Chuyện chưa kể trên những “Chốt máu”
Võ Văn Hạ
Suốt mấy chục năm nay trong những chuyến đi tìm liệt sĩ cùng với Cựu chiến binh, chúng tôi được biết một số chuyện đau lòng xảy ra trên các chốt thép, chốt máu ở vùng đất Quảng Trị. Có lẽ, những chuyện đau lòng này ít người biết đến trong thời lửa đạn cách đây hơn 40 năm.
Chuyện ở điểm cao 156
Lần thứ 4, anh Hoàng Quang Hình ở Quỳnh Lưu, Nghệ An vào điểm cao 156 để tìm những đồng đội của mình đã hy sinh. Anh kể :
– Đầu tháng 6 năm 1972, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 vào đánh chiếm điểm cao 156 và một số vùng đồi núi phía Nam huyện Hải Lăng. Đơn vị c1d1 của anh là một trong những mũi đánh chiếm điểm cao 156. Đây là một điểm cao quan trọng quan sát được căn cứ Đông Lâm và các vị trí đóng quân của địch ở Cây Lợi, Yên Bầu, Câu Nhi v.v… Vì thế địch thường xuyên ném bom, bắn pháo và đổ quân đánh chiếm điểm cao này.
Sau gần một tuần đánh nhau căng thẳng và ác liệt, quân số hai bên thương vong nhiều nhưng Tiểu đoàn 1 vẫn giữ vững trận địa. Riêng Đại đội một chỉ còn 10 tay súng và được cấp trên cho thay chốt. Khi đội hình di chuyển đến chân điểm cao 156, hầu hết anh em đói lả vì qua một ngày chiến đấu chưa ăn uống gì. Trước tình hình đó, đơn vị phải dừng quân và dốc mấy loong gạo ẩm mốc còn lại để nấu cháo ăn.
Lúc này, Mai Thanh Hải và Đỗ Quang Vinh tình nguyện xuống khe đãi gạo. Khi hai chiến sĩ trẻ đến khe suối chừng vài phút thì một loạt đạn nổ vang.
Biết đồng đội gặp bọn thám báo phục kích, 8 anh em bật dậy đánh nhau với thám báo trả thù cho đồng đội của mình. Sau khi tiêu diệt được một số tên, đơn vị đưa Mai Thanh Hải và Đỗ Quang Vinh đến một nơi tương đối an toàn để mai táng.
Khi huyệt vừa đào xong và đặt hai đồng đội xuống thì địch bắn pháo, đổ quân ngay trước mặt. Tình thế cuộc chiến đấu hết sức căng thẳng, đơn vị vừa chiến đấu, vừa rút lui và đưa một số anh em bị thương ra phía sau. Điều đau đớn nhất là không mai táng được 2 đồng đội của mình. Đó là những trăn trở day dứt đối với Hoàng Quang Hình suốt mấy chục năm nay.
Bây giờ, liệt sĩ Mai Thành Hai và Đỗ Quang Vinh được đưa về quê nhà. Đây là niềm vui, niềm an ủi lớn đối với Người cựu chiến binh ở tuổi 70 này.
Tạm biệt điểm cao 156, cầm nén hương trên tay, Cựu chiến binh Hoàng Quang Hình mắt nhòa lệ và hẹn với đồng đội đang nằm nơi đây ngày trở lại.
Trận chiến ở điểm cao 127:
Gia đình anh Tiên Anh Tô ở Kinh Môn, Hải Dương đã 6 lần vào Quảng Trị tìm người anh của mình là liệt sĩ Tiên Anh Tần nhưng cả 6 lần đều không kết quả. Theo anh cho biết: thông tin trên giấy báo tử: liệt sĩ Tiên Anh Tần C6d5, e165, f312 hy sinh ngày 26/12/1972 tại điểm cao 127 xã Hải Lệ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thế nhưng cả 6 lần vào tìm nhưng gia đình không xác định được điểm cao này. Khi xem thông tin trên, chúng tôi khuyên gia đình nên tìm đến những đồng đội .
Hải Lệ có nhiều quả đồi được các Sư đoàn bố trí súng 12ly7 gọi là đồi 12ly7 và có khả năng liệt sĩ ở điểm cao 127m. Do thông tin trên giấy báo tử ghi không rõ ràng nên rất khó xác định khu vực hy sinh. Thấy chúng tôi phân tích có lý, gia đình liệt sĩ Tiên Anh Tần trở lại quê nhà tìm đồng đội.
Khoảng 2 tháng sau, em trai liệt sĩ đã tìm được đồng đội và cho biết Tiên Anh Tần hy sinh ở điểm cao 127. Gia đình nhờ chúng tôi xác định vị trí điểm cao 127 ở xã Hải Lệ. Khi thông tin tương đối đầy đủ, gia đình liệt sĩ Tiên Anh Tần đã đưa đồng đội là anh Lê Thanh Nhâm ở Thanh Liêm, Thanh Chương, Nghệ An vào lại Quảng Trị. Theo anh Nhâm cho biết: Thời điểm lúc đó chiến sự xảy ra rất ác liệt, tại cao điểm 127 được làm một chòi quan sát dã chiến để theo dõi các nơi đóng quân của địch nên điểm cao này kẻ địch liên tục bắn phá và đổ quân đánh chiếm.
Chiều ngày 25 tháng 11 năm 1972, anh em ở trên chốt nhận được tin ngày mai kẻ địch đánh chiếm chốt. Nhận lệnh đơn vị chia làm 2 tổ, tổ chúng tôi gồm 6 người xuống chân điểm cao 127 đào công sự chuẩn bị cho trận đánh ngày mai.
Công sự vừa hoàn thành, địch bắn hàng trăm quả đạn pháo cối vào điểm cao. Sau đó, chúng đổ quân tràn lên đánh chiếm. Từ 3 hầm công sự mỗi lần cách nhau 5m, sáu anh em chờ cho địch tới gần mới đồng loạt nổ súng. Bọn địch nhiều lần tấn công lên đều bị tiêu diệt. Do không xác định chính xác vị trí công sự, bọn chúng tập trung hỏa lực bắn vào khu vực và xua quân tấn công. Chính trị viên Phó Tiên Anh Tần ra lệnh: mỗi hầm chỉ ở lại một người dùng B40 tiêu diệt hỏa lực địch. Lệnh chỉ huy vừa dứt, Tôi nhảy ra khỏi công sự để yểm trợ thì những loạt B40 đã trùm kín mấy ổ đại liên của địch. Phát hiện ra khói B40 bắn ra từ 3 hầm, bọn chúng dùng súng M79 bắn trực xạ và câu thẳng vào cộng sự, làm 3 chiến sĩ hy sinh và tôi bị cụt mất gần 1/3 bàn chân.
Tình thế lúc này hết sức căng thẳng và bất lợi cho 3 anh em chúng tôi. Quân địch tiếp tục tràn lên vây bọc và bắn xối xả; đồng thời kêu gọi đầu hàng và hô bắt sống. Lúc này, 3 anh em quyết định yểm trợ nhau vừa đánh, vừa rút lui an toàn.
Sau hơn 40 năm trở lại chiến trường xưa, Cựu chiến binh Lê Thanh Nhâm vẫn nhớ như in về những trận đánh về những nơi đồng đội mình đã sy sinh. Đặc biệt, trong khoảng 3 tiếng đồng hồ, anh đã xác định chính xác 3 liệt sĩ hy sinh trong 2 căn hầm, đó là Tiên Anh Trần, Nguyễn Sinh Quý ở Thanh Chương, Nghệ An và liệt sĩ tên là Thìn quê ở huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh hóa. Riêng liệt sĩ Thìn, anh Nhâm cho biết: Do mới được bổ sung về nên chỉ biết tên anh là Thìn, người dân tộc, quê ở Thanh Hóa.
Trên đây mới chỉ là 2 câu chuyện đau lòng xảy ra ở điểm cao 156, 127 và còn rất nhiều câu chuyện hùng tráng, bi thương khác ở chốt thép, chối máu, 35, 52, núi Cây Lợi, điểm cao 367, 235, Động Ông Do, cao điểm 105 v.v… chưa được nói tới. Mỗi lần trở lại những chốt thép, chốt máu, lòng chúng tôi bùi ngùi xúc động, dẫu nơi đây chưa có bia chứng tích hay Đài tưởng niệm hàng trăm liệt sĩ ngã xuống nhưng hình ảnh các anh đã trở thành bức tượng vĩnh cửu in chặt trong lòng người dân quê tôi.( Ghi chú : Hai bức ảnh chụp trong các chuyến đi tìm mộ đồng đội. Ở cả hai ảnh tác giả là người mặc áo trắng đội mũ tai bèo)