu và thi thể người chưa rã hết bên mép nước, bấy giờ mới thấy rợn người vì bữa mì tối qua, anh em đã múc nước từ ao này lên nấu ăn.
Thủ đô Phnom Penh được giải phóng, một bộ phận của Sư đoàn 304 đảm nhiệm Ban quân quản khu vực cảng Kampong Thom. Ngoài việc đi kiểm tra, bảo vệ các kho tàng mà sư đoàn quản lý để trao trả bạn, tôi còn được giao nhiệm vụ lấy sơn kẻ vẽ các khẩu hiệu bằng chữ Campuchia. Khổ nỗi, tôi chỉ bập bẹ được mấy câu xã giao, còn chữ thì chịu. Rất may, anh Bùi Thiện Chinh, Trưởng ban Tuyên huấn sư đoàn (sau này là Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) dẫn 2 thầy giáo của bạn tên là Svai và Ponti cùng một đội viên nữ là Kahai cùng tham gia. Họ viết chữ Campuchia, tôi theo đó mà viết ra to hơn. Hôm nào không viết thì may cờ của bạn rồi đem treo ở những nơi đã treo khẩu hiệu. Nội dung khẩu hiệu tôi được hiểu là: Kêu gọi nhân dân đoàn kết xung quanh Mặt trận để xây dựng đất nước Campuchia hòa bình, độc lập, trung lập và dân chủ; kêu gọi tàu quân Pol Pot quay về với nhân dân và Mặt trận.
Ở cảng Kampong Thom, chúng tôi có nhiều đêm không ngủ, đó là đêm Giao thừa Tết Kỷ Mùi (1979). Ngồi nghe Bác Tôn chúc Tết mà lòng nhớ quê hương, bạn bè da diết! Tôi nao lòng vì giờ này ở quê, chắc mẹ tôi buồn lắm, một mình lủi thủi giữa mấy gian nhà tranh trống vắng. Bố mất sớm, mấy chị em tôi lớn lên mỗi người một ngả… Nhưng có một đêm chúng tôi không ngủ thực sự, đó là đêm 17-2, khi buổi thời sự 21 giờ 30 phút của Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, tôi lại càng bàng hoàng vì gia đình chị và em gái đang ở vùng chiến sự Cam Đường (Lào Cai). Khoảng hơn 22 giờ, chúng tôi được trên thông báo, phía Bắc-Tây Bắc đảo Dừa có một số tàu lạ, cả đơn vị lao vào vị trí chiến đấu. Chúng tôi ôm chặt súng thức trắng đêm trong tiếng pháo 130 ly ùng oàng bắn cầm canh ra biển…
Cứ ngỡ sẽ ở lại đất nước Chùa Tháp lâu hơn. Đùng một cái, chúng tôi nhận lệnh hành quân gấp về Việt Nam và ra Bắc. Cuộc chia tay thật bịn rịn, nhất là mấy người bạn đã cùng tôi viết khẩu hiệu, may cờ. Tôi nhớ như in những bàn tay của các bạn, của người dân Campuchia vẫy mãi và cả những giọt lệ trên má tiễn chúng tôi ở Prey Nob, ngày 4-6-1979.
Tháng 4-2011, Báo Quân đội nhân dân cùng một số báo, đài tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sang thăm, làm việc tại Campuchia và chủ trì Hội nghị xúc tiến thương mại-đầu tư Việt Nam – Campuchia lần thứ 2. Trước giờ bay, tôi gặp Đại tá Saysovan, Tùy viên quân sự và Cố vấn quân đội bên cạnh Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam ở sân bay quốc tế Nội Bài. Biết tôi đã từng ở đất nước Chùa Tháp những năm bạn còn khó khăn, Đại tá Saysovan và tôi nói chuyện như những người thân lâu ngày gặp lại.
Thật vui mừng, quan hệ 2 nước anh em ngày càng gắn bó, nhất là về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Hiện, Việt Nam có khoảng 206 dự án đầu tư tại Campuchia với tổng số vốn đăng ký là 3,02 tỷ USD, Campuchia cũng có 18 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng trị giá 58,1 triệu USD. Do những thuận lợi về quan hệ hữu nghị truyền thống cũng như về mặt địa lý, những năm gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, sang tìm hiểu thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh ở Campuchia… Trong số các nhà đầu tư của Việt Nam vào Campuchia, có nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi vốn đã từng giúp bạn trong những năm 1979-1989.
Gần 200 ngày trên đất Campuchia là những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn luôn tự hào là đã đóng góp một phần nhỏ bé vào sự hồi sinh của dân tộc Campuchia. Tôi nhớ mãi những lời 2 anh Svai và Ponti nhắc đi nhắc lại trước lúc chúng tôi chia tay: “Việt Nam là người bạn thủy chung nhất của Campuchia. Bộ đội Việt Nam-Bộ đội Cụ Hồ là đội quân nhà Phật đối với dân tộc chúng tôi. Việt Nam – Campuchia Samakhi! Samakhi!”.
Lê Quý Hoàng (Báo Biên phòng)