Ký ức nghĩa tình của người cựu chiến binh Xô-viết
NINH CÔNG KHOÁT
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhiều chuyên gia quân sự Liên Xô đã tình nguyện gác lại nỗi nhớ thương vợ con và những người thân trong gia đình, đem theo tinh thần “vì nhiệm vụ quốc tế cao cả” để sang Việt Nam giúp đỡ Quân đội nhân dân Việt Nam nắm vững và sử dụng thành thạo vũ khí tên lửa phòng không, đánh trả và đập tan các cuộc tập kích của không quân Mỹ. Nhiều đồng chí cựu chuyên gia quân sự Xô-viết, tuy đã xa Việt Nam cách đây hơn 40 năm, song vẫn luôn nhớ đến đất nước và con người Việt Nam, mong muốn được trở lại mảnh đất thân yêu này. Trong số đó phải kể đến đồng chí Va-len-tin Tô-đô-ra-scô (Valentin Todorashko).
Đồng chí Va-len-tin Tô-đô-ra-scô và di ảnh đồng đội Trương Văn Ta. |
Đồng chí Va-len-tin Tô-đô-ra-scô nguyên là Thượng úy trong đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên đem theo khí tài tên lửa phòng không từ Liên Xô sang Việt Nam hồi tháng 4-1965. Đồng chí là giáo viên dạy bộ đội của hai trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên (E236 và E238) sử dụng thành thạo các thiết bị trong hệ lập lệnh RPK. Đồng chí là người trực tiếp tham gia trận ra quân đầu tiên của Bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam, trận đánh ngày 24-7-1965 tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì (Hà Nội). Trong thời gian ở Việt Nam, đồng chí vinh dự được hai lần gặp Bác Hồ.
Tháng 4-2014, trên diễn đàn của Hội Cựu chiến binh Xô-viết từng chiến đấu ở Việt Nam, đồng chí Va-len-tin Tô-đô-ra-scô đã có bài viết bày tỏ tình cảm cũng như sự cảm ơn tới những người bạn giúp đỡ ông rất nhiều trong chuyến thăm trở lại Việt Nam của ông năm 2007. Trong bài viết này, đồng chí Va-len-tin Tô-đô-ra-scô cho biết, trong lần trở lại Việt Nam sau hơn 40 năm xa cách, với sự giúp đỡ của những người bạn làm việc tại trang mạng điện tử mang tên “Nước Nga trong tâm hồn tôi” (www.nuocnga.net) và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đồng chí đã nhận được những thông tin về những người bạn cùng chung chiến hào với mình trước đây.
Cũng trong chuyến thăm này, đồng chí Va-len-tin Tô-đô-ra-scô đã có dịp gặp lại những người bạn chiến đấu Việt Nam. Đó là người học trò cũ, người bạn chiến đấu, trắc thủ hệ lập lệnh RPK, Thiếu tướng Nguyễn Đình Khoan, và với các đồng chí cựu chiến binh thuộc Trung đoàn Tên lửa Phòng không đầu tiên 236 như: Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Văn Thân, Đoàn Đức Long, Lã Đình Chi, Tạ Sáu…
Những câu chuyện một thời khói lửa cứ nối dài như những thước phim sống động về những ngày tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng của quân và dân Việt Nam. Các cựu chiến binh đã truyền tay nhau xem lại những tấm ảnh đen trắng, rưng rưng xúc động khi biết người này còn sống, người kia đã mất. Nước mắt đã tuôn rơi trên khuôn mặt sương gió của cựu chiến binh già Va-len-tin Tô-đô-ra-scô khi hay tin người đồng chí và cũng là phiên dịch viên của mình đã hy sinh ngoài trận địa năm 1966, hay đồng chí phiên dịch Trương Văn Ta đã không qua khỏi vì căn bệnh hiểm nghèo sau này.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, đồng chí Va-len-tin Tô-đô-ra-scô đã có dịp đi thăm lại chiến trường xưa, thăm nơi đóng quân của Bộ đội Tên lửa Phòng không. Đứng trên quả đồi thuộc chùa Gềnh, xã Phú Sơn, Ba Vì (Hà Nội), nơi trước đây là trận địa Phú Sơn, đồng chí Va-len-tin Tô-đô-ra-scô đã chỉ cho mọi người vị trí đặt bệ phóng tên lửa trong trận đánh ngày 24-7-1965. “Được trở lại thăm Việt Nam và gặp những người bạn chiến đấu là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời tôi. 42 năm đã trôi qua, song tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô và tình đồng chí chiến đấu vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của chúng tôi và sẽ không bao giờ phai mờ”, đồng chí Va-len-tin Tô-đô-ra-scô tâm sự.