Đánh du kích kết hợp đấu tranh chính trị trong Phong trào Đồng khởi
Dân quân tự vệ nói chung và lực lượng dân quân du kích nói riêng được hình thành từ đỉnh cao phong trào chiến tranh cách mạng của quần chúng, chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang, giành chính quyền, giữ chính quyền và tiến hành kháng chiến chống kẻ thù xâm lược.
Ở Bến Tre các đội du kích ra đời và phát triển từ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng và chiến tranh nhân dân ở địa phương, đã bám trụ tại xã, ấp cùng với bộ đội địa phương và nhân dân thực hiện chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện. Trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng du kích, các đội vũ trang và cơ sở mật đóng vai trò hết sức quan trọng, cùng lực lượng quần chúng nổi dậy làm nên cuộc “Đồng khởi” năm 1960.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (7-1954), trên cơ sở nắm vững mục tiêu của cách mạng miền Nam, với ý thức chuẩn bị xây dựng lực lượng kháng chiến cho địa phương, Tỉnh ủy Bến Tre lựa chọn số cán bộ, đảng viên cốt cán ở lại bám đất, bám dân lãnh đạo phong trào. Hệ thống tổ chức đảng từ tỉnh đến xã được bí mật thành lập; tổ chức lực lượng “Thanh niên mật” (du kích mật), các đội vũ trang để bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở, trừ gian, diệt ác được hình thành. Một số đảng viên, đoàn viên, quần chúng nòng cốt được cài vào dân vệ, bảo an làm cơ sở nội tuyến trong các đồn bốt và bộ máy tề xã, tề ấp. Đây là một chủ trương sáng suốt của Tỉnh ủy Bến Tre, chuẩn bị về lực lượng sẵn sàng nổi dậy khi thời cơ đến.
Lực lượng du kích xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre chiến đấu chống Mỹ- ngụy trong những ngày đầu Đồng khởi ở Bến Tre (1960). Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam |
Từ năm 1956 đến năm 1959, Mỹ và chính quyền Sài Gòn thi hành nhiều biện pháp khủng bố như “tố Cộng, diệt Cộng”; thi hành “Luật 10/59”, ráo riết lùng sục, bố ráp tìm bắt cán bộ, đảng viên và cơ sở cách mạng (gần 1000 cán bộ, đảng viên ở Bến Tre bị bắt, giết). Trước hành động khủng bố tàn khốc của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, để bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở; giữ thế phong trào đấu tranh của quần chúng, Tỉnh ủy phát động phong trào trừ gian, diệt ác. Cơ sở nội tuyến được lệnh hành động phối hợp với du kích mật và quần chúng nòng cốt để thực hiện, làm cho bọn cảnh sát, chỉ điểm phải hoảng sợ, không còn hung hăng như trước, lấy lại niềm tin trong quần chúng nhân dân.
Ngày 1-1-1960, tại Mỏ Cày, đồng chí Nguyễn Thị Định, Phó bí thư Tỉnh ủy truyền đạt Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 15 và chủ trương của Khu ủy Khu 8: Phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa. Ngày 17-1-1960, tại 3 xã: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh huyện Mỏ Cày, các tổ, đội du kích kết hợp với cơ sở nội tuyến cải trang, diệt tên đội Tý, chỉ huy Tổng đoàn dân vệ tổng Minh Đạt làm hiệu lệnh mở đầu Phong trào Đồng khởi. Cùng lúc cơ sở ta ở đồn Vàm Nước Trong (Định Thủy) vận động số lính tề ấp, dân vệ ra hàng. Tiếp đó, lực lượng du kích và quần chúng nổi dậy chiếm trụ sở tổng đoàn dân vệ, thu toàn bộ vũ khí. Phát huy thắng lợi của Định Thủy, phong trào khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng toàn tỉnh, trong đó có 47 xã của các huyện: Mỏ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú, nhân dân nhất tề nổi dậy diệt ác, chiếm đồn, phá tan bộ máy kìm kẹp. Trong tuần lễ Đồng khởi, 37 đồn bốt bị bức rút, bức hàng; diệt và bắt hơn 300 tên chỉ điểm, tề, dân vệ ác ôn; giải phóng hoàn toàn 22 xã, thu nhiều vũ khí.
Để đối phó với phong trào Đồng khởi, tìm diệt lực lượng vũ trang và cơ quan đầu não của tỉnh, ngày 25-3-1960, địch huy động gần 10.000 quân hỗn hợp bao vây 3 xã: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh.
