Mở liên tiếp ba chiến dịch vào trung du và Đồng bằng Bắc Bộ
LÊ VĂN THÀNH
Ngay sau Chiến dịch Biên giới năm 1950 giành thắng lợi, nhằm giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược trên chiến trường, Trung ương Đảng chủ trương: “Nhân lúc địch đang hoang mang sau thất bại trên Đường số 4 và chưa kịp củng cố hệ thống phòng ngự chiến lược của chúng ở cửa ngõ đồng bằng, tranh thủ phát triển tiến công tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, đẩy mạnh chiến tranh du kích trên địa bàn trung du và đồng bằng, làm thay đổi cục diện chiến trường, tiến tới giải phóng Đồng bằng Bắc Bộ”.
Chấp hành chủ trương của Trung ương Đảng, ta tập trung củng cố bộ đội, tranh thủ điều kiện có lợi về thế chủ động chiến trường, mở liên tiếp ba chiến dịch vào trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.
Ngày 25-12-1950, ta mở Chiến dịch Trần Hưng Đạo (còn gọi là Chiến dịch Trung du) đánh vào phòng tuyến trung du từ Đông Việt Trì đến Tây sông Cầu. Trên địa bàn này, lực lượng bộ binh chiếm đóng của địch gồm 8 tiểu đoàn và 8 đại đội; lực lượng cơ động ứng chiến tại chỗ gồm 7 tiểu đoàn và 3 đại đội đứng chân tại ba Phân khu Bắc Giang, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc.
Về phía ta, tham gia chiến dịch gồm Đại đoàn 308 trên hướng chính (Vĩnh Yên-Đông Đa Phúc), Đại đoàn 312 (thiếu) trên hướng thứ yếu (Đông Việt Trì-Vĩnh Yên). Trên các hướng phối hợp có 2 Trung đoàn của Bộ cùng lực lượng vũ trang tại chỗ. Mục tiêu đặt ra: “Tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng khu lương thực, phát triển du kích chiến tranh, tranh thủ thời gian phá kế hoạch củng cố của địch, tạo điều kiện mới để tiêu diệt sinh lực địch nhiều hơn nữa”. Cách đánh “đánh điểm diệt viện”, kết hợp “đánh vận động với công kiên”.
Niềm vui của bộ đội tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950 thắng lợi. Ảnh: Bảo tàng lịch sử Việt Nam |
Theo kế hoạch, đợt 1 diễn ra bắt đầu từ ngày 25-12-1950, mở đầu bằng chặn đánh cuộc hành quân Bê-cát-xin của Pháp vào khu vực tập kết của ta ở Xuân Trạch-Liễn Sơn, buộc địch phải co về thị xã Vĩnh Yên. Đêm 26 và 27-12, ta vận động bao vây, tiến công diệt 5 cứ điểm kiên cố (Hữu Bằng, Tú Tạo, đồi Cà Phê, Yên Phụ, Thằn Lằn), nhưng đánh các cứ điểm Chợ Thá, Chợ Vàng không thành công. Địch tăng cường phòng thủ Vĩnh Yên.
Sang đợt 2, với chủ trương tập trung lực lượng, đánh ăn chắc, tiêu diệt cứ điểm nhỏ, tiến tới tiêu diệt cứ điểm mới, đánh viện binh lớn, liên tục chiến đấu chuẩn bị sẵn sàng đánh dài ngày. Từ ngày 30-12-1950 đến ngày 18-1-1951, vận dụng phương châm “đánh điểm diệt viện”, ta tiến công diệt cứ điểm Ba Huyên, chặn đánh quân ứng cứu ở Thanh Vân-Đạo Tú, truy kích địch tới thị xã Vĩnh Yên và bao vây thị xã. Pháp tiếp tục đưa lực lượng cơ động có máy bay, pháo binh yểm trợ, mở cuộc hành quân giải tỏa, đánh chiếm Núi Đanh; ta chặn đánh và giành giật với địch từng điểm cao. Rạng sáng 17-1, nhận thấy yếu tố bất ngờ không còn, bộ đội đã trải qua ba tuần chiến đấu liên tục, lực lượng bị tiêu hao và sức khỏe giảm sút, Bộ chỉ huy quyết định kết thúc chiến dịch.
Bốn ngày sau khi Chiến dịch Trung du kết thúc, ngày 21 tháng 1, khi phân tích cục diện chiến trường Bắc Bộ để đề đạt phương hướng nhiệm vụ mở chiến dịch tiếp theo, Tổng Quân ủy nhận thấy Chiến dịch Trung du kết thúc không thuận lợi nên trước mắt không thể mở chiến dịch trên hướng Liên khu 3 như dự kiến trước đây, từ đó Tổng Quân ủy nhất trí đề nghị phương hướng chiến dịch sắp tới là Đông Bắc, cụ thể là Đường 18 từ Phả Lại đến Uông Bí (Chiến dịch Hoàng Hoa Thám). Đây là nơi địa hình nửa rừng núi, nửa đồng bằng và là nơi địch yếu hơn ở chiến trường Trung du. Tham gia chiến dịch gồm 2 đại đoàn (308 và 312), hai trung đoàn độc lập (174 và 98).
