Tổng tiến công và nổi dậy, buộc Mỹ xuống thang chiến tranh
TRẦN KIM HÀ
Tháng 6-1967, Trung ương Đảng họp và đánh giá: Thắng lợi to lớn của nhân dân ta đã đánh bại một bước rất cơ bản cuộc “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Địch bị lúng thtúng cả về quân sự lẫn chính trị, khả năng tiếp tục tăng quân Mỹ vào miền Nam không có nhiều. Về ta, cả thế và lực đã có nhiều tiến bộ. Vì vậy, nhân lúc đế quốc Mỹ đang đứng trước thế tiến lui đều khó, nhân lúc nước Mỹ bầu tổng thống, cần chuẩn bị đánh cho địch một đòn quyết định, giành thắng lợi to lớn, tạo nên sự chuyển biến nhảy vọt, buộc Mỹ phảiua về quân sự.
Thực hiện chủ trương của Trung ương, tháng 12-1967, Bộ Chính trị ra một nghị quyết lịch sử: Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam của ta sang một thời kỳ mới-thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Nhiệm vụ được xác định là động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả hai miền, đưa cuộc cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích-tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định, nhằm đạt được những mục tiêu chiến lược.
Tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong điều kiện địch còn hơn 1 triệu quân và tiềm lực chiến tranh lớn, nên việc tiến công của lực lượng quân sự trên các chiến trường và sự nổi dậy của nhân dân ở các đô thị lớn là hai mũi tiến công chính kết hợp chặt chẽ với nhau, hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy toàn bộ cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa.
Bộ đội hành quân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu. |
Cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, đêm 20-1-1968, ta tiến hành mở Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh để hút và giữ chân một lực lượng lớn quân địch ra Bắc Quảng Trị. Đến đêm 30, rạng sáng 31-1-1968, quân và dân ta đã đồng loạt nổi dậy tiến công địch trên toàn miền Nam. Mục tiêu địch tại các trung tâm đô thị lớn như: Huế, Đà Nẵng, Plei-cu, Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, Sóc Trăng… đều bị tấn công. Đặc biệt là ở Sài Gòn, ta đã tấn công vào hầu hết các mục tiêu đầu não của địch như: Đại sứ quán Mỹ, Tổng nha Cảnh sát, Bộ Tổng tham mưu ngụy, dinh Độc Lập, sân bay Tân Sơn Nhất, các bộ tư lệnh quân đoàn, sư đoàn Mỹ-ngụy… Kết hợp với tiến công quân sự, nhân dân đã vùng lên phá ấp chiến lược, phá tan bộ máy ngụy quyền của địch, bức rút, bức hàng nhiều đồn bốt, giành quyền làm chủ và giải phóng nhiều vùng nông thôn.
Trong đợt 1 của Tổng tiến công và nổi dậy, ta đã tiêu diệt và làm tan rã từng mảng lớn quân địch. Đã có 147 nghìn tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu. Lực lượng viễn chinh Mỹ có 5 tiểu đoàn và 69 đại đội bị tiêu diệt, hoặc bị đánh thiệt hại nặng. Ta đã phá hủy 2.370 máy bay, 1.700 xe tăng, xe bọc thép, hàng nghìn xe ô tô của địch. Vật tư dự trữ chiến tranh của địch bị phá hủy khoảng 34%. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của ta đã làm đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.
Đặc biệt, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã khiến nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc. Ngày 22-3-1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn ra lệnh cách chức Oét-mo-len và triệu hồi về Mỹ. Ngày 31-3-1968, Giôn-xơn tiếp tục thông báo hạn chế hoạt động của quân Mỹ ở Việt Nam bằng cách ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở lên, đồng thời tuyên bố không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai và cử người đàm phán với chính phủ ta tại Pa-ri. Như vậy có thể khẳng định, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đã trở thành hồi chuông cáo chung cho chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ.