Nơi thượng nguồn, con sông ấy có thể đã mang một tên khác. Và có thể, khi chảy qua làng Bích La, Triệu Phong, sông mới mang tên miền quê rất đỗi thơ mộng này.
Như hết thảy những dòng sông trên đất Việt, sông Bích La cũng lấp lánh vẻ đẹp đến say lòng, như cách nhà thơ Nam Hà đã viết: “Đất nước của những dòng sông/Gọi tên nghe mát rượi tâm hồn/Ngọt lịm những giọng hò xứ sở/ Trong sáng như trời xanh/ Mượt mà như nhung lụa”. Nhưng, vào năm 1972 ấy, mọi dòng sông trên đất Trị – Thiên, còn mang trên mình một sứ mệnh thiêng liêng của lịch sử – sứ mệnh giải phóng.
Đêm đêm, trên dòng Bích La, những chuyến đò ngang như những chiếc thoi đưa. Bộ đội qua sông. Lương thực, súng đạn qua sông… Tất cả đều hướng về phía tiền duyên. Ban ngày, dòng sông trở lại với vẻ tự nhiên vốn có. Dưới lũy tre dọc bờ sông, bộ đội ém quân. Quân lương, vũ khí, thuốc men… được giấu kín. Trên bầu trời, những chiếc máy bay trinh sát OV – 10 của Mỹ, ngụy thay nhau quần đảo. Khi phát hiện bất cứ điều gì nghi vấn, chúng bắn pháo hiệu. Lập tức, lũ phản lực lao đến cắt bom, pháo bầy từ ngoài biển cấp tập vào.
Đó là một buổi sáng mùa hè Quảng Trị 1972, tôi và Nguyễn Văn Nhung (sau này là đại tá, phóng viên chương trình phát thanh Quân đội nhân dân) được lệnh vượt sông Bích La. Ngày ấy, chúng tôi là phóng viên mặt trận, song trước hết, chúng tôi là những người lính. Cần phải tìm cách qua sông theo lệnh cấp trên. “Bơi thôi” – Tôi và Nhung quả quyết như vậy, khi đứng trước bờ sông.
Chúng tôi chọn khoảng sông rộng nhất để vượt qua. Bởi đó là khoảng sông hiền hòa nhất. Lại phải chọn đúng lúc những chiếc OV-10 giao ca để thả mình xuống nước. Nhung bơi trước tôi chừng mười mét. Anh vốn là chàng trai sinh ra và lớn lên tại thị xã Tuyên Quang, bên bờ dòng sông Lô lịch sử, hẳn đã quá quen với những buổi chiều, cùng bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn. Còn tôi, sinh ra và lớn lên giữa vùng biển đảo Quảng Ninh, kể cả khi bơi qua ngàn sải nước trên biển, cũng chuyện bình thường. Không ngờ, cảm giác đó lại là một sai lầm tai hại của tôi. Đây là lần đầu tiên tôi bơi trên một dòng sông nước ngọt. Nước sông nằng nặng như muốn kéo tôi xuống. Tôi phải khó nhọc vượt qua từng sải nước. Thế rồi, khi qua giữa dòng, tôi bỗng thấy chân tay tê cứng. Đã thế, khẩu AK trên lưng, chẳng hiểu làm sao lại lộn xuống dưới bụng. Nó nặng chịch. Vừa cản tôi lại, vừa kéo tôi xuống. Tôi cố nhích từng mét. Vùng vẫy thì đúng hơn. Đã có những ngụm nước mà tôi bất đắc dĩ phải nuốt vào. Linh cảm thấy có điều chẳng lành, tôi lấy hết bình sinh, ngoi đầu lên, gắng sức gọi: Nhung ơi.
Nhung rẽ nước quay lại. Đến sát tôi, anh lặn sâu xuống, đẩy người tôi nhô lên. Rồi cứ thế, anh dìu tôi vào bờ, lôi tôi lên bãi cát. Khi tôi vừa hoàn hồn, cũng là lúc Nhung chỉ cho tôi thấy con quái vật OV – 10 đang vòng đến. Chúng tôi nhanh chân biến mất dưới vòm xanh của lũy tre.
Cuối tháng Tư năm 2012, nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Quảng Trị, anh em chúng tôi trong lớp phóng viên tiền phương của Tổng cục Chính trị, tổ chức chuyến trở lại chiến trường xưa. Từ Hà Nội, các nhà báo Khánh Toàn, Trần Đình Bá, Ngọc Đản, Diệp Xuân Phong, cùng các nhà báo Cầm Hùng từ Sơn La, Hoàng Thiểm từ Hà Giang, Dương Văn Xuyển từ Tuyên Quang, Nguyễn Sinh từ Phú Thọ, Lê Viết Lung, Nguyễn Xuân Điện từ Ninh Bình, theo quốc lộ 1, hướng về Quảng Trị. Riêng tôi, từ Quảng Ninh, xuất phát sau một ngày, may sao vẫn kịp giờ hội quân tại Quảng Trị. Trước khi góp mặt tại thành phố Đông Hà, tôi đã rẽ về bên dòng Bích La. Xóm làng hai bên sông giờ xanh mát lắm. Tôi không thể nhận ra khúc sông nào tôi và Nhung đã vượt qua 40 năm về trước. Thay vào đó, ký ức đã hiện về, hầu như nguyên vẹn trong tôi, những gì đã trải nghiệm ở mùa hè Quảng Trị 1972. Hiển nhiên ở đó, có buổi sáng vượt dòng Bích La.
Trở ra Hà Nội, chúng tôi tổ chức buổi gặp mặt với hầu hết đồng đội ngày ấy. Trung tướng Hồng Cư, nguyên phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, người mà 40 năm trước, đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho chúng tôi vào Quảng Trị cũng có mặt. Chứng kiến giây phút chúng tôi trang trọng gắn lên ngực Kỷ niệm chương Chiến sĩ bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị 1972 do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị vừa trao tặng, ông căn dặn chúng tôi: “Còn sống thì còn viết. Đó là dáng đứng của nhà báo chiến sĩ”.
Tôi kể cho Nhung nghe chuyến về lại bên dòng sông Bích La mới rồi. Chúng tôi bỗng có một khoảng lặng, hồi nhớ lại kỷ niệm về một dòng sông. Và còn kia nữa, những tấm Kỷ niệm chương, mà rồi đây, chúng tôi có trách nhiệm chuyển tới gia đình, thân nhân những đồng đội của mình. Bởi thế, sông Bích La, hơn 40 năm qua, và mãi mãi, luôn là dòng chảy trong ký ức chúng tôi.
Nguồn : tkttls.quangtri.gov.vn