Đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, những bài học 40 năm nhìn lại
Đại tá, Thạc sĩ NGUYỄN THẾ HÙNG
Buôn Ma Thuột là trận then chốt thứ nhất của Chiến dịch Tây Nguyên, tạo ra đột biến về chiến dịch, gây tác động dây chuyền, tạo thời cơ cho những trận then chốt tiếp sau, tạo nên bước ngoặt quyết định của sự phát triển chiến dịch và cả chiến lược. Đồng thời là trận đột phá chiến lược của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
Thị xã Buôn Ma Thuột, tỉnh lỵ tỉnh Đắc Lắc với 150.000 dân, là nơi địch đặt sở chỉ huy của Sư đoàn 23 ngụy. Chúng cho rằng, năm 1975 ta chưa đủ sức; không khắc phục được địa hình, thời tiết và bảo đảm hậu cần để đánh lớn vào các thị xã và thành phố lớn như Buôn Ma Thuột, hoặc ta có đánh thắng cũng không giữ được khi chúng phản kích chiếm lại. Vì thế, Buôn Ma Thuột tuy là một vị trí xung yếu, nhưng địch có nhiều sơ hở và càng vào trong thị xã, lực lượng chúng càng mỏng. Đối với ta, giải phóng được Buôn Ma Thuột thì sẽ đập vỡ được hệ thống phòng ngự của địch ở Tây Nguyên, tạo ra một thế trận hiểm mới, có thể làm thay đổi nhanh chóng cục diện chiến trường. Trong khi bàn bạc kế hoạch tác chiến ở Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, mọi người đều nhất trí nhanh về nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của chiến dịch, nhưng đã cân nhắc, thảo luận nhiều về cách đánh, mới đi đến nhất trí, trong đó có những phát triển mới.
Trên thực tế, ý định ngay từ đầu đánh thị xã Buôn Ma Thuột đã không thực hiện được. Bởi vì, theo kế hoạch trước đó, tại Tây Nguyên, ta đã bố trí lực lượng mạnh quanh Đức Lập (tới Đắc Soong) để tiêu diệt địch và mở đoạn đường số 14 đánh thông hành lang chiến lược vào Nam Bộ. Cho nên ta quyết định đánh Đức Lập trước (có thể dứt điểm nhanh) rồi đánh tiếp Buôn Ma Thuột ngày hôm sau, vì ta đã triển khai lực lượng – cài thế bao vây chặt quanh thị xã Buôn Ma Thuột.
Từ ngày 4 đến ngày 9-3, quân ta đã tạo thế chiến dịch rất thành công, trong đó nổi bật là đã đánh chiếm các đường giao thông chia cắt Tây Nguyên với đồng bằng, chia cắt phía Nam với phía Bắc Tây Nguyên, bí mật bao vây, cô lập hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột và nghi binh lừa địch tạo thế đánh Plây-cu. Khi ta tiêu diệt quận lỵ Đức Lập rồi mà địch vẫn đinh ninh rằng ta đánh để mở thông Đường số 14 vào Nam Bộ và chúng vẫn tập trung đối phó với hướng nghi binh của ta ở Plây Cu.
2 giờ sáng ngày 10-3, ta mở màn trận tiến công Buôn Ma Thuột, bộ đội đặc công và pháo ĐKB của ta nổ súng đánh sân bay Hòa Bình, hậu cứ Trung đoàn 53, sân bay thị xã Buôn Ma Thuột và khu kho Mai Hắc Đế. Lợi dụng tiếng đạn pháo, tiếng súng nổ… các loại xe kéo pháo mặt đất, pháo cao xạ, xe tăng, xe thiết giáp, ô tô chở bộ binh ta từ các hướng tiến về thị xã. Do tổ chức hiệp đồng tốt, chỉ huy chặt chẽ nên các hướng, các mũi tiến quân đều thực hiện đúng thời gian.
