Những trang đời của Bí thư chi bộ Nhà tù Phú Quốc
Bài và ảnh: NGUYỄN ĐÌNH PHƯỢNG
Mang truyền thống quê hương ra trận
Ông Hoàng Văn Ước sinh năm 1943, tại xóm 2, xã Đông Sơn (Đô Lương, Nghệ An). Khi chiến tranh ác liệt, ông tình nguyện nhập ngũ, mặc dầu lúc đó người em của ông là Hoàng Văn Chước đang chiến đấu tại chiến trường miền Nam (sau đó hy sinh). Ngày 7-5-1965, ông nhập ngũ vào Sư đoàn 324 (Quân khu 4), ít lâu sau hành quân vào chiến trường Trị Thiên-Huế. Là người con quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông tự nhủ phải phấn đấu rèn luyện theo lý tưởng của Đảng. Ngày đầu ở mặt trận, đảng viên trẻ Hoàng Văn Ước xin vào đơn vị chiến đấu, nhưng cấp trên lại giao làm nhiệm vụ liên lạc. Trên cương vị này, ông vẫn có thể trực tiếp cầm súng chiến đấu, đồng thời có điều kiện đóng góp nhiều ý kiến vào phương án tác chiến của đại đội, tiểu đoàn. Với tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí, sáng tạo, Hoàng Văn Ước được cả sư đoàn biết tiếng. Trong trận đánh vào Khe Chua (Gio Linh, Quảng Trị) ngày 22-7-1966, với khẩu AK47, cùng đồng đội trong tổ gồm 9 người đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt hơn 30 tên địch.
Ông Hoàng Văn Ước. |
Từ chiến sĩ liên lạc, năm 1966, Hoàng Văn Ước được cấp trên giao nhiệm vụ làm trung đội trưởng; được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba và hai lần nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Không chỉ giỏi chỉ huy chiến đấu, Hoàng Văn Ước còn có sở trường tiến hành CTĐ, CTCT, nên sau trận Hồ Khê-Gio Linh thắng lợi, ông được đề bạt làm chính trị viên đại đội và được phong quân hàm thiếu úy. Đến trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, ông giữ cương vị Chính trị viên phó Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 812).
Bí thư chi bộ trong tù
Mở màn chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, Tiểu đoàn 6 nhận lệnh tiến công và giải phóng thị trấn Hải Lăng. Thừa thắng, đơn vị đánh tiếp vào các mục tiêu ở Phong Điền (Thừa Thiên-Huế). Sau khi bị ta giáng cho những đòn choáng váng, Mỹ-ngụy tập trung lực lượng phản kích. Trong trận Thanh Hương, địch sử dụng lực lượng lớn, kết hợp bộ binh với không quân, pháo binh nên Trung đoàn 812 gặp nhiều khó khăn, bị tổn thất khá nặng. Đang chỉ huy một mũi tiến công, Hoàng Văn Ước bị thương vào đầu, ngực, cổ… Đơn vị chuyển 7 người bị thương nặng, trong đó có ông về hậu cứ. Ngày hôm sau, địch lại phản công quyết liệt, chúng bắt ông cùng 6 cán bộ, chiến sĩ khác của Tiểu đoàn 6 khi đang nằm dưới hầm trị thương. Sau này ông mới biết, thời điểm ông bị bắt là ngày 20-3-1968.
Địch ném ông lên xe, đưa về Bệnh viện Đà Nẵng chữa trị khoảng một tháng, sau đó giam tại Nhà tù Non Nước. Những trận đòn thù tra tấn chết đi sống lại của kẻ thù, nhưng ông vẫn một mực “khai” tên là Lê Quang Đông, quê Hương Sơn (Hà Tĩnh), mới vào bộ đội. Nhưng lời khai của ông bị kẻ phản bội trong hàng ngũ tố giác. Chúng tức tối đưa ông ra Phú Quốc, cho vào danh sách tù cộng sản nguy hiểm và được bọn giám thị, giám ngục “đối xử đặc biệt”.
