Chiến thắng An Khê – Bước trưởng thành của LLVT Liên khu 5
LÊ VĂN THÀNH
Cuối năm 1952, trong khi chủ lực ta trên chiến trường chính Bắc Bộ giành thắng lợi lớn ở Tây Bắc, thì tại chiến trường Liên khu 5, chiến tranh du kích vùng sau lưng địch dần dần được khôi phục, một số nơi có bước phát triển. Chấp hành Nghị quyết Hội nghị Liên khu ủy lần 3 (tháng 10-1952) về chủ trương mở hoạt động Đông Xuân 1952-1953 nhằm tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, đẩy mạnh hơn nữa phong trào chiến tranh du kích, Bộ tư lệnh Liên khu 5 quyết định mở Chiến dịch An Khê.
An Khê là một vị trí có tầm quan trọng, bình phong án ngự đường số 19, là bàn đạp của địch uy hiếp miền tây Bình Định, là nơi xuất phát của bọn biệt kích phá hoại căn cứ miền tây Liên khu 5. Hệ thống cứ điểm của địch được bố trí gồm nhiều tiểu khu quân sự thị trấn An Khê, hai bốt gác ở Eo Gió, Đầu Đèo, hai phân tiểu khu Cửu An, Tú Thủy, hai cứ điểm ngoại vi Kon Liá, Thượng An. Mỗi một cứ điểm có một đại đội sơn chiến đóng giữ trong công sự vững chắc, điểm tựa trung tâm được bố trí thành nhiều từng hỏa lực, tạo thành hệ thống hỏa lực dày đặc.
Đồn của quân Pháp bị bộ đội ta tiêu diệt trong chiến dịch. Ảnh tư liệu. |
Lực lượng tham gia chiến dịch gồm Trung đoàn 108 (ba tiểu đoàn), Trung đoàn 803, Tiểu đoàn 40 chủ lực Liên khu và Trung đoàn 120 bộ đội địa phương đang hoạt động trên địa bàn. Ngoài ra, còn có bốn vạn dân công tham gia phục vụ chiến dịch. Đây là lần đầu tiên Bộ tư lệnh Liên khu tập trung toàn bộ lực lượng chủ lực của Liên khu, cùng lực lượng địa phương hoạt động trên địa bàn do Bộ tư lệnh Liên khu trực tiếp chỉ huy.
Sau một thời gian chuẩn bị, 1 giờ sáng 13-1-1953 chiến dịch mở màn bằng trận đánh của Trung đoàn 108 tiến công các cứ điểm Tú Thủy, Cửu An và Eo Gió. Các vị trí trên nhanh chóng bị tiêu diệt, quân địch ở Kon Lía hốt hoảng bỏ chạy, bỏ lại cả kho tàng, đạn dược. Hệ thống cứ điểm vòng ngoài bảo vệ An Khê bị vỡ, Thượng An bị cô lập, đường 19 bị uy hiếp trực tiếp. Trước tình hình đó, nhằm cứu nguy cho An Khê, ngay sáng 14-1-1953 địch cho ngay hai đại đội từ An Khê ra phản kích thăm dò, lập tức bị ta chặn đánh buộc chúng phải quay lại An Khê.
Nắm vững phương châm “đánh điểm diệt viện”, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hạ quyết tâm sử dụng Trung đoàn 108 tổ chức trận địa phục kích diệt viện trên đường Hoàng Hoa Thám (nhánh số 7, An Khê – Cửu An). Đúng như dự định, ngày 17-1, địch điều động tiểu đoàn sơn chiến số 8, có xe bọc thép dẫn đầu, từ An Khê theo đường Hoàng Hoa Thám tiến đến Cửu An. Đợi cho địch lọt vào trận địa phục kích, bộ đội đồng loạt xung phong chia cắt đội hình địch. Bị đánh bất ngờ, cả tiểu đoàn địch nhanh chóng rối loạn và tan rã. Đại đội 112 thuộc Tiểu đoàn 19 xung kích bắt sống được 100 tên giặc, thu nhiều vũ khí.