Mở đầu chiến dịch, đêm 23-3-1951, bộ đội ta tiêu diệt 4 cứ điểm nhỏ để nhử viện binh địch. Đêm 27-3, bộ đội ta tiêu diệt vị trí Bí Chợ và Tràng Bạch, mỗi vị trí có trên dưới một đại đội địch. Đêm 29 và 30-3, bộ đội ta đánh tiếp các vị trí Mạo Khê mỏ và Mạo Khê phố, nhưng không thành công. Đêm 4 và 5-4, ta đánh tiếp các vị trí Bến Tắm, Bãi Thảo, Hoàng Dán cũng không thành công, chủ yếu vì pháo địch từ Đông Triều và sông Đá Bạc bắn tới, tạo thành hàng rào lửa khiến các đợt xung phong của ta gặp khó khăn. Ngày 6-4, chiến dịch kết thúc.
Ngay sau khi Chiến dịch Hoàng Hoa Thám vừa mới kết thúc chưa đầy nửa tháng, thực hiện chủ trương tiếp tục tiến công địch ở Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, ngày 20-4, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Quang Trung tiến công mới ở khu vực Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình nhằm tiêu diệt thêm một bộ phận sinh lực địch, phá tan khối ngụy quân, thúc đẩy chiến tranh du kích phát triển, giành giật với đối phương “kho người, kho của” ở vùng đồng bằng. Tham gia chiến dịch gồm 3 đại đoàn (304, 308, 320) cùng công binh, pháo binh và lực lượng vũ trang tại chỗ.
Theo kế hoạch, đợt 1 ta đánh nhiều trận công kiên giành thắng lợi. Đại đoàn 308, lần đầu tiên tiêu diệt toàn bộ quân địch trong tỉnh lỵ Ninh Bình. Một đại đội huấn luyện của địch gồm toàn hạ sĩ quan người Âu bị diệt gọn trong nhà thờ Đại Phong. Hai vị trí Non Nước và Hồi Hạc, mặc dù được tăng cường thêm 2 đại đội cũng bị tiêu diệt. Bước vào đợt 2, quân địch tiếp tục tăng viện cho tuyến phòng thủ sông Đáy, thay quân trên nhiều vị trí và tăng cường càn quét trên các địa bàn trọng điểm. Quân ta tiến công và bức hàng một số vị trí, nhưng riêng trên hướng chính ta không thành công trong các trận Chùa Cao, Cầu Bút, Ngọc Lâm (Ninh Bình).
Sau trận thắng lớn của Đại đoàn 320 đẩy lui cuộc càn của địch ở Chợ Cháy (Ứng Hòa), chiến dịch kết thúc trong điều kiện so sánh lực lượng bất lợi cho ta, quyền chủ động không còn, chiến dịch không còn điều kiện phát triển. Sau ba tuần chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch Âu Phi, làm tan rã hơn 1000 ngụy binh, thu nhiều vũ khí, trang bị… buộc địch phải bỏ dở cuộc càn lớn ở Tả ngạn, tạm dừng kế hoạch củng cố trung du và Đường 18, đưa lực lượng về tăng cường cho phòng tuyến sông Đáy.
Như vậy có thể thấy, trong vòng nửa năm, lần đầu tiên quân ta tiến hành liên tiếp ba chiến dịch quy mô nhiều đại đoàn, kết hợp đánh vận động và đánh trận địa trên chiến trường trung du và đồng bằng. Mặc dù cả ba chiến dịch đều không hoàn thành nhiệm vụ chiến lược đề ra, chưa làm thay đổi được cục diện chiến trường Đồng bằng Bắc Bộ. Song, có thể nhận thấy, đây là những chiến dịch lần đầu tiên quân ta đánh vào phòng tuyến kiên cố của địch, bộ đội được rèn luyện trong điều kiện tác chiến mới: Địch được tăng cường máy bay, có hỏa lực mạnh, có công sự vững chắc, có sức cơ động cao. Cũng lần đầu tiên, quân ta đối mặt cả ngày lẫn đêm với các binh đoàn cơ động (GM) và quân dù của địch cả trên bộ và trên không. Và cũng lần đầu tiên, cấp chiến lược chỉ đạo phối hợp giữa ba thứ quân trên quy mô nhiều liên khu, giữa chủ lực tiến công địch trên hướng chính với các lực lượng vũ trang địa phương chống phá hội tề, trừ gian và chống càn quét trong vùng sau lưng địch. Bước tiến bộ nổi bật của quân ta thể hiện trong trận tiêu diệt địch chiếm đóng thị xã (Ninh Bình-Chiến dịch Quang Trung) và các trận đánh địch cơ động ở Xuân Trạch (Chiến dịch Trần Hưng Đạo). Ngoài số sinh lực địch bị tiêu diệt chừng một vạn tên (trong đó gần một nửa là quân cơ động) và một số trang bị chiến lợi phẩm thu được, quân ta còn làm thất bại cuộc hành binh càn quét quy mô lớn của địch và làm chậm kế hoạch củng cố của địch trên chiến trường chính Bắc Bộ suốt mấy tháng Xuân Hè 1951.