Tấn công, đánh chiếm trại Mai Hắc Đế, thị xã Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên, tháng 3-1975. Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia |
Từ 7 giờ 15 phút, trời sáng rõ, các cụm pháo chiến dịch phát hỏa mãnh liệt vào sở chỉ huy Sư đoàn bộ binh 23, sở chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc và khu thiết giáp. Lực lượng đặc công đã chiếm xong khu kho Mai Hắc Đế, sân bay thị xã và một phần sân bay Hòa Bình. Trong đêm, 2 tiểu đoàn bộ binh của ta ém quân từ phía Nam đã bí mật tiến vào bám sát thị xã, một đơn vị đã vượt sang bờ bắc suối. Đến 9 giờ, bộ binh và xe tăng ta tổ chức một đợt tiến công vào sở chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc. Địch chống cự mạnh, ta phải điều thêm lực lượng phía sau lên tổ chức tiến công liên tiếp nhiều đợt. Mãi đến 13 giờ 30 phút, quân ta mới vào được cổng tiểu khu. Quân địch dựa vào các nhà gác tiếp tục chống cự. Cuối cùng, chiều ngày 10-3, ta hoàn toàn làm chủ tiểu khu Đắc Lắc. Từ đó, phát triển sang đánh khu hành chính, chiếm khu quân cảnh và diệt một đại đội địch ở đông bắc sân bay thị xã. Cánh quân Tây bắc nhanh chóng đánh chiếm điểm cao Chư Bua, khu thiết giáp, khu pháo binh và hậu cứ Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 45) ngụy; mũi thọc sâu của bộ binh và xe tăng ta đã vượt qua khu kho Mai Hắc Đế, chiếm khu trung tâm thông tin và áp sát sư đoàn bộ Sư đoàn 23 từ phía Tây. Địch cho máy bay ném bom ngăn chặn và dùng bộ binh tổ chức phản kích nhiều đợt. Ta và địch đã giành nhau từng căn nhà, từng góc phố. Trong ngày 10-3, ta chiếm được phần lớn thị xã, trừ khu vực Sư đoàn bộ binh 23 và một số mục tiêu phía đông tiểu khu. Và cũng đến lúc này (chiều ngày 10-3) địch mới biết rõ ta đánh chiếm Buôn Ma Thuột.
Sáng ngày 11-3, ta đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23. Từ đó tràn qua hậu cứ Trung đoàn 45, tiến đánh các mục tiêu còn lại. Bộ đội ta từ các hướng gặp nhau ở sư đoàn bộ Sư đoàn 23 ngụy.
Qua 32 giờ chiến đấu liên tục, ta đánh chiếm xong thị xã Buôn Ma Thuột lúc 10 giờ 30 phút ngày 11-3-1975. Nhân dân các dân tộc trong thị xã đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội lùng bắt bọn ác ôn tề điệp, giành quyền làm chủ ở các phường ấp dưới sự hướng dẫn của các đội công tác.
Cách đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột là cách đánh hiệp đồng binh chủng với 4 cánh quân chủ lực, kết hợp với các đơn vị tinh nhuệ và các tiểu đoàn bộ binh bí mật luồn sâu bố trí sẵn, bỏ qua các đồn bốt ngoại vi, dùng binh lực lớn cơ giới hóa theo các trục đường lớn, với tốc độ cao đánh thẳng vào trong thị xã nhằm đập vỡ ngay 2 đầu não chỉ huy của địch là sở chỉ huy Sư đoàn 23 và sở chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc.
Tổ chức, thực hành đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột thắng lợi thể hiện sự sáng tạo, độc đáo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. 40 năm đã trôi qua nhưng những bài học kinh nghiệm quý báu đó vẫn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đó là nghệ thuật chọn hướng và mục tiêu tiến công chủ yếu rất đúng và rất hiểm. Lựa chọn nam Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu, Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu, ta đã điểm trúng huyệt, đánh vào nơi rất hiểm yếu của địch. Chiếm được Buôn Ma Thuột là ta có điều kiện mở ra các hướng phát triển tiến công thuận lợi trên cả các hướng bắc, đông, nam theo các trục Đường số 14, Đường số 7 và Đường số 21.
Đó là nghệ thuật nghi binh, lừa địch, tạo thế, giữ quyền chủ động chiến dịch. Ta đã tiến hành một kế hoạch nghi binh rất công phu (đánh mạnh như đánh thật), khiến cho địch ngày càng tin chắc là ta tiến công ở bắc Tây Nguyên. Đánh Buôn Ma Thuột, ta đã dự kiến cả hai tình huống (địch chưa dự phòng và có dự phòng) nhưng lấy tình huống khó nhất là địch đã tăng quân và tăng cường phòng ngự thị xã để đặt kế hoạch tác chiến; nhưng vẫn tiếp tục nghi binh tạo thế, triệt để lợi dụng suy đoán sai lầm của địch để dẫn dắt chúng rơi vào tình huống chưa tăng cường phòng ngự; thể hiện nghệ thuật gạn lọc tình huống để có thể loại trừ hoặc hạn chế tình huống khó nhất.