Trong khi địch ở An Khê còn đang lúng túng, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định đưa Trung đoàn 803 tiến công cứ điểm Thượng An và lô cốt Đầu Đèo, hai cứ điểm trấn giữ đường 19 ở đoạn đèo An Khê. Ngày 21-1-1953, Tiểu đoàn 59 đánh tiêu diệt các lô cốt đầu cầu của địch, quân địch trong đồn bị bất ngờ, đang ngơ ngác, lộn xộn thì các mũi xung kích của Tiểu đoàn 59 dũng mạnh xung phong vào trong đồn địch. Sau 15 phút chiến đấu, ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm Thượng An, thu nhiều vũ khí, đạn dược… Trong khi đó, tại lô cốt Đầu Đèo địch dựa vào công sự kiên cố, ngoan cố chống đỡ, bộ đội ta một mặt dùng hỏa lực chế áp, mặt khác dùng bộc phá tiếp cận trực tiếp đánh sập lô cốt. Lô cốt Đầu Đèo cũng nhanh chóng bị tiêu diệt.
Trước việc cứ điểm Thượng An và Đầu Đèo bị tiêu diệt, địch hốt hoảng đưa lực lượng cơ động của Tây Nguyên đến An Khê, điều động 2 tiểu đoàn dù, 3 đơn vị pháo binh từ miền Bắc vào, huy động không quân ở Nam Bộ, Trung Bộ, đưa tàu hàng không mẫu hạm đến Quy Nhơn, lập bộ chỉ huy hành quân cấp cao ở Plây-cu để đối phó. Khi có thêm lực lượng, địch điều tiểu đoàn dù ngụy số 1 phản kích chiếm lại Thượng An.
Trước những hành động của địch, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng Tiểu đoàn 39 (Trung đoàn 803) tổ chức trận địa phục kích trên đường 19. Ngày 24-1, khi toàn bộ tiểu đoàn ngụy dù số 1 lọt vào trận địa phục kích, bộ đội ta đồng loạt xung phong chặn đầu, khóa đuôi, bao vây, chia cắt, tiêu diệt từng bộ phận. Mặc dù có không quân chi viện, song cả tiểu đoàn địch rơi vào thế bất lợi nhanh chóng tan rã. Kết quả, tiểu đoàn dù số 1 của địch bị đánh tan tác, thiệt hại nặng nề. Hơn 500 tên bị chết, hàng trăm tên khác bị thương, bị bắt.
Ngày 25-1-1953, cũng trên đoạn đường 19, đoạn tây An Khê, Tiểu đoàn 68 của Trung đoàn 120 đã phục kích chặn đoàn xe 25 chiếc chở một tiểu đoàn dù từ Plây-cu về An Khê, diệt một đại đội, phá 5 xe, bắt sống 50 tù binh.
Trước cuộc tiến công liên tục của bộ đội chủ lực ta ở khu vực An Khê, địch buộc phải điều thêm 6 tiểu đoàn tới An Khê và đưa hạm đội đặc nhiệm gồm 6 tàu chiến vào vùng biển Quy Nhơn. Nhận thấy so sánh lực lượng không có lợi cho ta, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch. Ngày 28-1-1953 các đơn vị tổ chức rút quân về vùng tự do, kết thúc chiến dịch An Khê thắng lợi.
Sau 15 ngày chiến đấu, ta đã diệt 6 đại đội địch, thu 900 súng, có 1 đại bác 105 ly, 15 trọng đại liên, 39 trung liên, 30 tấn đạn và quân trang, quân dụng, nhân dân phá hai khu tập trung.
Thắng lợi của Chiến dịch An Khê là chiến thắng lớn nhất của ta tính đến đầu năm 1953 trên chiến trường Nam Trung Bộ, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang Liên khu 5. Là chiến dịch phối hợp ba thứ quân, phối hợp các chiến trường toàn Liên khu, diệt nhiều đại đội địch, thu nhiều vũ khí, góp phần quan trọng làm thất bại âm mưu “bình định” của địch. Đáng chú ý, ta đã đẩy mạnh phát triển cơ sở cách mạng vào những nơi xung yếu vùng tạm bị chiếm, góp phần cùng quân dân cả nước đẩy địch càng lún sâu vào thế bị động đối phó. Thắng lợi của chiến dịch An Khê đã vượt qua phạm vi Đông Dương. Tin bại trận làm xôn xao dư luận nước Pháp. Bộ trưởng các quốc gia liên kết Lơ-tuốc-nô phải tường trình trước nội các Pháp về thất bại này.