Nhằm bảo toàn lực lượng, tránh thương vong cho nhân dân, sau khi phân tích tình hình, Tỉnh ủy chủ trương phát động quần chúng đấu tranh phân hóa binh sĩ địch; đồng thời tổ chức lực lượng ra quận lỵ đấu tranh trực diện với địch. Sáng 1-4-1960, hàng nghìn quần chúng ba xã: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh dùng hàng trăm ghe, xuồng chở người già, trẻ con, vật dụng sinh hoạt… tản cư lên thị trấn Mỏ Cày. Lực lượng quần chúng với hơn 10.000 người tràn vào trường học, bệnh viện, bưu điện và bao vây trụ sở quận. Cuộc đấu tranh kéo dài 12 ngày đêm. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, địch đã phải rút khỏi 3 xã.
Từ kinh nghiệm Đồng khởi của Bến Tre, tháng 9-1960, Xứ ủy Nam Bộ phát động cao trào Đồng khởi toàn Nam Bộ. Chấp hành chỉ thị của trên, Tỉnh ủy Bến Tre mở cuộc Đồng khởi đợt 2 trong toàn tỉnh. Hướng chính là Giồng Trôm, hướng phát triển là Mỏ Cày; lấy 5 xã: Phong Nẫm, Phong Mỹ, Châu Phú, Châu Hòa, Châu Bình của huyện Giồng Trôm làm điểm; cùng với 5 xã điểm, 100 xã trong toàn tỉnh đồng loạt nổi dậy trong đêm 24-9-1960. Trước sức mạnh của nhân dân toàn tỉnh, ta bức rút, bức hàng gần 100 đồn, bốt địch; 51 xã hoàn toàn giải phóng. Huyện Giồng Trôm cũng giải phóng hoàn toàn 9 xã, 5 xã giải phóng 3/4 đất đai, phá vỡ bộ máy kìm kẹp của địch. Tại huyện Mỏ Cày, giải phóng hoàn toàn 10 xã; 12 xã giải phóng 3/4 đất đai…
Từ thực tiễn cao trào Đồng khởi năm 1960 có thể rút ra 3 bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo phong trào du kích chiến tranh kết hợp đấu tranh chính trị và binh vận của Bến Tre như sau:
Một là, làm tốt công tác tổ chức, xây dựng phong trào du kích chiến tranh tồn tại và phát triển trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, tình thế của chiến tranh. Trong những năm khó khăn (1956-1959), khi địch tiến hành biện pháp khủng bố “tố Cộng, diệt Cộng”, đàn áp dã man phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng; cán bộ, đảng viên vẫn bám trụ trong quần chúng, dựa vào cơ sở cách mạng để tồn tại và phát triển. Địch có thể chiếm đóng được nhiều đồn, bốt; nhưng không tiêu diệt được lực lượng cách mạng, chiến tranh du kích ngày càng phát triển. Ngược lại, chúng phải đối phó hằng ngày, hằng giờ với 3 mũi giáp công “chính trị, quân sự, binh vận” của ta, âm mưu tách Đảng ra khỏi dân, thực hiện “tát nước bắt cá” của địch bị thất bại.
Hai là, dựa vào thực tế tình hình địa phương, đề ra chủ trương, biện pháp đấu tranh thích hợp. Bằng nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự và binh vận, đặc biệt là nghệ thuật phát động quần chúng đấu tranh chính trị lên cao trào trở thành “đội quân tóc dài” huyền thoại (điển hình là trận chống 10.000 quân địch hành quân càn quét vào ba xã Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp). Đây là kinh nghiệm quan trọng, một sáng tạo mới về phương thức đánh địch của Đảng bộ, quân và dân Bến Tre. Phong trào Đồng khởi làm đảo ngược tình thế, tạo nên cục diện mới hết sức thuận lợi mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Bến Tre, cũng như chiến trường miền Nam sau này.
Ba là, tự lực, tự cường sáng tạo nhiều cách đánh du kích. Sinh ra trong chiến tranh nhân dân, lực lượng dân quân, du kích lúc đầu còn rất nhỏ bé, hầu như chưa được trang bị vũ khí, kế thừa kinh nghiệm đánh giặc trong kháng chiến chống Pháp, đã tự tạo ra các loại vũ khí; sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo của riêng du kích. Đồng thời, thực hiện tốt các đợt tổng hợp, các chiến dịch tổng hợp: Tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công; tiêu diệt địch giành quyền làm chủ, giành quyền làm chủ và tiêu diệt địch.
Trong phong trào Đồng khởi, nhờ nắm vững quan điểm và đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, lòng tin tưởng tuyệt đối và biết dựa vào sức mạnh quần chúng, Đảng bộ, quân và dân Bến Tre đã giải quyết thành công những vấn đề đặt ra trong cuộc đấu tranh quyết liệt với quân thù và đã giành được thắng lợi có tính chất quyết định.
Đại tá NGUYỄN VĂN LĂNG