Đó là, nghệ thuật tạo ưu thế hơn hẳn địch trên hướng và mục tiêu chủ yếu. Ở trận then chốt Buôn Ma Thuột, ta tập trung lực lượng từ 3 đến 4 lần hơn địch để đánh thắng trận mở đầu, vì ta đã chia cắt địch thành nhiều cụm cô lập, khó ứng cứu nhau bằng đường bộ. Đến trận tiêu diệt Sư đoàn 23, tuy lực ta và địch xấp xỉ nhau, nhưng thế ta lại hơn hẳn thế địch, ta đã cài sẵn thế đánh úp khi địch đổ bộ, nên ta cũng nhanh chóng giành thắng lợi. Còn trận truy kích trên đường số 7, tuy số lượng địch đông hơn ta nhiều, nhưng chúng đã thất thế (rút chạy hỗn loạn đã mất tinh thần, mang theo tâm lý thất bại) nên chúng đã thất bại thảm hại.
Đó còn là, nghệ thuật vận dụng sáng tạo cách đánh chiến dịch và tổ chức các trận then chốt. Cách đánh đó thể hiện cụ thể trong các biện pháp tác chiến, đánh cắt giao thông, đánh thị xã, đánh căn cứ, đánh quân địch phản đột kích, đánh địch rút chạy. Cách đánh chung của chiến dịch là: tiến hành nghi binh tạo thế, thu hút và giam chân chủ lực địch trên hướng khác, tạo ưu thế trên hướng và mục tiêu chủ yếu, thực hiện bao vây, chia cắt chiến lược và chiến dịch, cô lập từng cụm quân địch; kết hợp đột phá với luồn sâu, thọc sâu thực hiện trong ngoài cùng đánh, dùng các cụm đột kích binh chủng hợp thành để phá vỡ phòng ngự địch.
Chiến thắng của trận then chốt mở đầu đã tạo thế và lực thúc đẩy chiến dịch phát triển; tạo điều kiện kéo địch ra ngoài công sự để tiếp tục tổ chức thực hành các trận then chốt trong chiến dịch Tây Nguyên như tiêu diệt địch đổ bộ đường không xuống Phước An. Trong kế hoạch chiến dịch, ta cũng đã dự kiến địch có thể đổ bộ Sư đoàn 23 bằng máy bay lên thẳng xuống Đường số 21 phía đông Buôn Ma Thuột để phản kích ứng cứu thị xã, vì Sư đoàn 23 không thể đi đường số 14, do Sư đoàn 320 của ta đã đánh chiếm. Sau khi đánh xong Đức Lập, ta dùng xe ô tô cơ động Sư đoàn 10 về đứng chân ở phía Đông Bắc thị xã Buôn Ma Thuột sẵn sàng đánh Sư đoàn 23 ngụy đổ bộ bằng máy bay lên thẳng xuống các khu vực có dự kiến. Tình huống đã diễn ra đúng như vậy. Thế là ta đã đưa địch vào kế và thế của ta. Hoặc trận then chốt tiêu diệt tập đoàn rút chạy của địch trên đường số 7 cũng nảy sinh trong quá trình chiến dịch. Thắng lợi của trận truy kích – tiêu diệt này thể hiện trình độ cả về tổ chức nắm địch và quyết đoán của Bộ tư lệnh chiến dịch, trách nhiệm và năng lực tổ chức của cơ quan chiến dịch cũng như tinh thần dũng cảm và thông minh, ý thức chấp hành mệnh lệnh của bộ đội Tây Nguyên. Hướng phát triển thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên xuống đồng bằng ven biển Khu 5 đã tạo thế chia cắt chiến lược rất hiểm, làm cho địch lâm vào thế bị cô lập.
Nghệ thuật tổ chức và thực hành trận then chốt mở đầu đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên thể hiện sâu sắc tư tưởng quan điểm chiến tranh nhân dân Việt Nam, kế thừa những kinh nghiệm truyền thống của các chiến dịch trong các cuộc chiến tranh, hội tụ gần như đầy đủ các yếu tố cấu thành nghệ thuật chiến dịch; do đó đã phát triển sáng tạo và thể hiện ở trình độ cao về nghệ thuật quân sự Việt Nam.