Biết ông là người gan góc, có chí khí cách mạng, lại là cán bộ tiểu đoàn, các đảng viên trong Phân khu A4 (Nhà tù Phú Quốc) chọn ông làm Bí thư chi bộ trong tù. Bí thư Đảng ủy Khu lúc đó là đồng chí Sang, người Thừa Thiên-Huế, bị cụt một chân, từ Nhà tù Biên Hòa chuyển ra.
Để đối phó với làn sóng đấu tranh của tù binh ngày một dâng cao, địch thường xuyên chuyển vị trí giam cầm chiến sĩ cách mạng. Lúc mới ra Phú Quốc, ông bị giam ở A4, vài tháng sau bị chuyển sang phòng biệt giam. Mỗi lần vào phòng biệt giam, ông phải chịu đủ 40 ngày cực hình mới được về nơi giam giữ lúc đầu. Tiếp đó, chúng đưa ông về phân khu A6, C5, B7… Nhiều lần ông đứng ra bảo vệ anh em tù binh nên bị cai ngục tra tấn hết sức dã man, như đổ nước xà phòng vào miệng, đánh bằng gậy, báng súng, chày gỗ, roi sắt… Ông nhớ nhất tại phòng biệt giam số 2, tên cai ngục khét tiếng Trần Văn Nhu đã hành hạ ông chết đi sống lại nhiều lần. Thế nhưng, suốt 5 năm ở Nhà tù Phú Quốc, ông Ước đã cùng một số đồng chí khác lãnh đạo, tổ chức các hoạt động đấu tranh có hiệu quả ngay trong nhà tù của địch.
Mỗi ngày bọn cai tù chỉ cho tù binh ăn hai bữa, mỗi bữa chỉ được một nắm cơm nhỏ bằng gạo mốc và một ít muối trắng. Nước uống mỗi người chỉ được một ca nhỏ. Hôm nào trời mưa mới là “đại tiệc nước ngọt” bằng cách nằm ngửa, há miệng ra cho nước mưa chảy vào. Quần áo rách nát, nửa tháng mới được tắm một lần nên tù binh đều bị bệnh ngoài da, lở loét, hôi thối…
Khoảng cuối năm 1971, trong phòng giam B7 có thêm mấy bạn tù từ đất liền chuyển ra. Mỗi lần Chi bộ bàn giải pháp đấu tranh, ông Ước thường xin ý kiến, dựa chắc vào các đảng viên kiên trung, nên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Bí thư chi bộ trong tù.
“Sáng” giữa đời thường
Tháng 2-1973, Hoàng Văn Ước và đồng đội được trao trả tại sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Với tấm thân ốm yếu, bệnh tật, ông về Đoàn An dưỡng 127 Tiên Yên (Quảng Ninh) để được chăm sóc, phục hồi sức khỏe. Hơn một năm sau, ông về làm trợ lý tham mưu, Ban CHQS huyện Đô Lương (Nghệ An). Tháng 3-1976, Thiếu úy Hoàng Văn Ước nhận quyết định về mất sức theo chế độ bệnh binh hạng 1.
Gần 2000 ngày bị giam giữ, chịu nhiều cực hình tra tấn trong chế độ hà khắc của nhà tù Mỹ-ngụy, nên sau này nhiều căn bệnh quái ác hành hạ cơ thể ông như: Viêm đại tràng, động kinh… Nhiều hôm, đang làm ngoài đồng, ông bất ngờ bị lên cơn, mặt mày tối sầm, ngã lăn ra đất, bà con phải cõng ông đưa đi bệnh viện cấp cứu. Tháng 4-2013, Bệnh viện Quân y 4 phát hiện ông bị bệnh hiểm nghèo và giới thiệu ra điều trị tại Bệnh viên Bạch Mai. Một lần nữa, tinh thần tiến công, khí phách cách mạng trong con người ông lại trỗi dậy để chống chọi bệnh tật. Tin vào y học, tin vào cuộc sống tươi đẹp, sống lạc quan, yêu đời, nên căn bệnh hiểm nghèo đã phải “chào thua” ông.
Cựu chiến binh Hoàng Văn Ước là đảng viên gương mẫu của xã Đông Sơn. Từ năm 1995 đến 2002, ông làm Trưởng ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày huyện Đô Lương; được Hội CCB tỉnh Nghệ An, UBND huyện Đô Lương tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đầu năm 2014, ông vinh dự được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.